Trên hành trình lắm lúc mệt mỏi của người trưởng thành, bạn có bao lần lắng lại, thèm được trở về cái thời bé “ăn chưa no, lo chưa tới” không? Với tôi, ký ức tuổi thơ bao lâu nay chỉ còn là hoài niệm vì mọi suy nghĩ, tâm trí đã cuốn theo dòng xoáy của công việc, phát triển sự nghiệp… Dẫu vậy, tôi nhận ra những kỷ niệm cũ khi được gợi lại vẫn ùa về những cảm xúc lâng lâng khó tả. Gần đây, tâm hồn tôi như dịu mát hơn khi chìm đắm trong thế giới tuổi thơ của cuốn tản văn “Nằm nghe gió thổi sau hè” của tác giả Hải Dương.
Tinh thần tích cực trong hoàn cảnh khó khăn
Hải Dương là “cây bút” trẻ thuộc thế hệ 9x, sinh ra và lớn lên ở một làng quê miền Trung Việt Nam. Lý do để “đứa con” tinh thần này ra đời được tác giả chia sẻ là: “Trong những năm tháng tuổi trẻ, tôi muốn lưu giữ lại tuổi thơ qua những trang sách để một mai khi mắt mờ chân run, ngồi đọc lại cuốn sách mình đã viết, tôi có thể hồi tưởng lại tuổi thơ đã từng rất đẹp”.
Thật vậy, chỉ khi thả hồn vào từng dòng chữ, lật từng trang, “phiêu lưu” qua từng câu chuyện trong sách, tôi có thể cảm nhận được tác giả đã trân trọng góp nhặt từng kỷ niệm nhỏ về ngày thơ bé ấy. Tôi như tìm thấy mình trong đó để rồi chợt nhận ra những năm tháng tuổi thơ đã qua thật đáng cho ta vỗ về, trân trọng biết bao.
Quyển sách được lấy bối cảnh của chính quê hương tác giả hơn mười năm về trước. Trong căn nhà với mái ngói nâu đen, cô bé Mận mới học lớp 4, sống cùng với gia đình: có bà, ba má, chị Hai và bé Út ở một làng quê “hun hút, xa huyện”. Nơi đây, cuộc sống còn nhiều khốn khó “chỉ nghĩ đến cái no hơn là cái ngon, cái ấm hơn là cái đẹp”.
Tác giả đã khắc họa rõ nét đời sống của vùng nông thôn bấy giờ qua những bữa cơm hầu như vắng thịt, cá, nhưng tình yêu thương vẫn luôn tròn đầy. Đó là những bữa ăn luôn quẩn quanh với cải tàu bay, mùi hăng hăng khó ăn nhưng vẫn ngon “Má tôi làm nhiều món từ luộc, chấm mắm chuyển sang nấu canh hay đem xào, đến khi ngán thì má đem muối…” hay “canh nhà giàu” từ rau lang do chính tay ba nấu “Ba sẽ tự tay làm cua, rồi nấu món “canh nhà giàu” cho chúng tôi. Để rồi đứa nào đứa nấy cũng thòm thèm đưa chén xin thêm một chén nữa”.
Dù được sinh ra trong hoàn cảnh nhiều thiếu thốn là vậy, nhưng chị em Mận chưa bao giờ cảm thấy thiệt thòi, ngược lại rất hiểu chuyện, không đua đòi hay vòi vĩnh ba má mua gì như những đứa trẻ khác. Trong căn nhà đó, có 3 đứa trẻ rất ngoan, thương yêu nhau và luôn rộn ràng tiếng cười. Đặc biệt, cô bé Mận mặc dù đôi lúc có tính giận hờn, bướng bỉnh của trẻ con nhưng đằng sau đó là một đứa trẻ có trái tim dạt dào tình cảm, biết quan tâm, để ý đến mọi người.
