Có một tác giả từng chia sẻ rằng: “Trong viết lách có một phương pháp gọi là “copyworking”, trong đó người ta chép lại, tiếp thu giọng văn, học cách viết của người viết khác.” Copyworking là một thuật ngữ không quá xa lạ trong giới viết, nhưng sẽ là mới mẻ với các bạn newbie. Nếu bạn chưa từng nghe nói khái niệm này, cũng chưa biết cách học, thực hành copyworking, vậy thì cùng theo dõi bài viết này nhé.
Copyworking là gì?
Tác giả, blogger Herbert Lui (herbertlui.net) đã chia sẻ trong cuốn sách Creative Doing của mình: Copywork là một kỹ thuật viết lách, tức là ghi chép/gõ lại một đoạn văn bản, câu nói, trích dẫn mà bạn thích. Kỹ thuật copyworking đã được áp dụng cho thiết kế UI và phát triển phần mềm, tuy nhiên bạn có thể tìm ra cách áp dụng nó vào công việc sáng tạo, ví dụ như viết lách.
Đây là cách hiệu quả nhất để mở rộng vốn từ vựng, rèn luyện kỹ năng viết tốt hơn. Thậm chí copyworking đã được nhiều nhà văn, họa sĩ,… sử dụng trong nhiều thế kỷ để tạo ra sản phẩm sáng tạo cho mình (theo Erik Kennedy, trang Smashing Magazine).
Thực hành copyworking tức là bạn ghi chép lại bất cứ thứ gì bạn đọc được như: bài văn, bài báo, trích dẫn trong sách, phong cách viết, các phép so sánh, liên tưởng,… Đây là bài tập thực hành phổ biến ở nhiều trường hợp, thậm chí chúng ta đã từng copyworking trong những năm tháng tiểu học.
Trong thế giới kỹ thuật số ngày ngày, người ta thường bỏ qua ý nghĩa của việc sao chép bằng tay. Tuy nhiên một số cây viết nổi tiếng vẫn thường áp dụng kỹ thuật này để chép lại những bài viết họ yêu thích.
Lợi ích của thực hành copyworking
Ngoài viết mỗi ngày thì copyworking còn là một cách giúp bạn viết tốt hơn, bạn sẽ có nhiều ý tưởng, sáng tạo hơn với câu chữ. Tuy nhiên bạn cần phân biệt copyworking (sao chép) và plagiarism (đạo văn). Đạo văn tức là hành vi ăn cắp ý tưởng, câu chữ của các tác giả khác để đưa vào trong tác phẩm của mình. Còn copyworking chỉ là viết tay lại tác phẩm (hoặc một phần, một đoạn, một câu nói). Và từ đó để hình thành thói quen ghi chép, viết lách, rèn luyện não bộ để viết nhiều hơn.
Một vài lợi ích của copyworking có thể kể đến như sau:
– Việc sao chép bằng tay sẽ kích thích não bộ, giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Chính nhà nghiên cứu, tâm lý học Stanislas Dehaene cũng tiết lộ rằng khi viết các hoạt động liên kết giữa nơron thần kinh tự động được kích hoạt. Viết chính là hành động diễn đạt thông tin được mô phỏng ra từ não bộ.
– Bạn sẽ phải sao chép lại các từ ngữ, dấu câu một cách chính xác, rèn luyện thói quen cẩn thận, học cách chỉn chu trong khi viết. Đồng thời nó sẽ giúp bạn trau dồi vốn từ, học được nhiều từ ngữ mới, cách diễn đạt mới.
– Ghi nhớ các ý tưởng thú vị, thông tin hay ho để áp dụng vào trong các sáng tác của mình. Bạn có thể đọc thêm phần cuối Mình đã học và thực hành copyworking như thế nào nhé.
– Thay vì dành thời gian phát triển ý tưởng, bạn sẽ hình thành được thói quen viết để viết mỗi ngày bằng việc ghi chép nhiều đoạn văn/trích dẫn khác nhau.
Các bước thực hành copyworking
– Chọn đối tượng sao chép, tìm một tài liệu tham khảo, một cuốn sách hoặc một bài viết của tác giả bạn yêu thích. Đối với việc ghi chép từ một tác giả bạn yêu thích, bạn sẽ có niềm hứng thú và say mê để viết hơn.
– Thực hành copyworking bằng cách ghi lại một từ ngữ, câu nói (trích dẫn), một đoạn, một trang viết. Bạn có thể tiếp tục bằng việc sao chép nội dung mới vào ngày kế tiếp.
– Thực hiện công việc này nhiều lần trong một thời gian, ví dụ bạn sẽ dành 30 phút mỗi ngày để chép lại nội dung bạn yêu thích. Cho đến khi nó trở thành thói quen, các từ ngữ, nội dung bạn chép đã in hằn sâu vào trong trí nhớ.
– Áp dụng phát triển copyworking: Bạn có thể sử dụng tư liệu mà mình đã sao chép, thêm vào đó một tí gia vị, nước sốt để nó trở thành món ăn độc đáo của riêng bạn mà không phải là đạo văn.
Lưu ý chúng ta không sao chép toàn bộ mọi thứ, hãy ghi những gì bạn thích và lưu trữ chúng lại, như vậy bạn sẽ dễ nhớ và nhớ lâu hơn.
Mình thực hành copyworking như thế nào?
Mình thực hành copyworking từ khi bắt đầu viết, và có 2 phương pháp chính mình áp dụng là:
– Ghi chép những câu nói, một từ, cụm từ hay vào sổ, đồng thời áp dụng trong những bài viết mang tính chất sáng tác (tản văn, truyện ngắn, tạp bút,…).
Ví dụ như đọc một bài viết trên internet có cụm từ “vấn vít” (sợi khói vấn vít), thế là mình ghi vào sổ và áp dụng trong một bài tản văn: “Từng sợi khói bay lên vấn vít nhau trên không trung tạo thành hình thù kỳ lạ. Chúng tôi thi nhau hít hà rồi nhìn nhau cười mặc cho cơn rét buốt cứ cuốn lấy da thịt.”
Một lần khác, đọc bài viết có cụm từ “miền hồn thăm thẳm”, mình đã áp dụng nó trong một bài viết của mình: “Khi cơn gió này lặng đi, cơn gió khác lại nổi lên, và cứ thế chúng tiếp tục lang bạt qua những miền đất và miền hồn thăm thẳm.”
– Ghi chép lại những trích dẫn để làm tư liệu cho các bài viết.
Đọc sách, báo giúp mình biết thêm những câu trích dẫn hay ho. Chính vì đọc càng nhiều, những câu nói ấy in trong tâm trí, chực chờ như có dịp sẽ thi nhau ùa ra như đê vỡ.
Ví dụ có một lần mình đọc được câu nói, đại khái là nếu bắt đầu là số 0 thì đừng biến mình trở về 0. Trong một bài viết gần đây, mình thực hành copyworking để viết nó thành: “Chúng ta bắt đầu từ số 0 nhưng đừng biến mình thành số 0. Chúng ta hiện tại không có gì cả nhưng đừng để mình mãi mãi không có gì.”
Thực hành copyworking không chỉ hình thành thói quen viết mỗi ngày mà còn giúp chúng ta học hỏi những từ/cụm từ mới lạ, độc đáo để bổ sung vào kho từ vựng của mình. Đây cũng là một trong những cách trau dồi vốn từ cực hay ho mà bạn nên thử để viết tốt hơn.