Những lưu ý cần biết khi viết nội dung chất lượng

Làm thế nào để bài viết khiến độc giả thích thú và chia sẻ ngay lập tức? Có công thức nào để viết nội dung chất lượng không?

Bài viết này mình không chia sẻ một công thức hoặc bí kíp để viết hay, nhưng nó sẽ giúp bạn hiểu rõ thế nào là nội dung chất lượng. Từ đó bạn có thể rút ra những lưu ý cho mình trước khi đặt bút viết và thậm chí viết được tất cả những gì bạn muốn.

Nội dung thu hút

Một nội dung thu hút khiến người đọc muốn click vào đọc ngay lập tức. Hãy nghĩ xem vấn đề bạn nhắc đến có thu hút không, có đáp ứng được nhu cầu của độc giả hay không. Để làm được điều này, bạn nên tham gia vào hội nhóm nơi bạn có thể phân tích, nghiên cứu xu hướng đọc của mọi người. Sau đó thử tìm một chủ đề để thực hành nhé.

Khi độc giả thích thú với bài viết, họ sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần mà không biết chán. Thậm chí họ sẽ tương tác bằng cách để lại bình luận hoặc chia sẻ mà bạn không cần phải hô hào kêu gọi. Tất nhiên một nội dung thu hút cũng sẽ nhận được lượng truy cập cao trên website hay lượng tương tác khổng lồ trên mạng xã hội.

Nội dung hữu ích

Viết nội dung chất lượng
Photo by Kaleidico on Unsplash

Bạn viết một bài hướng dẫn về cách tạo blog miễn phí trên WordPress.com, độc giả đọc và tự nhủ rằng: “Ồ, bài viết đơn giản dễ hiểu nè, áp dụng ngay thôi” thì đó là nội dung hữu ích. Bạn cũng chú ý viết sao cho rõ ràng, dễ hiểu, mạch lạc nhất, để độc giả dù ở tầng lớp nào, độ tuổi nào cũng sẽ hiểu được. Khi họ hiểu, họ biết mình có thể thực hành, áp dụng theo. 

Tất nhiên một bài viết hữu ích cũng sẽ nhận được nhiều tương tác. Nhưng bạn phải hiểu thế nào là một tương tác ý nghĩa. Nó không hẳn là bài viết có nhiều like. Đó là khi độc giả để lại bình luận và chia sẻ bài viết đến với bạn bè vì họ tin rằng đây là một bài viết hữu ích cần được lan tỏa. Thì khi đó bạn đã xuất bản được nội dung chất lượng.

Bài viết liên quan:

Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie

Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay

Một số ghi nhớ quan trọng để cải thiện kỹ năng viết

Nội dung độc đáo, riêng biệt

Bạn cần thời gian suy nghĩ về chủ đề. Đó có phải là chủ đề mới không? Ai đã từng viết vấn đề này rồi? Trường hợp đã có quá nhiều người viết về nó, hoặc chủ đề đã quá cũ, có hàng trăm người viết thì bạn nên tìm kiếm một chủ đề mới. 

Hoặc nếu bạn vẫn muốn tiếp tục chủ đề cũ, hãy khai thác nó ở một góc độ khác, khía cạnh khác. Bạn tìm thấy điều gì khác biệt, có thể phân tích nó không? Bạn cũng có thể làm những điều chưa ai từng làm bằng cách bổ sung vào những thông tin mới để nội dung trở nên khác biệt hơn.

Nội dung chuyên sâu

Photo by Daria Shevtsova on Unsplash

Chúng ta thường lầm tưởng rằng nội dung dài là chuyên sâu. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng. Nội dung chuyên sâu có thể dài, nhưng bài viết dài thì chưa chắc đã chuyên sâu. Vậy nên có nhiều người lầm tưởng một bài dài 2, 3 trang giấy là một bài viết chất lượng.

Độ sâu không đong đếm qua độ dài, cũng không tính bằng lượt like mà nó phải cung cấp kiến thức cụ thể, chi tiết cho độc giả. Nếu bạn viết một bài dài 3000 chữ, hãy làm sao cho độc giả cảm thấy từng câu từng chữ đều mang ý nghĩa, đều đủ đầy không thừa thãi. Chứ không phải cố viết thật dài nhưng nội dung trống rỗng không có gì cả. 

