Blogging Wizard (1) cho rằng có 40 loại bài viết khác nhau mà bạn có thể áp dụng để viết bài cho blog. Trong khi đó OptinMonster (2) gợi ý 73 dạng bài viết trên blog. Thông thường các blogger sẽ không viết tất cả dạng bài trên, họ chỉ tập trung vào những thể loại phổ biến và thân thiện với độc giả. Cùng tìm hiểu với mình 10 dạng bài blog phổ biến dưới đây để áp dụng cho blog của bạn nhé.
Dạng bài nhật ký, hành trình
Bài hành trình, nhật ký tập trung chủ yếu vào việc chia sẻ những kinh nghiệm, kể về quá trình để đạt được thành công nào đó. Dạng bài này có sức lan tỏa rộng lớn và thu hút độc giả trung thành. Từ những trải nghiệm của người viết, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về hành trình, trải nghiệm của người viết. Đồng thời độc giả cũng được truyền cảm hứng, động lực để tiếp tục cố gắng.
Chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài viết hành trình, trải nghiệm nhật ký của các blogger. Đó có thể cột mốc thành công mà họ đạt được, hoặc một tin tốt lành. Hoặc cũng có thể là câu chuyện đến với nghề, cách kiếm tiền từ nghề, cách vượt qua khủng hoảng, đối mặt với khó khăn ra sao.
Không chỉ bạn, độc giả của bạn cũng đang phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp phía trước. Và câu chuyện đầy cảm hứng của bạn sẽ khiến họ có thêm khát khao và cố gắng, bởi vì nó khiến họ muốn được trải nghiệm thành công như thế.
Ví dụ mẫu:
– Nhật ký: Mình đã tạo blog cá nhân như thế nào?
– Mình đã học được gì khi viết blog?
Mẹo cho bạn: Hãy kể câu chuyện một cách chân thành và những chi tiết có thật. Đừng cố gắng bịa ra một hình tượng hoàn hảo, thổi phồng những con số trong thu nhập hoặc phóng đại thành công quá mức, điều này sẽ phản tác dụng nếu độc giả nhận ra được sự thật. Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm được trái tim, đó là nguyên tắc bạn cần nhớ khi viết dạng bài nhật ký, hành trình.
Dạng bài nhận xét, đánh giá
Hầu hết người mua hàng đều dành thời gian đọc những đánh giá, cảm nhận (review) của người khác trước khi mua. Bởi vì họ muốn chắc chắn rằng sản phẩm đó đảm bảo chất lượng như mong đợi và hưởng được ưu đãi, khuyến mãi nếu có. Đó là lý do rất nhiều blogger lựa chọn viết bài review trên blog bao gồm: sách, phim ảnh, hàng hóa, dịch vụ, khóa học,…
Dạng bài nhận xét, đánh giá khá phổ biến trên blog/website hiện nay và thu hút lượng truy cập lớn từ độc giả. Người viết có thể viết cảm nhận về bất cứ sản phẩm, dịch vụ nào họ từng trải nghiệm. Từ những gì bạn cảm nhận về sản phẩm bao gồm ưu điểm, hạn chế,… đều được trình bày tỉ mỉ. Nhờ đó độc giả có cái nhìn tổng quan hơn về sản phẩm và đưa ra quyết định thuê/mua.
Nhiều blogger áp dụng cách viết bài đánh giá để làm tiếp thị liên kết. Người viết sẽ cung cấp thông tin về sản phẩm bao gồm ưu điểm, nhược điểm, tính năng, cách sử dụng, giá cả,… để giúp khách hàng hiểu rõ hơn về sản phẩm. Khi khách hàng nhấp chuột vào liên kết và tiến hành mua hàng, người viết sẽ nhận được hoa hồng.
Thông thường, để viết bài đánh giá, người viết sẽ áp dụng những câu hỏi dạng Yes/No. Ví dụ mẫu:
– Sử dụng sản phẩm/dịch vụ ABC có tốt không?
– Có nên dùng ABC không?
– Nên mua sản phẩm ABC hay XYZ trong mùa hè này?
Mẹo cho bạn: Bạn nên dành một vài phút để liệt kê những ưu điểm và nhược điểm của sản phẩm để có nhận xét chân thật nhất cho độc giả. Cũng đừng nên việc khen khen ngợi quá lố so với giá trị thật hoặc hạ thấp giá trị sản phẩm chỉ vì mục đích nào đó.
