Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu 

Bạn muốn tìm kiếm một lộ trình cơ bản dành cho người viết? Bạn muốn kiếm tiền từ viết trong khi chưa biết bắt đầu từ đâu, nên thực hành chủ đề nào? Thông qua những trải nghiệm của bản thân, mình tin lộ trình này sẽ giúp bạn đi từ con số 0 trở thành một người viết chuyên nghiệp.

Viết mỗi ngày

Trước khi trở thành freelance writer như hiện tại, mình từng dành 11 tháng chỉ để viết hằng ngày, bao gồm viết tự do và viết theo chủ đề. Tại sao mình lại nhấn mạnh tầm quan trọng của viết hằng ngày, bởi vì bạn sẽ hình thành được thói quen và kỷ luật viết. 

Ngay cả những cây viết lâu năm, họ vẫn dành thời gian viết mỗi ngày. Ray Bradbury Douglas – một nhà văn sáng tác nổi tiếng người Mỹ có một niềm đam mê viết, và ông dành thời gian mỗi ngày để viết từ năm 12 tuổi. Ông có thể viết ở bất cứ đâu, trong phòng ngủ, trong phòng khách. Và đôi khi ông phải gõ rất nhiều trong phòng khách – nơi có một chiếc radio luôn bật và bố mẹ, anh trai ông nói chuyện cùng lúc đó. 

Murakami từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2004 rằng khi viết một cuốn tiểu thuyết, ông thường dậy lúc 4 giờ sáng và dành 2 tiếng sau đó chỉ để viết. Thói quen này được lặp đi lặp lại mỗi ngày từ 6 tháng đến 1 năm.

Hemingway cũng từng viết vào mỗi buổi sáng, khi trong phòng yên tĩnh và không bị làm phiền bởi bất cứ ai.

Hosseini cũng từng dành ra lời khuyên cho cây viết mới: “Bạn phải viết mỗi ngày, và bạn phải viết cho dù bạn có thích hay không”.

Trước khi nổi tiếng, Ray Bradbury, Hemingway,… cũng chỉ là một người viết hằng ngày như chúng ta. Tất nhiên mình không khẳng định rằng viết mỗi ngày sẽ giúp bạn nhanh chóng trở nên vĩ đại, sẽ có một tác phẩm kiệt xuất. Mà chính điều này sẽ giúp bạn tạo nên thói quen viết cố định – kỷ luật, khoa học và rõ ràng. Thậm chí viết mỗi ngày còn giúp bạn có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, tăng tốc độ gõ phím và bạn sẽ viết được nhiều hơn. Đây là những tiền đề cơ bản để bạn trở thành một cây viết chuyên nghiệp.

Trong 2 năm thực hành viết mỗi ngày, mình đã viết hơn 600 bài đăng trên mạng xã hội, hơn 110 bài đăng blog cùng hàng chục những chia sẻ khác. Tổng số lượng chữ mình gõ trong 2 năm khoảng 500,000 từ (không bao gồm viết cho khách hàng). Với việc gõ nhiều như thế, tốc độ gõ của mình rơi vào khoảng gần 100 từ/phút, mình có một kho ý tưởng viết chưa bao giờ cạn kiệt, kế hoạch nội dung cho blog của mình thường kéo dài từ 3 – 6 tháng mà mình không cần phải nghĩ xem tuần này viết gì.

Một vài gợi ý dành cho bạn để thực hành viết mỗi ngày là:

– Viết Morning Pages

– Viết nhật ký

– Viết tự do hoặc viết theo chủ đề

– Đăng ký khóa học 1:1 Viết từ số 0 của mình để được viết và sửa bài mỗi ngày.

Bài viết liên quan:

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết

3 lỗi viết cơ bản mà bất cứ newbie nào cũng thường gặp

10 mẹo hữu ích giúp bạn viết nhanh hơn, viết nhiều hơn

45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Chọn cộng đồng thực hành viết

Sau khi thực hành viết hằng ngày, khoảng từ 1 – 3 tháng, mình cho rằng thời gian này đủ để bạn hình thành được kỷ luật viết. Thậm chí bạn nên tự hào về bản thân mình đã có một thời gian nỗ lực tuyệt vời như thế. Bây giờ là lúc bạn cần phá kén để viết cho độc giả tiềm năng/khách hàng tương lai của bạn đọc.

