Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày

Hơn 90% học viên đến với khóa 1:1 mình đang hướng dẫn đều có một điểm chung: thiếu kỷ luật viết và không thể duy trì thói quen viết mỗi ngày. Đó là lý do bài viết này ra đời.

Để xây dựng sự nghiệp viết lách, không chỉ dựa vào kỹ năng mà còn là sự cố gắng của bản thân. Hầu hết chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, những người thành công trong viết lách đều có một điểm chung: họ dành thời gian viết, kể cả chỉ là vài dòng nhật ký, tâm sự. Bạn cũng làm được như thế, chỉ cần thực hành theo đúng phương pháp.

Thiết lập không gian và thời gian viết

Nếu tìm cho mình không gian và khoảng thời gian hoàn hảo, bạn sẽ viết được nhiều hơn những gì mình tưởng. Chẳng hạn như mình có thể giải quyết công việc hiệu quả hơn vào buổi chiều thay vì sáng sớm hoặc buổi tối. Do vậy mình sẽ dành thời gian này để giải quyết và xử lý những công việc quan trọng. Ngoài thời gian này ra mình sẽ tranh thủ kiểm tra hộp thư và trả lời những tin nhắn, thông báo từ học viên hoặc khách hàng. 

Bạn cũng thể thử tìm ra thời gian viết tốt nhất cho mình bằng cách chọn một ngày rảnh rỗi để viết liên tục cả ngày. Sau đó hãy tự hỏi bản thân:

– Bạn thấy mình có nhiều năng lượng và ý tưởng viết nhất vào thời gian nào?

– Bạn thấy mình viết nhanh và hiệu quả nhất vào thời gian nào?

Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ có đáp án cho bản thân. Tuy nhiên chừng đó là chưa đủ. Bạn cần một không gian viết phù hợp. Đó không nhất thiết phải là một quán cà phê sang trọng, không cần có một chiếc bàn làm việc đắt tiền. Sự yên tĩnh, riêng tư quan trọng hơn cả.

Một bộ bàn ghế phù hợp với chiều cao, chiếc laptop sẵn sàng và wifi đủ mạnh để bạn viết bất cứ thứ gì mình muốn. Đừng quên hãy đặt một cuốn sổ tay hoặc tài liệu nghiên cứu (sách, báo,…) bên cạnh để tham khảo. Bạn hãy thử chọn thời gian, không gian phù hợp nhất để tạo thói quen viết mỗi ngày nhé.

Thực hành Journaling/Morning Pages

Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày
Photo by Karolina Grabowska on Kaboompics

Journaling (nhật ký cá nhân) là một hình thức ghi chép lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Trong khi đó Morning Pages (trang viết vào buổi sáng) là việc viết tự do tất cả những gì bạn suy nghĩ trong đầu, không quan tâm chính tả hay ngữ pháp, chẳng quan tâm đúng hoặc sai. 

Những bạn mới tập tành viết lách thường rơi vào tình trạng không biết viết gì. Và khi đó hiện tượng “trang giấy trắng” xuất hiện, họ sẽ rơi vào bí ý tưởng và bỏ cuộc. Lúc này Journaling hay Morning Pages là phương pháp lý tưởng để giúp người mới bắt đầu tập tành viết lách.

– Journaling: Bạn ghi chép, giải tỏa cảm xúc để giúp mình thư giãn hơn. Thậm chí bạn có thể thấu hiểu bản thân khi đọc lại trang viết của chính mình, từ đó hoàn thiện hơn.

– Morning Pages: Bạn thực hành viết vào mỗi sáng với 3 trang A4 (lời khuyên là bạn nên viết tay). Đây thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn có thể viết ra mục tiêu của bản thân, đặt quyết tâm hành động và bắt đầu ngày mới với tinh thần sảng khoái, tích cực.

Sẽ không có một ai đọc được những gì bạn vừa viết ra, vì vậy việc của bạn là, tạo một folder trên máy hoặc một cuốn sổ tay để bắt đầu với Journaling hoặc Morning Pages.

