Liệu bài content website của mình đã đạt yêu cầu chưa? Làm thế nào để nhận ra những lỗi có trong bài? Bí quyết nào để viết content tốt hơn?… Những cây viết mới thường luôn gặp phải những vấn đề này khi mới bắt đầu. Với hơn 3 năm kinh nghiệm làm Content Strategist và quản lý hơn 10 CTV trong nhiều dự án khác nhau, mình nhận ra dưới đây là những lỗi mà nhiều bạn content writer đang tập sự thường mắc.
Đưa quá nhiều cảm xúc vào bài
Trong bài 10 lỗi viết content website cần sửa ngay để bài viết chất lượng hơn #1, mình có nhắc đến lỗi đưa cảm xúc cá nhân vào bài. Vậy “đưa cảm xúc cá nhân vào bài” khác gì với “đưa quá nhiều cảm xúc vào bài”?
– Đưa cảm xúc cá nhân vào bài, nghĩa là người viết dùng cảm xúc của chính mình để phân tích, đánh giá, cảm nhận về sản phẩm. Ví dụ viết cho một doanh nghiệp kinh doanh về sách: “Mình cho rằng cuốn sách này sẽ khiến nhiều độc giả yêu thích và muốn mang ngay về nhà.”
– Đưa quá nhiều cảm xúc vào bài, nghĩa là bạn đang sử dụng nhiều từ chỉ cảm xúc (thường dùng cho một bài sáng tác) để đưa vào viết content. Chẳng hạn như để giới thiệu một món ăn, một số cây viết dùng các từ ngữ biểu thị nhiều cảm xúc như “ngon biết bao”, “hương vị đong đầy nhớ thương”,… Thường những từ ngữ này sẽ phù hợp với một bài tản văn, một truyện ngắn hơn là bài content cho website.
Content website hướng đến việc truyền tải nội dung rõ ràng, dễ hiểu. Vậy nên ngôn từ bạn sử dụng cũng cần đơn giản, trực tiếp, tránh lạm dụng nhiều từ mềm mại, bay bổng.
Nội dung không phù hợp
Một lỗi mà mình thấy khá phổ biến ở những cây viết mới, đó là cung cấp những nội dung không phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của người đọc.
Để giúp bạn dễ hiểu hơn, mình lấy ví dụ: Chủ cửa hàng bánh An Nhiên đang cần một bài viết đăng lên website với chủ đề “Khách hàng nói gì về bánh trung thu An Nhiên?”. Nếu là content writer, bạn sẽ đề cập đến nội dung gì?
Khi chia sẻ đề bài này trong lớp Content Website, một số học viên gửi cho mình bài viết mà nội dung chủ yếu đề cập đến việc bánh trung thu An Nhiên rất đơn giản, dễ làm, không tốn quá nhiều thời gian.
Dĩ nhiên, cách viết đó đã không đáp ứng được yêu cầu. Lý do là vì nếu là người mua, thường họ sẽ quan tâm bánh có vị gì (ngọt, bùi, mặn, cay,…), mùi thơm ra sao (thơm hương vani, hương quế, hương hoa nhài,…) chất liệu thế nào (dẻo, giòn, dai,…), độ ngon của bánh (ngon, không ngon,…). Chỉ có những người học làm bánh mới quan tâm bánh có dễ làm không, có đơn giản không, nguyên liệu có dễ mua hay không…
Đọc thêm:
Viết nội dung bằng AI, nên hay không?
Làm thế nào để trở thành cây viết ẩm thực?
Bí quyết gửi CV và portfolio giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng
10 lỗi viết content website cần sửa ngay để bài viết chất lượng hơn #2
Nhân hóa đồ vật, dụng cụ
“Ghế công thái học X không chỉ giúp bạn ngăn ngừa mệt mỏi căng thẳng mà còn giảm nguy cơ về xương khớp.” – Bạn thấy cách viết nay quen không? Thực tế, một số Content Writer lâu năm cũng từng mắc lỗi nhân hóa đồ vật như thế này.
Khi viết, bạn luôn nhớ rằng, bất kỳ một chiếc ghế, một cuốn sách hay một đồ vật nào đó không thể giúp người đọc bất cứ điều gì cả. Bởi vì chúng chỉ là một món đồ không thể di chuyển, không thể tác động ý thức đến bạn. Vậy nên viết đúng phải là “Sử dụng ghế công thái học X, bạn sẽ giảm được tình trạng mệt mỏi căng thẳng và hạn chế nguy cơ mắc các bệnh về xương khớp.”
Tuy nhiên, nếu bạn viết như thế này vẫn được chấp nhận: “Bunee Hotel hân hạnh được chào đón quý khách hàng trong những chuyến đi tiếp theo!” Thông thường, một số sẽ gọi tên thương hiệu để đại diện cho một bộ phận/một nhóm người. Ví dụ như viết “Bunee Hotel” nghĩa là toàn bộ nhân viên khách sạn Bunee Hotel. Điều này không sai.
Phóng đại sản phẩm quá mức
Trong một lần tìm kiếm món bánh yêu thích để đặt làm quà cho người thân, mình vô tình đọc được một bài content trên mạng. Mặc dù không nhớ nội dung toàn bài, nhưng mình nhớ rõ người viết sử dụng cụm từ “thơm ngon nức tiếng cả nước” để miêu tả món bánh này. Trong khi đây chỉ là món bánh phổ biến được làm từ bột bếp, đường và đậu xanh.
Thổi phồng lợi ích, tính năng của sản phẩm sẽ khiến cho độc giả nghi ngờ về sự chân thật của nội dung, từ đó họ chần chừ ra quyết định mua sản phẩm. Kinh nghiệm viết nội dung về ẩm thực của mình là dùng kĩ thuật show don’t tell, hãy miêu tả cho độc giả cảm nhận được đặc điểm, tính năng của sản phẩm thay vì viết những câu sáo rỗng kiểu như “món ăn này ngon nhất trần đời”.
Viết rập khuôn máy móc
Có 2 nguyên nhân dẫn đến lỗi này, thứ nhất là vì bạn chưa hiểu rõ về sản phẩm nên đôi khi sẽ tham khảo những thông tin, thông số mà khách hàng cung cấp. Do vậy bài viết vừa sơ sài qua loa, vừa có nội dung máy móc giống như những bài viết khác trên Google.
Lý do thứ hai là do người viết lạm dụng trí tuệ nhân tạo AI. Một số bài được viết bởi AI thường có cảm giác khô cứng, công nghiệp hơn. Mình không bài xích việc sử dụng AI, tuy nhiên bạn nên học cách:
– Đặt câu lệnh càng cụ thể, càng chi tiết để AI hiểu và cho ra những nội dung chất lượng, sâu sắc.
– Kỹ năng biên tập tốt để chỉnh sửa, trau chuốt nội dung mà các công cụ AI đã tạo ra để bài viết mềm mại, tự nhiên hơn.
Được làm việc với khách hàng ở những dự án content website khác nhau, mình rút ra được nhiều bài học ý nghĩa. Và mình đem những bài học đó chia sẻ miễn phí trên duongstory.com và chia sẻ trong các buổi dạy online có phí. Nếu bạn quan tâm đến những khóa học viết content kèm cặp 1:1, liên hệ với mình qua email haiduong7074@gmail.com để được tư vấn nhé.