Với những người viết mới, viết một bài hoàn chỉnh sẽ vô cùng khó khăn. Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn cách viết một bài thật đơn giản, dễ dàng mà không tốn quá nhiều thời gian, đồng thời gợi ý 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn.
Đọc thêm bài viết sau: Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày.
Tại sao bạn cần viết mỗi ngày?
Nếu bạn muốn theo đuổi viết lách, đừng để nó là nghĩa vụ, hãy biến nó thành thói quen. Và cách tốt nhất là lặp đi lặp lại mỗi ngày, viết mỗi ngày, viết bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Cô bạn thân của mình đang theo đuổi bộ môn Yoga. Lần đầu tiên đến phòng tập, cô ấy không lao vào thực hiện những động tác khó nhằn nhằm giảm vòng eo 78cm ngay lập tức. Mà cô ấy thực hiện bài tập đơn giản, từ dễ đến khó theo mức độ của HLV Yoga đưa ra. Và đều đặn mỗi 6 giờ sáng hằng ngày, cô ấy đến phòng tập bất kể mưa nắng, bất kể hôm đó có thất tình hay gì đi chăng nữa. Và sau gần nửa năm luyện tập, vòng eo cô ấy bây giờ vừa vặn 60cm với những cơ bắp săn chắc như mong muốn.
Tương tự với viết lách, nếu bạn muốn trở thành cây viết chuyên nghiệp trong khi bản thân chưa từng viết một bài nào, hãy luyện viết mỗi ngày. Đừng vội lao vào học content marketing hay copywriting, hãy bắt đầu bằng những chủ đề viết đơn giản và thực hành nó liên tục.
Trong cuốn Viết đi đừng sợ có một đoạn văn rất hay mà mình muốn chia sẻ đến bạn: “Người viết lách nghiêm túc không nghỉ ngơi. Ít nhất là không phải lúc mới bắt đầu. Không phải khi họ đang xây dựng “đế chế” viết lách cho mình.
Ngược lại, họ đưa ra một quyết định đơn giản: Họ viết mỗi ngày. Bất kể điều gì.
Sáng ngày Mồng 1 Tết? Họ vẫn viết.
Họ ly hôn với chồng/vợ? Họ vẫn viết.
Họ thắng xổ số? Họ vẫn viết.
Bất kể điều gì có xảy ra. Bất kể họ vui hay buồn. Bất kể họ đang có cảm hứng hay không. Họ viết.”
Vậy nên là, nếu bạn đang có ý định dấn thân vào con đường viết lách, đừng đợi đến ngày mai mới bắt đầu, hãy viết ngay bây giờ. Bạn có thể dành 15 – 30 phút mỗi ngày để viết. Và ngày hôm sau cũng vậy. Ngày hôm sau nữa vẫn thế.
Hướng dẫn viết mỗi ngày theo 4 bước đơn giản
Khi đọc đến dòng chữ này, bạn vẫn chưa định hình được phải viết như thế nào, viết ra sao thì có thể thực hành theo hướng dẫn 4 bước dưới đây nhé.
Theo dõi cây viết nổi tiếng để tiếp thêm động lực
Hãy dành thời gian suy nghĩ xem bạn thích những tác giả/cây viết nào. Bạn có thể theo dõi Facebook, Instagram,… để đọc bài viết của họ để tìm kiếm động lực. Mình tin rằng những gì mà các cây viết chia sẻ luôn mang đến cảm hứng và khơi dậy trong bạn đam mê viết.
Thu thập ý tưởng từ cuộc sống xung quanh
Ý tưởng luôn có xung quanh, kể cả khi bạn đi dạo phố hay trong quán cafe, hiệu sách,… Bằng khả năng quan sát và đọc hiểu hãy thu thập ý tưởng và bổ sung vào kho chất liệu tuyệt vời của bạn để có những bài viết mới lạ. Bạn có thể mua ngay cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè của mình, biết đâu trong sách lại có nhiều ý tưởng thú vị để bạn bắt đầu viết hằng ngày.
Tham gia cộng đồng viết hằng ngày
Một cộng đồng viết hằng ngày sẽ là nơi lý tưởng để bạn có thể viết mà không e ngại bất kỳ lời phán xét hay chỉ trích nào. Bạn có thể tham gia cộng đồng Ngày đẹp trời để viết – một nhóm luyện viết do mình sáng lập.