Dạng bài so sánh
Sau khi đánh giá sản phẩm, bạn có thể chọn sản phẩm khác để so sánh ưu nhược điểm của cả hai. Bằng cách tổng hợp những nội dung này bạn sẽ có bài so sánh trên blog.
Dạng bài so sánh được sử dụng nhiều trong viết nội dung website và blog. Trong đó, viết bài đánh giá đòi hỏi bạn cần phải phân tích sâu hơn thì những nội dung trong bài so sánh mang tính rộng hơn, phổ biến hơn. Nhìn chung hai dạng bài này vẫn có sự tương đồng, đều là những nhận xét, đánh giá từ góc nhìn của người viết.
Thực tế rất nhiều người dùng internet từng gõ trên thanh công cụ tìm kiếm những thắc mắc của mình. Một trong số đó là phân vân giữa việc chọn mua sản phẩm/dịch vụ nào đó. Như vậy truy vấn mà họ thường gõ sẽ là:
– Nên mua A hay B?
– Sản phẩm A hay B tốt hơn?
– Chọn A hay chọn B cho mùa hè này?
Bài viết so sánh được sử dụng để làm nổi bật sản phẩm, dịch vụ, đồng thời cũng kích thích người đọc mua hàng. Chẳng hạn như với chủ đề blog, nhiều người sẽ phân vân: Nên làm blog miễn phí hay làm blog có phí? Nên làm blog trên WordPress hay Wix?…
Mẹo cho bạn: Bạn cũng có thể kết hợp giữa bài nhận xét, đánh giá và bài so sánh khi viết về một sản phẩm, dịch vụ nào đó. Từ đó những phân tích, so sánh cụ thể, khách hàng sẽ quyết định chọn mua mặt hàng phù hợp với họ hơn.
Dạng bài danh sách
Những con số luôn kích thích thị giác của độc giả, đó là lý do những bài viết dạng danh sách (top list) khiến độc giả click vào từ cái nhìn tiêu đề đầu tiên. Như tên gọi, toplist có nghĩa là liệt kê danh sách hàng đầu, danh sách top ở tất cả những lĩnh vực khác nhau. Đây là dạng bài quen thuộc với người viết nội dung website hay cả những blogger đang vận hành một chiếc blog.
Với từ khóa có sẵn, bạn có thể tạo danh sách chủ đề yêu thích như những địa điểm du lịch thú vị, những quyển sách về nghề thiết kế hoặc top trang mạng xã hội yêu thích.
Triển khai thông tin dạng danh sách sẽ giúp người đọc tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng. Ngay cả khi không có thời gian nghiền ngẫm toàn bộ bài viết, độc giả có thể lướt qua một số nội dung chính và nắm được tất cả thông tin mà họ cần.
Ví dụ mẫu:
– 10 mẹo viết kết bài truyền cảm hứng hành động
– 5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề hấp dẫn
– 45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung
Mẹo dành cho bạn: Bài viết dạng danh sách thu hút lượng truy cập lớn và có khả năng lan truyền cao hơn so với các thể loại khác. Tuy nhiên cách viết dạng danh sách cũng có những hạn chế nhất định. Đặc biệt là khi có những sản phẩm mới chất lượng, những thương hiệu mới xuất hiện và trở nên nổi tiếng thì bạn phải cập nhật lại danh sách đã viết. Dạng này đòi hỏi người viết phải nhạy bén, nắm bắt thông tin, tin tức nhanh và chính xác.
Dạng bài nghiên cứu tình huống
Những sự việc, tình huống có trong thực tế có thể áp dụng vào trong bài viết bằng cách phân tích, tìm hiểu vấn đề. Đó là dạng bài nghiên cứu trường hợp (case study).
Các bài viết nghiên cứu trường hợp (case study) rất tốt cho blog, bởi vì những nội dung được đề cập trong dạng bài viết này thực tế. Độc giả có xu hướng tin vào những câu chuyện, những trường hợp được nghiên cứu, phân tích rõ ràng.
Ví dụ như độc giả thích đọc những câu chuyện bí mật làm nên thành công của một blogger với thu nhập nghìn đô mỗi tháng. Thông qua những câu chuyện chân thực, thú vị và nhiều trải nghiệm, họ muốn biết thêm nhiều hơn đằng sau đó nữa. Tâm lý tò mò và thích khám phá khiến họ không ngần ngại nhấp chuột vào bài viết để tìm hiểu xem vì sao blogger đó thành công, họ đã tạo ra thu nhập bằng cách nào.
