“Có bao nhiêu bạn đã hoặc đang sử dụng Google Search Console (GSC) để đo lường hiệu quả cho blog, website cá nhân?” Mình đã hỏi các bạn mentee trong buổi group meeting đầu tiên của khóa học Viết blog – một khóa học chuyên sâu giúp blogger xây dựng nội dung hiệu quả và tối ưu website để tăng lượt truy cập. Kết quả mình nhận được là những cái lắc đầu, thậm chí một số bạn còn chẳng biết Google Search Console là gì.
Là một người viết nội dung blog suốt nhiều năm và triển khai chiến lược content web cho doanh nghiệp, mình hiểu rất rõ Google Search Console đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của một website.
Google Search Console là gì?
Google Search Console (tên gọi cũ Google Webmaster Tools) là công cụ miễn phí của Google, với cách thức hoạt động là tìm thấy và thu thập dữ liệu trang web của bạn. Từ những dữ liệu thu nhập được, bạn sẽ dễ dàng theo dõi, đo lường, khắc phục những sự cố liên quan đến blog/website của mình. Nhiều bạn thường nhầm lẫn về Google Analytics và Google Search Console, thì 2 công cụ này khác nhau như sau:
– Google Analytics: Đo lường tất cả lượt truy cập đến từ nhiều nguồn khác nhau của một blog, website bao gồm lượt truy cập đến từ mạng xã hội, thông qua kết quả tìm kiếm từ Google, được giới thiệu từ các nguồn khác,…
– Google Search Console: Đo lường lượt truy cập đến từ kết quả tìm kiếm trên Google, đồng thời hiển thị những thông báo quan trọng để giúp bạn cải thiện trang web.
Google Search Console hỗ trợ bạn:
– Báo cáo tổng số lượt tìm kiếm mà người dùng có thể tìm thấy nội dung của bạn trên Google.
– Báo cáo vấn đề lập chỉ mục và hỗ trợ bạn lập chỉ mục nội dung cũ hoặc nội dung mới cập nhật.
– Xem dữ liệu tổng quan về tần suất xuất hiện trang web của bạn trên tìm kiếm Google, cụm từ khóa nào giúp trang web của bạn hiển thị nhiều nhất, tần suất người dùng nhấp vào cụm từ khóa đó,…
– Nhận thông báo khi website của bạn đang gặp các vấn đề khác như có nội dung spam,…
– Hiển thị những trang web liên kết đến blog, website của bạn (hay còn gọi là backlink) và số lượng liên kết nội bộ mà bạn chèn trong các bài viết trên web.
Những ai nên sử dụng công cụ này?
Nếu bạn đang viết nội dung blog cá nhân hoặc quản lý một website cho doanh nghiệp thì nên đăng ký công cụ này. Vì là công cụ miễn phí, nên cách thức đăng ký cũng khá dễ dàng.
– Chủ doanh nghiệp: Kể cả khi không trực tiếp can thiệp vào công việc viết, bạn cũng nên tìm hiểu về Google Search Console để biết được website của doanh nghiệp có hoạt động ổn định không, nội dung có hiệu quả không, đồng thời đưa ra hoạt động phát triển tiếp theo cho nhân sự.
– Chuyên gia SEO: Gần như 100% chuyên gia SEO đều sử dụng Google Search Console để theo dõi lưu lượng truy cập trang web, đồng thời đưa ra phương án tối ưu hóa thứ hạng của trang web bằng cách điều chỉnh content, đi backlink, chỉnh sửa giao diện để thân thiện với người dùng,…
– Blogger, Solopreneur hoặc nhà tiếp thị: Nếu bạn là blogger hoặc là một người làm kinh doanh trên website (bán sản phẩm số, hàng online,…) thì cần đặc biệt quan tâm đến Google Search Console. Những báo cáo từ công cụ này sẽ giúp bạn hiểu rõ nội dung nào đang tốt, nội dung nào chưa mang lại hiệu quả để cải thiện nội dung, tăng thứ hạng cho website giúp cải thiện bán hàng.
– Content Writer: Một số content writer triển khai các dự án content cho web cũng cần tìm hiểu về công cụ này. Chẳng hạn như bạn được giao vai trò quản trị viên/biên tập viên trang web, như vậy bạn không chỉ làm công việc đăng bài mà còn quan tâm cách vận hành trang web. Nhờ đó bạn có thể kịp thời điều chỉnh content tốt hơn.
