Nếu như những người làm viết lách khác chọn cho mình hình thức trở thành CTV cứng, có nguồn thu nhập cố định với viết báo thì mình lại cộng tác theo hình thức tự do (linh hoạt). Việc cộng tác với báo chí giúp mình “trang trí” hồ sơ cá nhân đẹp hơn, có cơ hội tiếp cận khách hàng “xịn” và nhận những dự án tốt hơn.
Mình có mặt trên 10 tờ báo khác nhau?
Khi còn là sinh viên, mình có một thời gian thực tập tại đài truyền thanh – truyền hình và cộng tác viết cho báo Quảng Nam và Nhịp sống thời đại. Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp, mình không định hướng trở thành phóng viên như những người bạn thời Đại học. Thay vào đó mình lựa chọn cộng tác ở lĩnh vực sáng tác, chủ yếu là tản văn hoặc chia sẻ vấn đề nào đó trong xã hội.
Thời điểm dịch Covid bùng phát mạnh mẽ năm 2021, mình đã viết bài về việc khu trọ của mình được phường/chính quyền ủng hộ rau củ quả. Bài viết sau đó được đăng tải trên báo Thanh Niên trong cuộc thi “Vượt qua Covid – Đồng lòng chống dịch”. Bạn có thể theo dõi bài viết tại đây: Biết ơn và trân quý vô cùng.
Cùng thời gian đó, báo Tuổi trẻ tổ chức cuộc thi viết Đoàn viên sau đại dịch với chủ đề bày tỏ suy nghĩ, tình cảm và những trăn trở sau Covid. Mình đã gửi bài viết đến và được đăng ngay sau đó chỉ một ngày. Bài viết cũng được lọt top 20 bài viết ấn tượng trên MXH và chọn in trong cuốn sách cùng tên Đoàn viên sau đại dịch. Bạn đọc thêm bài viết tại đây: Tiền lúc nào chả kiếm được hả con?
Ngoài ra một số bài viết khác của mình được đăng trên báo/tạp chí (vì có nhiều tác phẩm được đăng nên mình chỉ liệt kê một vài bài tiêu biểu):
1) Về nhà là thấy yên ổn (bài dự thi Về nhà, đăng trên Cơ quan ngôn luận Hội nhà văn Việt Nam và sách Về nhà).
2) “Kiến trúc” đẹp nhất lòng tôi! (bài dự thi Ngôi nhà thân yêu, đăng trên website và tạp chí giấy của Kiến trúc & Đời sống)
3) Xuân về thăm đảo Thạnh An (bài dự thi Khoảnh khắc Tết của tôi trên báo Tuổi Trẻ)
4) Sài Gòn của ba (bài dự thi Hào khí miền Đông được đăng trên báo Thanh Niên)
5) Tết là để sum vầy (bài dự thi Tết nay – Tết xưa trên báo Sài gòn giải phóng)
Đặc biệt, bài viết Sài Gòn của ba mà mình chia sẻ đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Hào khí miền Đông do báo Thanh Niên tổ chức. Nhờ đó mình được có cơ hội đến Vũng Tàu tham dự lễ trao giải và có cơ hội du lịch khám phá miền Đông.
Ngoài ra trong những năm tháng khi còn là sinh viên và sau này, mình vẫn liên tục viết bài gửi cho báo và xuất hiện trên 10 tờ báo khác nhau. Mức nhuận bút mình nhận cho một bài viết từ 200,000 – 1,000,000 đồng/bài. Mức nhuận bút viết báo sẽ phụ thuộc vào quy định của từng tờ báo và dựa vào nhiều yếu tố khác nữa như lượt tiếp cận (với những bài hot thì mức nhuận sẽ cao hơn), chủ đề nóng hổi,…
Bí quyết của mình để có mặt trên 10 tờ báo là hiểu rõ thế mạnh của bản thân, tìm những tờ báo có chủ đề phù hợp để cộng tác. Bên cạnh đó mình còn tích cực tham gia các cuộc thi viết trên báo chí và cộng tác vào những thời điểm khi có sự kiện quan trọng diễn ra (ví dụ lễ Tết). Dĩ nhiên, quan trọng nhất là mình chịu khó tìm hiểu chủ đề, nghiên cứu phong cách viết của từng tờ báo và viết thật tốt.
Bài viết liên quan:
Học và thực hành copyworking như thế nào?
Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu
Chấm dứt tình trạng viết lạc đề với 4 bước đơn giản
45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung
Các hình thức cộng tác với báo chí
Có rất nhiều hình thức cộng tác với báo/tạp chí khác nhau. Tùy thuộc vào từng yếu tố mà chúng ta có thể phân chia thành các dạng CTV như sau. Lưu ý việc phân chia dưới đây dựa vào trải nghiệm của mình khi cộng tác viết bài cho báo và không dựa trên tiêu chuẩn cố định.
Dựa vào thể loại báo chí
– CTV mảng báo chí: Nhìn chung CTV dạng này sẽ chuyên viết các thể loại thuần báo chí như tin, phóng sự,… Khi còn là sinh viên, mình từng có một thời gian cộng tác với báo Quảng Nam bằng cách tham gia lấy tin, viết bài phóng sự (tin/bài được đăng trên báo điện tử lẫn báo in).
– CTV mảng sáng tác: Tức là cộng tác những bài viết tản văn, truyện ngắn, thơ, truyện dài (nhiều kỳ) cho báo. Thông thường một số tờ báo (báo tỉnh, báo Nhân dân,…) sẽ có chuyên mục Văn học – Nghệ thuật, bạn có thể cộng tác ở chuyên mục này.
