Tưởng tượng, bạn đến một buổi tiệc với hàng trăm món ăn mang hương vị khác nhau. Rõ ràng là bạn không thể thử hết tất cả chúng trong một thời gian ngắn được. Vì vậy bạn đã quyết định hỏi một số người đi cùng mình về món ăn mà họ đã nếm qua. Và bạn nhận được câu trả lời kiểu như “Ồ món này tuyệt vời đấy”, “Món kia không ngon chút nào!”. Liệu đây là đáp án bạn cần?
Chúng ta đều biết mỗi người là một cá thể độc lập, cách nhìn ngắm thế giới bên ngoài đều khác, vì thế sự cảm thụ cũng khác đi. Ngay khi người bạn đó trả lời rằng một món nào đó ngon, chưa chắc tiêu chuẩn ngon đó giống bạn. Vì vậy câu trả lời thuyết phục sẽ là “Món salad này khá giòn, có vị chua ngọt của dầu giấm cùng dưa leo, cà chua nên không ngán!”
Trong viết lách cũng thế, mình nhận ra có nhiều cây viết lựa chọn ngách ẩm thực, tuy nhiên khi được giao một bài kiểm tra về một món ăn nào đó, các bạn thường sẽ viết “ngon, hấp dẫn, tuyệt vời…” Đó là lý do bài blog: Viết về ẩm thực sao cho hấp dẫn – Cẩm nang hữu ích dành cho food blogger ra đời.
Những lưu ý khi viết về ẩm thực
– Mô tả vị cụ thể: Hãy mô tả cụ thể mùi vị của món ăn, càng cụ thể càng tốt. Chẳng hạn như vị chua của me sẽ khác với vị chua của chanh hay giấm; hoặc vị ngọt của mía đường sẽ khác với vị ngọt của mật ong hay vị ngọt có trong các loại trái cây như chuối, dưa hấu,… Bạn càng mô tả cụ thể vị, độc giả sẽ càng dễ hình dung về món ăn đó.
– Tránh viết chung chung: Như mình chia sẻ ở phần mở bài, đa số các bạn khi viết content về ẩm thực thường dùng rất nhiều các tính từ sáo rỗng để cho độc giả biết rằng món ăn đó ngon, ví dụ như “rất ngon”, “hấp dẫn”, “tuyệt vời”, “ngon miệng”. Tất nhiên bạn có thể dùng, nhưng hãy hạn chế nhé.
Nhà văn nổi tiếng người Nga Anton Chekhov có một câu nói rất hay rằng: “Đừng nói với tôi là mặt trăng đang chiếu sáng; hãy chỉ cho tôi ánh sáng lấp lánh trên mảnh thủy tinh vỡ.” Với ẩm thực cũng vậy, đừng nói với độc giả món ăn này ngon, hãy chỉ cho độc giả thấy nó ngon như thế nào. Đọc bài viết 10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn để biết về kỹ thuật Show, don’t tell nhé.
– Kết hợp màu sắc và không gian: Đây là cách viết mình thường áp dụng trong content F&B. Chẳng hạn khi viết về bánh xèo, mình sẽ mô tả bánh có màu “vàng ươm” và được thực khách lựa chọn trong những ngày mưa ngâu rả rích.
– Khơi gợi mọi giác quan: Những tính từ kích thích vị giác (béo ngậy, cay nồng, ngọt thanh, bùi bùi…), gây ấn tượng mạnh về thị giác như (vàng ươm, mềm mịn, xanh mướt,…) hay khứu giác như mùi dịu nhẹ từ hoa cúc, ngào ngạt từ vani, dẻo ngọt thoang thoảng từ lá dứa,…
– Mục đích viết bài: Bạn đừng quên xem xét mục đích viết bài là cung cấp thông tin, giới thiệu sản phẩm hay kích thích mua hàng,… để sử dụng ngôn từ phù hợp.