Lập kế hoạch chi tiết khi viết
Nếu bạn muốn viết mỗi ngày, thử lập một file excel (hoặc bất cứ công cụ nào thuận tiện với bạn) để không phải mất thời gian suy nghĩ hôm nay viết gì. Tốt nhất là file càng chi tiết, ví dụ như bài đó sẽ viết vào thời gian nào, sẽ dùng dẫn chứng gì, tham khảo tài liệu ở đâu, dàn ý cơ bản ra sao,…
Bài viết liên quan:
Làm thế nào để viết những gì mình không biết?
Cách phát hiện ý tưởng viết thú vị từ cuộc sống
15 ý tưởng viết bài đánh tan nỗi lo không biết viết gì
Tổng hợp 50 chủ đề viết lách mỗi ngày cho người bắt đầu từ số 0
Mẹo: Đừng tốn quá nhiều thời gian cho đoạn mở đầu
Việc loay hoay viết mở bài sao cho ấn tượng khiến bạn mất động lực viết tiếp phần sau. Bạn sẽ nản lòng bởi vì mình đã tiêu tốn quá nhiều thời gian. Hãy chấm dứt trở ngại đó bằng cách vào bài nhanh chóng và đơn giản ví dụ như:
Cách 1: Kể câu chuyện liên quan đến bài viết rồi bắt đầu vào nội dung.
Câu chuyện có thể là của bạn, bạn chứng kiến, hoặc bạn được nghe kể lại. Thậm chí nó có thể là câu chuyện của bạn bè hoặc người quen,… (Hãy lưu lại những câu chuyện để làm chất liệu cho bài viết nhé!)
Cách 2: Mở đầu trực tiếp vấn đề bằng cách “Hôm nay vô tình đọc được abc thế nên mình muốn viết vài dòng xyz”.
Bạn cũng có thể bắt đầu bằng những cách khác, tuy nhiên nếu bạn đã tốn hơn 30 phút cho một đoạn mở đầu. Mình khuyên bạn nên trở về với cách truyền thống, tựa như:
– “Hôm qua mình đọc được…”
– “Hôm nay mình nhìn thấy…”
– “Vào 4 năm trước, mình từng gặp…”
– “Đề bài hôm nay là…, và mình muốn viết đôi dòng về…”
Mẹo: Viết phần kết bài ngắn gọn và đơn giản
Cách 1: Viết một câu trích dẫn hoặc câu kết chốt lại vấn đề cần nói, để in dấu ấn trong lòng người đọc.
Cách 2: Đặt ra một câu hỏi hoặc để lại lời nhắn nhủ để tương tác với độc giả.
Gợi ý 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày
Cấp độ 1: Viết để kể
Trong 10 chủ đề ở cấp độ 1, bạn sẽ kể những câu chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, để nuôi dưỡng đam mê và tạo thói quen viết. Bạn không nhất thiết phải dành nhiều thời gian để làm công việc này, đơn giản dành 15-30 phút mỗi ngày để kể lại những câu chuyện về bản thân bạn.
1. Hôm nay bạn cảm thấy thế nào?
2. Tên của bạn có ý nghĩa gì?
3. Một người mà bạn nghĩ đến lúc này.
4. Một câu nói yêu thích bạn yêu thích và nó có ý nghĩa thế nào với bạn?
5. Một bộ phim/cuốn sách bạn thích hoặc không (nêu rõ lý do vì sao).
6. Hôm nay bạn học được những gì?
7. Liệt kê những điều điều khiến bạn hạnh phúc.
8. Bạn có sở thích gì đặc biệt không, cùng chia sẻ nhé!
9. Một câu chuyện cũ nào khiến bạn nhớ về.
10. Chọn 1 trong 2 chủ đề sau và thực hành viết:
– Nếu được viết thư gửi cho mình năm 18 tuổi, bạn sẽ nói gì?
– Thử viết một lá thư gửi cho chính mình 5 năm sau – về những ước mơ của bạn!
Cấp độ 2: Viết để tốt hơn
Ở bước này bạn sẽ đối diện với những nỗi sợ của bản thân, nhìn nhận những khuyết điểm đã có trong viết lách. Và việc của bạn là đối diện với nó, chấp nhận rằng bạn chưa đủ giỏi. Đồng thời chia sẻ những gì bạn tự tin về trong viết lách.
