Những gì mình chia sẻ trong loạt bài này đều là những cảm xúc mà mình trải qua trong những năm đầu viết lách tự do. Bây giờ nỗi sợ ấy đã vơi đi ít nhiều hoặc biến mất, nhưng nhờ học cách vượt qua, mình đã có khách hàng và thậm chí sống tốt sau 3 năm làm tự do. Muốn trở thành freelance writer, bạn nhớ học cách vượt qua nỗi sợ này nhé.
Sợ không có khách hàng
Có lẽ đây là nỗi sợ chung của rất nhiều cây viết tự do, vì mình cũng từng thế. Thậm chí mình từng nghĩ rằng nếu không có khách hàng trong vài tháng thôi cuộc sống sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hóa đơn điện, nước, tiền phòng,… mỗi tháng sẽ đến “gõ cửa” và dĩ nhiên mình không thể nói với bọn chúng rằng mình chưa có tiền để trả.
Áp lực đó khiến mình chủ động tìm kiếm khách hàng trên nhiều cộng đồng khác nhau. Song song với tìm kiếm khách hàng, mình cũng xây dựng nội dung trên duongstory.com và trang cá nhân nhằm để khách hàng biết đến mình nhiều hơn. Kết quả sau 3 năm, mình có khách hàng liên tục, đảm bảo thu nhập tối thiểu đề ra.
Một vài gợi ý cho bạn là:
– Nên lên chiến lược cụ thể và dài hơi nếu muốn trở thành freelance writer, như mình sẽ luyện viết trong bao lâu, làm portfolio như thế nào, soạn hợp đồng ra sao, cách tìm kiếm khách hàng và để khách hàng chủ động tìm đến mình.
– Xây dựng nội dung trên các kênh như Facebook, website hoặc LinkedIn. Nếu nội dung chất lượng và được đăng tải đều đặn thì sẽ có cơ hội được đề xuất (đối với Facebook) hoặc xếp thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm (đối với website).
– Tích cực chia sẻ trong các nhóm về viết lách, xây dựng các mối quan hệ chất lượng để kết nối các dự án sau này.
– Chủ động tìm kiếm khách hàng trong giai đoạn đầu và thay đổi chiến lược bằng cách để khách hàng tìm đến mình ở giai đoạn sau. Bạn có thể tham khảo bài viết: Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do.
Dễ chán vì giao tiếp online
Làm tự do, giao tiếp chủ yếu bằng phương thức online. Chính vì thế, nhiều bạn lo lắng rằng việc không giao tiếp trực tiếp sẽ khiến các bạn bị thu hẹp vòng kết nối, tệ hơn là tạo ra sự nhàm chán trong công việc.
Bản thân mình cũng có trải nghiệm như vậy trong năm đầu làm tự do. Mình từng mất kết nối với các mối quan hệ ngoài đời, cảm thấy căng thẳng và áp lực khi nhận nghe âm báo tin nhắn trao đổi về công việc. Nhưng dần dần sau đó, mình đã tìm được cách cải thiện, như là:
– Thay đổi không gian làm việc, thay vì ngồi tại nhà mình có thể ra quán cà phê để tạo cảm hứng. Tại đó mình lắng nghe hàng trăm câu chuyện, quan sát và đưa vào bài viết chất liệu có trong đời thực.
– Tổ chức các lớp học viết online, các workshop về viết lách, nhờ đó mình được chuyện trò, được tương tác sâu hơn.
– Tích cực trao đổi với khách hàng qua Google Meet hoặc Zoom thay vì nhắn tin, như vậy mình sẽ hiểu được phong cách làm việc của khách, đồng thời nắm bắt được thông tin quan trọng để triển khai content.
Đọc thêm:
Content writer hướng nội, làm sao để có khách hàng?
Đây là những lý do khiến bạn viết mãi không tiến bộ
Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do
9 bước trở thành freelance content writer, bạn đang ở nấc thang nào?
Trễ deadline, thiếu kỷ luật
Làm văn phòng, bạn sẽ đến đúng giờ theo quy định, tan ca trở về nhà. Bạn làm việc dưới sự quản lý của cấp trên, đôi khi sẽ báo cáo tiến độ công việc.
Thế nhưng làm tự do thì khác, không có máy chấm công, cũng chẳng có ai thúc giục, bạn được thoải mái lựa chọn thời gian, địa điểm làm việc theo ý thích. Tuy nhiên nếu không kỷ luật bản thân, bạn rất dễ rơi vào tình trạng làm cả ngày lẫn đêm và thậm chí trễ hạn nộp bài.
Cộng tác viên cũ của mình là một freelance content writer với 2 năm kinh nghiệm. Mặc dù bạn viết rất tốt nhưng cuối cùng mình đã phải chấm dứt hợp tác với bạn vì 3 lần trễ deadline, trong đó có một lần mình thậm chí còn không liên lạc được với bạn.
