Hướng dẫn 7 bước giúp bạn bắt đầu viết blog dễ dàng hơn

Làm để nào để bắt đầu viết blog? Cần chuẩn bị gì khi viết blog? Nếu bạn sắp dấn thân vào con đường trở thành blogger, đừng quên hướng dẫn chi tiết 7 bước giúp bạn bắt đầu viết blog dễ dàng hơn nhé. 

Bước 1: Chọn ngách

Trong bài viết 10 câu hỏi bạn cần phải trả lời trước khi viết blog cá nhân, mình có gợi ý một số phương pháp chọn ngách. Ngách viết có thể là thứ bạn giỏi nhất, thứ bạn có kinh nghiệm hoặc hiểu biết (thông qua công việc trong quá khứ hoặc hiện tại), thứ bạn thích viết nhất hoặc thứ bạn nghiên cứu sẽ mang đến nhiều tiềm năng trong tương lai.

Ngách lý tưởng không phải là ngách bạn thích nhất, bởi vì nếu chỉ thích không thôi nhưng ngách không có tiềm năng, không giúp bạn tạo ra thu nhập thì sớm muộn bạn cũng sẽ kiệt sức. Hoặc ngách là thứ bạn giỏi nhất nhưng bạn lại không thích nó, thì có thể đến một ngày nào đó bạn sẽ không còn muốn viết những điều mình không thích. Ngách lý tưởng sẽ là điểm chung giữa thứ bạn giỏi nhất, thứ bạn thích, thứ bạn có kinh nghiệm và thứ mà xã hội đang cần. 

Một số ngách tiềm năng 2024 mà bạn có thể tham khảo để bắt đầu viết blog dễ dàng hơn:

– DIY (đồ thủ công, handmade), bạn có thể chia sẻ về thêu tay, móc len, làm đồ chơi thủ công, đan lát, tái chế,…

– MMO (kiếm tiền online), nếu bạn có kinh nghiệm về MMO, hãy tạo một chiếc blog/website chia sẻ về cách kiếm tiền online, có nhiều độc giả sẽ thích chủ đề này lắm đấy.

– Công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), mình đánh giá đây là một ngách khá tiềm năng kể từ khi cơn sốt Chat GPT làm “điên đảo” thế giới content. Nếu bạn yêu thích công nghệ AI, hãy thử tìm hiểu về ngách này nhé.

– Du lịch là ngách không mới nhưng đầy tiềm năng kể từ sau đại dịch Covid. Bạn có thể bán các sản phẩm/dịch vụ như tour du lịch, vé máy bay, đặt phòng và thu lợi nhuận từ đó.

– Sống xanh là một ngách mình nghĩ sẽ tiềm năng trong nhiều năm tới, chính phủ các nước luôn đưa ra chính sách quan tâm và bảo vệ môi trường, và việc bán các sản phẩm vật lý về sống xanh cũng là một lựa chọn không tồi.

Tuy nhiên bạn cần tránh những sai lầm “chí mạng” khi chọn ngách như chọn ngách quá hẹp (ngách trong ngách), chọn ngách theo trào lưu,…

Trong workshop “Phát triển kỹ năng viết blog” được tổ chức bởi The Introvert Writer mà mình xuất hiện với vai trò khách mời, tại đó mình chia sẻ rằng chọn ngách sớm là điều kiện thuận lợi để xây dựng nội dung blog. Tuy nhiên, khi chưa có ngách, bạn vẫn có thể bắt đầu viết blog, bởi vì điều này sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng viết, hiểu được tổng quan về website và biết cách vận hành như thế nào cho hiệu quả.

Bước 2: Kiểm tra sự cạnh tranh ngách

Hướng dẫn 7 bước giúp bạn bắt đầu viết blog dễ dàng hơn
Nguồn ảnh: Kaboompics.com

Sau khi chọn được ngách, đừng vội bắt tay vào viết ngay mà bạn cần phải kiểm tra sự cạnh tranh của ngách mà mình đã chọn. Hãy dành thời gian nghiên cứu những đối thủ tiềm năng của bạn, rà soát nội dung họ đã viết và cách họ thực thi nội dung như thế nào. Điều này không hẳn là sao chép nội dung mà bạn cần hiểu rõ về độc giả cũng như cách đánh giá một bài blog chất lượng

Bên cạnh đó bạn cũng có thể nghiên cứu về logo và giao diện. Điều bạn cần là hãy làm khác đi sao cho độc đáo và mới mẻ nhất. Bạn có thể tạo những cuộc thảo luận trên MXH để nhờ độc giả bình chọn cho logo, chữ ký hoặc bất cứ điều gì bạn phân vân. 