“Hoàn thành hơn hoàn hảo”

Bạn từng rơi vào trường hợp viết rồi lại xóa, cứ như thế hàng giờ đồng hồ vẫn chưa có bài viết nào hoàn thành? Khi đó, hãy nhớ đến câu thần chú “hoàn thành hơn hoàn hảo”,bạn sẽ thấy rằng mục tiêu của người viết luôn là hoàn thành tác phẩm trước tiên. Rồi sau đó họ mới nghĩ đến việc biên tập, hiệu đính bài viết sao cho hấp dẫn, thú vị và “hoàn hảo” hơn.

Để tránh rơi vào cái bẫy của “chủ nghĩa hoàn hảo”, bạn có thể đọc thêm bài viết: Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa? 

Một học viên trong khóa Học viết 1:1 mình đang hướng dẫn, bài tập đầu tiên bạn ấy chỉ hoàn thành vỏn vẹn 157 chữ và cảm thấy xấu hổ. Khi đó mình đã nói rằng, so với ngày hôm qua không viết một chữ nào, bạn đã làm tốt hơn rất nhiều. 

Đôi khi chúng ta không cần phải so sánh mình với bất kỳ một nhân vật viết lách nổi tiếng khác, mà nên so sánh chính mình của ngày hôm qua, hôm kia. 

Bài viết liên quan:

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết

Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn

3 lỗi viết cơ bản mà bất cứ newbie nào cũng thường gặp

Đặt ra “nguyên tắc” cho bản thân

Mình đã từng viết 130 ngày liên tục không nghỉ một ngày nào trên cộng đồng Những người viết hằng ngày (OWD). Dĩ nhiên lúc ấy mình không nghĩ rằng điều này mang đến cho mình vô vàn cơ hội sau này. Mình viết trên nhóm với tâm thế chia sẻ, kể cả khi đau ốm hoặc công việc quá tải. Thậm chí có những bài viết ra trong lúc ngồi canh lửa nhóm bếp bánh Tét hoặc trong lúc ngồi ở sân bay đợi taxi đến đón.

Để làm được điều đó, mình đặt ra quy tắc cho bản thân: Viết mỗi ngày không có ngoại lệ. Mình không phân biệt ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tất cả đều là ngày bình thường và mình sẽ dành thời gian để viết.

Tất nhiên để làm được điều đó, bạn cần thiết lập không gian và thời gian viết tốt nhất. Đồng thời tránh xa những phương tiện có thể khiến bạn phân tâm như điện thoại, tivi,… Chỉ cần bạn kiên định với bản thân, những cám dỗ ngoài kia sẽ không thể nào phá vỡ được “thế giới viết lách” của bạn.

Continue where you left off (Tiếp tục nơi bạn dừng lại)

Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày
Photo by Karolina Grabowska on Kaboompics

Nếu bạn có Google Chrome trên máy tính, ở Setting (cài đặt) phần On Startup (khởi động máy), bạn sẽ thấy 3 tùy chọn:

– Open the New Tab page (Mở một trang mới)

– Continue where you left off (Tiếp tục nơi bạn dừng lại) 

– Open a specific page or set of pages (Mở một trang cụ thể hoặc một tập hợp các trang)

Mình đã chọn Continue where you left off (Tiếp tục nơi bạn dừng lại) từ khi sử dụng máy tính phục vụ cho công việc freelance writer đến bây giờ. Tức là khi khởi động, nội dung đang làm việc dang dở sẽ được mở lên và giúp mình tiếp tục hoàn thành.

Bạn cũng có thể tạo Continue where you left off cho chính bản thân bằng cách kết thúc việc viết hôm nay, hãy ghi chú lại những nội dung viết cần thiết vào ngày hôm sau thông qua Sticky Notes (một ứng dụng ghi chú trên máy tính).

Bạn có thể viết một đoạn văn, một ghi chú/trích dẫn để nhắc nhở bản thân những công việc còn hoàn thành vào ngày mai. Bạn sẽ tránh việc bỏ quên/đánh rơi ý tưởng. Nó còn là lời nhắc nhở để bạn bắt đầu một bài viết mới vào ngày mai.

