Theo bạn, content writer là gì, content writer khác như thế nào với copywriter? Mình tin rằng những bạn trẻ đang loay hoay bước vào con đường viết lách kiếm tiền đôi khi sẽ không phân biệt được content writer hay copywriter. Vì vậy series Nghề viết trên duongstory.com ra đời.
Tại series này, bạn sẽ hiểu rõ được công việc của một content writer, copywriter,… Để từ đó bạn biết rõ được con đường mà mình muốn theo đuổi là gì.
Các dạng viết kiếm tiền
Trước khi giải thích về “content writing”, mình muốn giới thiệu đến bạn một bức tranh toàn cảnh về nghề viết. Có 2 dạng viết phổ biến hiện nay mà mình thường giới thiệu đến học viên (có thể có các cách gọi khác nhau):
– Viết sáng tác: thơ, tản văn (hay còn gọi là tạp văn, tạp bút), truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết,… Viết sáng tác là một dạng mà chúng ta từng làm quen những năm tiểu học, cấp 2 hoặc cấp 3 với các tác phẩm trong sách giáo khoa như tiểu thuyết Tắt đèn (Ngô Tất Tố), thơ Bánh trôi nước (Bà Huyện Thanh Quan), hoặc sau này chúng ta biết đến truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh hay cuốn sách đầu tay của mình thuộc thể loại tản văn mang tên Nằm nghe gió thổi sau hè.
– Viết thương mại: content writing (viết nội dung), copywriting (viết quảng cáo), viết bài PR báo chí,… Những năm gần đây, khi nghề viết nói chung và viết lách tự do trở thành sự lựa chọn của nhiều người trẻ thì viết thương mại càng được quan tâm hơn.
Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có viết content hay copywriting mới tạo ra thu nhập, thực tế không phải vậy. Cả viết sáng tác và viết thương mại đều có thể giúp bạn kiếm tiền. Mình sẽ cho bạn một vài ví dụ điển hình.
Mình là một người viết thương mại (cụ thể là viết nội dung cho khách hàng thuộc lĩnh vực ẩm thực). Công việc của mình là lên chiến lược và sản xuất nội dung (cho mạng xã hội và website), sau đó khách hàng sẽ dựa vào số lượng, chất lượng nội dung và trả cho mình thù lao tương xứng. Ví dụ mình từng cộng tác cho Nhà hàng – Khách sạn Anh Đào Mekong 2 tại Cần Thơ, công việc là lên kế hoạch và viết bài content cho website, fanpage.
Với viết sáng tác, mình thường viết tản văn với bài Sài Gòn của ba – đạt giải Nhì cuộc thi Hào khí miền Đông, được đăng tải trên báo Thanh Niên và in trong cuốn sách cùng tên. Ngoài ra mình còn có rất nhiều bài tản văn được đăng tải trên các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Người Lao Động,… và được nhận nhuận bút.
Quay lại với các dạng viết, content writing là một trong những dạng viết thương mại. Vậy content writing cụ thể là gì, content writer làm những công việc gì.
Đọc thêm:
10 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết
10 câu hỏi mà newbie thường thắc mắc về content writer
Các khóa học viết cơ bản và nâng cao cho người mới bắt đầu
10+ lỗi viết content website cần sửa ngay để bài viết chất lượng hơn #1
Content writing là gì?
“Content” được hiểu là nội dung, bao gồm tất cả những gì mang đến thông tin, thông điệp, kiến thức. Do vậy nhiều người nhầm lẫn “content” chính là bài viết (text), thực tế content có thể là ảnh, video, audio, sách, báo,…).
“Content writing” được hiểu là phần nội dung tạo ra ở phần chữ (có thể kèm hình ảnh, video, audio minh họa), có thể là bài viết trên blog/website; bài viết trên fanpage của doanh nghiệp, các thông cáo báo chí, email, bản tin, báo cáo,…
Tuy nhiên ngày nay nhiều người thường gọi tắt “bài viết nội dung” là “bài content” để chỉ thể loại viết thương mại này.
