Bạn đã bao giờ nghe một bài hát nhiều lần, nhưng một lúc nào đó mới để ý và nhận ra lời của bài hát quá đỗi đẹp và ý nghĩa chưa? Với mình đó là lần đầu được lắng nghe bài “Chưa bao giờ” của nhạc sĩ Việt Anh trong buổi hòa nhạc “Yên Concert”. Tại buổi hòa nhạc, mình đã được nghe trực tiếp giọng hát của ca sĩ Thu Phương, đó là một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt khiến mình nhận ra vẻ đẹp ngôn từ tiếng Việt và càng yêu hơn tiếng mẹ đẻ của mình.
Vẻ đẹp ngôn từ trong bài hát “Chưa bao giờ”
Trong bài hát, mình ấn tượng nhất là từ “dáng ngồi” trong câu “Buồn kia còn trong dáng ngồi”. Một từ rất độc đáo, không phải là “dáng hình” hay “dáng người” mà là “dáng ngồi”. Câu từ gợi lên cho người nghe sự trầm tư, cô đơn của nhân vật. Hay là cách tác giả miêu tả so sánh “cơn mưa đêm nhẹ như gió”. Rồi “hát gì lên đi đêm quá yên” nói về nỗi buồn và những suy nghĩ khắc khoải trong lòng nhân vật đối lập với sự tĩnh lặng của màn đêm.
Ngoài ra, bài hát còn có một câu mình rất ấn tượng: “Quên được không những điều ta chưa bao giờ”. Nếu như là “những điều ta đã từng” thì nó sẽ không khiến người nghe bận tâm và suy ngẫm nhiều như vậy. Nhưng nhạc sĩ Việt Anh đã sử dụng từ “chưa bao giờ” để nói lên những tiếc nuối của nhân vật, khiến cho bài hát càng có thêm sức nặng.
Vẻ đẹp ngôn từ trong bài hát “Ném câu yêu vào không trung”
Trong “Yên Concert”, Hoàng Dũng cũng hát một ca khúc là “Ném câu yêu vào không trung”. Bài hát sử dụng những từ ngữ rất đơn giản, nhưng sự sắp xếp và cách kể chuyện của chàng ca sĩ rất đặc biệt.
“Mỗi chiều tiếng ve tôi vờ như hư xe chờ em”. Cách sử dụng vần điệu, sự hóm hỉnh trong câu chữ, vừa gợi ra khung cảnh cùng với đó là câu chuyện của nhân vật.
Hay là câu hát: “hoàng hôn buông vệt dài nơi cuối đường, hắt sáng bóng dáng tôi thầm thương”, mình rất thích cách tác giả Hoàng Dũng sử dụng cụm từ “buông vệt dài” và “hắt sáng” vừa tinh tế, vừa gợi hình gợi cảm.
Còn câu hát: “Và tôi sẽ ném câu yêu em vào trong không trung, chờ cho gió cuốn đi xa”. Tác giả đặt động từ “ném”, không phải “hét” hay “thả”. Một cách dùng rất lạ chất chứa những nỗi niềm kìm nén, những lời không thể nói của nhân vật. Không phải ngẫu nhiên mà Hoàng Dũng là một số ít nghệ sĩ “gen Z” mình ngưỡng mộ, ca từ trong những tác phẩm của anh ấy rất mộc mạc nhưng lại đậm chất thơ.
Đọc thêm:
Đi tìm phong cách viết mang dấu ấn cá nhân cho riêng bạn
Chữa bí từ, làm đầy “chiếc túi ngôn từ” với 7 đầu sách cực hay
Tổng hợp 50 chủ đề viết lách mỗi ngày cho người bắt đầu từ số 0
Tăng vốn từ tiếng Việt, chữa bí từ khi viết với Nằm nghe gió thổi sau hè
Vẻ đẹp ngôn từ trong bài hát “Lặng yên”
Cùng là chất thơ, lại có một bài hát khác mang tiếng sáo và âm hưởng đậm chất mơ mộng hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc khiến lần đầu nghe mình phải chậm rãi thưởng thức, đó là bài hát “Lặng yên” của nhạc sĩ Dương Trường Giang. Lần đầu nghe, mình rất thích nhưng không phải bởi lời hát, mà là vì giai điệu. Thế nhưng nghe nhiều lần, mình lại thích thú khi phân tích từng ca từ.