11. Lỗi sai/điểm yếu trong viết lách bạn muốn cải thiện nhất?
12. Bạn viết vì điều gì?
13. Liệt kê những tác giả sách mà bạn yêu thích và viết 1, 2 dòng tóm tắt về họ.
14. Từ tiếng Việt nào khiến bạn nhầm lẫn?
15. Liệt kê tất cả nỗi sợ khi viết mà bạn từng trải qua?
16. Bạn đã làm gì để vượt qua nỗi sợ khi viết?
17. Hãy nhìn xung quanh và có thứ gì khiến bạn muốn viết ra hay không?
18. Viết về một điều bạn từng ghét hoặc không muốn chia sẻ?
19. Trở ngại lớn nhất về viết lách đối với bạn là gì, bạn đã tìm cách vượt qua nó chưa?
20. Bạn tự tin nhất về điều gì trong viết lách: vốn từ, ngữ pháp, giọng điệu,… Bạn đã làm gì để có được điều đó?
Cấp độ 3: Viết để can đảm hơn
Đối diện với nỗi sợ là học cách nhìn sâu vào mắt nó và tự tin nói rằng bạn có thể làm được. Ở bước này bạn có thể học cách tự biên tập bài viết, đồng thời chia sẻ bài viết trên trang cá nhân hoặc bất cứ nền tảng nào.
21. Số tiền đầu tiên bạn kiếm được từ viết?
22. Bạn đã tự biên tập bài viết chưa? Hãy đọc bài viết này và tự biên tập bài viết ở chủ đề ngày 12 nhé.
23. Chia sẻ bài Số tiền đầu tiên bạn kiếm được từ viết trên trang cá nhân hoặc một hội nhóm cộng đồng về viết lách. Sau đó viết lại cảm xúc của bạn khi đọc những dòng bình luận từ mọi người.
24. Nghe một bản nhạc hoặc đọc một cuốn sách, sau đó liệt kê 5 từ vựng tiếng Việt mà bạn thấy ấn tượng nhất. Kết hợp với Từ điển tiếng Việt để tra cứu nghĩa của chúng và viết một bài có chứa các từ bạn vừa tìm được.
25. Từ chủ đề: Trở ngại lớn nhất về viết lách đối với bạn là gì, hãy viết lại mở bài theo những cách khác nhau. Bạn có thể tham khảo những cách viết đoạn mở đầu tại đây.
26. Viết ra 10 điều bạn muốn làm trong tháng này.
27. Danh sách 15 điều bạn muốn hoàn thành trong năm nay.
28. Trong tất cả thể loại bạn từng trải nghiệm, có thể loại nào khiến bạn thích thú và muốn viết nhiều hơn không? Hãy thử viết nó một lần nữa nhé.
29. Sau 30 ngày thực hành viết liên tục, bạn có nhận thấy mình đã thay đổi (hoặc tiến bộ) điều gì không? Cùng ghi lại những bài học sau hành trình này nhé.
30. Bạn không cần phải viết gì cả, hãy dành thời gian đọc lại bài viết của mình. Bạn đã làm được nhiều hơn bạn nghĩ!
Bạn đã thử thực hành 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày trên đây chưa? Chuẩn bị sổ bút hoặc một chiếc laptop và bắt đầu hành trình với con chữ. Hoặc đồng hành cùng mình trong các chương trình học viết 1:1 để hình thành thói quen viết mỗi ngày nhé.
8 bình luận
Ý tưởng viết để tốt hơn khá là hay. Có lẽ mình sẽ muốn thử!
Cảm ơn bạn đã đọc, chúc bạn viết tốt nhé.
Cảm ơn add vì muc viết để tốt hơn ạ.
Cảm ơn bạn đã ủng hộ ạ, mong bạn sẽ tìm được những điều hữu ích trên trang viết này.
Cảm ơn add ý tưởng rất hay ạ.
Cảm ơn bạn đã đọc nha, nếu có thắc mắc gì về viết bạn cứ email cho mình qua haiduong7074@gmail.com nhé. <3
Cảm ơn bạn rất nhiều. Ý tưởng rất hay và hữu ích ạ.
Cảm ơn bạn đã ủng hộ blog mình nha, có vấn đề gì về viết bạn cần giải đáp, đừng ngại email cho mình qua haiduong7074@gmail.com nhé.