Bạn muốn viết về những phong cảnh từng đi qua hoặc tình yêu với một nơi chốn nào đó nhưng lại chưa biết bắt đầu với một blog du lịch như thế nào. Hay đơn giản bạn muốn tìm kiếm một công việc viết lách tự do trong thế giới đó đây dựa vào những trải nghiệm du lịch bốn phương của mình. Phát triển blog du lịch đòi hỏi không chỉ ở việc tìm kiếm ý tưởng, chủ đề mà còn phải làm sao để lên kế hoạch nội dung nhất quán. Hướng dẫn 5 bước dưới đây sẽ giúp bạn rõ ràng hơn con đường đi của mình.
Các dạng blog du lịch phổ biến
Hoạt động với tư cách là writing mentor bên cạnh công việc content writer, mình nhận được khá nhiều thắc mắc, chia sẻ của các bạn newbie khi bắt đầu viết blog. Cụ thể là nếu muốn trở thành travel blogger thì nên viết theo phong cách nào, chọn chủ đề gì để thu hút độc giả,…
Để có được những ý tưởng hoàn hảo cho blog du lịch, đầu tiên bạn cần nắm rõ một số dạng blog phổ biến hiện nay.
– Blog du lịch địa phương: Blog dạng này chủ yếu cung cấp thông tin, giới thiệu những địa danh, cảnh đẹp tại một khu vực/địa phương nào đó. Ví dụ một blog cá nhân chia sẻ về những cuộc sống, con người ở Đà Lạt như linindalat. Blog Ambot-ah! khám phá đất nước Philippines và Châu Á của Marcos Detourist. Blog Tiptoeing World của blogger Mima chia sẻ về cuộc sống hàng ngày ở Tokyo (Nhật Bản).
– Blog ảnh, video: Với các blog/website ảnh hoặc video du lịch, content chủ yếu là hình ảnh/video và phần chữ thường bổ sung, giải thích ý nghĩa của bức ảnh. Bạn có thể dễ dàng khám phá những blog ảnh du lịch của nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Quỷ Cốc Tử qua blog cùng tên.
– Blog trải nghiệm, kinh nghiệm du lịch: Đây là dạng phổ biến nhất và được nhiều người chọn để phát triển nội dung blog. Thông thường mọi người sẽ chia sẻ về trải nghiệm, mẹo, hướng dẫn, một số thủ thuật,… khi tham quan, vui chơi tại một địa điểm (quốc gia) trên thế giới. Một số blog nổi tiếng như Lý Thành Cơ chia sẻ hơn 200 bài viết thông qua hành trình du lịch 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bạn có có thể dễ dàng bắt gặp những bài viết dạng như 7 cú sốc văn hóa khi đến châu Âu, Kinh nghiệm du lịch Thụy Sĩ lịch trình 6 ngày 5 đêm,… tại blog Lý Thành Cơ. Hay blog Dan Flying Solo là nơi ghi chép lại hành trình 1467 ngày du du khắp thế giới. Dan cung cấp cho độc giả những cảm hứng du lịch và một số mẹo để bạn có thể bắt đầu chuyến phiêu lưu của mình.
Ngoài ra bạn có thể tìm kiếm ý tưởng phát triển một blog về du lịch như blog phỏng vấn về những travel blogger, dạng thống kê (liệt kê danh sách điểm đến, các bước/lịch trình du lịch), du lịch địa phương. Chẳng hạn như bạn sinh sống tại những địa điểm nổi tiếng Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An hay Hà Giang thì đây thật sự là những lợi thế tuyệt vời để bạn bắt đầu với một blog du lịch.
Hay bắt đầu chia sẻ những bí quyết, thủ thuật du lịch bụi (phượt) như thiết bị dụng cụ cần khi đi du lịch bụi, chi phí cho một chuyến đi là bao nhiêu, để trải qua một kỳ cắm trại ban đêm trên núi an toàn,… cũng là một gợi ý thú vị để viết blog. Sau khi đã có ý tưởng, giờ thì bạn có thể bắt đầu với 5 bước hình thành để có được blog du lịch chuyên nghiệp theo hướng dẫn bên dưới.
Bài viết liên quan:
Mình đã học được gì khi viết blog?
Làm thế nào để bài viết blog ấn tượng hơn?
7 công cụ miễn phí để vận hành blog hiệu quả
5 kỹ năng cơ bản không thể thiếu đối với một blogger
10 câu hỏi bạn cần phải trả lời trước khi viết blog cá nhân
Hướng dẫn 5 bước bắt đầu với một blog du lịch
Xác định chủ đề cho blog
Ở bước này, thử vẽ ra những ý tưởng mà bạn sẽ xây dựng nội dung cho blog. Không quan trọng ý tưởng đó hay hay dở, bạn chỉ cần viết ra nó, tất cả những chủ đề, ý tưởng, công cụ bạn sẽ hỗ trợ cho việc phát triển nội dung. Khi có chủ đề, lúc này bạn cần phải nghiêm túc suy nghĩ: Chủ đề này có mới hay không, đã có blogger nào viết về nó rồi, họ đang đi theo dạng content như thế nào, bạn sẽ làm gì để thật sự khác biệt?
Về vấn đề chọn ý tưởng cho blog, thực tế bản thân mình đã phải mất 6 tháng để định hình nội dung blog và tinh chỉnh phù cho phù hợp với độc giả hiện tại. Một học viên trong khóa Viết blog 1:1 của mình cũng đã từng đập đi xây lại blog chỉ vì nó không đúng định ước và sở thích của bạn.
