“Không giỏi Văn có thể viết content được không?”, “Kỹ năng cần thiết của một content writer?” hay “Luyện viết content ở đâu?”,… là những câu hỏi mà mình nhận được rất nhiều trong thời gian qua. Nếu bạn là newbie và muốn trở thành content writer, đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Câu hỏi 1: Không giỏi Văn có thể viết content được không?
Đầu năm nay, mình và cộng sự có cơ hội hợp tác cho một thương hiệu về ẩm thực với vai trò content writer. Công việc của mình là phụ trách content website đúng như thế mạnh và cộng sự phụ trách nội dung cho social.
Cả mình và cộng sự có xuất phát điểm hoàn toàn khác nhau. Nếu mình xuất thân từ dân học chuyên Văn, từng đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Báo chí truyền thông thì cộng sự của mình học khối Tự nhiên và tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế. Thậm chí trước đây môn Văn của cô ấy cũng không nổi trội.
Thế nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Các bài viết mà cộng sự của mình gửi đi đều được khách hàng đánh giá cao. Tất nhiên để đạt được điều đó, cô ấy đã nỗ lực không ngừng và luôn giữ tinh thần cầu thị.
Câu chuyện đó khiến cho mình nhận ra những người không học giỏi Văn có thể viết được content và thậm chí viết tốt. Còn những bạn giỏi Văn, có thể ban đầu bạn sẽ có lợi thế như biết cách viết bài chỉn chu, viết đúng ngữ pháp, đúng trọng tâm,… Tuy nhiên để trụ lại với nghề, sống lâu với nghề viết content thì bạn phải học hỏi mỗi ngày.
Câu hỏi 2: Kỹ năng quan trọng nhất đối với content writer?
Chắc chắn rồi, kỹ năng quan trọng nhất của một content writer chính là viết. Bạn không thể trở thành một content writer nếu thường xuyên viết sai chính tả, câu cú lủng củng hay viết lạc đề. Mình nhớ trong một lần giao bài tập cho học viên, có bạn còn viết sai tên thương hiệu – một lỗi sai nghiêm trọng và làm mất điểm nếu bạn gửi bài mẫu cho nhà tuyển dụng.
Vậy nên khi tư vấn về nghề viết, mình đều đưa ra câu trả lời trước tiên hãy học cách viết đúng, viết chuẩn. Tuy nhiên không phải ai cũng nhận ra điều này, nhất là khi nhiều nơi tuyển dụng với mức giá rẻ chỉ 50,000 đồng và các bạn lao ngay trên đường đua trở thành content writer với “một chiếc balo rỗng tuếch”. Hãy trang bị cho mình kỹ năng viết tốt, lấp đầy balo của mình thất nhiều chữ nghĩa trước khi khởi đầu hành trình nhé.
Câu hỏi 3: Các kỹ năng cần thiết của một content writer?
Câu hỏi này làm mình nhớ đến một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu, khi một khách hàng tìm người phụ trách content cho một website mới (website mới chưa có bất kỳ nội dung gì). Và mình đã đàm phán thành công cho dự án này không chỉ vì kỹ năng viết tốt, mình còn biết cách quản trị website và thực hiện công việc tối ưu SEO website. Bên cạnh đó, mình còn gửi nhận xét/góp ý để giúp khách hàng cải thiện lỗi cho website. Chính nhờ đó, sau khi kết thúc dự án, mình được khách hàng đánh giá tích cực – đó là niềm vui của một người làm nội dung.
Ngoài kỹ năng quản trị website, một số kỹ năng khác cần thiết cho content writer như là:
– Kỹ năng lập kế hoạch, điều này thực sự cần thiết nếu bạn làm việc độc lập với khách hàng. Kế hoạch tổng quan hay chi tiết sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn.
– Kỹ năng quản trị nền tảng, nếu bạn thích làm nội dung cho social, hãy nghiên cứu thật sâu về nền tảng đó. Trường hợp bạn thích content website, ngay từ bây giờ hãy học cách sử dụng website và tối ưu (kể cả wordpress, wix hay những website thương mại điện tử,…).
– Kỹ năng thiết kế ảnh, trong trường hợp khách hàng muốn cần tìm một bạn content writer không chỉ có thể viết nội dung mà còn biết cách làm ảnh cơ bản cho fanpage hoặc website.
– Kỹ năng nghiên cứu (research) sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chi tiết về một chủ đề. Nhờ đó bạn có thể viết bài tốt hơn, không chỉ đúng trọng tâm, đúng logic mà còn chuyên sâu, cung cấp nhiều góc nhìn độc đáo, hấp dẫn.