Đọc thêm:
10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục
Hướng dẫn 7 bước giúp bạn bắt đầu viết blog dễ dàng hơn
Bí quyết viết blog giúp duongstory.com đạt hơn 8,000 lượt xem/tháng
Xây dựng nội dung hiệu quả, tăng lượt truy cập với khóa học viết blog
Những nội dung quan trọng trên Google Search Console
Một số chỉ số quan trọng trên Google Search Console mà bạn cần lưu tâm (những chỉ số được tổng hợp từ công cụ và từ báo cáo được GSC gửi về qua email).
– Overview (Tổng quan): Trang thông tin thể hiện dữ liệu thống kê về website của bạn trong khoảng thời gian nhất định, thường mặc định là 3 tháng và bạn có thể tùy chọn thời gian cụ thể để xem.
– Kiểm tra URL: Tại đây bạn có thể kiểm tra bài viết của mình đã được lập chỉ mục (index) hay chưa và yêu cầu lập chỉ mục (nếu có).
– Kết quả tìm kiếm: Hiển thị thông tin về lượt tìm kiếm trên blog, website của bạn. Mục này bao gồm các chỉ số quan trọng như:
+ Tổng số lượt nhấp: Khi người dùng tìm kiếm thông tin trên Google, kết quả tìm kiếm hiện ra bài viết của bạn. Với mỗi lượt nhấp chuột từ người dùng đều được ghi lại.
+ Tổng số lượt hiển thị: Số lượt hiển thị bài viết trên Google bao gồm trang 1, trang 2 hoặc các trang khác. Tuy nhiên Google Search Console chỉ tính khi người dùng xem ở trang cụ thể, nếu người dùng chỉ xem ở trang 1 thì được tính là 1 lượt hiển thị.
+ CTR trung bình: Hay còn gọi là Tỷ lệ nhấp chuột, được tính bằng Tổng số lượt nhấp chia cho Tổng số lượt hiển thị. Tỷ lệ nhấp chuột cao nghĩa là người dùng truy cập vào website của bạn càng lớn, ngược lại nghĩa là website của bạn ít người truy cập. Chỉ số CTR cũng nhắc nhở bạn rằng cần nên tối ưu nội dung để tăng thứ hạng trên Google.
+ Vị trí trung bình: Chỉ số thể hiện thứ hạng website của bạn trên Google.
– Liên kết: Thống kê các liên kết ngược (backlink) và liên kết nội bộ (internal link). Bạn nên kiểm tra các backlink trỏ về website của mình, nếu nó là một trang web độc hại thì bạn có thể xóa đi.
Thông thường, định kỳ hằng tháng, đội ngũ Google Search Console sẽ gửi cho bạn một bảng báo cáo kết quả hoạt động của blog, website của bạn trong tháng vừa qua bao gồm:
– Số lượt hiển thị trang web trong một tháng.
– Số lượt nhấp vào web.
– Các trang thu được lượt hiển thị đầu tiên.
– Các bài viết có lượt xem tăng nhanh so với tháng trước (dựa vào số liệu này bạn có thể phát triển sâu hơn nội dung cũ hoặc lên kế hoạch triển khai nội dung cũ thành nhiều nội dung nhỏ khác).
– Các bài viết có lượt nhấp cao.
– Mọi người tìm thấy trang web của bạn qua những từ khóa nào?
– Độc giả của bạn sử dụng thiết bị nào nhiều nhất khi đọc nội dung trên website?
– Độc giả của bạn chủ yếu ở khu vực nào?
– Độc giả tìm thấy nội dung của bạn qua web, hình ảnh hay video?
Viết blog đều đặn từ ngày này qua tháng nọ nhưng không đo lường hiệu quả nội dung, nghĩa là bạn đang lãng phí nhiều thời gian cho công việc này. Nếu bạn là người viết nội dung blog, Solopreneur hay nhà tiếp thị làm nội dung trên web, đăng ký Google Search Console ngay từ bây giờ và học cách xem dữ liệu để quản trị và có phương án cải thiện nội dung website nhiều hơn nhé.