Muốn phát triển blog bền vững, đừng chỉ viết theo cảm hứng

Hơn 10,000 lượt truy cập tự nhiên mỗi tháng, hơn 1000 bạn đăng ký theo dõi bản tin từ blog hằng tuần và gần 200 lượt enroll (đăng ký) cho ebook Những ngày tôi viết,… được đo lường từ blog duongstory.com. Những con số không biết nói dối và mình tin rằng những chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn phát triển blog bền vững, đúng đắn hơn.

Viết theo cảm hứng hay viết có kế hoạch?

Trong quá trình hướng dẫn viết blog cho học viên, mình nhận ra các bạn học viên thường chỉ viết khi chờ cảm hứng tuôn trào. Thậm chí 90% học viên không lập kế hoạch nội dung cho blog và theo xu hướng “nghĩ gì viết nấy”, “khi có ý tưởng mới viết”. Đó là lý do chính khiến blog của bạn dù đã vận hành nhiều năm nhưng mãi vẫn chưa thể bứt phá lên được. 

Lập kế hoạch không chỉ quan trọng trong viết blog mà còn bất kỳ lĩnh vực viết lách nào khác. Nếu không có một kế hoạch cụ thể, bạn sẽ rơi vào tình trạng không biết viết gì. Chẳng hạn một học viên của mình đặt ra mục tiêu 1 bài blog/tuần, tuy nhiên vì không có một kế hoạch hiệu quả khiến cho bạn loay hoay tìm kiếm chủ đề viết mỗi ngày và cuối cùng trễ deadline đặt ra.

Tất nhiên mình không đề cập đến trường hợp viết blog cho chính mình (thỏa mãn sở thích viết), bài viết này sẽ xoay quanh chuyện viết blog để phục vụ cho sự nghiệp trở thành freelance writer trong tương lai.

Hướng dẫn 5 bước lập kế hoạch viết blog

Viết bài blog không chỉ là chọn chủ đề và viết, nó còn là một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng và lên kế hoạch dài hơi. Về cơ bản, bạn sẽ cần 5 bước để lên kế hoạch sau đây:

Bước 1: Chọn ngách (niche) viết bài

Trước khi bắt đầu với blog, bạn cần xác định thị trường ngách phù hợp cho mình. Đó có thể là lĩnh vực bạn có kinh nghiệm/kiến thức nhiều năm, lĩnh vực bạn yêu thích và muốn theo đuổi; lĩnh vực bạn nhận thấy sẽ có tiềm năng trong tương lai.

– Có điều gì khiến bạn tự tin viết từ những thành tích, giải thưởng mà mình đạt được? Hoặc bạn hỏi những người xung quanh xem họ nhận xét thế nào về bạn, bạn có ưu điểm gì nổi bật?

– Từ quá trình làm việc, bạn tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm ra sao để chia sẻ đến độc giả?

– Hãy rà soát trong “kho sở thích” của mình và xem sở thích nào bạn muốn tìm hiểu sâu hơn để viết và chia sẻ cho nhiều người?

Bạn có thể phân tích xem lĩnh vực nào đang thu hút nhiều quan tâm, ngách nào có khả năng kiếm được tiền? Trong trường hợp bạn không giỏi về lĩnh vực đó hoặc nó không phải là thế mạnh, bạn vẫn vừa học hỏi vừa viết để chia sẻ những gì mình học được.

Bước 2: Tìm kiếm ý tưởng/nghiên cứu từ khóa

Sau khi bạn chọn được thị trường ngách và xác định các chủ đề muốn viết, bước tiếp theo là nghiên cứu từ khóa hoặc tìm kiếm ý tưởng. Bạn tham khảo các công cụ dưới đây:

– Google Trend: Bạn sẽ thấy các chủ đề “nóng” đang diễn ra trong 1 tháng hoặc thậm chí 4 giờ qua. 

– Google Console: Các cụm từ khóa tìm kiếm có lượt hiển thị cao sẽ được thống kê. Dựa vào đây, bạn tiếp tục khai thác chủ đề đã thành công trước đó.

– Google Analytics: Bạn kiểm tra bài viết nào có nhiều lượt xem nhất hoặc có lượng truy cập ổn định để tiếp tục phát triển chủ đề ấy lên (đào sâu hơn và mở rộng thêm).

– Google Suggest: Bạn gõ vào ô tìm kiếm từ khóa trên Google, những từ khóa liên quan sẽ hiện ra là ý tưởng để bạn tham khảo để viết bài.

– Các tìm kiếm có liên quan: Dưới chân trang Google, bạn sẽ thấy khung Tìm kiếm có liên quan. Bạn dựa vào đây để chọn từ khóa, từ khóa phụ hoặc ý tưởng mới cho bài viết.

