Tiêu chí đánh giá bài content tốt – checklist dành cho cây viết nội dung

“Làm thế nào để đánh giá đó là một bài content tốt?” – Dạo gần đây mình thường nhận được rất nhiều câu hỏi về content writing. Phần lớn các bạn đều là fresher hoặc newbie chập chững bước vào con đường viết lách. Với kinh nghiệm hơn 2 năm viết nội dung, làm việc trong nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau về cả content social lẫn content website, mình chia sẻ với bạn tiêu chí đánh giá bài content tốt.

Tiêu chí 1: Không mắc lỗi cơ bản

Khi nhắc đến bài content tốt, chúng ta thường nghĩ bài viết đó phải có tiêu đề hay, câu đầu tiên phải đủ hấp dẫn hoặc kết bài ấn tượng. Tuy nhiên mình lại không cho rằng như thế. 

Một bài content tốt trước hết bài viết đó phải đáp ứng tiêu chí đúng. Nghĩa là bài viết không mắc những lỗi cơ bản như chính tả, ngữ pháp hay lạc đề, thiếu logic,… Tất cả nội dung này đều có trong ebook Viết từ số 0 cùng checklist Viết cơ bản (tặng kèm), bạn có thể tham khảo nhé.

Tiêu chí 2: Bố cục rõ ràng

Tiêu chí đánh giá bài content tốt - checklist dành cho cây viết nội dung
Ảnh gốc: Markus Winkler, Unsplash

Có một lần tìm CTV cho dự án của khách hàng, mình nhận được bài test của một ứng viên. Bài viết dài gần một trang giấy, không tách đoạn nên vô cùng rối mắt. Không chỉ bạn ứng viên trong câu chuyện này mà một vài cây viết mới thường mắc lỗi này. Dù là viết content cho mạng xã hội hay content website, bạn cần phải phân chia bài viết theo bố cục rõ ràng. Tất nhiên bạn không nhất thiết phải phân chia 3 đoạn tương tự như bài tập làm văn nhưng phải để độc giả biết bạn đang viết về điều gì hoặc bạn sắp giới thiệu sản phẩm nào.

Để đánh giá bài content tốt trên nền tảng mạng xã hội, trước hết phải có phần gợi mở, thân bài và kết bài để độc giả dễ dàng đi theo nội dung bài. Với bài website, rõ ràng bạn cần phải có tiêu đề, đoạn mở đầu, thân bài (được chia làm nhiều phần với tiêu đề phụ gọi là H2, H3,…) và kết bài.

Tiêu chí 3: Tiêu đề thu hút

Với content, tiêu đề là yếu tố quan trọng quyết định độc giả có tiếp tục nhấp chuột để đọc tiếp bài viết của bạn hay không. Viết tiêu đề càng thu hút, ấn tượng, độc giả càng muốn khám phá nội dung. Ví dụ thay vì viết “Cách làm bánh bông lan tại nhà”, bạn nên viết “Bí quyết làm bánh bông lan đơn giản tại nhà” (dạng bài website). Hay thay vì viết “Bò hai nắng xé sợi mang hương vị quê hương”, mình đã viết “Bò hai nắng xé sợi – đón đợi vị quê nhà” (dạng bài social).

Đọc thêm:

10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động

Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới

6 cách viết mở đầu cứu nguy cho bạn khi bí ý tưởng

10 câu hỏi mà newbie thường thắc mắc về content writer

Tiêu chí 4: Mở bài gợi hứng thú, tò mò

Tiêu chí đánh giá bài content tốt - checklist dành cho cây viết nội dung
Nguồn ảnh: Kaboompics

Gần 99% học viên khóa học viết content website của mình đều rơi vào tình trạng viết mở bài kèm theo câu “Dưới đây là bài viết…” hoặc “Bài viết sau đây sẽ giải đáp…”. Mình không đánh giá cách viết mở bài này vì nó làm giảm giá trị bài viết và khiến cho nội dung của bạn trở nên “công nghiệp” tương tự hàng trăm nội dung trên website khác. Chính vì vậy trong khóa học, mình đã cho học viên tham khảo 30+ bài content do chính mình viết cho khách hàng mà mở bài không bao giờ có câu “Dưới đây là bài viết…”.

Hoặc khi viết nội dung cho social, mở bài sẽ không phân biệt rõ ràng như dạng content website, đôi khi đó chỉ là một vài từ, cụm từ hoặc một câu văn. Ví dụ mở đầu bài content social nói về mâm cơm chay: “Ý nghĩa của mâm cơm chay đầu năm là mang đến sự đủ đầy, sung túc cho năm mới cũng như mang đến sự bình yên và tịnh tâm” (bài content social mình viết cho thương hiệu SH Garden).

