Chi tiết mũi đâm xô và thực hành thêu khăn tay lá phong

Buổi chiều hôm ấy, tôi đem tất cả dụng cụ thêu của mình ra bờ sông. Ngồi bên sông Hàn lộng gió, mặc kệ tiếng người gọi nhau í ới và cả tiếng xe chạy qua lại, tôi chìm đắm miên man trong khúc nhạc đâm xô diệu kỳ.

Chiếc khăn tay ra đời với một niềm hạnh phúc vô bờ. Quá trình học thêu mũi đâm xô cho đến việc thực hành thêu khăn tay lá phong sẽ được bật mí trong bài viết dưới đây, bạn đừng bỏ qua nhé!

Chi tiết mũi thêu đâm xô (Long and Short Stitch)

Tôi biết đến mũi đâm xô ngay từ khi mới bắt đầu tập tễnh bước chân vào con đường thêu dệt. Thế nhưng lúc ấy tôi chưa dám thử. Nhìn các tác phẩm đâm xô ấn tượng, tôi sinh ra lòng ngưỡng mộ với chủ nhân của nó. Đã có lần tôi tự nhủ rồi mình sẽ thực hiện được mũi thêu khó nhằn kia!

Để học đâm xô, tôi bắt đầu mò mẫm những trang blog, những kênh Youtube thêu tay trong lẫn ngoài nước. Mũi đâm xô đòi hỏi sự tỉ mỉ, cận thận và khéo léo của người thêu.

Chi tiết mũi thêu đâm xô được hướng dẫn kỹ hơn ở hình ảnh minh họa bên dưới.

Thực chất nó chỉ là các đường đâm kim dài ngắn xen kẽ nhau sao cho lấp kín những khoảng trống. Điều khó nhất ở mũi đâm xô là kết hợp màu chỉ phù hợp để tác phẩm có sự thay đổi màu sắc hài hòa, tự nhiên.

Bài viết liên quan:

Hướng dẫn chi tiết 8 mũi thêu cơ bản được sử dụng thường xuyên trong thêu thùa

Khám phá ưu – nhược điểm và mẹo hữu ích của 5 món đồ cần có khi thêu tay

Hướng dẫn thêu mã vạch Spotify làm quà tặng – Spotify Embroidery

Chuẩn bị vật liệu, dụng cụ thêu

Đừng quên trước khi bắt đầu, bạn cần chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết sau nhé:

Vải thêu

Tùy thuộc vào màu chỉ mà bạn chọn vải thêu có tone màu sáng hoặc tối. Trong tác phẩm của mình, tôi chọn thêu lá phong vàng kết hợp nâu đỏ, nền vải linen trắng là sự lựa chọn không thể nào hoàn hảo hơn.

Kim, chỉ, khung thêu

Thực hiện đâm xô với sợi chỉ đơn, do vậy tôi chọn chiếc kim thêu nhỏ nhất. Tôi cũng đoán rằng việc chọn màu chỉ sẽ khiến bạn đau đầu, đôi khi tiêu tốn thời gian còn nhiều hơn thêu nữa.

Hãy thử tìm kiếm trên mạng một vài hình ảnh hoặc mẫu thêu lá phong để tham khảo. Dựa vào màu sắc đó, bạn có thể chọn ra màu chỉ phù hợp.

Một cách mà tôi thường áp dụng là đặt những màu chỉ lên trên nền vải dự định thêu. Sau đó tôi lựa chọn và sắp xếp chúng lại sao cho các màu sắc chuyển tiếp trông tự nhiên nhất. Tèn ten, thế là đã chọn được chỉ thêu cho mình rồi.

Bút bay màu và giấy scan mẫu vẽ

Bạn có thể vẽ trực tiếp trên nền vải thêu bằng bút bay màu. Hoặc nếu bạn không có hoa tay, lúc này cũng đừng quá lo lắng. Bởi giấy scan ra đời để giúp bạn làm điều đó.

Có 2 loại giấy được sử dụng phổ biến trong thêu thùa gồm giấy than và giấy can lụa.

Bạn đặt giấy lên trên họa tiết cần thêu rồi dùng bút bi đồ lại. Sau khi đã có mẫu, đặt giấy scan lên trên vải rồi dùng bút bay màu đồ lại một lần nữa. Lúc này mẫu thêu sẽ được in trên vải.

Để không mất quá nhiều thời gian loay hoay cho việc tìm dụng cụ, bạn có thể tham khảo một số link mua sắm tại đây. Những món đồ này mình đã mua tại các shop này rồi nên bạn đảm bảo chất lượng nhé.

Vải thêu: Link shopee

Kim, chỉ: Link shopee

Khung thêu: Link shopee

Bút bay màu: Link shopee

Giấy scan mẫu vẽ: Link shopee

Hướng dẫn thực hành thêu khăn tay lá phong

Loại lá đặc trưng của Canada rất thích hợp để đâm xô trong một chiều thu lãng mạn. Với khung gỗ, đôi ba sợi chỉ và chiếc kim, thế giới vội vã ngoài kia cũng dừng lại nhường chỗ cho bạn mặc sức thêu thùa thỏa thích.

Mẫu lá phong và scan mẫu vẽ

Từ một số mẫu lá phong được tổng hợp trên internet, bạn có thể chọn ra cho mình mẫu thêu ưng ý. Sau khi đã chọn được mẫu, bạn cần scan lên vải để tiến hành thêu. Cùng đón đọc 5 cách sang mẫu hình thêu đơn giản và dễ áp dụng nhất tại blog duongstory.com nhé.

Tiến hành thêu lá phong

Đầu tiên bạn thêu các mũi dài ngắn khác nhau xung quanh viền lá. Ở đây tôi chọn kết hợp 3 màu chỉ thêu, do vậy màu chỉ ngoài cùng sẽ là màu sáng nhất. Các màu chỉ đậm dần vào đến tâm lá.

Các bước thêu thứ tự như trong hình ảnh minh họa. (Bạn có thể xem lại Chi tiết mũi thêu đâm xô ở phần đầu bài viết).

Sau khi thực hiện xong phần quan trọng nhất, đừng quên thêu cuống lá nhé. Vì cuống quá nhỏ không thể dùng mũi đâm xô nên tôi quyết định chọn mũi lướt vặn thay thế.

Hoàn thiện khăn tay

Hoàn thành mũi đâm xô, giờ là lúc cắt vải và khâu viền khăn thôi nào! Để gọn lẹ và đơn giản bước này, bạn có thể dùng máy may hoặc đem ra tiệm may. Song tôi thích tất cả mọi thứ đều là handmade nên lựa chọn thêu tay.

Để khâu viền, tôi dùng mũi thêu backstitch (chi tiết có tại bài viết Hướng dẫn chi tiết 8 mũi thêu cơ bản được sử dụng thường xuyên trong thêu thùa). Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng mũi đột thưa (Running Stitch), mũi móc xích (Chain Stitch), mũi Blanket Stitch…

Cuối cùng, chiếc khăn tay thêu lá phong đầu tiên ra đời trong những buổi chiều bên sông Hàn. Chiếc khăn với những lần đầu tiên…

Lần đầu tiên tôi thực hiện mũi đâm xô,

lần đầu tiên tặng người chiếc khăn thêu tay handmade,

và lần đầu tiên tôi nhận ra, cây kim sợi chỉ nhỏ bé ấy cũng đủ để khiến lòng mình bình yên giữa phố thị xô bồ!

2 bình luận

Trả lời