Nội dung chính xác

Đừng vội viết khi trong đầu bạn chưa có kiến thức hay sự hiểu biết nhất định về một sản phẩm, dịch vụ. Thay vào đó, bạn có thể tìm kiếm nguồn tài liệu phong phú trên mạng hay đọc những bài phân tích của các blogger nổi tiếng. Hoặc bạn có thể trao đổi với chuyên gia, những người cùng ngành để thu thập những thông tin có giá trị. 

Những cây viết mà mình biết, khi nhận được chủ đề họ không lao vào viết ngay. Mà thay vào đó họ dành thời gian để nghiên cứu đề tài tìm tài liệu, dẫn chứng. Đó là lý do bài viết của họ cũng đầy sức thuyết phục và đáng tin. Khi tạo dựng được lòng tin cho độc giả, bất cứ bài viết nào của bạn cũng sẽ được đón nhận.

Đọc thêm bài viết của mình nhé: Làm thế nào để viết những gì mình không biết?

Bài viết có điểm nhấn

Có một câu nói hay rằng “Một cuốn sách hay là khi gấp lại những trang sách, ta cảm thấy có nhiều điều phải suy ngẫm.” Viết một nội dung cũng tương tự như vậy. Làm sao để độc giả đọc xong bài viết của mình mà vẫn tấm tắc ngợi khen, thậm chí họ đọng lại được điều gì đó. Tất nhiên để làm được điều này không hề đơn giản.

Có ý tưởng thú vị là chưa đủ, quan trọng bạn phải biết cách kể có cao trào. Bạn có thể thêm các nút thắt, xung đột,…  để câu chuyện cuốn hút hơn. Hãy để độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, họ sẽ lật giở từng trang giấy để đọc bài viết đến trang cuối cùng. Bạn có thể áp dụng cách này trong các thể loại khác nhau, từ content storytelling cho đến viết quảng cáo hay truyện ngắn.

Quan tâm đến độc giả

Photo by Sincerely Media on Unsplash

Có những chủ đề bạn thích viết nhưng độc giả lại không muốn đọc và ngược lại có những điều độc giả thích đọc nhưng bạn không muốn viết. Lúc này sẽ có 2 vấn đề bạn nên quan tâm: Điều bạn thích viết – Cái độc giả muốn đọc. Làm sao để dung hòa nó?

Nếu bạn viết cho chính mình, bạn có thể tùy ý viết bất cứ gì bạn thích mà bỏ qua các chỉ số tương tác. Tuy nhiên khi bạn viết cho độc giả của bạn, viết để kiếm tiền cần phải lưu ý điều này. Bạn có thể tạo một cuộc thảo luận, hỏi độc giả thích chủ đề gì và lên kế hoạch để triển khai viết.

Tạo ra những câu đinh đặc sắc

Một cách mình thường hay áp dụng trong mỗi bài viết blog, ví dụ “Xem tiếp phần 2, còn tiếp,…” dưới mỗi bài viết (nếu câu chuyện chưa kết thúc) để khơi gợi sự tò mò của độc giả. Nếu câu chuyện của bạn thú vị, họ sẽ không ngần ngại theo dõi hoặc đăng ký để được đọc tiếp. Đây là cách dẫn dắt độc giả và kết nối các bài viết của bạn với nhau. Dĩ nhiên nó không phải là câu đinh của bài viết.

Trường hợp bạn muốn tạo câu câu đinh, có thể áp dụng với những thể loại mang tính văn học như tản văn, truyện ngắn, truyện dài,… Việc tạo ra những câu quotes sẽ giúp độc giả nhớ đến bài viết của bạn nhiều hơn. Nó không chỉ in vào trong tâm trí độc giả mà còn mang đậm dấu ấn, bản sắc của riêng bạn. Họ sẽ nhớ đến bạn và câu chuyện của bạn lâu hơn.

Bạn có nhận thấy điểm chung giữa các yếu tố trên không? Tất cả đều hướng về độc giả, đó là điều cốt lõi để viết nội dung chất lượng. Hãy tự hỏi bản thân, điều bạn muốn có phải là cung cấp những giá trị ý nghĩa cho độc giả hay không? Nếu có, hãy ghi lại những lưu ý của mình để áp dụng ngay nhé!

Trả lời