10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình cập nhật bài viết thường xuyên trên blog nhưng không có nhiều độc giả ghé thăm. Hoặc dù mình đã tối ưu chuẩn SEO tuy nhiên blog không có lượt xem hoặc lượt truy cập “lèo tèo”. Nếu bạn đang có những băn khoăn đó, cùng theo dõi bài viết dưới đây để xem mình thuộc trường hợp nào không nhé!

Blog mới chưa có lượt tiếp cận

Thông thường những blog mới vừa lập sẽ chưa có nhiều lượt xem, lý do là vì chưa ai biết đến blog cá nhân/website của bạn. Hơn nữa các công cụ tìm kiếm cũng cần một thời gian để đưa bài viết của bạn lên top công cụ tìm kiếm. Do vậy nếu bạn mới tạo blog được khoảng vài ngày, đừng vội nôn nóng nhé, rất có thể mọi người chưa biết đến blog của bạn.

Bạn chưa có độc giả

Một số cây viết kỳ cựu có độc giả trung thành truy cập blog của họ mỗi ngày, mỗi tuần. Đối với một cây viết mới, việc chưa có độc giả hay blog không có lượt xem là điều dễ hiểu. Do vậy, bạn cần phải khoanh vùng độc giả cho mình bằng cách xây dựng nội dung phù hợp. Đồng thời thực hiện các chiến lược quảng cáo blog thông minh trên các nền tảng khác nhau để độc giả có thể tiếp cận đến bài viết của bạn.

Nội dung nhàm chán, trùng lặp

Blog của bạn có nội dung kém hấp dẫn, bài viết của nhàm chán và quen thuộc đến mức những blogger kỳ cựu khác đã từng viết, thậm chí viết rất nhiều rồi. Vậy thì giờ đọc lại toàn bộ nội dung trên blog của bạn, hoặc là suy nghĩ thử xem, ngách bạn chọn, đề tài bạn muốn viết đã có ai viết chưa? Bạn sẽ làm gì để tạo nên sự khác biệt đó?

10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục
Nguồn ảnh: Perfecto Capucine, Unsplash

– Nội dung của bạn quá hời hợt, thiếu chiều sâu, viết một cách chung chung và qua loa chỉ để đủ số từ. Hãy nhớ rằng độc giả ngày càng thông minh và luôn muốn được đọc những thông tin chất lượng, chuyên sâu.

– Nội dung lủng củng, khó hiểu cũng là điểm trừ. Một học viên trong khóa Viết blog của mình làm việc nhiều năm tại Châu Âu, do hạn chế về việc sử dụng tiếng mẹ đẻ nên bài viết của bạn có những câu văn khó hiểu. Cần phải thừa nhận rằng, khi truyền đạt thông tin không hiệu quả thì độc giả cũng không mặn mà đọc thêm những nội dung khác trên blog.

Nội dung mang tính giáo huấn, áp đặt cũng sẽ khiến độc giả dần rời xa blog bạn. Viết một cách tự nhiên, chân thành đồng thời lồng ghép những câu chuyện/trải nghiệm, bài viết sẽ sinh động và thuyết phục hơn nhiều so với cụm từ như “bạn hãy”, “bạn cần phải”,…

Hình thức không thu hút

Tiêu đề bài viết và đoạn mở đầu là yếu tố quan trọng quyết định đến việc độc giả có nhấp chuột vào bài viết và đọc phần tiếp theo hay không. Đọc lại các hướng dẫn viết viết tiêu đề và đoạn mở đầu trên duongstory.com để tham khảo nhé.

Ngoài ra hình ảnh cũng là một yếu tố quan trọng, hình ảnh có vai trò gây ấn tượng đầu tiên với thị giác. Do vậy khi chọn ảnh thumbnail, bạn nên lựa chọn màu sắc thu hút, nổi bật. Nếu thêm text (chữ viết), hãy cố gắng viết ngắn gọn và làm rõ được thông điệp bài viết muốn truyền tải. Canva và kho ảnh miễn phí như Unsplash, Pixabay mang đến những bức ảnh độc đáo.

Bài viết liên quan:

5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn

Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn

6 cách viết mở đầu cứu nguy cho bạn khi bí ý tưởng

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?

Đi tìm phong cách viết mang dấu ấn cá nhân cho riêng bạn

Không đăng bài thường xuyên

10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục
Nguồn ảnh: Agence Olloweb, Unsplash

Google luôn đánh giá cao những website có nội dung được cập nhật liên tục và đều đặn, do vậy bạn nên viết bài hằng tuần. Độc giả cũng sẽ thích truy cập những trang web luôn có nội dung mới mỗi tuần và chẳng ai muốn vào một khu vườn hoang đầy cỏ dại. Vậy nên, bạn chú ý cập nhật bài viết đều đặn, tần suất có thể là 1 bài/tuần hoặc 2 bài/tháng tùy thuộc vào quỹ thời gian của bạn.

Bài viết chưa được lập chỉ mục

Index hay còn gọi là lập chỉ mục cho bài viết, nghĩa là công cụ tìm kiếm sẽ thu thập dữ liệu đồng thời, xác thực website/blog của bạn có tồn tại. Khi website/blog được lập chỉ mục, người dùng mới có thể tìm thấy blog/web của bạn. Ngược lại khi blog của bạn chưa được lập chỉ mục, người dùng Google, Yahoo, Coccoc,… không thể tìm thấy blog và cả những bài viết của bạn.