Để vượt qua nỗi sợ này, bạn có thể thử một vài mẹo sau:
– Lập kế hoạch công việc hằng ngày, hằng tuần và theo dõi tiến độ công việc, ưu tiên hoàn thành những dự án gấp/quan trọng.
– Nên có một vài người đồng hành cùng dự án để hỗ trợ nếu bạn vắng mặt đột xuất, đó có thể là những người cùng chuyên môn, kinh nghiệm hoặc là CTV hay trợ lý của bạn.
– Hình thành thói quen kỷ luật kể cả khi không có ai nhắc nhở.
Bị lừa đảo, quỵt tiền
Nỗi sợ thường trực của những freelance writer đó là sợ gặp phải khách hàng xấu, sợ bị quỵt tiền. Lý do đơn giản là vì thường làm tự do, các thỏa thuận được trao đổi qua tin nhắn hoặc cuộc gọi.
Mình đã từng chứng kiến nhiều trường hợp các bạn làm tự do bị khách quỵt tiền từ vài trăm, vài triệu cho đến vài chục triệu đồng. Đó là lý do gần như các dự án bao gồm viết content website hay chấp bút sách, mình đều đề xuất làm hợp đồng.
Thông thường, mình sẽ soạn hợp đồng với các dự án dài hạn hoặc có ngân sách lớn, điều này nhằm tránh rủi ro không mong muốn.
Nếu bạn muốn trở thành freelance writer nhưng e ngại sợ bị lừa đảo thì xem xét một vài gợi ý sau:
– Xem kỹ hồ sơ cá nhân của người tuyển dụng, nếu là công ty thì kiểm tra website, fanpage và review của CTV trước (nếu có).
– Đề xuất thanh toán trước, ví dụ 30% hoặc 50% giá trị hợp đồng.
– Soạn hợp đồng cộng tác/hợp tác với những điều khoản cụ thể, rõ ràng.
Gửi báo giá quá cao hoặc quá thấp
“Em vừa gửi báo giá cho khách. Gửi rồi thì lại sợ báo giá cao quá khách hàng không đồng ý, mà giá thấp thì em thấy không phù hợp với công sức bỏ ra.” Thi thoảng nói chuyện với học viên, mình thường nhận được nỗi băn khoăn này. Một số bạn lo lắng giá mình đưa ra quá thấp không thỏa đáng với thời gian, sức lực bỏ ra. Trong khi số còn lại thì thường đưa ra mức giá quá cao so với năng lực hiện tại.
Với trường hợp này, mình thường gợi ý cho các bạn:
– Tham khảo một vài mức giá cụ thể của những người viết cùng cấp độ mà bạn quen biết, để từ đó có được cái nhìn tổng quan về giá cả trên thị trường.
– Dựa theo kinh nghiệm, độ khó của lĩnh vực cần viết, khối lượng công việc cần làm để đưa ra mức giá phù hợp. Nếu dự án bạn nhận có nhiều đầu việc cần làm, chủ đề khó thì bạn có thể báo giá cao hơn một chút.
– Dựa vào thời gian bạn hoàn thành công việc đó. Chẳng hạn như bạn hoàn thành một bài viết 1000 từ trong 2 giờ, và chi phí cho một giờ làm việc của bạn là 100,000 đồng. Thì mức giá cho một bài viết 1000 từ đó là 200,000. Đây là ví dụ chỉ mang tính chất tham khảo, bạn nên điều chỉnh chi phí theo giờ làm việc sao cho phù hợp nhé.
Bài viết không đạt yêu cầu
Mình từng quản lý một nhóm CTV từ 7 – 10 bạn, dĩ nhiên trong số đó, không phải bạn nào cũng viết tốt ngay từ đầu. Có những bài viết mình đã nhận xét không sót một câu từ nào, bài chi chít những lỗi. Nhưng cuối cùng, các bạn ấy lại trở thành CTV cứng của mình, tham gia cùng mình trong nhiều dự án từ viết content website và mạng xã hội hay chấp bút sách.
Ở thời điểm mới bắt đầu, các bạn thường lo sợ đến mức tự ti, và lúc ấy mình thường động viên rằng, ai cũng bắt đầu từ số 0. Chính bản thân mình cũng vậy, cũng từng nhận một bài viết chỉ với 25,000 đồng, nhưng sau này một bài viết của mình được trả vài trăm cho đến vài triệu.
Điều mình muốn nói là thay vì lo sợ bài viết không đạt chất lượng, bạn hãy cải thiện những kỹ năng viết cơ bản, rồi học viết chuyên sâu để có những sản phẩm tốt hơn.
Chia sẻ bài viết này, mình không hy vọng bạn sẽ lo sợ và chùn bước, mà mong rằng bạn có thêm dũng khí, kiên trì và kỷ luật để vượt qua nỗi sợ và đạt được mong muốn trở thành freelance writer. Để đọc thêm những bài viết về hành trình viết lách tự do, bạn đừng quên nhấn nút đăng ký bản tin hằng ngày bằng cách nhập email dưới chân trang website nhé.