Mẹo cho bạn: Bài nghiên cứu trường hợp thường gây ấn tượng đầu tiên bởi cách đặt tiêu đề. Về nội dung, người viết nên trình bày rõ ràng dễ hiểu để độc giả nắm được nội dung chính. Không nên sa vào vào những câu chuyện bên lề, độc giả của bạn sẽ mất kiên nhẫn và thoát khỏi blog ngay sau đó.
Dạng bài đăng cộng tác
Guest-blogging là dạng bài viết blog phổ biến ở nước ngoài, tuy nhiên tại Việt Nam, dạng này chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây. Đây được hiểu là cách thức bạn đăng bài viết lên một blog khác cùng chủ đề và dẫn đường liên kết về blog của chính mình.
Nhiều blogger mới bắt đầu lựa chọn hình thức-guest blogging để tăng lượt truy cập cho blog của mình. Mục đích là để thu hút lượt truy cập trên trang web của họ, đồng thời đăng độ nhận diện và thương hiệu của blog.
Tại Việt Nam, một số blog cho phép người mới đăng bài guest-blogging liên quan đến lĩnh vực viết blog như ngocdenroi.com và duongstory.com.
Mẹo cho bạn: Để tìm kiếm blog đặt guest-blogging, bạn cần theo dõi tích cực blog mục tiêu bạn nhắm đến. Đây có phải là trang web được nhiều người theo dõi tích cực hay không, chủ nhân blog đó có thường xuyên chia sẻ các bài đăng của họ trên mạng xã hội, họ có lượt truy cập ổn định để giúp bạn tăng thứ hạng SEO,…
Dạng bài hướng dẫn
Nhiều người dùng internet lên mạng để tìm kiếm công thức làm bánh, cách tạo blog có phí bằng wordpress hoặc hướng dẫn sử dụng canva,… Họ mong muốn đọc những bài viết gỡ rối vấn đề mà họ đang gặp phải.
Viết bài hướng dẫn (How-to) chính là như vậy. Vài hướng dẫn cung cấp cho độc giả kiến thức, cách sử dụng/cách làm,… một điều gì đó. Nếu nội dung của bạn hấp dẫn, rõ ràng và dễ hiểu họ có thể thực hành, độc giả có thể áp dụng ngay cho bản thân.
Bạn giúp đỡ được nhiều người, bạn càng có thêm lượng độc giả trung thành. Thậm chí họ có thể trở thành khách hàng tiềm năng trong tương lai.
Viết bài hướng dẫn đơn giản và không quá phức tạp. Những gì bạn chia sẻ có thể là những thứ bạn đã quen thuộc và sử dụng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Đó có thể là sản phẩm bạn từng sử dụng, dịch vụ bạn tạo ra,…
Bạn có thể áp dụng dạng bài viết hướng dẫn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như làm đẹp, du lịch, công nghệ thông tin, thiết kế, ẩm thực,… Nếu bạn có một blog về ẩm thực, đừng ngần ngại chia sẻ các công thức độc lạ, hướng dẫn chế biến món ăn mới.
Ví dụ mẫu:
– Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới
– Hướng dẫn 5 bước viết blog du lịch cho tín đồ đam mê “xê dịch”
Mẹo dành cho bạn: Bạn nên hướng dẫn chi tiết bằng cách liệt kê từng công đoạn/các bước nhỏ để độc giả dễ dàng theo dõi. Ngoài ra bạn cũng nên chú thích những thuật ngữ, từ ngữ chuyên ngành khó hiểu một cách đơn giản nhất. Hãy cho độc giả biết sau khi kết thúc hướng dẫn ở phần 1, họ sẽ phải làm gì ở bước tiếp theo. Hãy chú ý, những thông tin có giá trị xuất bản trên blog sẽ được Google đánh giá cao.
Dạng bài đồ họa
Đồ họa (Infographic) là sự kết hợp giữa hình ảnh minh họa, đồ họa, bản đồ, biểu đồ,… để truyền đạt thông tin trực quan. Đây là dạng bài dễ gây ấn tượng mạnh lên thị giác. Chất lượng đồ họa quan trọng, hình ảnh có độ phân giải cao thì sẽ khiến độc giả thích thú.
Khi nội dung trên blog của bạn đa dạng, phong phú với hình ảnh và chữ viết, điều đó khiến độc giả ấn tượng với nội dung của bạn hơn. Đặc biệt hình ảnh giúp người dùng ở lại trang web của bạn lâu hơn, mang đến nhiều lượt truy cập.
