Một số mẹo để kể chuyện ra đơn mà storyteller cần biết

Mình bắt đầu kể chuyện trên trang cá nhân và trên blog duongstory.com vào năm 2021. Nội dung câu chuyện thường xoay quanh những vấn đề liên quan đến cải thiện kỹ năng viết, xuất bản sách,… Sau hơn 3 năm kể chuyện, gia tài mình thu về là những cuốn ebook được bán ra, sách được xuất bản, học viên đăng ký các khóa học kèm cặp 1:1 và cả khách hàng tìm tới liên hệ hợp tác.

Ngày nay, nhiều người bán sản phẩm số giống như mình chẳng còn mặn mà với những bài quảng cáo truyền thống lộ liễu, trực tiếp nữa. Thay vào đó, họ chọn cách kể chuyện ra đơn, nhằm mục đích để cho độc giả dần dần tiếp nhận nội dung và có cái nhìn thiện cảm hơn với sản phẩm, từ đó quyết định xuống tiền mua hàng. 

Kể chuyện đều đặn

Bạn không thể kể một câu chuyện đăng lên mạng xã hội và rồi ngồi đó với niềm tin là người đọc sẽ mua sản phẩm, dịch vụ của bạn. Kể chuyện là một hình thức xây dựng niềm tin từ từ bằng cách chia sẻ những điều điều gần gũi, chân thành để kéo người viết và người đọc lại gần nhau hơn. Nếu bạn muốn bán một sản phẩm nào đó vào trong tháng 5, hãy bắt đầu kể chuyện từ tháng 3. Đó có thể là câu chuyện bạn tạo ra sản phẩm đó, hoặc một lời phản hồi từ ai đó đã dùng sản phẩm của bạn,…

Ví dụ: Mình sắp khai giảng khóa học Viết nâng cao K03 vào ngày tháng 6.2024 và đây là những gì mình có thể kể:

– Tại sao lại là khóa Viết nâng cao mà không phải là một khóa học viết kiếm tiền?

– Mình đã soạn giáo án cho khóa học như thế nào?

– Học viên của mình đã tiến bộ trong quá trình học ra sao? (giới thiệu về một tấm gương điển hình)

– Mình đã nhận những phản hồi tích cực từ khóa học như thế nào? 

Thống nhất về phong cách kể

Một số mẹo để kể chuyện ra đơn mà storyteller cần biết
Nguồn ảnh: Debby Hudson, Unsplash

Một lưu ý bạn cần ghi nhớ khi kể chuyện là thống nhất về phong cách, trong đó bao gồm ngôi xưng và giọng điệu.

Mình từng hướng dẫn một bạn học viên mắc lỗi viết không thống nhất ngôi xưng. Cụ thể bạn bắt đầu thực hành kể chuyện trên trang cá nhân, nhưng có bài viết thì lại xưng “tôi”, lúc lại xưng “mình”. Điều này ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận thông tin từ độc giả. 

Theo trải nghiệm của mình, xưng “tôi” mang đến cho người đọc cảm giác trang trọng, nghiêm túc. Trong khi đó xưng “mình” tạo cảm giác gần gũi, thân thiện và dễ tạo sự đồng cảm với người đọc. Một số bạn trẻ chọn xưng “tui/tớ” vừa trẻ trung, năng động lại vừa dí dỏm, hài hước; có bạn lại chọn xưng tên hoặc nickname. Dù chọn cách xưng nào, bạn nhớ là cần thống nhất ngôi xưng để tạo nên một mạch truyện xuyên suốt nhé.

Bên cạnh ngôi xưng, bạn cũng nên chú ý đến giọng điệu truyền tải. Chẳng hạn nếu kể chuyện cho những người lớn tuổi, bạn đừng quên cân nhắc liệu rằng giọng điệu này, ngôn từ này đã phù hợp với độc giả bạn hướng đến hay chưa. Hoặc với lĩnh vực viết này, mình cần dùng giọng văn bay bổng nhẹ nhàng hay giọng nghiêm túc học thuật.

Đi từ Storytelling đến Storyselling

Ban đầu câu chuyện của bạn chỉ đơn thuần là kể và không có yếu tố bán hàng. Điều này để độc giả dần làm quen với bạn, hiểu bạn là ai, đang làm gì, có sản phẩm gì. Sau đó, bạn bắt đầu kể chuyện lồng vào yếu tố bán hàng, mình gọi là đi từ Storytelling đến Storyselling. Bạn có thể tham khảo bài viết 4 công thức viết quảng cáo áp dụng trong kể chuyện bán hàng storyselling.

Tuy nhiên để áp dụng kỹ thuật kể chuyện ra đơn, bạn cần lưu ý rằng hãy cho độc giả tiếp nhận câu chuyện của bạn một cách chậm rãi nhất. Như là đừng vội đưa yếu tố quảng cáo vào phần mở bài hay đừng vội giới thiệu ngay sản phẩm ở phần thân bài. 

Đọc thêm:

Điều gì tạo nên một bài storytelling hấp dẫn?

5 bước kể chuyện bán hàng bằng storyselling

Kể chuyện giúp mình có khách hàng như thế nào?

Gia tài của mình sau 2 năm làm freelance writer là 5 cuốn sách và 3 ebook

Lồng ghép CTA vào bài

Một số mẹo để kể chuyện ra đơn mà storyteller cần biết
Nguồn ảnh: Kateryna Hliznitsova, Unsplash

Không phải câu chuyện nào cũng cần phải CTA (lời kêu gọi hành động) nhằm bán hàng, bởi vì đôi khi câu chuyện của bạn đủ truyền cảm hứng đó là lời kêu gọi hành động tốt nhất. Chẳng hạn, khi chia sẻ câu chuyện viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè trên duongstory.com, mình nhận được nhiều lời tư vấn xuất bản từ độc giả dù trong bài không có một CTA kêu gọi đăng ký tư vấn nào cả.

Trường hợp nếu muốn chèn CTA vào trong bài, bạn tránh viết trực tiếp kiểu như “Hãy ghé thăm website…”, “Tải ngay ebook miễn phí…” mà là lồng ghép vào bất cứ phân đoạn liên quan trong bài. Ngoài ra, bạn nhớ đảm bảo CTA đủ mạnh mẽ và, gây sự chú ý và kèm theo tính cấp thiết phải hành động ngay (tâm lý FOMO). Ví dụ: “Mua ngay đừng bỏ lỡ giá hời…” hay “Sản phẩm chỉ mở bán duy nhất trong năm nay…”

Đan xen những câu chuyện khác

Thử tưởng tượng, bạn có một sản phẩm muốn bán và liên tục kể chuyện bán hàng trên trang cá nhân trong suốt nhiều tuần liền. Độc giả của bạn sẽ ngán ngẩm và cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng phải đọc những câu chuyện cùng chủ đề, cùng lời kêu gọi mua hàng. Vậy nên bên cạnh kể chuyện ra đơn, bạn nên đan xen những câu chuyện khác cùng chủ đề để tránh gây cảm giác mệt mỏi cho người đọc. Đó có thể là những câu chuyện hài hước, vui nhộn mang tính chất giải trí; hoặc là những câu chuyện bên lề.

Để kể chuyện ra đơn, đòi hỏi bạn phải thật sự kiên nhẫn. Bởi vì mình hiểu rõ, có thể độc giả có thể sẽ không mua sản phẩm của bạn ngay từ lần kể đầu tiên, nhưng cũng đừng vì thế mà vội vàng nhé. Câu chuyện có nội dung, sản phẩm cung cấp chất lượng không, sớm thì muộn sẽ có người tìm đến bạn.

Để lại một bình luận