Dựa vào hình thức cộng tác
– CTV ruột (cứng): Là CTV cộng tác lâu năm với một tờ báo ở một mảng nào đó. Hoặc những người nổi tiếng được mời làm CTV và được đặt bài theo tuần/tháng. Ví dụ các chuyên gia chia sẻ mục Góc nhìn báo Vnexpress hay travel blogger cộng tác với báo chí mảng du lịch. Một số tòa soạn sẽ có hợp đồng dành cho CTV cứng. Ở dạng này, bài viết của bạn có thể sẽ được các anh chị trong Ban biên tập góp ý và cơ hội xuất hiện trên báo/tạp chí cũng cao hơn.
– CTV tự do: Thường CTV sẽ viết nội dung và gửi tùy ý, không quy định số lượng bài trong tuần/tháng. Vì là CTV tự do nên đôi khi bài viết không đạt, bạn sẽ không nhận được phản hồi cụ thể. CTV dạng này thường cộng tác cho nhiều tờ báo khác nhau. Mình là một ví dụ của CTV tự do và thường chỉ viết bài khi có sự kiện, cuộc thi thú vị, phù hợp.
Ghi nhớ khi cộng tác với báo chí
– Xác định thế mạnh của mình
Những người được đào tạo từ chuyên ngành Báo chí truyền thông sẽ có lợi thế viết tin, phóng sự hoặc bài phỏng vấn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là những người xuất thân từ nghề khác không thể trở thành CTV báo chí. Một số học viên trong khóa học Viết nâng cao của mình đều không phải là sinh viên báo chí, chưa từng học khóa Nghiệp vụ báo chí nào tuy nhiên đã có sản phẩm đăng trên báo Thanh Niên, Tuổi trẻ. Bạn có thể tham khảo tại đây:
1) Tết này nhớ về nhà nghen con của học viên Thu Hà trên Báo Thanh Niên.
2) Một số biện pháp trị sẹo do thủy đậu của học viên Mỹ Châu trên chuyên trang Sức khỏe & Đời sống.
3) Số ca COVID-19 tăng: Những điều cần biết về biến thể Omicron XBB.1.5 của học viên Mỹ Châu trên báo Tuổi Trẻ.
4) Vườn cao su của ông giáo về hưu của học viên Thanh Nhàn trên báo Thanh Niên
– Kiên trì và kiên trì
Nếu bạn theo dõi câu chuyện của mình từ những ngày bắt đầu viết duongstory.com, hẳn bạn cũng biết dù xuất thân từ sinh viên Báo chí, tuy mình đã trải qua 3 năm trái ngành và thất nghiệp 2 năm vì Covid. Sau đó để quay trở lại với viết lách, mình đã phải học lại từ đầu – bao gồm cả viết. Để có mặt trên báo Tuổi trẻ, Thanh Niên hay những tờ báo lớn khác, mình đã viết liên tục, bị từ chối và rồi dần dần có mặt trên hơn 10 tờ báo khác nhau.
Ngay cả những bạn học viên của mình, cũng đã gặp thất bại và rồi có những quả ngọt đầu tiên. Tất nhiên để hái được quả ngọt, quá trình gieo hạt và kiên trì chăm sóc từng ngày rất quan trọng.
– Chủ động học hỏi
Một bạn học cùng Khoa Báo chí của mình từng có một thời gian dài cộng tác với báo chí trước khi trở thành phóng viên chính thức. Để làm được điều đó, bạn ấy đã chủ động đến tòa soạn để được xin làm cộng tác viên, tự đề xuất đề tài và luôn có mặt ở hiện trường lấy tin bất kể nắng hay mưa. Hay cả những khi bài viết bị từ chối, bạn ấy sẽ không nản chí mà dành thời gian đọc lại bài viết và phân tích những điều chưa đạt. Đồng thời bạn còn gặp gỡ, kết nối với nhiều phóng viên, nhà báo trong địa bàn để học hỏi, lắng nghe góp ý.
Những bạn học viên của mình, không phải ai cũng có bài đăng báo. Nhưng một điều mà mình luôn khâm phục chính là sự cố gắng không từ bỏ, nhất là khi bài viết gửi đi không phản hồi, các bạn vẫn luôn viết tiếp vì tin rằng điều kỳ diệu sẽ đến.
– Gửi email cũng quan trọng
Trong Khóa học Viết nâng cao sẽ khai giảng vào tháng 6.2024, mình đưa Module Viết thư trong chương trình mentoring và xem đây là một phần quan trọng. Mình nhận thấy có nhiều người viết chưa biết cách soạn email sao cho chuyên nghiệp, điều này đôi khi cũng khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội tốt.
Do vậy ngoài việc viết nội dung tốt, bạn còn cần học cách viết email. Chẳng hạn như là đặt tiêu đề email, xưng hô trong email, cách trình bày email ấn tượng, gửi ảnh đính kèm,… Khi đầu tư vào viết nội dung email, cho dù bạn có gửi bài cho báo chí hoặc gửi email phỏng vấn, đề xuất với khách hàng đều cũng sẽ được đánh giá cao.
Bất cứ công việc gì, dù là viết cộng tác với báo chí, viết content cho khách hàng đều không hề dễ dàng. Đó là một hành trình dài mà bạn miệt mài cố gắng. Sẽ có những lúc bạn sẽ kiệt sức, mệt mỏi, nản chí bạn sẽ không viết được gì cả. Mình cũng từng trải qua như thế với 11 tháng không có thu nhập chỉ để theo đuổi freelance writer, với hàng chục lần từ chối để lần đầu tiên có mặt trên báo Tuổi trẻ. Mình tin bạn cũng sẽ làm được, có thể mất nhiều thời gian hơn mình hoặc là tốn ít thời gian hơn mình, nhưng bạn sẽ làm được, chỉ cần không bao giờ từ bỏ.