Đọc thêm:

5 kỹ năng cơ bản không thể thiếu đối với một blogger

Những sai lầm khi viết blog mà 90% newbie đều mắc phải (#2)

Bí quyết viết blog giúp duongstory.com đạt hơn 6,000 lượt xem/tháng

WordPress, Wix và Ghost: So kè 3 nền tảng viết blog phổ biến hiện nay

Bước 3: Tìm hiểu độc giả của bạn

Sau khi đã chọn được ngách, bạn cần phải tìm hiểu độc giả của mình. Độc giả của bạn là ai, họ làm nghề gì, thu nhập/độ tuổi/tầng lớp, họ có sở thích gì đặc biệt không, họ quan tâm đến điều gì/muốn đọc về gì,… Hãy ghi chú lại những thông tin này vào sổ để làm căn cứ cho việc triển khai nội dung. 

Trong chương trình xây dựng và phát triển nội dung blog của mình, phân tích đối tượng độc giả là một trong những module cực kỳ quan trọng. Mình sẽ cho học viên tiến hành nghiên cứu độc giả, để chọn ra văn phong, giọng điệu để truyền tải phù hợp. 

Tất nhiên để làm được điều này ngoài việc thống kê, bạn cũng có thể làm các cuộc khảo sát trên MXH để có cái nhìn tổng quan. Sau khi đã có chân dung độc giả, bây giờ là lúc bạn cân nhắc lên  ý tưởng cho các bài đăng trên blog.

Bước 4: Tìm ra sự độc đáo cho blog

Hướng dẫn 7 bước giúp bạn bắt đầu viết blog dễ dàng hơn
Nguồn ảnh: Kobu Agency, Unsplash

Làm thế nào để blog của bạn nổi bật giữa đám đông? Một tên miền ấn tượng, một logo bắt mắt hay slogan thật quyến rũ. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, bởi vì chỉ dù tên miền hay, giao diện độc đáo nhưng nội dung không nổi bật, viết chung chung, không có dấu ấn cá nhân thì blog của bạn sẽ chìm nghỉm trong hàng nghìn bài khác. Độc giả không nhớ được bạn, do vậy họ sẽ không chú ý để mua các sản phẩm gì từ bạn. 

Nếu bạn muốn tạo ra thu nhập từ blog, đừng quên bỏ vào nội dung “gia vị mang tính cá nhân”. Đó là bản dấu ấn riêng của bạn, có thể là hình ảnh bạn tự chụp, giọng điệu riêng hoặc những câu chuyện mang tính cá nhân (như câu chuyện thành công, thất bại, bài học,…) Bạn có thể tìm đọc thêm về các dạng nội dung dành cho blog trên duongstory.com.

Bước 5: Viết bài giới thiệu (Homepage/Trang chủ)

Homepage hay còn gọi là Trang chủ, là trang đầu tiên khái quát thông tin về bạn, bao gồm bạn là ai, đang làm gì, blog này nói về gì, bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực gì,… 

Để hiểu rõ về Homepage, bạn có thể truy cập vào duongstory.com và blog thuha.co. Dễ dàng nhận thấy sự khác nhau, website của mình có một Homepage để giới thiệu bản thân, kinh nghiệm làm việc, thành tựu, các đầu sách xuất bản,… trong khi truy cập vào blog của Thu Hà, trang mà bạn nhìn thấy đầu tiên chỉ là trang hiển thị các bài viết.

Mẹo để bắt đầu là:

– Chắt lọc những thành tựu nổi bật nhất của bạn để cho vào Homepage. 

– Chọn những thông tin có giá trị, hữu ích và phù hợp với lĩnh vực bạn đang theo đuổi. Ví dụ một bài về câu chuyện vượt khó trong học tập sẽ không phù hợp nếu blog của bạn viết về làm đẹp. 

– Homepage không phải là nơi kể lể chuyện riêng tư, vậy nên bạn cần tránh viết quá chi tiết vào nơi bạn sinh sống hoặc món ăn bạn yêu thích,…

Một trang chủ chuyên nghiệp, bắt mắt, thành tích ấn tượng sẽ giúp bạn có thêm nhiều độc giả/khách hàng và thuận lợi cho việc bán dịch vụ sau này.

