Song song với quá trình viết hằng ngày trong 3 năm qua, mình cũng chăm chỉ đọc sách nhiều hơn. Với mình, sách không phải vạn năng nhưng nhờ những kiến thức có trong sách giúp mình cải thiện tư duy, sáng tạo hơn, học được nhiều từ vựng hay ho và cách diễn đạt lôi cuốn. Và những điều mình vừa liệt kê, lại góp phần giúp mình cải thiện kỹ năng viết, viết tốt hơn, hiệu quả hơn.
Để đọc sách hiệu quả, mình đã áp dụng một số phương pháp đọc và ghi chép, mong rằng sẽ có ích cho những cây viết mới đang trên hành trình chinh phục con chữ.
Bước 1: Đọc lướt để nắm nội dung
Mình đọc sách rất chậm, lý do là vì mỗi khi đọc, cố gắng nhớ và nghiền ngẫm thật lâu để xem chi tiết này, từ ngữ này có thể áp dụng cho các bài viết của mình hay không. Vậy nên, khi cầm trên tay một cuốn sách mới, mình thường sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần.
Ở lần đọc đầu tiên, mình sẽ lướt qua để nắm nội dung và tự trả lời những câu hỏi như:
– Cuốn sách này viết về chủ đề gì?
– Cuốn sách có bao nhiêu phần, mỗi phần đề cập đến vấn đề chính nào?
– Cuốn sách trình bày với văn phong/giọng điệu gì?
– Thông điệp, bài học mà tác giả muốn truyền tải thông qua cuốn sách là gì?
Trường hợp nếu là tiểu thuyết, mình cũng sẽ vẽ ra sơ đồ các mối quan hệ nhân vật trong sách để dễ dàng nắm được mạch truyện. Việc đọc lướt giúp mình nắm được thông tin chung về tác phẩm, nhờ đó lần đọc thứ 2, 3 cũng sẽ dễ dàng tiếp cận nội dung sâu hơn.
Đặc biệt, do đặc thù công việc, nên mình cũng sẽ làm các công việc như biên tập bản thảo sách, ebook, bài long-form. Đọc lướt giúp mình hiểu nội dung của tác phẩm trước khi tiến hành biên tập chi tiết.
Bước 2: Đọc lần 2 và dừng ở thông tin quan trọng
Ở lần đọc này, mình sẽ đọc kỹ từng câu từ để nắm thông tin quan trọng trong cuốn sách. Nếu có những nội dung quan trọng, mình sẽ suy ngẫm, phân tích. Cách đọc này khá phù hợp với những cuốn sách phi hư cấu (thường là sách chuyên ngành, sách phát triển bản thân,…).
Chẳng hạn như trong cuốn sách Phản biện như một chuyên gia của tác giả Lang Minh, tại chương 1 tác giả có đề cập về mô hình luận cứ C-R-E. Với mình, đây là một nội dung khá hay và hữu ích, vì vậy mình đã dừng lại thật đâu để hiểu mô hình này là gì, sau đó áp dụng những kiến thức đọc được để làm các bài tập có trong sách.
Bước 3: Gạch chân từ, cụm từ quan trọng
Thường những cuốn sách mà mình đã đọc qua sẽ luôn có một vài dấu vết để lại. Có thể là dấu gạch chân bằng bút chì, đánh dấu bằng bút dạ hay thậm chí có câu hỏi mình đặt ra cho tác giả (dù biết tác giả chẳng bao giờ nhận được câu hỏi này).
Mình đọc 2 thể loại sách: sách phi hư cấu (mình đã giải thích ở trên) và sách hư cấu (sách sáng tác như tiểu thuyết, tản văn, truyện ngắn, thơ,…). Với sách phi hư cấu, mình sẽ gạch chân thông tin quan trọng gồm số liệu, dẫn chứng, ví dụ. Trong khi đó với sách hư cấu, mình sẽ gạch chân những từ, cụm từ hoặc cách diễn đạt hay để áp dụng trong bài viết. Chẳng hạn khi đọc Thư tình gửi một người của Trịnh Công Sơn, mình đã góp nhặt một số từ đẹp như “rời rã” (rã rời), “hoang vu”, “ê chề”, “mùa băng rã”, “hư vô”,…
Đọc thêm:
10 dạng bài blog phổ biến dành cho blogger
5+ phương pháp giúp bạn tập trung hơn, viết nhiều hơn
Tổng hợp 50 chủ đề viết lách mỗi ngày cho người bắt đầu từ số 0
Làm thế nào để cải thiện tốc độ viết, nâng cao hiệu suất làm việc?