Những kỹ năng này bạn có thể tự học thông qua internet với các khóa học miễn phí hoặc khóa học Content Website sắp ra mắt vào tháng 11.2023 của mình. Dựa trên những trải nghiệm thực tế, khóa học Content Website khác biệt ở chỗ không chỉ hướng dẫn bạn viết được content chuẩn SEO mà còn biết cách viết content thương hiệu cho web, lên nội dung cho trang chủ hay landing page mà còn biết cách quản trị website và thực hiện tối ưu, đo lường lượt truy cập trên một trang web,…
Đọc thêm:
10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi
Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn
9 nguyên tắc giúp mình duy trì viết hằng ngày trong 2 năm
Viết về ẩm thực sao cho hấp dẫn – Cẩm nang hữu ích dành cho food blogger
Câu hỏi 4: Lộ trình viết content như thế nào?
Trong bài viết 5 lời khuyên đáng giá mà newbie cần nhớ nếu muốn trở thành content writer, mình có gợi ý về lộ trình viết. Nhìn chung, bạn cần trải qua một số giai đoạn sau:
– Luyện viết cơ bản: Tại bước này, bạn có thể thực hành viết hằng ngày hoặc chủ động đăng ký một khóa học viết để cải thiện những lỗi sai cơ bản mà bạn chưa nhận ra.
– Viết nâng cao: Sau khi kỹ năng viết cơ bản đã tốt, bạn nên bắt đầu luyện viết nâng cao bằng cách thử sức với đa dạng thể loại. Bạn có thể cộng tác với báo chí, học viết storytelling (kể chuyện) hoặc viết cộng tác cho những trang Brand Việt Nam hay Vietcetera.
– Luyện viết content: Một số chủ đề content mà mình gợi ý tại đây có thể giúp bạn bắt đầu viết. Hoặc bạn chọn ngách viết yêu thích, sau đó luyện tập viết bài content social hay website. Đừng quên lưu trữ bài viết để cho vào hồ sơ năng lực nhé.
– Chuẩn bị portfolio: Đừng đợi khi có nhu cầu tìm khách hàng mới chuẩn bị portfolio vì có thể lúc này mọi thứ đã quá trễ. Hãy chuẩn bị một portfolio chỉn chu, đẹp mắt với những bài mẫu bạn đã viết để gửi cho khách hàng tham khảo khi cần nhé.
Câu hỏi 5: Luyện viết content ở đâu?
Có rất nhiều nơi để bạn luyện viết content, mình gợi ý một số kênh miễn phí lẫn có phí bao gồm:
– Trang cá nhân: Một số bạn newbie đã sử dụng kênh cá nhân để làm nơi viết content và xây dựng thương hiệu cá nhân từ đó.
– Fanpage: Nếu bạn ngại chia sẻ, hãy thử lập một fanpage nhé. Gần như học viên hướng nội mà mình từng hướng dẫn đều chọn cách này để luyện viết content.
– Group cộng đồng: Những group về content hay marketing là nơi bạn dễ dàng kết nối với cây viết khác như Ngày đẹp trời để viết (do mình sáng lập) hoặc group Tâm sự con sen.
– Lập website/blog: Cách này phù hợp nếu bạn có kinh phí, một chiếc blog/website sẽ giúp bạn lưu trữ bài viết tốt hơn và trở nên chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra có những cách tạo website miễn phí trên Wix hay WordPress tuy nhiên theo mình thì không nên bởi các web miễn phí thường có giao diện không được đẹp, tính năng hạn chế. Và sau này bạn muốn nâng cấp lên bản có phí sẽ tốn nhiều chi phí hơn.
Câu hỏi 6: Có nên đăng ký học viết content?
Thực tế thì mình không đăng ký một khóa học về content nào, tất cả những kiến thức mình có được đều là quá trình tự học và tham gia dự án thực tế. Chẳng hạn như mình từng sử dụng WordPress từ năm 2017, từng học về tối ưu website thông qua các cộng đồng SEO hay học viết bằng cách viết hằng ngày 11 tháng vào năm 2021.
Tuy nhiên có một điểm cần lưu ý là tự học sẽ tốt nếu bạn biết cách lên lộ trình học tập hiệu quả để không bị rối loạn với hàng ngàn kiến thức ngoài kia. Hơn nữa bạn cũng cần chọn lọc các kênh uy tín để tránh bị nhiễu loạn thông tin.
Mình không bài xích việc đăng ký một khóa học content, thậm chí còn khuyến khích nếu bạn đang là số 0 và chưa biết học như thế nào cho hiệu quả. Mentor sẽ giúp bạn đưa ra một lộ trình học tập phù hợp và cung cấp kiến thức cũng như truyền tải cho bạn những kiến thức thực tế mà họ được trải nghiệm.
Câu hỏi 7: Không có bài mẫu để gửi cho khách hàng?