Khác với viết cho chính mình, khi lựa chọn cộng đồng để viết bạn cần hướng đến độc giả của bạn nhiều hơn. Những câu chuyện của bạn giờ đây không chỉ là để giải tỏa cảm xúc (như viết nhật ký hay Morning Pages) nữa mà thay vào đó là viết để mang đến một thông điệp tích cực, lan tỏa giá trị ý nghĩa cho mọi người.

Việc chọn một cộng đồng để thực hành viết sẽ giúp bạn mạnh dạn viết, tự tin hơn và vượt qua những rào cản tâm lý khi viết. Một học viên của mình từng tự ti khi phải chia sẻ những bài viết trên mạng xã hội vì sợ bị công kích, chỉ trích hoặc bị đánh giá là bài viết chưa đủ kiến thức. Tuy nhiên sau khi thực hành viết bài đầu tiên, bài thứ hai rồi cho đến bài 100, bạn ấy giờ đã thoải mái chia sẻ bất cứ điều gì bạn muốn. 

Hơn nữa việc viết trong một cộng đồng sẽ giúp bạn kết nối được nhiều hơn với các cây viết khác, mạng lưới các mối quan hệ cũng được mở rộng. Điều này sẽ giúp bạn có cơ hội được nhận một dự án viết lách thú vị, gặp gỡ những người giàu kinh nghiệm và muôn vàn cơ hội khác mở ra trong đời. Đôi khi bạn còn nhận được những lời góp ý miễn phí để cải thiện bài viết tốt hơn.

Một vài cơ hội mà mình nhận được khi chia sẻ nội dung trong cộng đồng như có thêm khách hàng mới, blog có nhiều lượt truy cập, có thêm học viên mới, ebook của mình được biết đến nhiều hơn hay nhận được cặp vé khứ hồi vào TP. Hồ Chí Minh để dự buổi offline của cộng đồng những người làm freelancer. Tất cả niềm vui này đến từ việc mình tích cực chia sẻ trên cộng đồng, bao gồm các kỹ thuật viết cơ bản, cách vận hành và xây dựng thương hiệu cá nhân từ blog hay những câu chuyện vụn vặt khác.

Một số cộng đồng viết lách bạn có thể tham gia viết bao gồm:

Ngày đẹp trời để viết

Viết lách mỗi ngày – GenZ

Người viết lách

Tâm sự con sen

Tìm mentor phù hợp để nâng cao kỹ năng

Bạn không cần phải tìm một mentor để có thể nâng cao kỹ năng. Nhưng nếu thật sự bạn còn hoài nghi về bản thân, chưa xác định được con đường mình muốn đi, ngách viết cho bản thân hay nền tảng phù hợp thì lúc này hãy chọn một mentor. Một mentor tốt sẽ giúp bạn tìm ra được câu trả lời mà bạn đang loay hoay tìm kiếm.

Mentor sẽ biết mentee của mình đang gặp vấn đề gì, hiểu vì sao bạn ấy rơi vào tình trạng đó để đưa ra phương án phù hợp. Ngay cả khi học viên/mentee không tiến bộ, mentor phải có sự kiên nhẫn để đồng hành. 

Nhìn chung, mentor có thể giúp bạn: 

Cải thiện kỹ thuật viết cơ bản và viết nâng cao (viết content, viết sáng tác, viết quảng cáo, viết bài PR báo chí,…)

– Định hướng con đường viết lách chuyên nghiệp (tư vấn, định hướng): sáng tác, thương mại,..

– Tìm ra phong cách viết phù hợp với bản thân (thể loại, nền tảng, ngách viết,…)

– Chọn nền tảng viết lách phù hợp để xây dựng thương hiệu cá nhân (website/blog, fanpage, LinkedIn, Substack…)

Có một câu quote mình từng viết trên blog rằng “Không có một công thức chung áp dụng cho tất cả mọi người viết. Bất cứ điều gì phù hợp với bạn đều là tốt nhất”, mình muốn nhấn mạnh sự phù hợp.

Nếu bạn muốn tìm một mentor, hãy xem mục tiêu của bạn là gì, bạn cần mentor có chuyên môn về lĩnh vực gì, mentor sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề gì,… để quyết định đăng ký người phù hợp. Với những bạn có nhu cầu cải thiện kỹ thuật viết cơ bản hay muốn xây dựng và phát triển blog hiệu quả, có thể tham khảo Khóa học viết 1:1 do mình làm mentor nhé.

