9 nguyên tắc giúp mình duy trì viết hằng ngày trong 2 năm 

Trong suốt 2 năm trở thành freelance writer, mình đã duy trì viết hằng ngày với:

– 12 bài viết/tháng trong cộng đồng Ngày đẹp trời để viết.

– 4 bài viết/tháng trên website duongstory.com.

– 16 – 20 bài viết/tháng trên facebook cá nhân (bao gồm bài đăng công khai và ở chế độ bạn bè).

Như vậy nghĩa là trong vòng 1 tháng, mình viết hơn 30 bài bao gồm đa thể loại (từ dạng chuyên sâu cho website đến nội dung ngắn cho mạng xã hội, từ nội dung mang tính chuyên môn cho đến nội dung giải trí,…). 

Tất nhiên, những gì mình chia sẻ ở trên chưa tính đến những bài viết cho khách hàng. Có thời điểm mình viết 2 – 5 bài content website hoặc social cho khách hàng và số lượng từ phải gõ trong 1 ngày lên đến 10,000.

Vậy nên trong những buổi meeting với các học viên, các bạn tâm sự quyết định đăng ký học viết với mình chỉ vì theo dõi mình từ lâu và ấn tượng với sự bền bỉ, viết liên tục đó. Nếu để nói về bí quyết, thực ra mình không hề có bí quyết gì cả, chỉ là một số nguyên tắc mà mình áp dụng gần 3 năm nay, như là:

Nguyên tắc 1: Viết bất cứ điều gì

Nguyên tắc đầu tiên của mình là viết bất cứ gì diễn ra xung quanh trong đời sống hằng ngày, có thể là một niềm vui muốn chia sẻ, nỗi buồn muốn vơi đi hay là chuyện hôm nay được nếm thử một món ngon nào đó, đi chơi một chỗ vui muốn kể lại,… Tất cả những mẩu chuyện tưởng chừng như vụn vặt nhỏ xíu ấy đều là ý tưởng để mình viết ra. Và dĩ nhiên, điều này giúp mình đỡ phải vắt não nghĩ xem “hôm nay viết gì”.

Nếu bạn chưa có ý tưởng viết, hãy tham khảo nội dung của mình: 30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn hoặc 45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung.

Nguyên tắc 2: Viết bất kể đâu

9 nguyên tắc giúp mình duy trì viết hằng ngày trong 2 năm 
Nguồn ảnh: Tyler Nix, Unsplash

Một số người thường có xu hướng đợi rảnh mới viết, còn mình ngược lại, viết trong lúc rảnh. Nghĩa là mình sẽ viết khi làm xong tất cả mọi việc, mà chỉ cần có một chút khe hở trong dòng chảy thời gian, mình sẽ ngồi gõ linh tinh vài dòng. Như là trong chuyến đi du lịch Hà Giang vào năm ngoái, trong lúc dừng bên vệ đường nghỉ ngơi cho hành trình kế tiếp, mình sẽ dành thời gian viết lại vài dòng. Mình cũng đã từng viết ở tại quán cà phê khi chờ bạn đến, viết trong quán ăn khi chờ phục vụ mang món ăn lên, viết trên trạm xe buýt khi chờ xe đến,…  

Nguyên tắc 3: Viết bằng bất kỳ thứ gì

Nếu phụ thuộc hoàn toàn vào máy tính, có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ viết được nhiều như thế. Mình viết bằng bất kỳ thứ gì mang theo bên người, có thể là điện thoại, máy tính hoặc sổ tay. Bật mí là mình từng viết tay 3 câu chuyện (gần 5,000 chữ) và sau đó gõ lại bằng máy tính. Cuối cùng những câu chuyện này đều xuất hiện trong cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè mà mình xuất bản vào tháng 7.2023.

Đọc thêm:

Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu

10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi

Hướng dẫn cách tìm kiếm ý tưởng viết dành cho newbie

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?

Nguyên tắc 4: Viết dù chỉ đôi ba dòng

Nguyên tắc thứ 4 mà mình áp dụng là không quan trọng viết dài hay ngắn, viết hay hay dở mà quan trọng là hôm đó mình có viết không. Nên sẽ có những bài mình viết dài gần 2000 chữ, nhưng sẽ cũng có những bài chỉ đôi ba dòng cùng một bức ảnh. Vậy nên nếu bạn lăn tăn hôm nay mình chỉ viết được một dòng, hãy tự nhủ rằng chỉ cần viết ra là tốt rồi.

Nguyên tắc 5: Viết trước nếu có thời gian

Là một người viết nội dung cho khách hàng gần 2 năm, mình gần như làm việc với một bản kế hoạch. Với viết hằng ngày, mình cũng lên kế hoạch triển khai nội dung để đảm bảo nội dung xuất hiện đều đặn và không bị trùng lặp. Trường hợp có ý tưởng hoặc có nguồn cảm hứng, mình sẽ viết ngay thời điểm đó đồng thời lên lịch bài viết từ trước (với group hoặc fanpage). 