Bước 6: Lập kế hoạch và viết

Hướng dẫn 7 bước giúp bạn bắt đầu viết blog dễ dàng hơn
Nguồn ảnh: Glenn Carstens Peters, Unsplash

Bạn nên lập một kế hoạch tổng quan để bắt đầu viết blog dễ dàng, suôn sẻ hơn, tốt nhất là một kế hoạch từ 1 – 3 tháng hoặc 3 – 6 tháng. Ý tưởng cho blog có thể là ý tưởng bạn tự nghĩ ra, bài viết tổng hợp, bài dịch thuật (có xin phép tác giả),… 

Nguyên tắc quan trọng khi viết blog là phải đảm bảo nội dung truyền tải đáp ứng được nhu cầu của độc giả, tức là bài viết của bạn phải giải quyết được vấn đề của người đọc. Chỉ như vậy, độc giả của bạn mới quay lại vào lần tiếp theo và thậm chí giới thiệu blog của bạn đến với nhiều người khác nữa.

Hãy nhớ rằng dù bài viết của bạn có thật sự chuyên sâu, cung cấp nhiều kiến thức nhưng nếu chúng không đáp ứng được nhu cầu của độc giả như ở bước 3, mọi thứ sẽ trở thành vô nghĩa. Tựa như bạn viết những bài học thuật, chuyên môn với thuật ngữ chuyên ngành hay từ tiếng Anh khó hiểu cho độc giả ở độ tuổi 45+. 

Một phần quan quan trọng khi viết bài cho blog đó là bạn phải thực hiện nghiên cứu từ khóa/chủ đề và tối ưu chuẩn SEO sau khi đăng bài. Điều này sẽ giúp blog của bạn sớm có thứ hạng cao trên Google (và các công cụ tìm kiếm khác). Một số học viên chương trình khóa viết blog kèm 1:1 của mình có nhiều bài viết đạt thứ hạng cao trên Google như thuha.co hay namiintaiwan.com.

Bước 7: Tạo blog cá nhân

Sau khi vẽ nên một bức tranh tổng quan cho blog, bạn có thể bắt tay vào tự thiết kế blog.

Đầu tiên, bạn nên kiểm tra tên miền để chắc chắn rằng tên bạn yêu thích chưa có người mua (kiểm tra tại đây). Hãy chọn một tên miền dễ nhớ và phù hợp với mục đích của bạn nhé. Bí quyết đặt tên miền và gợi ý sẽ được mình chia sẻ trong các bài viết tiếp theo, bạn nhớ theo dõi blog duongstory.com để không bị bỏ sót nội dung hữu ích nhé.

Sau khi quyết định được tên miền, bạn sẽ có 2 lựa chọn làm blog:

– Tự làm: Bạn phải tự mua tên miền và cài đặt, chọn giao diện và tùy chỉnh theo sở thích. Ưu điểm của cách làm này là bạn sẽ học thêm một kiến thức mới, tự tin với việc quản trị website và thậm chí có thể xử lý sự cố nếu như website gặp vấn đề. Bên cạnh đó, với cách làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên tự làm blog đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ thời gian nhiều hơn và nếu bạn không đủ kiên nhẫn thì sẽ mãi không hoàn thành được. Gần như 99% học viên của mình đều bắt đầu bằng việc tự set-up và gặp sự cố không thể xử lý được. Sau đó thuê lại một đơn vị khác để giúp các bạn hoàn thành. 

– Thuê dịch vụ: Bạn chỉ cần trả một khoản phí và dịch vụ thiết kế website sẽ thay bạn làm phần việc còn lại. Ưu điểm là bạn có nhiều thời gian để viết hơn, tập trung vào lập kế hoạch/chiến lược nội dung blog. Bên cạnh đó nếu bạn chọn dịch vụ có bảo hành vĩnh viễn, bạn gần như không cần phải làm gì cả. Hạn chế của cách này đơn giản chỉ là bạn tốn phí nhiều hơn.

Với trải nghiệm cá nhân, mình nghĩ bạn nên thuê đơn vị và thời gian còn lại hãy đầu tư vào nội dung. Nếu có thể hãy sản xuất trước khoảng 20 – 30 bài và đăng tải ngay sau khi website được hoàn thành.

Một chiếc blog có tên miền hay, giao diện đẹp sẽ khiến độc giả ấn tượng từ cái nhìn đầu tiên, nhưng để độc giả ghé lại nhiều lần, nội dung của bạn phải chất lượng, hữu ích. Nếu bạn cần tư vấn, góp ý để bắt đầu viết blog dễ dàng hơn, có thể đăng ký trao đổi với mình thông qua phiên mentoring 60 phút nhé.

Trả lời