Trong những nội dung trước, mình đã chia sẻ các bước kể chuyện storyselling, trong đó có gợi ý áp dụng cách viết quảng cáo. Bài viết này, mình chia sẻ đến bạn 4 công thức viết quảng cáo phổ biến mà bạn có thể áp dụng trong kể chuyện bán hàng storyselling.
Công thức AIDA
AIDA được viết tắt từ “Attention” (chú ý); “Interest” (hứng thú), “Desire” (khao khát), “Action” (hành động), là công thức phổ biến trong viết quảng cáo. Tuy nhiên, mình thường áp dụng công thức này khi muốn kể chuyện nhằm bán một sản phẩm hay dịch vụ nào đó.
Áp dụng công thức này trong viết storyselling, nghĩa là khi bạn kể chuyện, những dòng chữ đầu tiên phải gây sự chú ý của người đọc. Như vậy họ sẽ dừng lại vài giây để đọc tiêu đề, đoạn mở đầu của bài viết, vậy là bạn đã thành công ở bước đầu tiên.
Sau đó hãy tạo hứng thú để độc giả quan tâm đến sản phẩm bằng cách đưa thông tin cụ thể, đồng thời đánh vào “nỗi đau” hoặc tạo ra nhu cầu mong muốn khiến họ muốn sở hữu sản phẩm. Kết thúc câu chuyện cần có một hành động cụ thể để người đọc/khách hàng thực hiện hành động mua hàng.
Ví dụ: “Có 2 học viên của mình đã viết tốt hơn sau 30 ngày làm bài liên tục và 3 học viên khác có khách ngỏ lời mời làm CTV sau khi kết thúc khóa học. Đó là những gì mà mình đã làm được với 5 học viên kèm cặp 1:1 cho Khóa học Viết từ số 0 vừa qua.
Tại Khóa học Viết từ số 0 này, bạn không chỉ được thực hành viết hằng ngày mà còn được Hải Dương – một tác giả sách, content writer, writing mentor sửa lỗi chi tiết. Nhờ đó bạn sẽ sớm giải quyết được tình trạng bí từ, bí ý tưởng hay không biết viết sao cho đúng.
Hiện khóa Viết từ số 0 vào tháng 3.2024 sẽ tăng lên học phí 3,000,000 đồng/khóa/học viên (và duy trì học phí này cho đến hết năm 2024). Nếu đăng ký trước ngày 31.12.2023 này, bạn sẽ nhận được mức học phí ưu đãi chỉ với 2,500,000 đồng. Đặc biệt là, bạn có thể đăng ký sớm và học bất kỳ thời gian nào trong năm 2024 đều được.
Đừng bỏ lỡ mức học phí tốt nhất này nhé, mình đang chờ bạn.”
Công thức ACCA
Công thức ACCA được viết tắt từ “Awareness” (nhận thức), “Comprehension” (hiểu), Conviction (Niềm tin), Action (Hành động).
Để áp dụng ACCA trong kể chuyện bán hàng storyselling, đầu tiên bạn cần cho độc giả biết rằng sản phẩm có hiện trạng như thế nào, nó là gì, nó có lợi ích/tác dụng gì. Sau đó, bạn cần đưa ra những thông tin để giúp người đọc hình dung cụ thể hơn về sản phẩm; lúc này bạn cũng sẽ cần phải đưa ra giải pháp để tạo niềm tin. Cuối cùng, một lời kêu gọi hành động để độc giả làm theo những gì bạn mong muốn.
Ví dụ: “Trong buổi mentoring miễn phí vào 2 tháng trước, mình đã hỏi bạn mentee rằng “Em đã làm điều gì để cải thiện kỹ năng viết?”. Bạn học viên trả lời rằng, bạn thực hành viết hơn 3 tháng với gần 100 bài viết. Một con số ấn tượng khiến ai nấy đều ngưỡng mộ đúng không nhỉ?