– Sử dụng hình ảnh/video hỗ trợ cho văn bản: Content về ẩm thực sẽ thu hút tương tác nhiều hơn nếu bạn tận dụng được sự hỗ trợ từ ảnh/video. Do vậy đừng quên lựa chọn những bức ảnh kích thích vị giác nhé. Tham khảo hình ảnh miễn phí về ẩm thực tại bài viết: 56 website ảnh miễn phí theo chủ đề dành cho các writer.
– Tránh lặp lại: Một trong những lưu ý khi viết nội dung ẩm thực là tránh lặp từ, lặp ý vì sẽ tạo cảm giác nhàm chán. Độc giả thông minh cũng hiểu rằng bạn đang bí từ khi viết, vì vậy hãy chọn từ đồng nghĩa/gần nghĩa thay thế nhé.
– So sánh gợi cảm giác: Đây là cách viết ẩm thực đồng quê dân dã mà mình ưa thích, đó là đưa ra so sánh gợi cảm giác. Chẳng hạn “cơm mẹ nấu, “ngon như mẹ nấu”, “ngon như bà nấu”, “món canh mang hương vị tuổi thơ”,… Rõ ràng đây là một sự so sánh trừu tượng có thể khiến độc giả hình dung về món ăn ấy và có những cảm xúc thú vị/đặc biệt với món ăn.
Bài viết liên quan:
Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?
Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới
Tăng tỷ lệ click bằng 10 cách đặt tiêu đề hấp dẫn
Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie
Hướng dẫn 5 bước viết blog du lịch cho tín đồ đam mê “xê dịch”
Viết về ẩm thực như thế nào?
– Danh từ gợi về mùi/vị: Là những danh từ tuy nhiên khi đọc lên sẽ gợi cảm xúc ở vị giác hay khứu giác. Ví dụ nói đến “bơ”, người ta nghĩ ngay đến một loại trái cây dùng trong các món sushi, sashimi của Nhật Bản hay các món salad. Bơ có vị ngọt nhẹ tự nhiên, béo béo. Hay nói đến “bạc hà”, người ta nghĩ đến một loại rau thơm cay mát, dịu nhẹ. Tương tự như thế, các loại rau thơm, hoa quả khác cũng sẽ gợi mùi vị mà chỉ cần đọc tên đã cảm nhận được như gừng, ớt, quả sấu, mật ong,…
– Từ ngữ miêu tả mùi: Mùi lên men (dành cho thức uống lên men hoặc các món được ủ thời gian lâu), nồng, hăng,… (của gia vị),…
– Các cấp độ của vị: Bạn có thể đưa ra các cấp độ khác nhau về món ăn để độc giả dễ hình dung, chẳng hạn như “béo béo, béo ngậy, ngọt dịu, ngọt thanh, ngọt lịm,…”
– Kết hợp viết trong sáng tác: Mình cho rằng viết về ẩm thực, nếu kết hợp với cách viết sáng tác cũng sẽ mang đến những câu văn rất riêng, ví dụ “vấn vít nơi đầu mũi”, “chan chát nơi đầu môi”, “bát canh đong đầy tình mẹ”,…
– Các từ về kết cấu: Sử dụng từ ngữ này để độc giả có cái nhìn cụ thể về món ăn, đồng thời lựa chọn/phân biệt các món ăn phù hợp với khẩu vị của mình hoặc người thân: “giòn, mềm, cứng, khô, dai,…” Một số tính từ miêu tả kết cấu món ăn theo cấp độ như “sánh mịn, dẻo mịn, giòn tan, giòn rụm,…”
Một số mẹo viết về ẩm thực được mình gợi ý trên đây, mong rằng sẽ giúp bạn có thêm giải pháp sản xuất nội dung chất lượng. Nếu bạn có khó khăn trong việc lên ý tưởng cho ngách F&B hoặc đang gặp vấn đề triển khai blog về ẩm thực, đừng ngại liên hệ với mình qua email haiduong7074@gmail.com nhé.