Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z – Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách

Năm 2022, mình gửi bản thảo Nằm nghe gió thổi sau hè cho một đơn vị phát hành sách với hy vọng sẽ được mua bản quyền. Thế nhưng sau đó bản thảo bị từ chối và mình đã rơi vào khủng hoảng vì nghĩ rằng “cuốn sách của mình quá tệ”. Khi ấy, mình cảm giác như mọi thứ dần sụp đổ vì trở thành tác giả sách là ước mơ từ năm 18 tuổi của mình.

Sau đó, mình biết đến có một hình thức nữa giúp các tác giả xuất bản cuốn sách đầu tay, đó là tự xuất bản sách từ A đến Z. Và rồi mình quyết định bỏ ra một khoản tiền để xuất bản cuốn sách đầu tay thay vì gửi bản thảo đến lần lượt nhiều Nhà xuất bản (NXB) hay các đơn vị phát hành khác rồi chờ đợi trong mỏi mòn.

Kết quả, lần ra mắt sách đầu tiên, mình bán được 250 cuốn và sau hơn một năm, số lượng sách Nằm nghe gió thổi sau hè đã bán ra hơn 600 cuốn và nhận về những phản hồi tích cực. Mình cho rằng đó là một sự đầu tư xứng đáng.

Tựa như một cánh cửa đóng lại, sau đó một cánh cửa khác sẽ mở ra cho mình nhiều niềm vui mới. 

Tự xuất bản sách là gì?

Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z - Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách
Cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè do mình tự xuất bản và truyền thông bán

“Tự xuất bản” là gì? Có khác gì với thuê dịch vụ xuất bản sách không? Nếu bạn còn hoang mang với khái niệm “tự xuất bản”, thì mình làm rõ cho bạn hiểu nhé. 

Tự xuất bản là một hình thức bạn tự bỏ tiền ra để in sách bao gồm thực hiện các công việc sau:

– Biên tập bản thảo 

– Xin giấy phép xuất bản

– Xin giấy phép phát hành

– Thiết kế bìa

– Dàn trang

– In ấn

– Truyền thông để bán số lượng sách đã in.

Thông thường, một tác giả sách khó có thể làm tất cả những khâu mà mình kể trên, lý do là vì họ thường không có thời gian và không đủ chuyên môn. Do vậy thường họ sẽ thuê dịch vụ để hỗ trợ một phần hoặc hỗ trợ giúp bạn tự xuất bản sách sách từ A đến Z. Kể cả khi bạn không tự tay làm 100% các đầu việc trên mà thuê dịch vụ thì vẫn gọi là hình thức “tự xuất bản”.

Chẳng hạn như mình, năm 2022 mình ra mắt sách Nằm nghe gió thổi sau hè. Bởi vì không biết quy trình tự xin giấy phép xuất bản như thế nào, có rắc rối phức tạp không và cũng không đủ thời gian để tự thực hiện, vì vậy mình đã thuê dịch vụ hỗ trợ. 

Hoặc là đến giai đoạn thiết kế bìa sách. Rõ ràng với một người chuyên viết như mình thì thiết kế không phải là thế mạnh, chưa kể khi thiết kế bìa sách hay dàn trang cần phải nắm rõ quy chuẩn xuất bản, nên mình đã phải tìm họa sĩ để vẽ minh họa cho bìa.

Dù bạn chọn tự làm từ A đến Z hay thuê dịch vụ đều được. Bài viết này mình không kêu gọi hay khuyên bạn sẽ chọn cách nào, nhưng sẽ phân tích chi tiết cho bạn ưu – nhược điểm của mỗi lựa chọn để bạn ra quyết định phù hợp.

Tự bạn xuất bản từ A đến Z

Nếu bạn quyết định tự làm 100% từ A đến Z các công việc tự xuất bản thì tham khảo những bước sau:

Bước 1: Biên tập bản thảo

Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z - Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách
Biên tập và tư vấn xuất bản sách là công việc mình làm trong suốt hơn 1 năm qua

Bạn có thể tiến hành tự biên tập bản thảo sau khi viết xong, bằng cách đọc lại toàn bộ nội dung và chỉnh sửa câu từ, nội dung. Bạn có thể đọc bài viết: Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới để có thêm kinh nghiệm sửa lỗi. Tuy nhiên, biên tập sách không chỉ là câu chuyện sửa câu từ hay chính tả, ngữ pháp. 

