Storyselling và nghệ thuật kể chuyện bán hàng 

Là người viết, chúng ta hẳn đã quen thuộc với thuật ngữ “storytelling”. Mình cũng từng chia sẻ về kỹ thuật kể chuyện và cách kể chuyện hấp dẫn trên duongstory.com. Thế nhưng trong viết bán hàng, còn có một thuật ngữ là “storyselling”. Liệu bạn đã biết đến storyselling là gì chưa?

Storyselling là gì

Trước hết chúng ta sẽ phân biệt giữa storytelling và storyselling:

Thực tế cả 2 khái niệm này được hiểu chung là kể chuyện, mặc dù trông có vẻ giống nhau nhưng storytelling và storyselling phục vụ cho mục đích khác nhau. 

Storytelling (kỹ thuật kể chuyện) là kể lại một điều gì đó cho độc giả. Đó có thể là những câu chuyện có thật hoặc hư cấu nhằm bày tỏ cảm xúc hoặc chia sẻ một bài học, một giá trị mà người viết muốn truyền tải đến độc giả.

– Storyselling được hiểu là kể để bán, cũng là kể chuyện nhưng lúc này người kể cần có chiến lược cụ thể và rõ ràng để tăng khả năng tiếp thị nội dung. Mục đích của storyselling không phải là kể chuyện nhằm bày tỏ cảm xúc hay suy nghĩ đơn thuần như storytelling nữa mà kể chuyện để thúc đẩy hành động (tăng doanh số bán hàng).

Storyselling và nghệ thuật kể chuyện bán hàng 
Nguồn ảnh: Mel, Unsplash

Ví dụ 2 câu chuyện:

Câu chuyện 1: “Năm 2021, mình bắt đầu theo đuổi con đường viết lách tự do, mình viết hằng ngày miệt mài trong 11 tháng. Mình đã từng bí ý tưởng, từng bị chê bai, từng bị từ chối,… và gặp thất bại trong những lần gửi hồ sơ đến khách hàng. Tất cả đều nhận được cái lắc đầu từ chối vì kỹ năng chuyên môn chưa tốt. Vượt qua những khó khăn đó, mình đã có khách hàng đầu tiên vào năm 2022. Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn 2 năm, mình đã cơ hội hợp tác với hơn 20 thương hiệu khác nhau.”

Câu chuyện 2: “Năm 2021, mình bắt đầu theo đuổi con đường viết lách tự do, mình viết hằng ngày miệt mài trong 11 tháng. Mình đã từng bí ý tưởng, từng bị chê bai, từng bị từ chối,… và gặp thất bại trong những lần gửi hồ sơ đến khách hàng. Tất cả đều nhận được cái lắc đầu từ chối vì kỹ năng chuyên môn chưa tốt. Nhưng rồi mình không từ bỏ, dành gần 1 năm trời để thực hành viết hằng ngày và luyện viết nâng cao. Nhưng mình tin bạn không cần phải mất thời gian dài như thế nếu có một mentor đồng hành. Học viên của mình đã có khách hàng sau 2 tháng học viết content website và mình tin rằng, với kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế này đi cùng mình, bạn sẽ đi nhanh hơn.”

Bạn có thấy cùng một nội dung nhưng cách truyền tải khác nhau không? Ở câu chuyện số 1, mình áp dụng kỹ thuật storytelling. Ở câu chuyện số 2, mình áp dụng storyselling với mục đích chia sẻ về khóa học content sắp ra mắt.

Storyselling là chiến lược bán hàng mà các nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia tiếp thị sẽ kể lại câu chuyện nhằm làm nổi bật tính năng, lợi ích của sản phẩm thay vì chia sẻ về mẫu mã, công dụng, giá cả của sản phẩm. 

Đọc thêm:

Điều gì tạo nên một bài storytelling hấp dẫn?

Kể chuyện giúp mình có khách hàng như thế nào?

Thế nào là một bài viết thành công, mang lại giá trị cho độc giả?

Làm thế nào để viết bài thuyết phục – bí quyết dành cho content writer?

Storyselling có lợi ích gì?

Storyselling và nghệ thuật kể chuyện bán hàng 
Nguồn ảnh: Kelly Sikkema, Unsplash

– “Chạm” đến người tiêu dùng nhiều hơn: Những câu chuyện dễ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng hơn là một bài viết quảng cáo lộ liễu thông thường. Chẳng hạn như khi nghĩ về Biti’s mình sẽ nhớ đến câu chuyện người xa quê mong mỏi được về quê qua những thước phim “Đi để trở về”. Hay những câu chuyện tình thân của Kinh Đô trong mỗi mùa trung thu luôn khiến độc giả cảm thấy xúc động.

– Định vị thương hiệu của bạn: Tương tự như ví dụ của mình, thay vì liệt kê khóa học của mình sẽ giúp các bạn viết content tốt hơn, học phí bao nhiêu, mình quyết định kể câu chuyện có thật của bản thân. Điều này giúp độc giả nhớ đến mình nhiều hơn.

– Tạo ra sự khác biệt, độc đáo: Thay vì viết “Máy giặt này hoạt động rất tốt” thì bạn có thể viết “Mẹ của tôi đã mua chiếc máy giặt này và 3 năm nay chưa từng hỏng hóc một lần nào.” Điều đó đủ để khách hàng tin tưởng và quyết định mua máy giặt. Kể để bán là một trong cách thu hút khách hàng cực hiệu quả mà bạn không cần phải nói quá nhiều về tính năng của nó.

Lưu ý khi viết storyselling

– Ý tưởng câu chuyện: Đây là yếu tố quan trọng nhất trong storyselling. Điều đầu tiên bạn cần nghĩ ra ý tưởng cho câu chuyện của mình, câu chuyện sẽ gồm có nhân vật nào, tình huống/xung đột/cao trào là gì, cách giải quyết/gỡ rối ra sao, kết thúc như thế nào,… Tất cả đều đảm bảo phải thể hiện được mục tiêu bán hàng của bạn.

– Sự đồng cảm: Đừng kể một câu chuyện mang tính cá nhân, hãy kể một câu chuyện mà độc giả tiềm năng của bạn đọc vào sẽ thấy mình trong đó. Tương tự như khi viết cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè, mình không ưu tiên kể chuyện của bản thân mà muốn kể một câu chuyện mà bất cứ ai ở lứa tuổi 8x, 9x đều thấy tuổi thơ của họ ở trong đó.

– Cảm xúc: Những câu chuyện có cảm xúc thường khiến độc giả nhớ lâu hơn. Có thể là chuyện vui, chuyện buồn, hành trình vượt qua gian khổ, giành chiến thắng cuộc thi sống còn,… Những câu chuyện có cao trào hoặc xung đột luôn tạo ra cảm xúc mãnh liệt, hãy nhớ điều đó nhé.

– Tính chân thực: Mục đích của storyselling là kể để bán, để bán được sản phẩm bạn phải tạo ra lòng tin với độc giả. Nó không đơn thuần là kể chuyện mà là kể để chinh phục được cảm tình của độc giả. Vậy nên không có gì tốt hơn bằng việc kể một câu chuyện chân thực, có như vậy sự tin tưởng của độc giả với bạn càng tăng lên.

Cuối cùng storyselling nếu không có yếu tố bán hàng thì không phải là kể để bán. Do vậy bạn cần xem xét thật kỹ, liệu câu chuyện của bạn đã đủ yếu tố bán hàng trong đó chưa hay chỉ là một câu chuyện đơn thuần. Storyselling khác với storytelling, bạn luôn nhớ điều đó nhé.

Trả lời