Tuy nhiên không phải ai cũng đủ chăm chỉ viết dù có một bảng kế hoạch đầy đủ và chi tiết, đó là lúc bạn cần một người đồng hành. Bạn có thể bắt cặp với một người yêu viết nào đó để tạo động lực viết hoặc tham gia một khóa học viết mỗi ngày. Với sự hỗ trợ từ người hướng dẫn, bạn sẽ nhận ra các lỗi sai cơ bản hoặc kỷ luật hơn trong việc viết, như vậy kỹ năng của bạn sẽ tiến bộ hơn.

Nguyên tắc 6: Biến nội dung cũ thành mới

9 nguyên tắc giúp mình duy trì viết hằng ngày trong 2 năm 
Nguồn ảnh: Jess Bailey, Unsplash

Mình cũng thường xuyên chỉnh sửa, cập nhật nội dung cũ để biến chúng thành bài viết mới với đầy đủ thông tin hơn. Cách này hường phù hợp khi bạn đang xây dựng thương hiệu cá nhân và muốn có nội dung được cập nhật liên tục trên nhiều kênh khác nhau (như website, facebook, instagram,…). Biến nội dung cũ thành mới sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và giúp cho độc giả không bị nhàm chán bởi nếu vô tình đọc lại một thông tin đã cũ.

Nguyên tắc 7: Đa dạng nội dung khi viết

Thay đổi linh hoạt chủ đề để tạo cảm giác mới mẻ khi viết cũng sẽ làm cho độc giả thích thú với nội dung của bạn hơn. Chẳng hạn như trường hợp của mình, nếu xét ở vai trò writing mentor (người cố vấn/hướng dẫn viết) thì mình nên chia sẻ về hướng dẫn viết/kỹ thuật viết. Tuy nhiên nếu phải chia sẻ nội dung này dày đặc, độc giả sẽ cảm thấy ngán và bản thân mình cũng rơi vào trường hợp chán viết (vì viết quá nhiều về nó). Do vậy mình cần phải xen kẽ các chủ đề khác bao gồm viết về gia đình, viết về nơi mình sống (ví dụ album Quán quen, chốn cũ) hoặc viết về cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè mình vừa xuất bản.

Nguyên tắc 8: Google Keep và Sticky Notes là “chân ái”

Mỗi người sẽ có những công cụ hỗ trợ hiệu quả để viết mỗi ngày. Còn mình thì thường sử dụng Google Keep và Sticky Notes. Trong đó Sticky Notes là ứng dụng mình lưu lại các ý tưởng. Chỉ cần khởi động laptop, ứng dụng này sẽ tự động mở ra, do đó mình sẽ biết hôm nay sẽ viết gì. Với Google Keep, đây là ứng dụng ghi chú trên điện thoại giúp mình viết mọi lúc mọi nơi. Nhờ đó mình học được cách chủ động và tránh trì hoãn, lười biếng.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số công cụ khác như:

Squibler.io giúp bạn luyện viết nhanh, suy nghĩ nhanh hơn bằng cách chỉ cần dừng viết 3 giây, toàn bộ nội dung trước đó sẽ biến mất.

– Notion giúp bạn lưu lại các ý tưởng để có động lực viết hằng ngày.

– Google Sheet giúp bạn lên kế hoạch nội dung và Google Docs giúp bạn viết dễ dàng. Ứng dụng này lưu lại bài viết và có hỗ trợ chỉnh sửa chính tả nên bạn có thể tham khảo nhé.

Nguyên tắc 9: Chỉ viết khi thật sự muốn

Thực tế, mình chỉ viết khi thật sự muốn và không cố gượng ép bản thân. Nếu hôm đó mình mệt hoặc không có cảm hứng, mình sẽ gõ vài dòng ngắn. 

Mặc dù viết hằng ngày sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh hơn tuy nhiên không có nghĩa là mình khuyến khích bạn viết như một cỗ máy. Hãy viết khi bạn thật sự muốn và chia sẻ chúng nếu bạn cảm thấy thoải mái, hoặc không hãy viết rồi giữ lại cho mình nhé.

Mình không khuyến khích bạn phải cố gắng gượng dậy với đôi bàn tay mệt mỏi, khối óc nặng nề và gõ dòng chữ cuối cùng vào lúc 11 giờ 59 phút chỉ để đạt KPI 1 bài/ngày. Mình cũng không khuyến khích bạn chạy theo mục tiêu của người khác chỉ vì họ có thể viết 10,000 từ/ngày còn bạn thì không. 

Nếu hôm nay bạn mệt chỉ cần viết một câu, chẳng hạn như “Hôm nay tôi mệt và không muốn viết gì cả.”

Nếu hôm nay bạn chán nản chỉ cần viết một vài dòng để cổ vũ bản thân.

Nếu hôm nay bạn dạt dào cảm hứng thì chọn chủ đề thật khoai để thử thách bản thân nhé.

Hoặc khi bạn cảm thấy mình không còn đủ sức lực để ngồi vào bàn viết vì phải chạy deadline chốn văn phòng, nghỉ ngơi bạn nhé và dành thời gian viết vào sáng sớm hôm sau. Cuộc đời chúng ta luôn có một cơ hội để bắt đầu và nó gọi là “ngày mai”. Mong rằng với những chia sẻ của mình, bạn sẽ có được một lộ trình viết hằng ngày phù hợp, hiệu quả. 

Trả lời