Sử dụng kỹ thuật storytelling là một trong những cách hiệu quả nhất để thu hút độc giả. Cho dù đó là câu chuyện hư cấu hay phi hư cấu, viết bằng chữ hoặc truyền tải qua âm thanh, video, những nội dung được tạo ra từ storytelling kết nối với độc giả và có giá trị lan tỏa lớn.
Sử dụng kỹ thuật storytelling để kể chuyện
Theo Copypress, có hơn 500 triệu người sử dụng Instagram Stories mỗi ngày để kể câu chuyện của họ. Chưa kể, có hàng triệu người sử dụng mạng xã hội mỗi ngày để cập nhật tin tức, kể cho mọi người nghe về những gì họ trải qua trong ngày. Đó thực chất là kể chuyện, là viết cho chính mình.
Để triển khai được một câu chuyện, bạn cần có:
Mục đích chia sẻ
Độc giả đóng vai trò quan trọng trong câu chuyện mà bạn sắp kể. Họ không chỉ là người lắng nghe nội dung, rút ra được bài học trong đó mà nó còn giúp bạn quyết định mình phải kể với giọng điệu nào, cách truyền tải ra sao.
Trước khi học cách sử dụng kỹ thuật storytelling, bạn hãy tự hỏi những câu sau:
– Tại sao bạn muốn kể lại câu chuyện này, mục đích viết của bạn là gì?
– Đối tượng độc giả của bạn là ai, thuộc độ tuổi nào?
– Bạn sẽ sử dụng ngôi kể nào, cách kể chuyện gần gũi hay trang trọng?
Bạn không thể kể một câu chuyện về hành trình chăm sóc con nhỏ trong một cộng đồng về du lịch. Bạn cũng không thể viết những câu chuyện nhỏ nhặt đời sống hằng ngày trên một trang blog được định hình chủ đề ngách là sức khỏe. Việc viết không đúng đối tượng sẽ làm cho hiệu quả truyền đạt thông tin bị giảm xuống đáng kể.
Ví dụ mình là một mentor về viết, đa phần mình sẽ chọn kể những câu chuyện liên quan tới viết lách. Nó có thể là chuyện hài hước, cũng có thể là chuyện buồn,… nhưng nội dung vẫn xoay quanh viết lách và phát triển kỹ năng viết. Điều này sẽ giúp độc giả của mình đọc được những thông tin hữu ích mà họ cần.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần suy nghĩ đến giọng điệu gồm sử dụng ngôi kể và giọng văn phù hợp. Những câu chuyện viết cho chính mình, bạn có thể xưng ngôi thứ nhất hoặc ngôi thứ ba… Sử dụng “tôi” tạo cảm giác trang trọng, lịch sự, trong khi đó “mình” mang đến sự gần gũi thân mật. Nếu độc giả của bạn là độ tuổi gen Z trẻ trung, năng động thì bạn có thể chọn xưng “tớ” hoặc “tui”. Tuy nhiên hãy luôn nhớ là, những câu chuyện luôn có sự kết nối cao giữa người viết và người đọc, vì vậy có thể chọn giọng điệu, ngôi kể phù hợp miễn sao bạn cảm thấy thoải mái, tự nhiên nhất khi kể.
Bài viết liên quan:
Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie
3 lỗi viết cơ bản mà bất cứ newbie nào cũng thường gặp
10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn
Nhân vật trong câu chuyện
Khi nhắc đến hình thức kể chuyện storytelling, nhân vật là yếu tố quan trọng không thể thiếu. Bạn có thể kể xoay quanh một hoặc nhiều nhân vật, nhân vật này là chìa khóa để thu hút độc giả của bạn ở lại với câu chuyện.
Để lựa chọn nhân vật, bạn phải tìm hiểu xem độc giả của mình sẽ quan tâm đến điều gì nhất, sau đó xây dựng nhân vật dựa trên những gì độc giả họ quan tâm.
Mình từng viết nội dung mạng xã hội cho một trung tâm nha khoa theo kỹ thuật storytelling và đã kể lại câu chuyện của một vị khách hàng từng đến thăm khám, trải nghiệm dịch vụ. Những nhận xét, đánh giá chân thực thông qua câu chuyện sẽ lan tỏa tích cực đến khách hàng khác, đồng thời giúp nha khoa nâng tầm thương hiệu.
Tuy nhiên đó là content storytelling cho khách hàng, vậy còn viết bài storytelling cho chính mình thì sao? Đơn giản là bạn tạo ra một cốt truyện, có nhân vật và làm nổi bật thông điệp mà mình muốn truyền tải.
Nếu kể về câu chuyện của bản thân, bạn cũng có thể vừa là người kể chuyện và vừa là nhân vật chính xuất hiện trong câu chuyện.
Tạo xung đột cho câu chuyện
Những câu chuyện hấp dẫn luôn có cao trào xung đột. Chẳng hạn như một bước ngoặt thay đổi cuộc đời nhân vật chính, điều gì đó ngăn cản họ đạt được mục tiêu của mình, điều gì đó khiến họ mong muốn có một kết thúc có hậu. Cao trào câu chuyện cũng có thể là bài học mà nhân vật vượt qua thách thức.
