Viết đúng là tiền đề cho viết hay, viết sáng tạo. Trong khóa hướng dẫn viết mình đã và đang thực hiện, hầu như các bạn trẻ đều mắc một số lỗi viết cơ bản. Bài viết này ra đời hy vọng mang đến cho các bạn trẻ một cái nhìn rõ ràng, từ đó cải thiện để viết tốt hơn.
Lỗi lặp từ
Nguyên nhân dẫn đến lỗi lặp từ phần lớn do nghèo nàn vốn từ, thiếu vốn từ. Một số trường hợp do thói quen của người viết vốn đã vậy.
Điển hình nhất là khi viết cho chính mình, nhiều bạn thường có thói quen bắt đầu câu viết bằng “Tôi” hoặc “Mình”. Việc xưng quá nhiều đại từ nhân xưng làm cho bài viết trở nên nhàm chán, lặp từ và không có sự mới mẻ.
- Ví dụ: “Thật may mắn cho tôi là tôi không bao giờ ghi lại những gì khiến tôi buồn, nhờ đó mà tôi chỉ đọc được những dòng chữ tích cực từ chính mình.”
- Nên viết lại: “Thật may mắn là tôi không bao giờ ghi lại những gì khiến mình buồn, nhờ đó tôi chỉ đọc được những dòng chữ tích cực mà thôi.”
Giải pháp để cải thiện lỗi lặp từ thường là:
Làm giàu vốn từ
Nếu bạn đọc được một bài viết với những từ vựng mới lạ, độc đáo, đừng quên dùng từ điển tra cứu và xem nó nghĩa là gì. Sau đó ghi chú vào sổ tay để có thể sử dụng vào trong những bài viết của mình. Đây cũng là một cách để trau dồi vốn từ vựng và cải thiện kỹ năng viết cơ bản.
Một lưu ý khi sử dụng từ vựng, bạn phải xác định đối tượng độc giả là ai, tầng lớp nào, trình độ nào để dùng từ cho phù hợp nhé. Đừng phô diễn quá nhiều vốn từ hoa mỹ, bởi vì có thể bài viết sẽ giảm đi sự hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp, ý tưởng của bạn.
Loại bỏ những từ trùng lặp
Sau khi viết bài, bạn có thể tự biên tập bằng cách đọc lại bài viết, tốt nhất đọc thành tiếng. Lúc này hãy mạnh dạn cắt bỏ những từ lặp nếu nghĩa của câu văn/đoạn văn không đổi. Trường hợp ý nghĩa đoạn văn bị thay đổi, bạn có thể áp dụng những cách sau.
Thay thế từ lặp bằng các từ chỉ sự vật, sự việc
Một trong những phương pháp hạn chế lỗi lặp từ là thay thế từ lặp bằng các từ chỉ sự vật, sự việc ví dụ như: “Đây”, “nó”, “cô ấy”, “anh ấy”,…
- Ví dụ: “Đi bộ giúp cải thiện sức khỏe vì các cơ được hoạt động. Đi bộ cũng là một bài tập đơn giản hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ngăn ngừa lão hóa.”
- Nên viết lại: “Đi bộ giúp cải thiện sức khỏe vì các cơ được hoạt động. Đây là một bài tập đơn giản hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ngăn ngừa lão hóa.”
Thay thế bằng từ đồng nghĩa/gần nghĩa
Nếu bạn đã dùng từ “sum họp” trong câu viết trước đó và muốn dùng lại từ này, có thể tìm các từ đồng nghĩa, gần nghĩa như “quây quần”, “chung vui”,… Hoặc khi bạn muốn diễn tả trạng thái làm việc/học tập liên tục của một ai đó một cách đáng ngưỡng mộ, tập hợp từ bạn có thể chọn gồm “chăm chỉ, siêng năng, cần cù, kiên trì,…”
Bài viết liên quan:
Tiếng Việt giàu đẹp – 3 Fanpage không nên bỏ qua nếu bạn là người thích viết
Chữa bí từ nhờ bí thuật: Giúp bạn cải thiện tình trạng bí từ khi viết
Viết thiếu liên kết
Có rất nhiều nguyên nhân khiến người viết viết thiếu liên kết giữa các câu, hoặc các đoạn với nhau. Đó có thể là do thói quen nghĩ sao viết vậy khiến câu văn trở nên cộc lốc, đứt đoạn. Hoặc có thể do người viết không dùng các từ nối chuyển câu, chuyển đoạn khiến cho bài viết rời rạc.