Suy nghĩ về tên miền
Tên miền cũng giống như tên bạn, do đó bạn nên chọn một tên miền phù hợp với định hướng của mình. Tên mình đặc trưng, dễ nhớ, ngắn gọn sẽ làm mọi người nhớ về bạn nhiều hơn. Bạn có thể liệt kê một số tên miền mà bạn thích, sau đó kiểm tra xem nó đã được mua hay chưa. Nếu nó đã được mua, bạn hãy thử với các đuôi khác như .co, .com.vn, .net, .infor,…
Mình thường đưa ra những lời tư vấn trong các chương trình mentoring rằng, nên cẩn thận lựa chọn tên miền. Bởi vì một số trường hợp mình gặp chia sẻ rằng họ đã chán cái tên miền đang sử dụng, thậm chí là chuyển sang một tên miền mới. Bắt đầu với tên miền blog về du lịch, bạn có thể kết hợp tên bạn kết hợp với một địa danh nào đó. Ví dụ blog của Huỳnh Gia Linh, một freelance writer đang sống tại Đà Lạt với tên Linindalat (Linh ở Đà Lạt).
Bắt đầu tạo lập một blog cá nhân
Mình chia sẻ khá nhiều về việc nên tự tạo blog hay thuê dịch vụ set-up blog trong bài viết Duong’s Story: Đem câu chuyện cũ họa đôi ba dòng. Thực tế mỗi cách sẽ có ưu điểm và hạn chế khác nhau và phụ thuộc vào quỹ thời gian cùng sự kiên trì của bạn.
Đa số học viên tìm đến với mình đều tự tạo cho mình một chiếc blog, tuy nhiên trong quá trình học, hơn 50% số đó đã phải thuê một cá nhân khác để sửa chữa lại blog/website cho hoàn thiện. Nếu bạn muốn tập trung vào phát triển điều gì, hãy dồn nguồn lực để phát triển nó và các công việc khác có thể thuê/nhờ sự hỗ trợ. Mình đã từng thuê một trợ lý part-time cho tháng 10.2022 khi mình quá tải công việc. Tương tự trong trường hợp này, nếu bạn muốn phát triển kỹ năng viết hãy dành thời gian tập và thực hành viết sẽ tốt hơn thay vì phân bổ thời gian cho cả 2 công việc. Nếu không sắp xếp và quản lý được thời gian, bạn sẽ rơi vào tình trạng quá tải và những dự án bắt đầu dở dang.
Lên kế hoạch sản xuất nội dung
Khi trở thành freelance content writer, mình không còn phải thực hiện công việc viết bài bất quy tắc như khách hàng giao chủ đề nào thì mình hoàn thành chủ đề đó. Mà mình thường trao đổi với khách hàng để thống nhất nhằm xây dựng bảng kế hoạch dài hạn, sau đó thực hiện triển khai nội dung theo kế hoạch đó.
Ngay cả với blog cá nhân duongstory.com, mình cũng có một bảng kế hoạch phát triển nội dung từ 3-6 tháng và những sản phẩm mình sẽ cung cấp trong vòng 6 tháng – 1 năm. Do đó khi bắt đầu với một blog về du lịch, bạn nên quên đi những thói quen nghĩ gì viết nấy, mà hãy lập cho mình một chiến lược dài hơi. Nó sẽ giúp bạn bám sát mục tiêu và viết bài hiệu quả hơn.
Nội dung blog du lịch đặc thù ở chỗ đôi khi bạn cần có trải nghiệm, do vậy hãy lên lịch tham quan tại một vài địa điểm cụ thể nào đó, ghi chép lại những gì bạn ấn tượng và bắt đầu triển khai chủ đề đó. Bạn cũng có thể chẻ nhỏ vấn đề, để có thể liên tiếp sản xuất nội dung nhiều hơn mà không cần phải ngày nào cũng xách balo lên và đi. Ví dụ bạn muốn viết về du lịch Sơn Trà (Đà Nẵng), bạn có thể có ý tưởng như: hành trình khám phá Sơn Trà, mẹo tham quan Sơn Trà an toàn, những loài động thực vật độc đáo, bí kíp cắm trại qua đêm,…
Quảng cáo blog của bạn và kiếm tiền
Một chiến lược quảng cáo đúng đắn sẽ giúp blog của bạn tiếp cận với nhiều độc giả hơn. Mình cũng đã có được 100,000 lượt truy cập blog duongstory.com với 98 bài viết đã được xuất bản. Điều đặc biệt là mình không tập trung vào kỹ thuật SEO và không chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Để có được bí quyết đó, mình đã thử nghiệm hơn 6 tháng. Bạn có thể tìm thấy chiến lược quảng cáo blog đó tại Khóa học viết online của mình.
Sau khi blog du lịch đã có được một lượt truy cập nhất định, bạn sẽ có độc giả của mình. Lúc này bạn có thể tận dụng nguồn truy cập cao để tạo ra thu nhập thụ động cho mình như tiếp thị liên kết với các tour du lịch, bán sản phẩm dịch vụ hoặc cài đặt quảng cáo trên blog. Hay xa hơn nữa trong tương lai, bạn sẽ trở thành một diễn giả, một người truyền cảm hứng du lịch,… điều này không phải là một ảo mộng nếu bạn thực sự đi và viết.