Năm 2021, mình thành lập Ngày đẹp trời để viết – tạo ra sân chơi cho những người viết lách tự do. Ngoài chia sẻ kiến thức chuyên môn miễn phí, mình còn tích cực đăng tin tuyển dụng từ cá nhân, doanh nghiệp với mong muốn các thành viên trong cộng đồng có thể tìm được dự án phù hợp.
Trong một lần đăng bài tuyển nhân viên content cho chị leader cũ, mình được chị chia sẻ rằng nhận được số lượng lớn hồ sơ chỉ chưa đầy 3 ngày. Bên cạnh những ứng viên tiềm năng đầy chất lượng, vẫn có những hồ sơ thiếu chuyên nghiệp và không vượt qua vòng loại. Đó là động lực khiến mình muốn chia sẻ bài viết này.
Nếu bạn muốn trở nên chuyên nghiệp trong mắt nhà tuyển dụng, vậy thì đừng bỏ qua bí quyết gửi CV và portfolio dưới đây nhé.
Hồ sơ đầy đủ thông tin
Một lỗi cơ bản khi gửi hồ sơ ứng tuyển đến nhà tuyển dụng là CV hoặc portfolio của bạn quá sơ sài. Chẳng hạn như trước đây mình từng tuyển cộng tác viên cho dự án viết content về ẩm thực, một bạn đã gửi cho mình CV được làm trên Word Document với một trang ngắn để giới thiệu về bản thân và thành tích học tập, sở thích cá nhân. Ngoài ra trong CV cũng không hề có một thông tin về bất kỳ sản phẩm nào bạn từng làm. Do đó mình gần như không thể đánh giá năng lực của bạn để quyết định nhận hay không.

Rất nhiều trường hợp mà mình biết thường hay rơi vào kiểu “nước đến chân mới nhảy”, nghĩa là chỉ khi có thông báo tuyển dụng, các bạn mới bắt đầu làm portfolio. Điều này dễ dẫn đến các bạn làm trong vội vàng, gấp gáp và thiếu thông tin quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá.
Bài học rút ra: Bạn nên chuẩn bị CV hoặc portfolio trước và sẵn sàng gửi bất cứ khi nào có thông báo tuyển dụng. Trường hợp nếu có thêm thành tích hoặc kinh nghiệm, bạn chỉ cần bổ sung vào trong cột kinh nghiệm của mình, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn.
Hồ sơ nên tập trung vào vị trí ứng tuyển
Như mình vừa chia sẻ, một số người viết lách tự do dùng một CV hoặc portfolio duy nhất mà mình làm để gửi cho nhà tuyển dụng. Và khi ứng tuyển cho nhiều vị trí khác nhau, các bạn đều gửi bản này. Nói một cách dễ hiểu, nhà tuyển dụng A đang cần vị trí Content Writer, nhà tuyển dụng B đang muốn tìm một bạn làm trợ lý có kinh nghiệm biên tập. Giả sử bạn có đủ những kỹ năng và kinh nghiệm cho các vị trí trên và muốn gửi thư cho 2 nhà tuyển dụng, vậy nên làm gì?
– Không nên: Làm một bản CV hoặc portfolio để gửi cho cả 2.
– Nên: Bạn cần có hai CV hoặc portfolio khác nhau, trong hồ sơ cần tập trung chia sẻ thế mạnh, kỹ năng mà bạn làm tốt ở vị trí đó. Chẳng hạn như với nhà tuyển dụng A, bạn có thể liệt kê những kinh nghiệm viết content, sản phẩm trên social và website. Trong khi với nhà tuyển dụng, hồ sơ của bạn cần tập trung chia sẻ nhiều kinh nghiệm biên tập bằng cách chia sẻ những sản phẩm mà bạn từng làm bao gồm biên tập nội dung sách, biên tập ebook hoặc các dạng nội dung social/website cho khách hàng cũ,…
Bài học rút ra: Bí quyết gửi CV và portfolio của mình là không phải cứ trình bày càng dài là càng tốt. Bạn nên tập trung vào công việc cần ứng tuyển thay vì lan man dông dài sang những kỹ năng không cần thiết và không liên quan. Ví dụ như mình từng tuyển một freelance writer cho dự án về nhà hàng – khách sạn hồi đầu năm, một bạn ứng tuyển với hồ sơ chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm thiết kế ảnh từ Photoshop và Canva cùng những sản phẩm cực kỳ đẹp mắt. Tiếc thay hồ sơ của bạn không đạt yêu cầu vì không đề cập gì đến kinh nghiệm viết lách của bản thân.
Đọc thêm:
Các khóa học viết cơ bản và nâng cao cho người mới bắt đầu
Viết sách thuê cho người khác – Nghề hot dành cho Freelance Writer
9 bước trở thành freelance content writer, bạn đang ở nấc thang nào?
4 công thức viết quảng cáo áp dụng trong kể chuyện bán hàng storyselling
Cân nhắc khi viết bằng tiếng Anh

