Thế nào là một bài viết thành công, mang lại giá trị cho độc giả?

“Chị ơi thế nào là một bài viết thành công? Chị có thể xem và góp ý các bài em viết có mang lại giá trị gì cho độc giả không chị?” – Đó là tin nhắn của một bạn học viên mà mình từng nhận kèm cặp năm ngoái. Không chỉ bạn mà có nhiều độc giả từng đặt câu hỏi như là:

“Làm sao để biết bài viết của tôi mang lại giá trị cho bạn đọc?”

“Định nghĩa về một bài viết thành công?”

“Thế nào là một bài viết hay?”

Liệu bạn đã từng tự hỏi những câu tương tự như trên, nếu có thì bài viết này là dành cho bạn.

Thế nào là một bài viết thành công?

Thực ra, để đánh giá một bài viết thành công hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Với những bài viết cho chính mình (chia sẻ cảm xúc, kể lại đời sống hằng ngày, giải tỏa áp lực,…), đứng ở góc độ độc giả thì một bài viết có giá trị khi:

– Khiến độc giả cảm thấy tốt hơn, chẳng hạn khi đọc xong bài viết của bạn, độc giả cảm thấy vui vẻ hơn, tích cực hơn hoặc được truyền cảm hứng muốn làm ngay điều gì đó. 

– Khiến độc giả đọc xong, họ muốn lan tỏa nội dung này đến với nhiều người khác nữa. Điều này có thể thống kê qua lượt tương tác, cụ thể là lượt chia sẻ. Nếu bạn viết một nội dung có sức hút, nhiều bạn đọc nhấn nút thích, bình luận hoặc chia sẻ, đó có thể gọi là một bài viết thành công. Ví dụ cụ thể cho trường hợp này là mình từng chia sẻ một nội dung tại cộng đồng lớn, bài viết thu về hơn 350 lượt thích và gần 200 lượt chia sẻ. 

Thế nào là một bài viết thành công, mang lại giá trị cho độc giả?

– Khiến độc giả đồng cảm, họ bắt gặp chính mình trong câu chuyện bạn kể, để rồi họ nhớ về những câu chuyện cũ và xúc động theo. Điều này làm mình nhớ lại lời cảm nhận của độc giả sau khi đọc xong sách Nằm nghe gió thổi sau hè mà mình vừa xuất bản, bạn độc giả Vũ Anh chia sẻ rằng có nhiều câu chuyện trong sách khiến bạn như nhìn lại tuổi thơ của chính mình. Với mình, những bài viết trong Nằm nghe gió thổi sau hè là “thành công”.

– Khiến độc giả rút ra được bài học từ câu chuyện, ví dụ như đọc xong độc giả gật gù đồng tình với những gì mà bạn chia sẻ. Hoặc độc giả học được những bài học mà bạn vừa đúc kết.

– Khiến độc giả đọc xong cảm thấy thích con chữ của mình, dần dần trở thành độc giả trung thành của bạn. 

Còn đứng ở góc độ của một người viết, mình cho rằng một bài viết thành công là khi viết xong, bạn cảm thấy thỏa mãn và hạnh phúc. Bạn cảm thấy những chia sẻ thầm kín của mình được thổ lộ, giãi bày. 

Bài viết liên quan:

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết

Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày

Chấm dứt tình trạng viết lạc đề với 4 bước đơn giản

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?

Để có một bài viết “thành công”

Thế nào là một bài viết thành công, mang lại giá trị cho độc giả?

Chú ý lỗi viết cơ bản

Dù là viết cho chính mình hay viết thương mại, bạn cần phải đảm bảo bài viết đúng, bao gồm đúng chính tả, ngữ pháp, đúng trọng tâm, đúng logic, đúng thông tin,… Sau khi hoàn thành, hãy đọc lại bài viết và biên tập, rà soát xem lại các lỗi trong bài nhé. Thông thường đối với cây viết mới các bạn sẽ khó nhận ra những lỗi cơ bản của chính mình, do vậy một người đọc và góp ý sẽ giúp bạn cải thiện. Bạn cũng có thể tìm thấy những nội dung này trong ebook Viết từ số 0 của mình hoặc là được mình hướng dẫn kèm cặp 1:1 trong khóa học Viết từ số 0.

Viết từ sự chân thành

Điều quan trọng nhất khi viết cho chính mình đó là sự chân thành, gần gũi. Tuy nhiên mình không khuyến khích các bạn “gồng” để tỏ ra tự nhiên hoặc sao chép phong cách của ai đó. Hãy viết từ chính câu chuyện của bạn, về những gì xảy ra xung quanh, về những người bạn gặp, mọi cảm xúc buồn vui,… Tất cả đều là chất liệu tuyệt vời cho câu chuyện của bạn thêm sinh động và chân thật. Câu chuyện bạn kể, giọng văn bạn truyền tải đều mang dấu ấn riêng của bạn không hòa lẫn.

Tránh kể lể cá nhân

Có một sự thật mà mình thường thấy ở các bạn newbie là sa đà vào kể những câu chuyện mang tính chất riêng tư. Thực tế độc giả của bạn sẽ không cảm thấy thoải mái nếu ngày nào cũng đọc những bài viết kể lể vụn vặt đời tư nhưng lại không mang đến thông điệp hoặc giá trị nào. Vì vậy khi viết, bạn cần lưu ý hướng về vào độc giả nhiều hơn nhé. Nếu là những câu chuyện hằng ngày như nấu ăn, dọn dẹp, chăm con,… hãy mang đến cho độc giả nhiều hơn như là những bài học, trải nghiệm mà bạn đúc kết.

Sự phù hợp với độc giả

Đừng viết cho độc giả lớn tuổi với ngôn ngữ toàn từ tiếng Anh, chuyên ngành hoặc những từ học thuật bạn nhé. Và nếu bạn chọn viết chữa lành, hạn chế khuyên răn giáo huấn bạn đọc như là “Bạn hãy làm cái này/Bạn cần phải làm cái kia…” Hiểu rõ về độc giả để chọn cách viết phù hợp sẽ giúp nội dung của bạn lan tỏa hiệu quả hơn.

Thực tế không có thước đo nào để đánh giá chính xác về mức độ thành công của một bài viết. Vậy nên bài viết này chỉ phù hợp với những dạng nội dung viết cho chính mình và không phù hợp với các nội dung thương mại như content, copywriting hay bài PR báo chí. Đón đọc bài viết Thế nào là một bài viết tốt – checklist dành cho content writer của mình được lên sóng trong thời gian đến – nội dung bài sẽ tập trung về tiêu chuẩn của một bài viết content đúng – chuẩn – tốt.

Trả lời