Mẹo cho bạn: Một số công cụ giúp bạn thiết kế hình ảnh đồ họa cho blog như Canva, Piktochart, Visage, PowerPoint, Venngage và Photoshop… Bạn có thể dễ dàng tạo ra hình ảnh của riêng mình với các mẫu template miễn phí, độc đáo.
Dạng bài phỏng vấn
Trường hợp bạn muốn xuất bản nội dung cho blog nhưng không có thời gian tìm kiếm ý tưởng, chủ đề thì dạng bài phỏng vấn sẽ chữa cháy kịp thời. Những bài viết phỏng vấn làm tăng lưu lượng truy cập vào blog của bạn, đơn giản bởi vì không chỉ bạn mà người được phỏng vấn cũng muốn chia sẻ nội dung với bạn bè, người quen của họ.
Để thực hiện phỏng vấn, bạn nên tìm kiếm nhân vật trong câu chuyện, đồng thời lên bộ câu hỏi và đặt lịch hẹn phỏng vấn. Điều quan trọng là người được chọn phải hoạt động trong lĩnh vực mà bạn đang theo đuổi, đồng thời họ cũng là người thu hút sự quan tâm của độc giả.
Thông thường độc giả rất thích nghe những câu chuyện về nhân vật nổi tiếng. Ví dụ bạn là một blogger mới, hãy thử phỏng vấn một nhân vật nổi tiếng trong giới viết lách hoặc một blogger cùng chủ đề ngách với bạn.
Hãy chọn người ảnh hưởng lớn trong ngành, đó có thể là chuyên gia hoặc người nổi tiếng. Những bài học, kinh nghiệm được chia sẻ lại hoặc kiến thức chuyên môn mới sẽ là nội dung hấp dẫn với độc giả. Đừng quên giữ cuộc phỏng vấn đi đúng hướng với mục đích ban đầu của bạn thay vì lan man sang những câu chuyện bên lề.
Mẹo cho bạn: Hãy lên danh sách một bảng câu hỏi và thực hiện phỏng vấn theo nội dung có sẵn. Sau đó bạn chỉ việc bóc tách tệp ghi âm và viết lại theo cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
Câu hỏi thường gặp
Những câu hỏi thường gặp (FAQ) làm một dạng bài viết cung cấp nội dung thông tin hữu ích dành cho độc giả. Bạn có thể xây dựng bộ khung cho dạng bài FAQ bằng cách lên danh sách các câu hỏi thường gặp và trả lời nó.
Thông thường FAQ là tập hợp những thắc mắc của độc giả về nội dung trên blog của bạn, hoặc sản phẩm, dịch vụ mà bạn đang bán,… Bạn có thể tổng hợp nó thành một dạng bài viết danh sách hoặc trả lời một câu hỏi hằng tuần bằng cách viết một nội dung hoàn chỉnh.
Tuy nhiên để tối ưu nhất, bạn nên chia nó thành một loạt bài viết, điều này sẽ lan tỏa nội dung của bạn theo thời gian, bạn sẽ có thêm nhiều độc giả, hoặc thậm chí độc giả cũ của bạn sẽ trông chờ vào những lời phản hồi trong phần FAQ.
Mẹo cho bạn: Hãy viết nội dung FAQ đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu vì độc giả của bạn ở khắp mọi nơi, thuộc nhiều tầng lớp, độ tuổi khác nhau. FAQ chính là phần giải đáp cho những thắc mắc của độc giả, vậy nên bạn càng giải thích rõ ràng, đơn giản càng tốt. Tránh sử dụng những từ ngữ, thuật ngữ khó hiểu; trường hợp blog của bạn thuộc chuyên ngành lập trình, tài chính, bạn nên thêm vào những nội dung giải đáp thuật ngữ để độc giả tiếp cận nội dung dễ dàng hơn.
Bài viết này là một phiên bản đầy đủ và chi tiết hơn của Đổi gió với 7 dạng bài content giúp blog không còn nhàm chán mà mình từng xuất bản vào tháng 6.2021. Hy vọng với sự nâng cấp về nội dung này, bạn sẽ có thêm nhiều bài học cho mình trên con đường trở thành blogger.
Thông tin tham khảo từ:
(1) https://bloggingwizard.com/content-types/
(2) https://optinmonster.com/73-type-of-blog-posts-that-are-proven-to-work/