Một số tác giả mình từng làm việc đều nghĩ rằng khi hoàn thành một cuốn sách, nghĩa là bạn đã có kỹ năng viết tốt và có thể tự biên tập bản thảo của mình. Thực tế không phải như vậy.

Thứ nhất, bởi vì chính bạn viết ra nên bạn sẽ có cảm giác “mình viết cũng hay mà”. Vậy nên bạn dễ dàng bỏ qua những điểm thiếu sót trong cuốn sách (và mình thường hay gọi là “điểm mù” – tức là lỗi mà người viết không nhận ra).

Thứ hai, một người viết sách không có nghĩa là họ có kỹ năng biên tập. Chưa kể để bản thảo được cấp phép xuất bản, nội dung phải đảm bảo không có những yếu tố nhạy cảm hay chi tiết tranh cãi,… Đó là lý do bạn cần một biên tập viên có chuyên môn để thẩm định bản thảo và trau chuốt lại nội dung cho bạn. Trong năm qua, mình đã biên tập, hỗ trợ xuất bản cho 03 cuốn sách và ra mắt thành công, nếu bạn cần một biên tập viên trau chuốt lại bản thảo, có thể liên hệ với mình qua email haiduong7074@gmai.com để được tư vấn nhé.

Cuối cùng, như mình chia sẻ ở trước đó, biên tập bản thảo không phải chỉ là chuyện sửa lỗi dùng từ, cách dùng dấu câu, soát lỗi chính tả hay dò xem có lỗi ngữ pháp nào không. Mà còn là việc đọc và thẩm định nội dung để góp ý, tư vấn cho tác giả nhằm điều chỉnh cuốn sách sao hợp lý nhất, đảm bảo vừa ý tác giả và hợp thị hiếu độc giả.

Bước 2: Vẽ bìa

Nếu bạn là một người viết và biết thiết kế bìa, vậy thì có thể vẽ bìa sách dễ dàng. Bởi vì không ai hiểu rõ “đứa con tinh thần” của bạn hơn chính bạn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đa năng như vậy, hơn nữa thiết kế bìa sách cũng cần kinh nghiệm và hiểu rõ những quy chuẩn phát hành. 

Hơn nữa nếu tự làm, bạn sẽ phải dành thời gian để học cách sử dụng các công cụ thiết kế, phối màu,… như vậy sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Chưa kể, với các sản phẩm kinh doanh thương mại cần đảm bảo bản quyền rõ ràng, do vậy bạn không thể thiết kế bìa từ bằng cách tải ảnh từ Google hay Canva miễn phí, thậm chí dùng những font chữ lậu (không có bản quyền) cũng bị xem là vi phạm.

Vậy nên theo mình, bạn có thể lên ý tưởng một chiếc bìa sách mơ ước và diễn tả lại điều đó với người thiết kế, họ sẽ giúp bạn phác thảo mọi ý tưởng thành hình. Và những người thiết kế giỏi sẽ giúp bạn hoàn thành bìa sách nhanh chóng chỉ trong vài ngày hoặc chỉ trong vài tiếng đồng hồ. 

Ví dụ bìa sách Nằm nghe gió thổi sau hè của mình, họa sĩ Thông Nguyễn chỉ mất 2 tiếng hoàn thành và sau đó gửi bản hoàn chỉnh trong vòng 24 tiếng kể từ khi mình trao đổi ý tưởng.

Bước 3: Dàn trang

Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z - Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách
Nguồn ảnh: Venessa Serpas, Unsplash

Nếu bạn tự dàn trang, có thể tham khảo một số công cụ sau:

– Adobe Indesign

– QuarkXPress

– CorelDraw

– Affinity Publisher

Như bước vẽ bìa, dàn trang là một công đoạn tốn nhiều thời gian nếu bạn chưa biết gì về thiết kế. Thậm chí không phải những bạn thiết kế đồ họa nào cũng dàn trang được, vì công việc này đòi hỏi kinh nghiệm và nắm được cách trình bày trang giấy làm sao cho thẩm mỹ, đảm bảo tốt hiệu ứng thị giác và quan trọng là đảm bảo đúng với quy định xuất bản.