Tiêu chí 5: Nội dung giải quyết vấn đề đặt ra

Tưởng tượng nếu bạn là độc giả, khi nhấp chuột vào bài viết Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn” nhưng nội dung bên trong chỉ toàn nhắc đến tầm quan trọng của tiêu đề. Lúc ấy bạn sẽ thế nào? 

Độc giả cũng thế, họ sẽ thất vọng và thoát ngay ra khỏi bài viết nếu nội dung không giải quyết vấn đề đặt ra. Nếu bạn viết bài “Hướng dẫn sử dụng máy giặt Toshiba cực đơn giản”, hãy chắc chắn rằng nội dung của bạn đề cập đến các bước/thao tác sử dụng máy giặt thay vì liệt kê 3, 4 hãng máy giặt nổi tiếng.

Tiêu chí 6: Nghiên cứu/dẫn chứng thuyết phục

Tiêu chí đánh giá bài content tốt - checklist dành cho cây viết nội dung
Nguồn ảnh: Kaboompics

Khi viết về lợi ích của nước nha đam, bạn không thể viết một câu chung chung như là “Nha đam rất tốt cho sức khỏe, giúp làm đẹp da hiệu quả. Vậy nên chị em phụ nữ có thể sử dụng nha đam hằng ngày.” Thực tế rất nhiều chị em đã biết rõ công dụng của nha đam. Vậy nên thay vì viết “Nha đam rất tốt cho sức khỏe”, bạn chỉ ra cho độc giả thấy nha đam có chất gì, vitamin gì hoặc khoáng chất nào có lợi.

Một số gợi ý để viết content thuyết phục hơn:

– Trích dẫn nghiên cứu, dẫn chứng từ các tờ báo lớn, uy tín.

– Trích dẫn nghiên cứu ở thời gian gần nhất (tránh trích dẫn nghiên cứu hoặc số liệu quá cũ)

– Cho độc giả hình dung được sản phẩm dù không trực tiếp sử dụng. Ví dụ không nên viết một cách chung chung như “món ăn đó rất ngon” hay “hũ nến này rất thơm”.

– Nếu số liệu, dẫn chứng tại các tạp chí, tờ báo khác nhau, bạn có thể lấy thông tin từ tờ báo uy tín và có thời gian đăng tải gần nhất.

Tiêu chí 7: Kết bài ngắn gọn, thông điệp mạnh mẽ

Một số bạn newbie mới vào nghề thường có tình trạng viết kết bài lan man dài dòng gần nửa trang giấy. Kết bài là phần tóm gọn lại nội dung bài viết, đồng thời lồng ghép lời kêu gọi hành động (CTA), vậy nên bạn cần viết súc tích, hiệu quả thông điệp truyền đi càng cao.

Trong quá trình hướng dẫn viết content, không ít bạn thường gặp thói quen khi viết kết bài như là “Trên đây là những…” hoặc “Vậy là bạn đã tìm hiểu…”. Thực tế kết bài này không sai, nhưng theo mình cách diễn đạt như thế này khá phổ biến và không lôi cuốn. Bạn có thể tạm kết bằng những câu thành ngữ, tục ngữ; câu nói nổi tiếng; đưa ra gợi ý hành động (đọc tiếp bài mới, đọc tiếp phần 2, tham khảo tài liệu; nhấp chuột để tìm hiểu sản phẩm,…)

Tiêu chí 8: Từ khóa phân bố đúng chỗ

Tiêu chí này sẽ phù hợp với các bạn làm nội dung trên website. Khác với facebook, mục đích của người làm content website là để bài viết lọt top công cụ tìm kiếm (chủ yếu là Google), do vậy một số nội dung buộc phải tối ưu chuẩn SEO.

Trong đó từ khóa bài viết bắt buộc phải có ở phần tiêu đề, mở bài, nằm rải rác ở thân bài và kết bài. Một số trường hợp từ khóa bắt buộc phải có trong tiêu đề phụ (Heading 2), tuy nhiên dựa trên trải nghiệm viết content website của mình, từ khóa có hay không ở Heading 2 không ảnh hưởng nhiều đến việc tối ưu.

Checklist dành cho cây viết nội dung mà mình gợi ý trên đây hy vọng sẽ giúp ích được cho những bạn newbie mới vào nghề. Tuy nhiên để đánh giá bài content tốt hay không, bạn cần một người giàu kinh nghiệm chuyên môn giúp bạn xem xét, đánh giá chất lượng bài viết. Có như vậy, bạn mới hiểu hơn về kỹ năng viết lách của bản thân và cải thiện tốt hơn.

2 bình luận

  1. Bố cục và mở bài là cái chị đang luyện tập nhé, cái kết để kêu gọi hành động cho người đọc cũng vô cùng quan trọng và tất nhiên là phải luyện tập thêm nhiều 🙂 Cảm ơn em đã chia sẻ!

Để lại một bình luận