Quy trình viết nội dung ẩm thực của một cây viết F&B 

Viết nội dung ẩm thực không chỉ là cách chúng ta nhận từ khóa/chủ đề và viết mà còn đằng sau đó là vô vàn những công việc phải làm. Bài viết này mình muốn chia sẻ đến bạn quy trình sáng tạo nội dung ẩm thực dựa theo trải nghiệm 2 năm viết lách tự do và làm việc với 4 thương hiệu về F&B.

Lưu ý khi viết nội dung ẩm thực

Có 3 tiêu chí mà quan trọng mà mình cho rằng nó là yếu tố quyết định nội dung của bạn có tốt hay không.

– Để độc giả hình dung được món ăn có vị như thế nào: Trong viết lách có một kỹ thuật gọi là “Show, don’t tell”, hiểu đơn giản là “Đừng kể, hãy tả”. Nghĩa là người viết vận dụng cách diễn đạt, ngôn từ phong phú để làm sao cho độc giả cảm nhận được mùi vị món ăn dù họ chưa có cơ hội trải nghiệm món ăn đó. Chẳng hạn như bạn viết về món bánh xèo Đà Nẵng, bạn đừng quên đưa những tính từ gợi cảm giác về vị như “chua ngọt” từ nước chấm”, “béo béo” của tôm thịt, “tươi mát” của rau xanh hay tính từ về kết cấu như “vàng rụm” của bánh xèo,…

– Tránh viết “thơm ngon hấp dẫn”: Một học viên đang đồng hành cùng mình trong khóa Viết blog 1:1 đã viết là “Những phần cá chỉ vàng khô được tẩm gia vị thơm ngon hấp dẫn…”. Rõ ràng khi bạn ấy viết như vậy, độc giả cũng chẳng thể hình dung cá chỉ vàng “thơm ngon hấp dẫn” như nào. Hãy viết cụ thể mùi vị của từng món ăn, chẳng hạn như “Những phần cá chỉ vàng khô được tẩm ướp cho vị ngọt vừa phải, hương thơm nhẹ nhàng nhưng không quá nồng mùi gia vị…”

– Hiểu rõ về món ăn (văn hóa lịch sử, cách làm, cách bảo quản,…): Một trong những nguyên tắc của mình khi triển khai nội dung ngách F&B cho khách hàng là phải hiểu rõ về món ăn đó. Như là món ăn có truyền thống như nào, lịch sử phát triển ra sao, cách làm món ăn chuẩn vị, cách bảo quản đúng cách,… Và không có gì tuyệt vời hơn bằng việc cùng ngồi với khách hàng để trao đổi những vấn đề này. Mình sẽ hiểu hơn về thương hiệu và có cách truyền tải hiệu quả hơn. 

Quy trình viết nội dung ẩm thực của một cây viết F&B 
Nguồn ảnh: Kaboompics

Ngoài ra mình cũng gợi ý cho bạn một vài tiêu chí đánh giá nội dung tự viết xem đã tốt hay chưa nhé.

Tiêu chí đánh giá cơ bản của một nội dung F&B:

– Bài viết không có lỗi chính tả hoặc có nhưng rất ít, từ 1 – 3 lỗi.

– Bài viết có viết hoa những danh từ riêng (tên riêng, địa danh, quốc gia,…)

– Bài viết sử dụng đúng dấu câu (dấu ngoặc kép, ngoặc đơn, hai chấm…) Bài viết được chia thành nhiều đoạn dễ nhìn, rõ ràng (thay vì viết một đoạn quá dài).

– Bài viết đúng ngữ pháp.

– Bài viết không có câu quá dài (từ 3 dòng trở lên).

– Bài viết không lặp từ, lặp ý.

– Bài viết đúng trọng tâm, đã giải quyết vấn đề nêu ra ở đầu bài.

– Bài viết đúng logic về mặt nội dung (các câu/đoạn liên quan, bổ sung, giải thích hoặc làm rõ nghĩa cho nhau).

– Bài viết đã đáp ứng được nhu cầu của độc giả mà bạn hướng đến (nhu cầu đọc/hiểu).

– Bài viết có sử dụng tính từ miêu tả mùi vị.

– Bài viết không có (có ít) những từ chung chung như “hấp dẫn”, “thơm ngon”, “tuyệt vời”.

Lưu ý đây là tiêu chí đánh giá cơ bản. Đối với mỗi thương hiệu, bạn cần hiểu về insight khách hàng cũng như làm việc với người sáng lập hoặc quản lý (manager hoặc leader) để hiểu rõ hơn về sản phẩm cũng như cách truyền tải nội dung hiệu quả nhất. 

Bài viết liên quan:

5 cách sử dụng con số để viết tiêu đề

Làm thế nào để trở thành cây viết ẩm thực?