Sau khi dàn trang xong, bạn sẽ cần gửi bìa sách và file dàn trang để xin giấy phép xuất bản và giấy phát hành.

Bước 4: Xin giấy phép xuất bản

Giấy phép xuất bản (Quyết định Xuất bản/tái bản xuất bản phẩm) là tờ giấy bắt buộc phải có theo quy định của Luật Xuất bản. Giấy phép này sẽ do NXB cấp cho bạn để cho phép bạn được in với số lượng sách và số trang sách (trong một cuốn sách) nhất định theo như đơn đăng ký. 

Để xin giấy phép, đầu tiên bạn cần nhắm đến đơn vị xuất bản phù hợp như: 

– Đối với dòng sách văn học, bạn có thể xin giấy phép tại NXB Văn học hoặc NXB Hội nhà văn

– Đối với sách khoa học, phát triển bản thân có thể xin giấy phép tại NXB Thế giới, NXB Hồng Đức, NXB Phụ nữ

– Đối với sách chuyên môn, ngành nghề thì có thể xin giấy phép tại NXB Trẻ, NXB Dân Trí, NXB Thanh Niên

– Đối với dòng sách thiếu nhi (thơ, truyện), bạn có thể xin giấy phép tại NXB Kim Đồng

Lưu ý: Tất cả mọi gợi ý ở trên chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên cân nhắc lựa chọn NXB phù hợp với chủ đề/nội dung bản thảo nhé.

Trường hợp là sách tự viết, bạn có thể đăng ký bản quyền (điều này không bắt buộc). Mục đích của việc này là hợp thức hóa bạn là chủ sở hữu (sáng tạo ra) tác phẩm đó. Trường hợp với sách dịch, bạn cần sự chấp nhận của tác giả hoặc người đang sở hữu bản quyền bản thảo đó.

Với các tài liệu tham khảo dùng cho học tập, làm việc thì bạn chỉ cần biên soạn mà không cần phải xin giấy phép. Tuy nhiên chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc lưu hành nội bộ mà thôi.

Bước 5: Xin giấy phép phát hành

Giấy phép phát hành sách (Quyết định Phát hành xuất bản phẩm) là loại giấy phép cho phép bạn được phát hành và kinh doanh (hiểu đơn giản là được quyền bán sách ra thị trường). Nghĩa là nếu bạn chỉ được cấp giấy phép xuất bản thôi thì chưa đủ quyền bán sách. Vì vậy bạn cần nhanh chóng xin giấy phép phát hành

Với bước 4 và 5, nếu tự làm bạn sẽ phải tốn thời gian chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ và bổ sung nếu thiếu. Tuy nhiên nếu thuê đơn vị tư vấn hỗ trợ xuất bản, bạn sẽ được hỗ trợ từ A đến Z, theo mình thì cách này tiện lợi và nhanh chóng hơn. Nếu cần thông tin về các đơn vị xin giấy phép xuất bản và phát hành sách, bạn có thể liên hệ với mình nhé.

Bước 6: In ấn

Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z - Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách
Nguồn ảnh: Mari Potter, Unsplash

Đây là công đoạn tốn nhiều chi phí nhất trong quá trình tự xuất bản sách từ A đến Z. Đặc biệt kể từ sau Covid-19, chi phí cho hoạt động in ấn cũng tăng cao khiến cho nhiều tác giả “chùn chân” trước con đường trở thành tác giả sách.

Nếu bạn tự in ấn, nên tìm các nhà in có danh tiếng để họ có thể cho ra những cuốn sách đẹp và chất lượng. Và tuyệt đối không nên in tại các tiệm in nhỏ lẻ hay tiệm photocopy bởi vì những đơn vị này không có nhiều kinh nghiệm in sách, đồng thời máy móc công cụ không đủ đảm bảo để cho ra số lượng sách từ vài trăm cho đến vài ngàn.

Hiện nay trên thị trường có 2 loại bìa: bìa cứng và bìa mềm. Bìa cứng có chi phí cao nhưng bìa cứng cáp, nâng tầm cuốn sách của bạn để trở thành mặt hàng cao cấp hơn. Nếu là một tác giả nổi tiếng và có sẵn lượng người hâm mộ, bạn có thể in một số lượng nhỏ bìa cứng để làm pre-order (đăng ký sớm) và bìa mềm để bán cho đại chúng.