- Ví dụ: “Thay vì thường xuyên bỏ bữa sáng, thích ăn đồ chiên, nhiều dầu mỡ, bạn nên ăn đúng bữa (sáng, trưa, tối), ăn nhiều rau xanh và trái cây. Uống đủ nước (2-3 lít/ngày), hạn chế uống nước ngọt.”
- Nên viết lại:“Thay vì thường xuyên bỏ bữa sáng, ăn đồ nhiều dầu mỡ, bạn nên ăn đúng bữa (sáng, trưa, tối), nhiều rau xanh và trái cây. Đồng thời bạn cũng nên uống đủ nước (2-3 lít/ngày), hạn chế uống nước ngọt.”
Giải pháp:
Để viết câu hoặc đoạn liên kết, tránh lỗi rời rạc, bạn có thể dùng từ nối, dấu câu, cặp từ quan hệ:
- Từ nối: thì, và, với, nhưng, hoặc, mà, bởi vì,…
- Dấu câu: dấu phẩy, dấu hai chấm, dấu gạch ngang, dấu chấm phẩy,…
- Cặp từ hô ứng: Vừa… vừa, Càng…càng, Bao nhiêu… bấy nhiêu
- Cặp quan hệ từ: Nếu…thì, Tuy…nhưng,…
Một số bài viết giúp bạn cải thiện kỹ năng viết cơ bản:
Viết đi đừng sợ – Cuốn sách dành cho tay mơ thích viết
Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay
30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn
Viết dài dòng
Có rất nhiều nguyên dân nhẫn đến viết lan man dài dòng, nhưng đa phần các cây viết mới thường mắc lỗi viết cơ bản như thừa từ, dùng nhiều từ có nghĩa tương đồng,… làm cho câu văn dài hơn.
- Ví dụ 1: “Hiện nay, công nghệ tiên tiến, ai cũng đều sở hữu cho bên mình những chiếc điện thoại smartphone hiện đại, chỉ cần kết nối với internet là bạn có thể tìm được biết bao nhiêu trò chơi hấp dẫn trên đấy.”
- Nên viết lại: “Hiện nay, bất cứ ai cũng đều sở hữu cho bên mình những chiếc điện thoại hiện đại, chỉ cần kết nối internet là bạn có thể tìm được biết bao nhiêu trò chơi hấp dẫn trên đấy.”
Trong câu viết trên, người viết đã dùng thừa từ điện thoại, bởi smartphone là chỉ điện thoại thông minh.
- Ví dụ 2: “Nhưng khi đọc qua nhiều đầu sách, bạn có thể nhìn thấy được nhiều mảnh đời cho dù câu chuyện đó chỉ là bịa đặt, hư cấu.”
- Nên viết lại: “Nhưng khi đọc qua nhiều đầu sách, bạn có thể nhìn thấy được nhiều mảnh đời cho dù câu chuyện đó chỉ là hư cấu.”
Trong câu viết trên, “bịa đặt” và “hư cấu” đều mang nghĩa như nhau, về những điều không có thật. Vì vậy bạn chỉ cần dùng một từ là đủ.
Một số lưu ý về lỗi thừa từ:
Không phải lúc nào dùng từ đồng nghĩa, gần nghĩa cũng là thừa từ. Ví dụ bạn viết các thể loại sáng tác: tản văn, truyện dài,… thì việc sử dụng từ láy tương đồng về nghĩa và xếp chúng đứng cạnh nhau đôi khi sẽ làm câu văn trở nên nhẹ nhàng bay bổng hơn.
Đối với những thể loại viết cần sự chính xác cũng như yêu cầu về kỹ thuật viết, bạn có thể lược bỏ những từ thừa. Hoặc sử dụng các từ thay thế nếu phù hợp nhé.
Bài tập: Chọn một trong những bài viết cũ của bạn, đọc xem nó mắc những lỗi cơ bản về viết nào không nhé. Nếu có, thử biên tập lại bằng các giải pháp mình gợi ý ở trên nhé.
Hy vọng với bài viết này, bạn có thể biết cách khắc phục những lỗi viết cơ bản. Và đừng ngần ngại đăng ký email theo dõi bản tin hằng ngày để mình gửi cho bạn những bài về kỹ năng viết mới nhất trên duongstory.com nhé.