6 cách viết mở đầu cứu nguy khi bạn bí ý tưởng

45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Quy trình viết nội dung ẩm thực

Quy trình viết nội dung ẩm thực của một cây viết F&B 
Nguồn ảnh: Kaboompics

Tìm hiểu về sản phẩm

Mình khuyến khích những bạn newbie trong lĩnh vực viết về F&B nên thử sản phẩm để có cảm xúc và ý tưởng khi viết. Một điều thú vị là mình từng làm với 4 thương hiệu về ẩm thực (trong đó có 1 thương hiệu đồ uống và 3 thương hiệu đặc sản), các khách hàng đều gửi thử mẫu sản phẩm cho mình thử để lấy cảm xúc và ý tưởng viết. Điều đó làm cho trải nghiệm về món ăn của mình chân thật hơn.

Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có điều kiện để thử, sẽ có một số sản phẩm đặc thù hoặc không vận chuyển xa được. Do vậy, bạn có thể tìm hiểu thêm về sản phẩm thông qua:

– Nói chuyện với khách hàng hoặc người làm ra món ăn đó, để hiểu về sự ra đời của món ăn đó hoặc hành trình của người sáng lập.

– Đọc thêm tài liệu (sách, ebook, video hoặc các bài báo,…) với những món ăn mang tính lịch sử hay món ăn vùng miền ví dụ phở Hà Nội, bún bò Huế, mì Quảng,…

– Nghiên cứu về văn hóa, lịch sử món ăn; món ăn gắn với vùng đất/con người; món ăn xuất hiện trong thơ ca nhạc họa;…

Tìm ý tưởng viết bài

Kinh nghiệm của mình là thưởng thức món ăn để tìm cảm hứng viết, tuy nhiên không phải lúc nào cách làm này cũng mang lại hiệu quả. Mình còn áp dụng một số cách tìm kiếm ý tưởng viết khác.

Như trong một lần tìm kiếm ý tưởng cho món Bò một nắng Phú Yên – một món ăn có vị cay nồng, vị mặn đặc trưng và mình liên tưởng tới câu nói “chặt to, kho mặn” của người miền Trung. Và thế là bài viết về sản phẩm của khách hàng ở Phú Yên ra đời. Bạn có thể đọc tham khảo bài mẫu mà mình viết tại đây.

Hoặc là nếu viết về một món ăn nào đó, mình sẽ liên tưởng đến thời tiết, hoàn cảnh ra đời, khẩu vị vùng miền, nét văn hóa,… để đưa vào bài. Bên cạnh đó việc trích ca dao, câu hát,… cũng là một gợi ý để bạn bắt đầu bài content của mình.

Lập dàn ý và viết

Trong bài viết Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie, mình có chia sẻ lưu ý khi lập dàn ý như là:

– Liệt kê tất cả những gì bạn nghĩ đến và thông tin bạn tìm hiểu, nghiên cứu.

– Loại bỏ những thông tin không cần thiết, sắp xếp thông tin còn lại theo một trật tự sao cho đảm bảo logic.

– Đảm bảo dàn ý bao gồm 3 phần: Mở đầu, thân bài, kết thúc. Ở mỗi phần, hãy lập những đề mục nhỏ và chắt lọc những nội dung quan trọng.

– Lập dàn ý chi tiết, cụ thể để tránh tình trạng viết lan man dài dòng.

– Bổ sung nguồn tài liệu tham khảo (nếu có), các tài liệu trích dẫn nên chuẩn xác, có cơ sở, có căn cứ. Đối với những trích dẫn của chuyên gia nghiên cứu, nhà văn hóa, chuyên gia ẩm thực, đầu bếp nổi tiếng, nên chú thích hoàn cảnh của câu nói và thời gian diễn ra sự kiện.

Biên tập và xuất bản

Sau khi viết xong, bạn cần đọc lại bài viết và biên tập lại. Ở bước này, hãy tự trả lời những câu hỏi:

– Nội dung này đã đúng chủ đề chưa?

– Ngôn từ sử dụng trong bài có phù hợp với đối tượng mà bạn hướng đến? Có từ ngữ khó hiểu, câu văn lủng củng không?,…

– Dung lượng bài viết (bài viết quá ngắn hoặc quá dài)?

– Tiêu đề và đoạn mở đầu đã hấp dẫn chưa, có kích thích người xem đọc tiếp nội dung phần thân bài không?

– Kết bài đã cô đọng và có nên đính kèm CTA (lời kêu gọi hành động) không?

Thực tế quy trình viết nội dung ẩm thực có thể chi tiết hơn hoặc đơn giản hơn tùy vào tính chất công việc cũng như bản thân người viết. Trên đây là những kinh nghiệm của mình trong hơn 2 năm viết lách tự do với ngách F&B. Đừng quên theo dõi duongstory.com hoặc để lại bình luận tại đây, bản tin miễn phí vào sáng thứ 3 hằng tuần sẽ gửi đến email bạn nhé!

Trả lời