Bìa mềm có giá phải chăng, phù hợp với những bạn không có nhiều ngân sách để in sách. Cuốn sách đầu tay của mình cũng in bìa mềm và mình thấy vẫn tốt sau hơn 1 năm, không bị quăn góc hay phai màu, hỏng hóc.

Với phương án tự in, bạn cần kiểm soát quá trình in và cả đầu ra để đảm bảo sách không gặp sự cố (in mờ nhòe, màu bị sai lệch so với màu gốc, mất trang,…). 

Bước 7: Tự truyền thông bán sách

Sau khi có sách, cuối cùng bạn sẽ tự lên kế hoạch truyền thông để bán sách. Thời gian đến mình cũng sẽ chia sẻ về cách làm thế nào để bán sách sau khi tự xuất bản từ A đến Z trên duongstory.com. Bạn có thể theo dõi blog mình để biết thêm thông tin nhé.

Như mình nói, lý do để cuốn sách bán chạy có rất nhiều yếu tố và nội dung hay thôi thì chưa đủ. Nếu bạn cần hỗ trợ và giải đáp thắc mắc về quá trình truyền thông để bán sách tự xuất bản, có thể đăng ký tư vấn có phí với mình tại đây nhé.

Đọc thêm:

Viết cuốn sách đầu tay, cần lưu ý những gì

Một số mẹo giúp bạn tiết kiệm chi phí tự xuất bản sách

7 lưu ý khi gửi bản thảo đến nhà xuất bản mà tác giả cần biết

Book Proposal là gì, làm thế nào để viết Book Proposal thu hút?

Thuê dịch vụ xuất bản

Mình vừa chia sẻ 7 bước tự xuất bản giúp bạn hiểu rõ quy trình cho ra đời một cuốn sách. Trong 7 bước đó, bạn có thể thuê nhân sự ngoài hỗ trợ 1, 2 bước liên quan đến chuyên môn để bản thảo đạt chất lượng tốt. Chẳng hạn thay vì thuê dịch vụ trọn gói, bạn có thể tìm một số biên tập viên cứng tay để giúp bạn trau chuốt, đánh bóng bản thảo. Đồng thời một họa sĩ hợp gu cũng giúp bạn có được chiếc bìa ưng ý thay vì chỉnh sửa nhiều lần.

Sau khi đã có một bản thảo hoàn thiện, lúc này bạn chỉ cần tìm đến các dịch vụ xuất bản để tiến hành bước 4, 5, 6 bao gồm xin giấy phép và in ấn (và dĩ nhiên bạn không cần phải biên tập bản thảo thêm một lần nào nữa).

Lúc này dịch vụ xuất bản sẽ giúp bạn xin giấy phép, đăng ký bản quyền (nếu có) và hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường (trên sàn thương mại điện tử lẫn các nhà sách trên toàn quốc như Fahasa, Phương Nam,…). Thông thường các đơn vị in sách cho bạn sẽ hỗ trợ bán sách hộ. Tùy thuộc vào từng đơn vị mà mức chiết khấu sẽ khác nhau, thường là từ 25 – 55%. 

Để tìm được dịch vụ xuất bản chất lượng, bạn cần lưu ý:

– Nên làm hợp đồng khi xuất bản để đảm bảo không có sai sót, trục trặc trong quá trình in ấn, phát hành.

– Nếu hợp đồng ghi 30 – 45 ngày sau có sách, hãy cẩn thận hỏi lại có phải chỉ tính ngày làm việc (không tính thứ 7, chủ nhật).

– Các mốc thời gian trong hợp đồng cần được kiểm tra kỹ lưỡng.

– Đừng chú ý vào giá cả quá nhiều nếu đơn vị đó có chiến lược truyền thông tốt và hỗ trợ bạn bán sách. 

Mình thường nói với khách hàng cũ rằng, đôi khi một đơn vị giá cao nhưng có hỗ trợ truyền thông và bán sách tốt thì chắc chắn sẽ có lợi hơn là một đơn vị giá thấp nhưng làm truyền thông không tốt (hoặc thậm chí không hỗ trợ tác giả bán sách).