Bước 4: Đọc và viết cảm nhận
Nếu chỉ đọc một cuốn sách, mình dễ nhanh chóng quên đi nội dung của nó. Sẽ có những cuốn sách khác thay thế, rồi nhanh chóng lấp đầy ký ức và thông tin của cuốn sách cũ. Vậy nên mình thường tìm cách để ghi nhớ lại thông tin, câu chuyện đã đọc.
Có 2 cách để ghi nhớ nội dung một cuốn sách: Hoặc là kể cho một ai đó nghe, hoặc là viết lại cảm nhận, chia sẻ về cuốn sách đó. Và mình thường chọn cách hai, là viết bài review về sách. Những chủ đề mà bạn lựa chọn để viết như là:
– Tóm tắt nội dung cuốn sách.
– Cảm nhận về một nhân vật, đoạn trích trong cuốn sách
– Chia sẻ về một chi tiết trong sách mà bạn ấn tượng, nhớ mãi.
– Đánh giá nội dung sách (bao gồm cả những điều hay và chưa hay)
– Đề xuất ý kiến cá nhân cho cuốn sách (ví dụ như thêm phần này, bỏ chương kia hoặc là viết lại một cái kết mới).
– Bài học, thông điệp ý nghĩa mà bạn đúc kết được sau khi đọc xong cuốn sách đó.
Bước 5: Thực hành copyworking
Copyworking là hoạt động ghi chép lại một từ, cụm từ, một câu văn hoặc các phép so sánh, liên tưởng trong một bài blog, bài báo, trong sách,… nào đó. Đa phần chúng ta thường copyworking với những nội dung mình ấn tượng sâu sắc. Vậy nên, mỗi khi đọc một cuốn sách hay, bạn đừng quên ghi lại những từ ngữ hay nhé.
Áp dụng phương pháp này trong đọc sách, mình học được rất nhiều từ ngữ mới lạ, những câu trích dẫn hay để đưa vào trong bài viết sau này. Bạn có thể học cách thực hành copyworking qua bài viết: Tăng vốn từ tiếng Việt, chữa bí từ khi viết với Nằm nghe gió thổi sau hè.
Bước 6: Ghi chú thông tin để làm tư liệu
Là một cây viết thương mại, mình không chỉ đảm bảo nội dung viết ra thu hút, hấp dẫn mà còn phải thuyết phục. Chính vì thế, trong bài content hay các bài quảng cáo (copywriting), mình cũng sẽ trích dẫn các nghiên cứu, số liệu, các ví dụ, câu chuyện,… phù hợp để làm tư liệu.
Ngoài việc tham khảo thông tin trên báo chí, mình cũng sẽ lưu thông tin trong sách để đưa vào bài viết. Chẳng hạn như khi đọc cuốn sách Hãy tò mò như một đứa trẻ của bộ đôi tác giả Brian Grazer và Charles Fishman, mình chú ý đến một vài dẫn chứng:
– “Kể từ khi ra mắt cuốn sách đầu tiên, có hơn 600 triệu bản sách của tác giả Theodor Seuss Geisel đã được bán ra trên toàn thế giới”.
– “Tác giả Mulberry Street cũng từng bị từ chối bởi 27 nhà xuất bản trước khi được Vanguard Press chấp nhận.”
Rõ ràng, những thông tin này vô cùng quý giá với mình và có thể sẽ được trích dẫn trong một bài viết nào đó trên duongstory.com. Vậy nên mình đã ghi chú lại trong sổ tay.
Mình từng chia sẻ rất nhiều bài về phương pháp đọc cũng như những kiến thức thú vị mà những cuốn sách mang lại trên trang cá nhân lẫn website này. Tuy nhiên, mình nhấn mạnh một điều là, đọc sách không giúp mình cải thiện kỹ năng viết ngay lập tức được. Mà bạn cần phải kết hợp song song đọc sách với ghi chép, thực hành copyworking, luyện viết hằng ngày,… để tiến bộ hơn.