Nếu câu chuyện của bạn đều đều, không không có tình tiết thú vị hoặc bước ngoặt, nó sẽ trở nên nhàn nhạt và mang đến cảm giác nhàm chán cho người đọc.
Chẳng hạn như trong câu chuyện cổ tích, bạn dễ dàng tìm thấy cốt truyện kinh điển: nhân vật chính nghèo khổ, bị áp bức, gặp khó khăn; sau đó đấu tranh vượt qua nhiều sự kiện và cuối cùng kết thúc có hậu.
Một số loại cốt truyện khác phổ biến như:
– Bi kịch: Nhân vật chính trải qua sự thay đổi lớn từ người tốt thành xấu, từ người lạc quan thành bi quan, từ tích cực sang tiêu cực và chịu số phận bi thảm.
– Hero’s Journey: Trong cốt truyện này, đa phần nhân vật chính sẽ trải qua hai phần: Đầu tiên nhân vật sẽ không nhận ra mình cần phải thực hiện nhiệm vụ cho đến khi họ được truyền cảm hứng. Sau đó nhân vật tự nhận thức, khao khát được thể hiện sứ mệnh vai trò của mình thông qua nhiệm vụ.
– Hoàn lương: Thông thường nhân vật xuất hiện với một quá khứ bi thảm khiến họ có cái nhìn tiêu cực về cuộc đời. Tuy nhiên xảy ra hàng loạt biến cố, họ đã chuyển mình để trở thành người tốt.
Kết thúc gửi gắm một thông điệp
Viết storytelling khó nhất không chỉ ở mở đầu giới thiệu câu chuyện mà còn là kết bài để gửi gắm thông điệp. Thông điệp càng hay, càng ý nghĩa thì câu chuyện của bạn dễ dàng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Hãy để cho độc giả thưởng thức bữa tiệc thịnh soạn với đầy đủ món khai vị, món chính và món tráng miệng tương ứng với đoạn mở đầu gây tò mò, nội dung chính hấp dẫn để rồi truyền tải thông điệp ý nghĩa ở phần kết thúc.
Một mẹo dành cho bạn là trước khi viết, nên suy nghĩ về cách kết thúc. Bởi vì bạn sẽ biết chính xác câu chuyện đang diễn ra theo trình tự nào, bạn sẽ biết cách để lái con tàu đi đúng hướng.
Bạn có thể kể câu chuyện nào?
Nếu theo dõi trang cá nhân của mình hoặc từng đọc cuốn ebook miễn phí Những ngày tôi viết trên duongstory.com, hẳn bạn sẽ biết đa phần những câu chuyện đều được mình truyền tải theo hình thức storytelling.
Vậy thì khi nào bạn có thể áp dụng storytelling?
Không quan trọng bạn là nhà văn, copywriter, content writer hoặc là một người viết bình thường, bạn cũng có thể tạo ra câu chuyện của riêng mình.
– Nếu bạn là một content marketer, bạn có thể kể câu chuyện về thương hiệu doanh nghiệp, hoặc đưa thương hiệu vào chiến dịch quảng bá tiếp thị.
– Nếu bạn là một copywriter, bạn có thể kể về câu chuyện khách hàng đã sử dụng sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp bạn cung cấp.
– Nếu bạn là một creative writer, bạn có thể áp dụng storytelling trong viết sáng tác, cụ thể là tản văn tự sự.
– Nếu bạn là một blogger, có thể chèn các câu chuyện cá nhân, hành trình, trải nghiệm của bạn trong một thông tin nghiên cứu nào đó.
– Nếu bạn là một podcaster, speaker, có thể kể chuyện bằng miệng.
– Nếu bạn là một doanh nhân, người lãnh đạo, có thể kể về những thách thức khó khăn mà công ty doanh nghiệp của bạn đã vượt qua và thành công.
Nếu bạn thích kỹ thuật storytelling nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, kể như thế nào, hãy bắt đầu bằng việc đơn giản kể cho chính mình, tựa như hôm nay bạn cảm thấy thế nào, có điều gì làm bạn chú ý không. Sau đó hãy chọn một nền tảng mà bạn cảm thấy thoải mái và chia sẻ nó với mọi người nhé.
4 bình luận
Tình cờ đọc được bài viết này khi lượn lờ mấy website về content. Mình cũng là 1 fan của kiểu viết storytelling. Cũng đang thử viết blog chủ yếu để tâm sự với chính mình. Thấy blog bạn rất hay, có nhiều bài đi đúng “chỗ ngứa”.
Cảm ơn bạn nha, bài này mình vừa xuất bản trên blog luôn. 😀
Mình chủ yếu viết chủ đề cuộc sống để tâm sự với chính mình. Nếu được thì mình có thể liên lạc với bạn qua đâu để trao đổi kinh nghiệm được nhỉ?
Bạn có thể liên hệ với mình qua email haiduong7074@gmail.com nhé.