– Các nhóm cộng đồng: Bạn tạo các cuộc thảo luận dựa theo tính năng Q&A trên nhóm Facebook để hỏi người dùng muốn đọc nội dung gì, chủ đề nào. Hoặc bạn theo dõi các bài đăng của người dùng để xem họ đang thảo luận hay quan tâm đến vấn đề gì. Lưu ý là bạn hãy chọn các cộng đồng có độc giả mà bạn đang nhắm đến. 

Hoặc bạn tham khảo các nội dung của mình để tìm ý tưởng viết bài:

Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?

Cách phát hiện ý tưởng viết thú vị từ cuộc sống

Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Bước 3: Lên kế hoạch viết bài

Nhiều blogger đã xây dựng cho mình một quy trình viết hiệu quả suốt nhiều năm và áp dụng thành công. Vì vậy, bạn hãy lập một bản kế hoạch, trong đó bao gồm các nội dung như định dạng bài blog, thời gian viết bài, chi tiết dàn ý, tài liệu tham khảo. Bạn dễ dàng viết một bài blog hoàn chỉnh nhờ ý tưởng có sẵn trong “kho tư liệu”.

Bước 4: Tiến hành viết bài và biên tập

Ở bước này, bạn hãy viết tất cả những gì bạn đã liệt kê trong dàn ý thành câu, đoạn hoàn chỉnh. Bạn không cần phải trau chuốt về từ ngữ hoặc cách diễn đạt mà chỉ cần viết lại các ý tưởng nghĩ ra trong đầu. Sau khi hoàn thành, bạn quay lại biên tập, chỉnh sửa lỗi chính tả, ngữ pháp, cách hành văn, kiểm tra tính chính xác của thông tin… 

Bước 5: Tối ưu nội dung chuẩn SEO và đăng bài

Sau khi bạn đã hoàn thành bài viết, công đoạn cuối cùng là tối ưu nội dung chuẩn SEO và đăng bài lên blog. Dù bạn chọn nền tảng nào thì Yoast SEO và Rank Math vẫn luôn là công cụ hiệu quả để đo lường, đánh giá mức độ chuẩn SEO. Hãy chú ý những báo cáo từ hai công cụ này: mật độ từ khóa chưa đủ, bài viết chưa có hình ảnh, chưa có đường dẫn ra ngoài… Bạn sẽ tìm thấy tất cả những nội dung này trong khóa học Viết blog 1:1 của mình.

Lưu ý khi lập kế hoạch và viết nội dung blog

– Tính đều đặn, liên tục: Hãy đảm bảo bạn xuất bản bài viết đều đặn trong mỗi tuần. Bạn nên viết 1 bài/ tuần thay vì tuần đầu tiên đăng liên tục 4 bài và các tuần sau đó lại không có bài viết nào. Tính đều đặn và liên tục sẽ tốt cho SEO và trải nghiệm của người đọc. 

– Tính nhất quán: Các chủ đề nên làm nổi bật ngách mà bạn chọn. Bạn nên tập trung vào một hoặc hai ngách chính, không nên dàn trải quá nhiều để rồi làm độc giả hoang mang không biết bạn là cây viết chuyên về chủ đề gì.

– Tính mới mẻ: Google luôn ưu tiên nội dung mới. Do đó bài viết được xuất bản trên blog phải do bạn tự viết, không sao chép bất kỳ nội dung khác. Bạn có thể dịch lại nội dung từ nguồn nước ngoài, nhưng cần sử dụng văn phong của chính bạn (vì các cây viết khác cũng dịch cùng một bài) và để nguồn.

– Tính độc nhất: Những nội dung trên blog phải đảm bảo 100% unique và do chính bạn viết ra (hoặc dịch). Google ưu tiên những nội dung độc nhất, không sao chép từ các nguồn thông tin khác. Một số nội dung độc đáo của mình từng lọt top 10 Google trong hơn một năm qua như Chữa bí từ nhờ bí thuật: Giúp bạn cải thiện tình trạng bí từ khi viết hay Làm thế nào để hạn chế văn nói khi viết content?

– Tính cam kết: Lập kế hoạch phát triển nội dung cho blog nghĩa là bạn đã đặt ra một cam kết với “đứa con tinh thần” của mình. Khi bước chân trên con đường trở thành blogger, bạn hãy cam kết và thực hiện bằng sự kỷ luật của bản thân. Ví dụ như bạn sẽ viết bao nhiêu bài trong một tháng. 

Việc có một blog/website cá nhân chuyên nghiệp để “trưng bày” các tác phẩm của mình sẽ giúp bạn ghi điểm nhiều hơn với nhà tuyển dụng hoặc là khách hàng tự do. Tuy nhiên để phát triển blog bền vững, bạn không nên viết theo cảm hứng. Thay vào đó một bản kế hoạch chỉn chu sẽ giúp bạn trở thành một blogger chuyên nghiệp hơn.

Để lại một bình luận