Thực tế với các bạn newbie, khó để có bài mẫu gửi cho khách hàng. Thế nhưng bài mẫu không nhất thiết phải là bài đã từng viết cho khách hàng cũ. Bạn có thể gửi bài mình từng viết tại bất cứ kênh nào, vì đôi khi khách hàng có thể xem xét văn phong của bạn để đánh giá sự phù hợp với thương hiệu.
Một số cách gửi bài mẫu cho khách hàng dành cho newbie như sau:
– Chọn một thương hiệu hoặc một lĩnh vực bạn yêu thích và thực hành viết 3 – 5 bài content mẫu.
– Tham gia các cộng đồng viết lách và viết bài, sau đó chụp ảnh màn hình hoặc dẫn link bài viết trong portfolio.
– Tham gia viết báo để gửi bài báo cho khách hàng xem xét văn phong.
– Gửi một số bài viết trên trang cá nhân của bạn (có thể là facebook, instagram,…)
Câu hỏi 8: Content writer cần phải chọn ngách?
Mình từng bắt đầu viết content đa lĩnh vực khi chưa chọn được ngách. Mãi sau này khi trải nghiệm nhiều lĩnh vực, mình mới chọn viết chuyên sâu về ẩm thực. Dựa trên kinh nghiệm của mình, nếu bạn chọn ngách ngay từ ban đầu sẽ có lợi thế là viết được lĩnh vực mình thích, viết chuyên sâu và có cơ hội nhận được các job với thù lao cao hơn.
Trường hợp nếu chưa chọn được ngách thì bạn cũng không cần quá áp lực. Có rất nhiều cây viết cũng từng viết đa lĩnh vực trước khi chọn ngách như là:
– Miên Nguyễn: Trước khi trở thành blogger về sống xanh, Miên từng viết nhiều thể loại với nhiều chủ đề khác nhau.
– Rachael Nguyễn: Bạn ấy là học viên của mình và là travel blogger chia sẻ những câu chuyện/kinh nghiệm du lịch. Sau này bạn mới quyết định chọn ngách trở thành giáo viên dạy tiếng Anh.
Câu hỏi 9: Tìm công việc content như thế nào?
Kể cả bạn là newbie, bạn vẫn có nhiều cách để tìm các công việc liên quan đến content như là:
– Viết content miễn phí: Mặc dù mình không khuyến khích bạn chọn phương án này vì có thể bị bóc lột chất xám, vì thế bạn cần cân nhắc nơi uy tín để có thể học hỏi và trải nghiệm.
– Tham gia dự án phi lợi nhuận: Đây là một trong những cách tuyệt vời để giúp bạn vừa có thêm kinh nghiệm và cũng làm đẹp cho portfolio.
– Tham gia khóa học thực chiến: Mình đánh giá cao những khóa học content mà tại đó người hướng dẫn tạo điều kiện cho học viên được viết bài thực tế. Điều này không chỉ giúp học viên vừa rèn luyện kỹ năng vừa lại được cọ xát.
Câu hỏi 10: Tìm khách hàng ở đâu?
Hơn 2 năm viết, khách hàng của mình vừa là người quen giới thiệu, vừa là mình chủ động đi tìm kiếm. Một số khách hàng có trong danh sách bạn bè trên facebook cá nhân (và theo dõi, đọc bài viết của mình suốt một năm trời). Để có khách hàng mình đã duy trì viết hằng ngày liên tục và xuất hiện ở nhiều cộng đồng Content Marketing khác nhau.
Một vài gợi ý bạn có thể tham khảo như là:
– Tham gia các cộng đồng Content Marketing lẫn cộng đồng tuyển dụng để săn khách hàng. Các dạng nội dung bạn nên chia sẻ là câu chuyện cá nhân có thông điệp/bài học; hành trình viết lách, bài viết mẫu hoặc CV của bạn để khách hàng tham khảo.
– Xây dựng thương hiệu trên trang cá nhân với vai trò là một content writer, như vậy bạn có cơ hội được giới thiệu các job phù hợp hoặc là khách hàng chủ động tìm đến bạn.
– Viết trên website và thực hiện tối ưu để khách hàng tìm thấy bạn trên Google.
– Kết nối và chia sẻ hồ sơ năng lực trên LinkedIn vì đây là trang mạng xã hội việc làm uy tín và nhiều nhân sự tuyển dụng thường tìm ứng viên trên này. Mình cũng từng nhận được nhiều lời mời hợp tác tại LinkedIn thông qua việc chia sẻ các bài viết ở nền tảng này.
– Chia sẻ với người thân, người quen vì biết đâu trong số ấy sẽ có người giới thiệu khách hàng tiềm năng cho bạn.
Nếu bạn còn câu hỏi nào về content writer, vui lòng để lại bình luận cho mình biết nhé. Mình sẽ giải đáp chi tiết để giúp bạn có cái nhìn tổng quan và định hướng trên con đường trở thành content writer.