Bạn lưu ý, đây không phải là một lỗi mà điều mình muốn chia sẻ là sự phù hợp. Để bạn dễ hình dung, mình chia sẻ trường hợp của bản thân. Vào tháng 6 năm nay, mình tuyển trợ lý nhằm hỗ trợ biên tập cho các nội dung cá nhân. Sau 2 ngày đăng thông báo, mình nhận được khá nhiều hồ sơ gửi về, trong đó có 3 CV viết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Mặc dù cả 3 bạn đều có nhiều kinh nghiệm viết lách, tuy nhiên mình đã từ chối 3 hồ sơ này.
Đứng ở vai trò người tuyển dụng, mình là tác giả Việt, làm việc và giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ (điều này thể hiện trong bài tuyển dụng), do vậy một CV được viết bằng tiếng Việt sẽ phù hợp hơn. Nếu bạn ứng tuyển vào các công ty nước ngoài (có trụ sở tại Việt Nam), công ty có khách hàng người nước ngoài hoặc môi trường làm việc yêu cầu giao tiếp bằng ngoại ngữ thì bạn gửi CV bằng tiếng Anh (hoặc một ngôn ngữ nào đó) là điểm cộng.
Bài học rút ra: Không phải lúc nào sử dụng tiếng Anh cũng tốt, hãy cân nhắc nơi mà bạn dự định ứng tuyển.
Cẩn thận khi liệt kê điểm mạnh
Hãy lưu ý, đôi khi liệt kê điểm mạnh lại biến thành “điểm yếu”. Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi khó hiểu, vậy thì đọc thử câu chuyện dưới đây nhé.
Leader cũ của mình từng đăng thông báo tuyển nhân sự làm việc toàn thời gian, vị trí là Content Writer chuyên sản xuất nội dung website. Để cho các ứng viên có cái nhìn rõ hơn về doanh nghiệp cũng như nghiên cứu content, chị leader đính kèm website của doanh nghiệp trên bài đăng.
Tuy nhiên trong portfolio của một ứng viên tiềm năng, bạn ấy chia sẻ rất nhiều về kinh nghiệm quản trị và tối ưu nội dung website trên nền tảng Wix. Điều này khiến chị leader cũ của mình phân vân rất nhiều rồi đi đến quyết định không chọn bạn vào vòng phỏng vấn, lý do chỉ vì website của doanh nghiệp mà chị đang vận hàng được xây dựng trên nền tảng WordPress. Và chị ấy cũng lo lắng nếu tuyển sẽ phải dành thời gian đào tạo và hướng dẫn bạn cách làm việc với WordPress. Mình không chắc liệu bạn ứng viên kia có hiểu biết về WordPress hay không, nhưng nếu có, bạn viết trong phần kỹ năng rằng “thành thạo quản trị website” có thể có cơ hội lọt qua vòng hồ sơ.
Không mắc lỗi cơ bản khi viết email

Ngoài những điều mình chia sẻ ở trên, một số lỗi gửi CV cơ bản mà mình nhận thấy như là:
– Gửi email thiếu lời chào: Mình từng nhận được một lá thư vỏn vẹn 7 từ “Bí ý tưởng thì nên làm gì?” và thú thật mình đã từ chối trả lời. Hãy gửi một lá thư với đầy đủ 3 phần: Mở đầu (chào hỏi), phần nội dung (lý do bạn gửi thư này) và một lời kết (lời chúc hoặc lời nhắn nhủ) bạn nhé. Bạn có thể đọc lại bài viết Hướng dẫn viết thư “đúng người, đúng thời điểm” của mình để biết cách chào cho phù hợp nhé.
– Gửi email nhưng quên đính kèm file (bài mẫu, CV, portfolio): Trường hợp các bạn gửi email nhưng quên đính kèm CV hay portfolio không còn quá xa lạ. Vậy nên trước khi nhấn nút “Gửi” bạn nhớ kiểm tra các file đính kèm đã đầy đủ chưa nhé.
– Viết sai chính tả, sai tên doanh nghiệp: Đây là điều tối kỵ khi viết email, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của bạn và dễ làm mất điểm với nhà tuyển dụng. Nếu bạn chưa biết viết tên sao cho chính xác, hãy tham khảo website hoặc fanpage doanh nghiệp nhé. Ngoài ra đừng quên tính năng gợi ý lỗi chính tả khi soạn email, mình nghĩ sẽ rất cần cho bạn đấy.
Để trở thành ứng viên giỏi và phù hợp với doanh nghiệp, đầu tiên là chỉn chu từ những điều nhỏ nhất, như là áp dụng những bí quyết gửi CV và portfolio mà mình vừa gợi ý để tăng tỷ lệ vượt qua vòng hồ sơ. Tiếp đến trau dồi chuyên môn, học thêm những kỹ năng bổ trợ để giúp cho quá trình phỏng vấn và thử việc diễn ra suôn sẻ. Những điều mình vừa chia sẻ dựa trên trải nghiệm 2 năm làm viết lách tự do, vậy nên bạn đọc và học có chọn lọc để rút ra những điều phù hợp nhất nhé.