Có một lần mình đưa ra chủ đề về tuổi thơ cho học viên trong chương trình Viết từ số 0, các bạn suy nghĩ một lúc lâu và trả lời rằng không có ý tưởng viết, không biết viết gì. Đó là lý do mình chia sẻ bài viết ngắn này, hy vọng giúp các bạn newbie có thể dễ dàng tìm kiếm ý tưởng viết.
Các dạng chủ đề viết
Có 2 dạng chủ đề mà mình thường gọi: chủ đề tự do và chủ đề được cho.
– Chủ đề tự do là chủ đề bạn tự nghĩ ra, muốn viết về nó để xuất bản nội dung trên mạng xã hội hoặc một hội nhóm viết lách nào đó bạn thích. Thông thường chủ đề tự do sẽ phù hợp với những bạn muốn viết bài chia sẻ trên mạng xã hội (facebook cá nhân, các nhóm cộng đồng hay viết nhật ký,…)
– Chủ đề được cho là những chủ đề bạn nhận được từ một người khác (có thể là khách hàng, mentor,…). Mình ví dụ trong công việc viết bài chuẩn SEO, khách hàng sẽ đưa cho bạn danh sách từ khóa (keyword) và bạn buộc phải lên ý tưởng cho chủ đề đó. Hoặc sẽ có những trường hợp bạn được yêu cầu viết về chủ đề nào đó và điều bạn cần làm là suy nghĩ, tìm kiếm ý tưởng viết để hoàn thành bài vở đúng hạn.
Trả lời câu hỏi 5W1H
Chẳng hạn bạn muốn viết về tuổi thơ, nhưng lại chưa có ý tưởng, vậy thì có thể áp dụng theo các gợi ý dưới đây.
– What: Nhắc đến tuổi thơ, bạn sẽ liên tưởng đến hình ảnh nào? (con trâu, cánh diều, cánh đồng, cánh cò,…)
– Who: Nhân vật nào ở thời thơ ấu khiến bạn nhớ nhất? (ba mẹ, anh chị, ông bà, cô giáo, cái Lan, Hoa, Huệ,…)
– When & Where: Thời gian và địa điểm diễn ra kỷ niệm đó? (ví dụ năm 10 tuổi, năm 12 tuổi, thời gian tiểu học,… Địa điểm có thể là tại cánh đồng, tại sân trường, trên con đường làng, con đê,…)
– Why: Vì sao sự kiện đó xảy ra? (khóc vì bị điểm kém, vui vì nhận được cái kẹo, buồn vì mất đi người bạn thân,…)
– How: Nó xảy ra theo trình tự như thế nào? (thả diều nhưng bị đứt dây, hái trộm ổi nhà bác Bảy, đổi vỏ lon hoặc dép nhựa để lấy kem,…)
Như vậy là bạn đã có cho mình 10+ câu trả lời và đó là những ý tưởng mà bạn có thể phát triển từ chủ đề “tuổi thơ”. Sau khi có ý tưởng, bạn có thể mở đầu bằng câu chuyện, một câu thơ/ca dao hoặc lời hát để liên tưởng đến vấn đề cần viết. Đây cũng là cách mình áp dụng để viết 40,000 từ cho cuốn sách Nằm nghe gió thổi sau hè xuất bản tháng 7.2023.
Đọc thêm:
Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu
Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới
45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung
Cộng tác với báo chí và cách mình có mặt trên 10 tờ báo khác nhau
Liên tưởng từ xung quanh
Một trong cách mình tìm kiếm ý tưởng khi viết là nhìn xung quanh xem có những món đồ nào gợi nhớ kỷ niệm cũ hoặc làm mình liên tưởng đến một câu chuyện, bộ phim nào đó. Nếu bạn muốn viết gì đó nhưng chưa biết bắt đầu ra sao, phát triển ý tưởng như thế nào, thử nhìn xung quanh mình:
– Món đồ ở gần bạn nhất, có gắn với câu chuyện nào trong quá khứ của bạn không? (bút viết, sổ sách, kẹp tóc,…)
– Những người ngồi cạnh bạn, liệu có kỷ niệm nào giữa bạn và người ấy không?
– Một món đồ trong ngăn tủ, bạn có nhớ mình đã sở hữu chúng như thế nào không? Là bạn mua hay được tặng? Có cảm xúc nào ùa về trong bạn không?
Không phải bạn không có gì để viết, là vì xung quanh bạn có quá nhiều vấn đề và bạn rối rắm không biết nên chọn ý tưởng nào. Do vậy khi nhận được một chủ đề viết tự do, hãy xem xét xung quanh bạn, có điều gì khiến bạn nhớ lại và muốn viết ra không.
Liệt kê lợi ích, chức năng
Với những chủ đề được cho, chúng ta có cả trăm cách để tiếp cận một vấn đề bằng cách đưa ra câu hỏi, đánh giá xem xét mọi góc độ. Ví dụ để viết về máy rửa chén, bạn có thể nghĩ đến các ý tưởng:
– Lợi ích khi sử dụng máy rửa chén (ví dụ tiết kiệm thời gian, sạch hơn,…). Ví dụ “10 lợi ích của máy rửa chén có thể bạn chưa biết”, “Tại sao mỗi gia đình nên có máy rửa chén?”
– Hạn chế (nhược điểm) khi sử dụng máy rửa chén (tốn phí bảo hành sửa chữa, tốn điện nước,… Ví dụ “Máy rửa bát có thực sự hiệu quả như lời đồn?” hay “Tác hại khôn lường của máy rửa chén”,…
– Hướng dẫn sử dụng, cách bảo quản máy rửa chén, những lưu ý khi sử dụng,… Ví dụ “Bạn đã sử dụng máy rửa chén đúng cách?” hoặc “Mách bạn 7 cách sử dụng máy rửa bát an toàn”.
– So sánh, nhận xét, đánh giá về máy rửa chén; trong quá trình viết lưu ý lồng ghép các ý kiến nhận xét, phản hồi từ những người sử dụng khác để làm cho bài viết tăng độ thuyết phục hơn nhé.
– Thông báo về sản phẩm, mẫu mã mới ra. Thông thường ý tưởng này sẽ phù hợp để đưa tin.
– Câu chuyện gia đình với máy rửa chén. Ví dụ “Trong gia đình, ai sẽ là người rửa chén khi ăn uống xong?”, “Vỡ mộng hôn nhân vì rửa chén” hay “Dạy con tự lập với việc rửa chén”,…
Mong rằng với chia sẻ ngắn này sẽ giúp các bạn newbie dễ dàng tìm kiếm ý tưởng viết và tránh tình trạng bí ý tưởng. Bạn có thể tìm đọc các nội dung về viết cơ bản khác tại đây hoặc tham gia luyện viết tại cộng đồng Ngày đẹp trời để viết cùng mình nhé.