Nếu bạn đã vận hành blog từ 3 – 5 tháng (với nội dung chất lượng) mà vẫn chưa có lượt xem từ các công cụ tìm kiếm, lúc này hãy kiểm tra blog đã được lập chỉ mục hay chưa. Nếu bài viết chưa được lập chỉ mục, rất khó để độc giả tìm thấy bạn. Để tìm hiểu về lập chỉ mục cùng các thuật ngữ chuẩn SEO, bạn có thể đọc bài viết: Những hiểu lầm về nội dung chuẩn SEO mà nhiều người mắc phải.

Không xuất hiện mạng xã hội

Với những blogger mới, chia sẻ bài blog trên mạng xã hội là cách vô cùng hiệu quả. Bạn bè, người thân hoặc những người đang quan tâm đến bạn sẽ trở thành độc giả của bạn hoặc lan tỏa bài viết của bạn đến với nhiều người khác hơn. Hơn nữa tận dụng mạng xã hội để tăng lượt truy cập cho blog/website cũng tốt cho SEO.

Tuy nhiên khi chia sẻ bài viết trên mạng xã hội bạn cần lưu ý: 

– Không nên chia sẻ liên tục vì dễ bị báo cáo spam, bạn nên phân bố tần suất hợp lý, ví dụ 2, 3 bài/tháng.

– Tốt nhất nên viết bài và đính kèm đường dẫn bài viết dưới phần bình luận thay vì chia sẻ mỗi đường dẫn (link).

Không tối ưu chuẩn SEO

Nếu blog của bạn có giao diện thu hút, hình ảnh bắt mắt, cũng chia sẻ nhiều trên mạng xã hội tuy nhiên lượt xem vẫn không cải thiện thì hãy xem xét lại phần tối ưu chuẩn SEO. Một blog/website có lượt truy cập tốt phải là sự kết hợp giữa nội dung tốt, hình thức thu hút, tối ưu chuẩn SEO để thân thiện với các công cụ tìm kiếm.

Chẳng hạn như từ khóa đã đặt đúng vị trí, các liên kết trong bài đã tốt chưa, thẻ ALT ảnh đã chuẩn chưa,… Bạn có thể tìm thấy các nội dung này trong khóa học Viết blog online của mình. 

Tốc độ load web quá chậm

10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục
Nguồn ảnh: Norbert Levajsics, Unsplash

Hãy tưởng tượng, nếu bạn truy cập vào một blog nào đó và phải mất hơn 30 giây trang đầu tiên mới hiện ra, liệu bạn có đủ kiên nhẫn để xem những nội dung khác? Độc giả của bạn cũng vậy. Khi trải nghiệm đầu không tốt, họ sẽ cân nhắc có nên quay lại blog đó nữa hay không hoặc có thể là “một đi không trở lại”. Hãy quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm của độc giả bằng cách kiểm tra xem blog của mình đã chạy ổn định chưa, tốc độ tải trang có quá chậm hay không, hình ảnh hiển thị rõ nét không,…

Không chạm đúng insight độc giả

Insight là một thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực Marketing. Insight được hiểu là sự thật ngầm hiểu, là bí mật ẩn chứa sâu bên trong khách hàng và có vai trò tác động/ảnh hưởng đến hành vi mua hàng. Trong viết blog, hiểu rõ được insight của độc giả giúp bạn đưa ra nội dung phù hợp. Nhờ đó độc giả sẽ thu hút, đồng cảm hoặc thấu hiểu hơn, gắn bó sâu sắc và ủng hộ blog của bạn.

Để nghiên cứu insight độc giả, đó không phải là câu chuyện dễ dàng. Bạn cần có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, thậm chí khảo sát để tìm ra insight của độc giả. Chẳng hạn blog duongstory.com tập trung về chia sẻ kỹ thuật viết cơ bản dành cho các bạn newbie hay những bạn gặp vấn đề trong viết lách. Để làm được điều đó mình đã nghiên cứu 2-3 tháng để tìm ra insight độc giả, đồng thời mentoring miễn phí 1:1 để hiểu được độc giả/khách hàng của mình muốn gì, cần gì và lên kế hoạch nội dung hợp lý.

Bây giờ, thử rà soát lại và xem blog của bạn bạn gặp vấn đề nào trong số 10 lý do khiến blog không có lượt xem mình liệt kê ở trên nhé. Những chia sẻ trong bài viết này hoàn toàn dựa trên trải nghiệm của mình – một blogger tập trung xây dựng vào nội dung chất lượng. Do vậy nếu bạn là một người viết, đang có một chiếc blog/website thì nội dung này dành cho bạn. Ngược lại nếu bạn đang vận hành một doanh nghiệp/thương hiệu thì bạn cần một đội ngũ SEO (bao gồm kỹ thuật và content) để giúp website có lượt xem hiệu quả hơn.

2 bình luận

Trả lời

Viết nội dung bằng AI, nên hay không?

Mình có một bạn học viên đang làm công việc Social Media cho một công ty. Hơn một năm nay, bạn thường dùng các công cụ AI để tìm kiếm ý tưởng, lập dàn ý và viết bài để đăng trên trang cá nhân. Lạm dụng quá nhiều, dẫn đến

Đọc tiếp