Mục đích của dạng bài content writing là cung cấp thông tin, kiến thức, hướng dẫn, đào tạo, giải trí,…
Các dạng content writing gồm content cho blog/website và content cho mạng xã hội (Instagram, Facebook,…)
– Content cho blog/website thường ở dạng dài, số lượng chữ tối thiểu thường là 700 chữ và tối đa có thể lên đến 4000, 5000 chữ. Trong hơn 2 năm làm content writer với hơn 20 thương hiệu lớn nhỏ khác nhau, các bài content website do mình thực hiện thường rơi vào 1000-1200 chữ. Đặc biệt để viết content cho website, bạn phải hiểu rõ về SEO nhằm tối ưu bài viết thân thiện với Google.
– Content cho mạng xã hội thường ở dạng ngắn, số lượng chữ dao động từ 100 – 300. Với trải nghiệm của mình thì thông thường các bài cho mạng xã hội có dung lượng phổ biến từ 150 – 200 từ. Bài content cho mạng xã hội thường đi kèm với hình ảnh, video minh họa nhằm giúp cho nội dung thu hút, hấp dẫn hơn.
Lưu ý: Tùy thuộc vào từng khách hàng mà yêu cầu về dung lượng sẽ biến động khác nhau và các con số gợi ý trong bài này chỉ mang tính chất tham khảo dựa theo trải nghiệm làm việc của cá nhân mình.
Content Writer là gì?
Như vậy, bạn đã có một hình dung rõ hơn về content writing rồi nhỉ. Vậy thì mình sẽ cùng tìm hiểu về người viết nội dung, hay chúng ta thường gọi content writer.
Content writer là người viết nội dung, nhằm tạo ra bài viết để cung cấp thông tin, hướng dẫn, thông báo,… nhằm giải quyết một vấn đề nào đó của độc giả. Mục đích của content writer là mang lại nhiều thông tin càng hữu ích, càng hấp dẫn, càng giá trị cho độc giả chứ không phải là bán hàng (như trong copywriting).
Một số công việc mà người làm content writer sẽ làm như:
– Nghiên cứu chủ đề, tìm kiếm ý tưởng từ sách báo, internet, tài liệu chuyên ngành, review/feedback của khách hàng nhằm viết bài.
– Viết nội dung cho doanh nghiệp trên các kênh như website/blog, Facebook, Instagram,…
– Biên tập nội dung nhằm đảm bảo cho ra bài content chất lượng, đảm bảo đúng theo yêu cầu.
– Đăng tải các nội dung lên kênh truyền thông và thực hiện tối ưu trên từng nền tảng (nếu có).
Ngoài những công việc chính, một số người làm content writer còn cần biết thêm các kỹ năng khác phục vụ cho công việc như:
– Kỹ năng nghiên cứu từ khóa và nắm vững các kiến thức cơ bản về SEO để phối hợp cùng kỹ thuật SEO nhằm tăng lượng truy cập cho website. Trong khóa học Content Website của mình sẽ có hướng dẫn chi tiết về phần này.
– Kỹ năng quản trị nền tảng, nghiên cứu thông số, số liệu trên nền tảng và những yêu cầu liên quan để cho ra nội dung hiệu quả với content cho mạng xã hội.
– Kỹ năng thiết kế ảnh để hỗ trợ cho phần text, nhằm làm cho bài content thu hút và hấp dẫn hơn.
– Kỹ năng lập kế hoạch, lên chiến lược – đây là kỹ năng mà bạn nên trau dồi theo thời gian nếu muốn đi xa hơn với nghề content writer. Mình sẽ chia sẻ kỹ hơn trong series này về nghề Content Strategist.
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng khách hàng mà bạn làm việc sẽ có những quy định hoặc yêu cầu thêm/bớt khác nhau, tuy nhiên công việc chính của một content writer chính là viết nội dung. Nếu có ai đó yêu cầu bạn tạo ra một nội dung nào đó không phải bằng dạng chữ (text), thì đó không thể gọi là content writer.
Tất cả những nội dung trên được chia sẻ từ một content writer với hơn 2 năm kinh nghiệm, mong là sẽ giúp ích cho những cây viết mới đang loay hoay lựa chọn công việc viết lách để theo đuổi. Đừng quên nhấn nút theo dõi duongstory.com để đọc thêm những chia sẻ về chuyện Nghề viết của mình nhé.