Storytelling là gì?

Một ngày hè tháng 3, mình có trò chuyện với giáo viên dạy viết. Cô ấy nói rằng thế mạnh của mình là kể chuyện, kể những câu chuyện của bạn thân để truyền cảm hứng và thông điệp của mình đến người trẻ tập viết. Thế là mình quyết định tìm hiểu về storytelling và học cách áp dụng, thực hành nó vào viết nội dung website.

Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu storytelling là gì và tại sao hình thức này lại quan trọng trong viết lách, đặc biệt là viết blog.

Storytelling là gì?

Storytelling là gì?
Photo by Maegan Martin on Unsplash

Theo trang Storynet.org, storytelling là kể chuyện, hiểu một cách đơn giản nó là nghệ thuật tương tác, sử dụng lời nói và hành động để bộc lộ các yếu tố, hình ảnh của một câu chuyện, đồng thời khuyến khích trí tưởng tượng của người nghe.

Huspot.com cũng định nghĩa storytelling là quá trình sử dụng chất liệu sự thật đời thường bằng cách tường thuật để truyền đạt điều gì đó cho độc giả. Những câu chuyện có thật hoặc được hư cấu để làm rõ thông điệp hoặc gửi gắm tình cảm, cảm xúc của người viết.

Bạn có thể kể chuyện về bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống, từ con người từng gặp, món ăn từng nếm thử, vùng đất từng đi qua,… Hoặc bạn có thể áp dụng kỹ thuật storytelling để xây dựng thương hiệu cá nhân, kể về câu chuyện doanh nghiệp, dịch vụ của bạn. 

Trình bày nội dung theo cách kể chuyện thường dễ nhớ và gợi sự liên tưởng nhiều hơn so với phương pháp truyền thống. Những câu chuyện thú vị sẽ kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng của độc giả. Đặc biệt khi đọc một câu chuyện hay, độc giả có thói quen kể lại với những người quen của họ, và như thế câu chuyện sẽ lan tỏa nhiều hơn.

Các hình thức kể chuyện – storytelling

Storytelling là gì?
Photo by Reuben Juarez on Unsplash

Bạn cũng có thể sử dụng âm thanh (voice), hình ảnh, video,… hoặc kết hợp chúng cùng văn bản (text) để kể một câu chuyện của riêng mình. Nhìn chung, có 4 hình thức thể hiện storytelling gồm:

– Kể chuyện bằng miệng: Đây là hình thức kể chuyện lâu đời, phổ biến nhất là các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết được kể lại từ ông bà tổ tiên. Hình thức này là phương tiện cho bất kỳ câu chuyện nào, có thể là câu chuyện từ trong sách vở, hoặc câu chuyện có thật về cuộc đời của người kể. Sự ra đời của radio, đài phát thanh và những năm trở lại đây là podcast khiến cho hình thức kể chuyện bằng miệng tiếp cận với hàng triệu người nghe trên toàn thế giới.

– Kể chuyện bằng hình ảnh: Khi công nghệ phát triển, việc kể lại câu chuyện thông qua hình ảnh ngày càng được ưa chuộng, vì nó mang tính trực quan, sinh động. Ví dụ fanpage Nhà Thổ kể về những câu chuyện hài hước xung quanh anh bạn thổ dân có nước da ngăm đen qua hình ảnh hài hước vui nhộn. Ngoài ra còn có những fanpage kể chuyện giải trí với hình ảnh như Thỏ Bảy Màu, Đậu Đỏ Tung Tăng,…

– Kể chuyện bằng văn bản: Hình thức kể chuyện thông qua chữ viết. Ví dụ như những câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích được ghi chép trong sách vở qua hàng trăm năm. Sau này là tiểu thuyết, truyện ngắn,… cho đến các bài đăng mạng xã hội, bài đăng blog/website. 

– Kể chuyện đa phương tiện: Sự phát triển của kỹ thuật số cho ra đời những bộ phim truyền hình, điện ảnh, video với âm thanh và hình ảnh sống động. Những câu chuyện được kể thông qua phương thức này luôn mang lại sự chân thực tuyệt vời. Đặc biệt ngày nay, có đến hàng triệu người dùng Facebook, Instagram,… thì việc kể những câu chuyện cá nhân, câu chuyện thương hiệu,… thông qua video, phim ảnh tạo nên sức ảnh hưởng lớn.

Tại sao chúng ta nên viết storytelling?

Truyền thông điệp một cách gần gũi, chân thành

Bạn thử đọc lại đoạn mở đầu bài viết này, đó là một cách viết kể chuyện được mình áp dụng. Và dĩ nhiên câu chuyện này có thật. Bản thân mình đam mê viết lách nói chung và hình thức kể chuyện nói riêng. Hầu hết những bài viết trên trang cá nhân hoặc blog, thỉnh thoảng mình sẽ lồng ghép nghệ thuật kể chuyện vào trong đó để giúp cho việc truyền tải nội dung trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Chính vì điều đó mình đã quyết định tìm hiểu về kỹ thuật storytelling để hiểu sâu hơn và áp dụng nó trong các nội dung sẽ xuất bản.

Bạn có thể thử bắt đầu luyện viết mỗi ngày bằng cách kể lại những câu chuyện. Đó là câu chuyện của chính bạn, hoặc câu chuyện bạn chứng kiến, bạn được nghe kể lại. Bạn cũng đừng quên lồng ghép vào thông điệp bạn muốn gửi gắm đến độc giả và xem phản ứng của họ thế nào bằng cách đăng tải bài viết trên trang cá nhân, blog/web hoặc trong cộng đồng viết lách phù hợp.

Đọc thêm những bài viết sau:

3 lỗi viết cơ bản mà bất cứ newbie nào cũng thường gặp

10 mẹo hữu ích giúp bạn viết nhanh hơn, viết nhiều hơn

Làm thế nào để viết những gì mình không biết?

Gắn kết mọi người với nhau

Những câu chuyện storytelling thường là kể về một nỗi đau, nghịch cảnh, một câu chuyện vươn lên, về người anh hùng,… Hoặc đơn giản là những câu chuyện có cảm xúc, có nguyên nhân, có kết quả. Chia sẻ những câu chuyện trong một nhóm cộng đồng sẽ lan tỏa được nhiều hơn giá trị của thông điệp, từ đó gắn kết mọi người lại với nhau. Họ sẽ đồng cảm, tìm thấy những con người có chung sở thích, có chung sự thấu hiểu, và sống vị tha hơn.

Truyền cảm hứng và động lực, thúc đẩy người đọc hành động

Áp dụng kỹ thuật viết storytelling đúng cách, bài đăng blog của bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn, mọi người sẽ chú ý đọc câu chuyện của bạn, thậm chí họ sẽ không ngần ngại nhấn nút theo dõi bạn. Các câu chuyện cung cấp dẫn chứng cho bài viết trở nên sinh động, rõ ràng và thuyết phục. Quan trọng hơn hết, độc giả sẽ nhớ đến bài viết của của bạn, nhớ đến câu chuyện mà bạn kể. Khi đó họ sẽ được tiếp thêm động lực và bắt tay vào hành động, thực hành theo những gì bạn hướng dẫn.

Ngày nay có rất nhiều người làm nội dung áp dụng hình thức storytelling cho cá nhân lẫn xây dựng thương hiệu. Bạn cũng có thể áp dụng hình thức storytelling đơn giản bằng cách đặt bút lên giấy để bắt đầu kể lại ngày hôm nay diễn ra như thế nào và sau đó chia sẻ với độc giả của mình. 

Bài viết dành cho bạn: 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

Trả lời