Lập kế hoạch nội dung

Mình có rất nhiều bảng kế hoạch cho công việc, mỗi kế hoạch mình đều lên nội dung chi tiết và tỉ mỉ. Đó là lý do mình luôn cho học viên trong lớp viết blog được thực hành kế hoạch phát triển nội dung blog ngay trong tuần học đầu tiên. Mình tin rằng với một kế hoạch rõ ràng, chi tiết, học viên sẽ có động lực hoàn thành hơn là một kế hoạch mơ hồ chỉ được thiết lập trong tưởng tượng.

Ngoài ra mình cũng có kho ý tưởng dự trữ để không bao giờ rơi vào tình trạng không có gì để viết. Có thể nó không phải bảng kế hoạch hoàn hảo nhất nhưng nó phù hợp nhất với mình (tính đến thời điểm hiện tại). 

Bạn có thể không cần phải tạo một bản kế hoạch bài bản như mọi người, đơn giản là bạn gạch đầu dòng công việc viết lách cần làm trong ngày. Dựa vào kế hoạch, bạn có thể xử lý công việc quan trọng và khẩn cấp trước.

Biến viết thành thói quen

Trong một bài viết trên blog, mình đã ghi thế này: “Nếu bạn muốn theo đuổi viết lách, đừng để nó là nghĩa vụ, hãy biến nó thành thói quen”. Lý do để mình có thể sản xuất nội dung blog đều đặn, viết mỗi ngày là vì viết trở thành thói quen của mình. Nó không còn là nhiệm vụ, là nghĩa vụ phải làm nữa. Thậm chí khi viết cho khách hàng, mình vẫn rất vui vẻ và thích thú.

Khi ngồi vào bàn làm việc, đặt lên bàn phím và gõ, mình hoàn toàn say mê và chìm đắm trong đó. Mình xem viết như một đặc ân có được trong cuộc đời này. Điều đó khiến mình tạo lập thói viết mỗi ngày.

Có thể mình không chia sẻ lên nhóm, trang cá nhân nhưng hầu như ngày nào mình cũng viết. Có đôi khi những bài rất dài, có đôi khi chỉ là câu trích dẫn ngắn.

Nếu bạn đã từng xem viết là một nhiệm vụ bắt buộc phải làm, thử làm bạn với viết, xem nó là người bạn thân thiết đồng hành cùng mình. Bạn sẽ thấy viết không còn là nghĩa vụ nữa mà nó là một sở thích, một thói quen.

Tìm người đồng hành

Thêm một cách để bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày là có thể bắt cặp với một người bạn. Sau đó cả hai cùng lên kế hoạch viết, có thể là 1 bài/ngày hoặc 1 bài/tuần,… miễn sao bạn cảm thấy phù hợp là được.

Khi tham gia làm mentor trong chương trình Mentorship của OWD, mình khuyến khích mentee bắt cặp với một người bạn trong nhóm để đôi bạn cùng tiến. Cả 2 sẽ cùng đồng hành, giúp đỡ và đốc thúc nhau tiến bộ.

Ngoài ra các khóa học viết cũng là một trong những sự lựa chọn thú vị để cân nhắc. Học viên trong lớp Viết từ số 0 của mình từng mất niềm tin vào bản thân, thậm chí không bao giờ nghĩ mình có thể viết liên tục 10 ngày. Kết quả bạn ấy đã kết thúc khóa học với 30 bài viết liên tục trong 30 ngày, với cấp độ từ dễ đến khó và số từ tăng từ vài trăm từ đến vài ngàn từ/bài.

Nhiều người chúng ta thường nghĩ, viết chỉ là cảm hứng. Tuy nhiên để tiến xa hơn trên con đường freelance writer, bạn cần phải tạo lập thói quen viết mỗi ngày. Nếu bạn cần một người đồng hành trong viết lách, hãy liên hệ với mình qua email haiduong7074@gmail.com nhé.