Hơn nữa, mặc dù còn bé nhưng Mận đã biết nỗ lực học tập, là “cây viết” của lớp. Phải chăng khi được sinh ra trong hoàn cảnh túng thiếu thì nội lực con người càng trở nên mạnh mẽ hơn. Có lẽ Mận đã ý thức được rằng, chỉ có việc học, học thật tốt không chỉ là để gia đình hãnh diện mà từ giáo dục, cô bé có thể đưa những ước mơ của mình cao hơn, xa hơn.
Và để gia đình có cuộc sống tốt hơn, ba Mận phải vào Sài Gòn làm việc, mẹ một mình tần tảo bán bưng chăm lo cho cả gia đình, không một lời than vãn… Ngày ba trở về, mang theo chiếc xe máy đầu tiên như là một bước ngoặc mở ra cuộc sống mới cho gia đình “Chiếc Dream chở chúng tôi đến vùng đất xinh đẹp diệu kỳ, có ánh đèn chớp nháy lung linh, có những ly kem mát lạnh. Chiếc Dream chở chúng tôi đi tìm ước mơ để rồi sống cuộc đời nhiều mơ ước”.
Có thể thấy tinh thần trong quyển sách đã tạo một động lực tích cực và gây cảm tình cho tôi bởi cách tác giả mô tả về cái khó, cái nghèo nhưng không nhuốm màu bi quan. Từ chính trong hoàn cảnh khó khăn nhất nhưng mọi người đều lạc quan, luôn bên nhau và hướng đến một tương lai với nhiều hy vọng phía trước. Như tác giả có viết: “Hồi ấy nghèo nhưng giàu ước mơ”.
Đọc thêm:
Viết cuốn sách đầu tay, cần lưu ý những gì?
Mua sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?
Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?
Trên “cỗ máy thời gian” trở về những năm tháng tuổi thơ
Đọc cuốn sách, với ngôn từ giản dị, giọng văn trong trẻo, nhiều cảm xúc, tôi như bị cuốn ra khỏi thế giới thực tại và được ngồi trên “cỗ máy thời gian” trở về quá khứ, để hòa mình trong những ngày còn vô tư, vô lo, đầy hồn nhiên.
Đó là hình ảnh đẹp khi Mận cùng chị và em quây quần bên gian bếp của bà vào những ngày đông lạnh, chực chờ những chiếc bánh xèo nóng hổi. Đó là khung cảnh thôn quê êm đềm: các đứa trẻ sau giờ tan học đi về trên các con đường làng rợp bóng mát hay là những lúc rong ruổi trên các cánh đồng hái hoa sim, chăn trâu, thả diều, ngả lưng trên đồng cỏ để ngắm đàn chim bay lượn, chơi tập trận giả….
Tất cả những khoảnh khắc ấy, hương vị của đồng quê gió nội ấy, âm thanh của tiếng cười giòn tan khi chơi đùa như thế sẽ khó mà tìm lại được khi chúng ta đã trưởng thành, rời xa quê hương để mưu sinh, lập nghiệp.
Đến với quyển sách, tôi như một lần nữa được “sống” lại trong thế giới tuổi thơ của chính mình. Với tôi, đây không chỉ là một cuốn tản văn về những kỷ niệm tuổi thơ đơn thuần mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp sâu sắc về tình cảm gia đình thiêng liêng, về tình yêu quê hương. “Lớn lên rồi, tôi mới hiểu, đời người ngắn ngủi, đừng lang thang nay đây mai đó, đợi đến khi nhận ra thời gian chẳng còn nhiều nữa, thì đường về nhà đã cách xa vạn dặm”. Lời của tác giả như nhắc tôi và bạn, để dù cuộc sống có những lúc bôn ba ngoài kia nhưng cũng sẽ cần lắm những lúc về nhà để nằm nghe gió thổi sau hè.
Tác giả bài viết: Thanh Nhàn
Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Thanh Nhàn và duongstory.com. Thanh Nhàn là học viên khóa học Viết nâng cao K02 mà mình hướng dẫn, hiện đang làm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và có bài viết được đăng trên báo Thanh Niên, báo Sài Gòn giải phóng cùng một số tạp chí, website uy tín khác.