Một tác giả mình quen tâm sự rằng, sau khi in sách xong bạn ấy không được hỗ trợ tư vấn và hỗ trợ truyền thông nên sau 3 năm, số lượng sách tồn kho khá nhiều. Bạn chỉ bán được gần 100 cuốn sách trong 1000 cuốn đã in và phải tặng cho bạn bè, người thân và quyên góp cho các trung tâm giáo dục hay các thư viện miễn phí.

Nếu bạn còn phân vân về lựa chọn dịch vụ xuất bản, đừng ngại nhắn tin cho mình để được tư vấn nha.

Tự xuất bản sách tiết kiệm chi phí?

Quy trình tự xuất bản sách từ A đến Z - Để bạn hoàn thành giấc mơ trở thành tác giả sách
Nguồn ảnh: Petra Reid, Unsplash

Tháng 12.2024, mình làm việc với tác giả Trang Mía để hỗ trợ cô ấy xuất bản sách Thấu hiểu và định vị bản thân để sống đời rực rỡ. Công việc của mình là biên tập nội dung và bạn trong team mình sẽ vẽ bìa, dàn trang sách. Sau khi xong biên tập và dàn trang, file bản thảo sẽ được gửi cho dịch vụ xuất bản sách. Nhờ đó cô ấy tiết kiệm được một khoản chi phí không hề nhỏ. Nhìn cuốn sách được bán trên các sàn thương mại điện tử và các nhà sách toàn quốc, mình thấy tự hào về công việc đang làm.

Trong 7 bước mà mình chia sẻ ở phần đầu, bạn có thể thuê team biên tập và thiết kế của mình thực hiện từ bước 1 đến bước 3. Lý do là vì:

– Mình đã tự xuất bản sách và tự bán 100% không thông qua sự giúp đỡ hay hỗ trợ truyền thông từ bất kỳ đơn vị nào, nhờ đó mình hiểu rõ quy trình viết và làm truyền thông bán sách như thế nào để giúp bạn bán sách hiệu quả.

– Mình đã viết 7 cuốn sách (bao gồm viết riêng 01 cuốn, chấp bút 02 cuốn, đồng tác giả 04 cuốn) và hỗ trợ xuất bản cho 3 cuốn sách trong 1 năm qua. Ngoài ra mình còn là tác giả hàng chục bài báo, đạt các giải thưởng cao trong các cuộc thi trên báo chí, nên có kinh nghiệm biên tập giúp bạn thẩm định, góp ý cho bản thảo.

– Cộng sự team mình (hiện làm công việc vẽ minh họa bìa sách và dàn trang) là đồng tác giả của hơn 10 cuốn sách, thiết kế 20+ bìa sách và dàn trang cho rất nhiều ấn phẩm khác (ebook, tạp chí, sách,…)

Sau khi hỗ trợ bạn với 3 bước trên, mình sẽ kết nối với dịch vụ xuất bản phù hợp và đảm bảo chất lượng để bạn có thể cầm trên tay cuốn sách của mình. Trong quá trình làm việc, mình cũng sẽ đưa ra một số góp ý, tư vấn dựa trên trải nghiệm viết sách và viết sách thuê cho người khác, để bạn lựa chọn dịch vụ in ấn uy tín, phù hợp hơn.

Thông qua công việc hỗ trợ xuất bản cho tác giả khác, mình cũng thấu hiểu được có những tác giả không thể hoàn thể ra mắt sách như thời hạn mong muốn chỉ vì lý do nào đó. Hoặc vì thiếu thông tin, các bạn hoàn toàn không tìm được phương án xuất bản phù hợp. Đó là lý do mình lựa chọn công việc biên tập và tư vấn xuất bản.

Xuất phát từ một người viết (cựu sinh viên Báo chí) và từng tự xuất bản sách, hơn ai hết mình hiểu rõ nỗi khao khát trở thành tác giả sách của bạn. Đặc biệt, ngày nay khi có nhiều bạn lựa chọn ra mắt sách nhằm xây dựng thương hiệu. Sách càng chất lượng, ra mắt càng sớm và chỉn chu, bạn càng ghi dấu ấn với độc giả, củng cố và định vị thương hiệu. Và đó là lý do mình quyết định đồng hành cùng tác giả trên con đường tự xuất bản sách từ A đến Z, để hỗ trợ các tác giả có được cuốn sách đầu tay – nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian hơn thay vì mất 10 năm như mình.  

Để lại một bình luận