Chọn ngách viết phù hợp

Với sự đồng hành từ mentor, lúc này bạn cần chọn một ngách viết cho mình. Hãy tưởng tượng thế này, một doanh nghiệp F&B (Food and Beverage Service) thì họ sẽ muốn làm việc với những cây viết có chuyên môn hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực đồ ăn, thức uống. Hay một công ty du lịch sẽ thích làm việc với travel blogger hơn thay vì một cây viết tự do đa lĩnh vực. 

Hơn nữa, thu nhập dành cho cây viết chuyên môn hóa sẽ cao hơn so với thu nhập thông thường. Chẳng hạn như một cây viết kiến trúc sẽ nhận thù lao cho bài viết kiến trúc cao hơn so với cây viết khác vì họ có chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. 

Đọc thêm bài viết 10 câu hỏi bạn cần phải trả lời trước khi viết blog cá nhân để hiểu hơn về cách chọn ngách nhé.

Chọn ngách thường gắn liền với chọn nền tảng để xây dựng thương hiệu cá nhân. Rõ ràng bạn cần có một nơi để chia sẻ các bài viết về chủ đề bạn yêu thích hoặc có thế mạnh. Fanpage thường phù hợp với những nhà sáng tạo nội dung với các bài viết ngắn và có video, hình ảnh, ảnh động,…, blog website thường phù hợp với bài viết chuyên sâu, substack rất hiệu quả trong việc phát triển bản tin,… 

Với mình, blog là một kênh khá tốt để bạn có thể xây dựng. Việc có một chiếc blog sẽ giúp bạn hiểu được cách quản trị, vận hành website; học được cách viết content website; biết cách tối ưu bài viết,… Hơn nữa việc tìm kiếm, lưu trữ nội dung của blog website khá cao trong khi mức độ rủi ro thấp hơn so với fanpage.

Tìm kiếm khách hàng, xây dựng thương hiệu

Tham khảo bài viết của mình: Kể chuyện làm freelance writer và cách mình tìm kiếm khách hàng để học cách tìm kiếm khách hàng nhé.

Một số cây viết thường chọn cách tìm kiếm khách hàng trước để đảm bảo có thu nhập, một số chọn xây dựng thương hiệu cá nhân để khách hàng tìm đến. Một số cây viết kết hợp song song việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng thương hiệu cá nhân,… Dù chọn cách nào, miễn điều đó phù hợp với bạn đều được.

Làm việc với khách hàng, bạn sẽ có một cái nhìn cụ thể, chi tiết hơn. Bạn sẽ học được nhiều kỹ năng không chỉ là viết, được sửa bài chi tiết, đây là giai đoạn bạn sẽ tích lũy được nhiều điều thú vị. Hơn nữa tham gia vào các dự án thực tế, bạn cũng sẽ nhanh tiến bộ hơn.

Với xây dựng thương hiệu, bạn có thể mở rộng business cho riêng mình với các sản phẩm/dịch vụ cá nhân như ebook, sách, khóa học, cộng đồng,… Dĩ nhiên để làm được điều này, bạn đừng bỏ qua lộ trình từ viết hằng ngày -> viết trong cộng đồng -> chọn ngách như mình chia sẻ.

Liên tục nâng cấp bản thân

Đừng chỉ viết và viết nếu bạn muốn trở thành cây viết chuyên nghiệp, thay vào đó hãy luôn liên tục nâng cấp bản thân. Bạn có thể học thêm thiết kế ảnh nhằm phục vụ cho việc xây dựng nội dung, học cách vận hành cộng đồng, học kỹ năng đàm phán/thương lượng giá cả, kỹ năng lập kế hoạch/lên chiến lược,… 

Để trở thành một người viết chuyên nghiệp, bạn phải thật sự viết dù điều này dường như hơi sáo rỗng và lý thuyết. Hãy bắt đầu một lộ trình viết cơ bản dành cho người viết mới như là thực hành viết hằng ngày, viết trong cộng đồng, viết cho khách hàng,… và đừng quên nâng cấp bản thân nhé. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể đi thật xa trên hành trình này.

Để lại một bình luận