Thực tế thì để viết tốt hơn, nếu bạn chỉ chăm chỉ viết hằng ngày thôi thì chưa đủ. Lý do đơn giản là vì khi bạn không phát hiện ra lỗi sai của mình ở bài đầu tiên, và thế là bạn lặp lại lỗi sai đấy đến trong bài thứ 100 (với 100 lần). Nếu viết sai mà không sửa, ngược lại lặp đi lặp lại lỗi sai, một ngày nào đó bạn sẽ nghiễm nhiên cho rằng nó đúng.
Chính vì vậy, bạn cần một writing mentor giàu kinh nghiệm, có kỹ năng chuyên môn tốt trong viết lách để giúp bạn sửa những lỗi trên. Hãy liên hệ ngay với mình để được cải thiện kỹ năng viết và chuẩn bị hành trang cho nghề viết bạn nhé!”
Đọc thêm:
Storyselling và nghệ thuật kể chuyện bán hàng
30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn
Mình đã viết sách Nằm nghe gió thổi sau hè như thế nào?
Cần chuẩn bị những gì khi trở thành người viết tự do (freelance writer)?
Công thức 3S
Công thức 3S được viết tắt từ “Star” (nhân vật), “Story” (câu chuyện) và “Solution” (giải pháp). Đây là công thức mà mình yêu thích và sử dụng phổ biến trong nhiều câu chuyện bán hàng khác nhau.
Đầu tiên bạn cần xác định nhân vật trung tâm của câu chuyện, đó có thể là bạn hoặc khách hàng của bạn. Sau đó bạn cần xây dựng một câu chuyện có xung đột (mâu thuẫn, cao trào). Cuối cùng cái kết hợp lý chính là giải pháp mà nhân vật đã làm để giải quyết xung đột.
Ví dụ: “Thư là một trong những học viên cơ bản mà mình hướng dẫn vào cuối năm 2023. Những ngày đầu tập viết, Thư thường mắc nhiều lỗi sai cơ bản, đặc biệt phần mở bài luôn làm khó cô nàng.
Thư đã dành hàng giờ đồng hồ chỉ để viết mở bài sao cho thật hay, thật hấp dẫn nhưng vẫn “bí”. Thậm chí có những hôm Thư không thể hoàn thiện bài viết chỉ vì tắc ý tưởng ở phần mở.
Một lần tình cờ, Thư gõ từ khóa “viết đoạn mở đầu” trên Google và tìm thấy bài hướng dẫn 6 cách viết mở đầu cứu nguy cho bạn khi bí ý tưởng của mình. Thế là Thư áp dụng theo và thấy hiệu quả. Bây giờ thì Thư không chỉ bắt đầu một bài viết dễ dàng hơn mà còn có khách hàng tìm đến đặt bài của cô nàng nữa.”
Công thức BAB
BAB là công thức viết quảng cáo khá phổ biến được viết tắt từ Before (trước khi sử dụng), After (sau khi sử dụng) và Bridge (cầu nối hay được hiểu đơn giản là điều gì tạo ra sự thay đổi đó). Công thức này đã được mình thực hành trong bài viết 5 bước kể chuyện bán hàng bằng storyselling, bạn có thể tham khảo nhé.
Để áp dụng công thức BAB cho bài kể chuyện bán hàng storyselling, bạn cần vẽ ra một câu chuyện trước – sau với sự thay đổi. Ví dụ như với sản phẩm trị mụn, bạn có thể bắt đầu bằng cách kể câu chuyện về một cô gái khao khát để có gương mặt xinh đẹp, tự tin hơn. Kể về hành trình trước và sau khi sử dụng sản phẩm, đồng thời hãy cho độc giả thấy được sự thay đổi không chỉ về gương mặt mà còn về bên trong (tự tin hơn).
Các công thức mình viết quảng cáo mình giới thiệu trong bài đăng này đều là những công thức mình thường áp dụng và tạo hiệu quả khá tốt. Bạn cũng có thể áp dụng để kể chuyện bán hàng storyselling cho sản phẩm, dịch vụ của mình nhé.