Trong “Lặng yên”, điều đặc biệt là tác giả không sử dụng bất kỳ đại từ nhân xưng nào, mà dùng hoàn toàn bằng hình ảnh ẩn dụ, hoán dụ và các động từ, tính từ một cách tinh tế để phác nên câu chuyện tình miền sơn cước. Tác giả sử dụng từ “mảnh đời” trong câu hát: “Vài mảnh đời sinh ra không cho nhau đặt cạnh nên biết đau.”
Hình ảnh hoán dụ cho những cuộc đời mong manh của con người giữa núi ngàn mênh mông. Đồng thời cũng có một từ là “biết đau”, dường như muốn nói lên tiếng lòng bẽ bàng và bất lực của nhân vật trước hoàn cảnh vô thường, mà nếu chỉ sử dụng từ “đớn đau” sẽ không gột tả hết được.
“Ngày qua mới biết mơ thôi mà sao vội trôi ngọt ngào đành chia phôi”. Thêm một hình ảnh “ngày qua mới biết mơ thôi” ẩn dụ cho khoảng thời gian thanh xuân ngọt ngào vừa mới bắt đầu nhưng đã trôi qua nhanh chóng. Và từ “chia phôi”, là từ đồng nghĩa với “chia ly”, mình thấy không nhiều người sử dụng, thế nhưng tác giả đã dùng từ này đặt vào câu hát, vừa tạo sự mới mẻ, vừa có vần điệu rất bay bổng.
Nhạc sĩ còn sử dụng cụm từ “trớ trêu”, “hiển nhiên” trong câu hát “Trớ trêu như đời, hiển nhiên như đời”. Hai sắc thái chẳng liên quan tới nhau, nhưng lại được đặt cạnh nhau. Mình đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần, nghĩ về câu chuyện của nàng Súa trong bộ phim rồi bỗng ngộ ra. Có lẽ đây chính là khung bậc cảm xúc của nhân vật, đi từ than thân trách phận trước cảnh ngộ oái oăm, tới bất lực chấp nhận mà cuốn theo “đời”.
“Làm bạn trọn quãng mênh mang ngày sang đêm cạn mình buông nhau khẽ khàng”, từ láy “mênh mang” là rộng lớn đến mức gây cảm giác mông lung, mờ mịt, ở đây không chỉ là chỉ về không gian, mà còn nói về đời người. Nỗi buồn thương xót xa của nhân vật cứ được giãi bày một cách tự nhiên qua những câu chữ của nghệ sĩ Dương Hoàng Giang như thế.
Vẻ đẹp ngôn từ trong bài hát “Nắng thủy tinh”
Lần nữa có một bài hát quá quen thuộc nhưng ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, những câu hát cứ từ từ đi vào trong lòng mình. Đó là khi mình đi xem bộ phim “Em và Trịnh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Khung cảnh Huế và nàng thơ Dao Ánh cùng điệu nhạc bay bổng của “Nắng thuỷ tinh” khiến mình sửng sốt không nói nên lời.
“Màu nắng hay là màu mắt em”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không dùng từ “như” của một phép so sánh thông thường, mà dùng “hay là” miêu tả ánh nắng hắt sáng trong đôi mắt long lanh của Dao Ánh. Rồi cách sử dụng từ linh hoạt trong “Lùa nắng cho buồn vào tóc em”.
Cụm từ “mắt em ngây tròn”, “nắng thuỷ tinh”, hình ảnh so sánh rất độc đáo gợi tả vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng của người thiếu nữ. Bài hát ngân lên, chỉ với vài ca từ đã phác hoạ nhẹ nhàng từng đường nét bức tranh nàng thơ của bác Trịnh.
Và còn nhiều những bài hát nữa mà tin rằng khi bạn lắng nghe từng ca từ, sẽ nhận ra vẻ đẹp ngôn từ tiếng Việt đẹp đến vô cùng. Với mình, những người nhạc sĩ là những nghệ nhân tài tình, khi họ có thể biến những câu chữ ấy thành điệu nhạc đi vào lòng, chạm đến trái tim người nghe.
Tác giả bài viết: Phương Thảo
Bài viết thuộc bản quyền của tác giả Phương Thảo và duongstory.com. Phương Thảo từng tham gia khóa Viết từ số 0 của mình và đang trên hành trình luyện viết.