Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do

Thách thức lớn nhất với người làm công việc viết lách tự do là làm thế nào để tìm kiếm khách hàng và có khách hàng dài hạn. Mình cũng từng lo lắng về việc tìm dự án mới và luôn lo sợ những khoảng thời gian “không một khách hàng nào liên hệ”. Thế nhưng mình vẫn sống ổn trong 2 năm làm tự do và thậm chí sống tốt. Tất cả bí quyết sẽ được mình chia sẻ trong bài viết này.

Tìm cơ hội trong hội nhóm viết lách

Trước khi được khách hàng biết đến, mình đã từng “nằm vùng” ở nhiều group viết lách khác nhau, trong đó có cả những group tuyển dụng về content. Những khi có tin tuyển dụng, mình sẽ trực tiếp liên hệ thông qua email hoặc số điện thoại trên bài đăng. 

Thông thường mình hạn chế nhắn tin vòng vo để hỏi về những vấn đề đã có trong mô tả công việc (hay còn gọi tắt là “JD”) như kiểu “Anh/Chị còn tuyển dụng không?” hay là “Em gửi CV qua đâu ạ?” (trong khi mô tả công việc đã có sẵn email). Hãy nhớ, bạn càng chuyên nghiệp, khách hàng càng đánh giá cao bạn.

Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do
Nguồn ảnh: Timothy Hale Bennett, Unsplash

Ngoài ra, một số bài tuyển dụng trong hội nhóm sẽ có mức giá không quá cao hoặc cực thấp. Đôi khi, sẽ có những tin tuyển dụng lừa đảo, do vậy bạn cần cẩn thận khi trao đổi và làm việc. 

Mẹo dành cho bạn: 

– Tránh nhắn tin cho khách hàng theo kiểu “Anh ơi/Chị ơi” và sau đó mất hút, khách hàng sẽ không có thời gian để trả lời những lời gọi vô nghĩa đó của bạn. Vì vậy hãy nhắn gọn với nội dung bao gồm bạn là ai, bạn đang làm gì, bạn có kinh nghiệm gì và một số sản phẩm đi kèm. Nếu tin tuyển dụng có để lại email, thay vì nhắn tin hỏi, hãy dành thời gian thiết kế CV/Portfolio và gửi đi. Trong lúc bạn chần chừ do dự, đã có những ứng viên tiềm năng khác đến sớm hơn.

– Hãy xem trang cá nhân có uy tín hay không, nếu là một trang cá nhân không có ảnh đại diện hoặc không có thông tin cụ thể thì bạn cần cân nhắc. Ngoài ra đừng quên soạn thảo hợp đồng khi làm việc hoặc đề xuất nhận thù lao trước khi viết, ví dụ như nhận 50% trước khi làm và 50% còn lại sau khi nghiệm thu.

Chia sẻ với bạn bè về việc bạn đang làm

Một trong những khách hàng mình hợp tác năm đầu tiên khi mình làm công việc viết lách tự do là nhờ bạn bè giới thiệu. Vào những buổi gặp gỡ trực tiếp hay gián tiếp với bất kỳ người quen nào, mình thường giới thiệu về bản thân và công việc đang làm. Sau đó mình sẽ nói vắn tắt về công việc viết nội dung cho khách hàng trên nền tảng social hoặc website. 

Nếu có thời gian, mình sẽ giới thiệu chiếc website duongstory.com và một số thương hiệu mình từng hợp tác. Cách làm này với mình khá hiệu quả, nhờ đó người quen biết mình đang làm công việc gì. Sau đó, họ có thể liên hệ hợp tác hoặc giới thiệu khách hàng cho mình.

Mẹo dành cho bạn: Hãy chuẩn bị website/blog cá nhân hoặc Portfolio để gửi đi khi cần, điều này sẽ giúp bạn có một hình ảnh chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, bạn cần chuẩn bị nền tảng vững chắc, không chỉ là kỹ năng viết tốt mà còn có sự hiểu biết về công việc đang làm. Có như vậy, bạn mới thuyết phục được người khác và khiến họ tin tưởng để giới thiệu khách hàng cho bạn.

Đọc thêm:

10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi

Kể chuyện giúp mình có khách hàng như thế nào?

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

Mình viết hiệu quả hơn trong 2 năm làm tự do nhờ công cụ này

Xây dựng thương hiệu để khách hàng tìm đến

Sau nửa năm làm tự do, mình gần như không còn đi tìm khách hàng trong các cộng đồng viết lách nữa. Hằng tháng, luôn có khách hàng đến tìm mình và gần đây nhất, mình đã từ chối một lời mời hợp tác chỉ vì quỹ thời gian eo hẹp. Trong khi mới bắt đầu, mình từng sợ hãi và áp lực vì chuyện không có khách hàng.

Với người viết tự do, mình tin là khi mới bắt đầu bạn sẽ ngập tràn lo lắng giống mình. Tuy nhiên, mình tin là bạn sẽ sớm vượt qua được quãng thời gian khó khăn với một chiến lược thông minh. Thay vì đi tìm khách hàng, mình để khách hàng tìm tới mình.

Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do
Nguồn ảnh: Edward Howell, Unsplash

Mình dành thời gian viết hằng ngày trên trang cá nhân và viết hằng tuần trên website. Nội dung mà mình chia sẻ chủ yếu về chuyện viết, về vui buồn khi làm content writer hoặc những nhận xét/phản hồi của khách hàng,… Nhờ chia sẻ đều đặn, mình dần dần được biết đến nhiều hơn. 

Mẹo dành cho bạn: 

– Hãy bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân qua những kênh phù hợp như TikTok, website hoặc Facebook,… Một lưu ý nữa là đừng nên xây nhiều kênh trong cùng một thời điểm, bạn nên tập trung nguồn lực cho một kênh và khi nó phát triển tốt, hãy nghĩ chuyện xây kênh khác. 

– Xây dựng thương hiệu không phải là chuyện khoe cho người khác thấy bạn thành công như thế nào, mà đơn giản là bạn kể về công việc bạn làm với một tình yêu, một niềm say mê, nhiệt huyết. Đừng quên viết bằng sự chân thành, thực tế, mình tin là những gì từ trái tim sẽ đến được với trái tim.

– Hãy kể những câu chuyện mà độc giả thích đọc chứ không nên chỉ kể những chuyện bạn muốn viết. Bạn có thể đọc thêm về cách viết storytelling trên blog của mình để tìm hiểu về nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, thu hút nhé.

Nhắm đến khách hàng bạn muốn hợp tác

Một người quen của mình từng gửi bài đến cộng tác cho doanh nghiệp yêu thích tạm gọi X. Không chỉ gửi bài, bạn còn gửi thêm một bản kế hoạch. Trong đó bạn phân tích những điều chưa hợp lý trong nội dung mà X đang triển khai và đề xuất phương án triển khai phù hợp hơn. Kết quả sau đó, bạn nhận được lời mời hợp tác của X.

Thực tế mình chưa bao giờ áp dụng và cũng không đánh giá cao cách làm này. Bởi vì nó sẽ khiến bạn tốn thời gian và công sức (vì đã bỏ ra để nghiên cứu kế hoạch). Bên cạnh đó, không phải ai cũng sẵn lòng nhận được những lời phê bình đường đột từ một người xa lạ. Vậy nên với mình cách này khá mạo hiểm bạn cần cân nhắc nhé.

Tuy nhiên bạn có thể thay thế doanh nghiệp bằng tạp chí, nghĩa là bạn nhắm đến tờ báo, tạp chí yêu thích và kiên trì gửi bài cộng tác. Tất nhiên khi gửi, bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề là thư gửi đi không một lời hồi đáp. Tuy nhiên với những bài viết chất lượng chắc chắn sẽ được đăng tải và được trả nhuận bút xứng đáng.

Mẹo dành cho bạn: Bạn nên nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ các tờ báo/tạp chí để gửi bài cộng tác. Chẳng hạn như tờ báo đó thường xuyên đăng tải những chủ đề gì, văn phong như thế nào, chuyên mục nào tiềm năng có thể cộng tác,… Đọc thêm bài viết Cộng tác với báo chí và cách mình có mặt trên 10 tờ báo khác nhau của mình nhé.

Kết nối, mở rộng mối quan hệ trong ngành

Chiến lược tìm kiếm khách hàng dành cho người viết lách tự do
Nguồn ảnh: Venlier Anh, Unsplash

Việc kết nối và mở rộng quan hệ trong ngành viết cũng sẽ giúp bạn được biết đến nhiều hơn. Ví dụ mình từng chia sẻ rất nhiều bài viết trong nhóm Tâm sự con sen – một trong những cộng đồng về viết lách, về content, marketing lớn nhất hiện nay. Nhờ những bài đăng có lượt tương tác cao, mình kết nối với nhiều khách hàng tiềm năng hơn, đồng thời cũng quảng bá được blog đến với nhiều độc giả.

Ngoài ra mình cũng tích cực tham gia các buổi offline, sự kiện dành cho người làm freelancer để mở rộng vòng kết nối. Tại các buổi nói chuyện, mình thường giới thiệu về công việc của bản thân cùng những dịch vụ đang cung cấp, và một (vài) trong số đó sau này trở thành khách hàng hoặc học viên trong các chương trình viết mà mình đang đào tạo.

Những người làm tự do phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với tình trạng “ế job” hoặc không có khách hàng. Mình hiểu được điều này vì cũng từng trải qua. Thế nhưng mình tin rằng cơ hội sẽ không đến nếu chúng ta không chủ động, đó là lý do gần 3 năm qua, mình miệt mài viết hằng ngày. Và điều đó mang đến cho mình khách hàng, học viên,…

Tuy nhiên mình cũng tin là ở những khoảng thời gian chưa có khách hàng mới, có thể đó là lúc bạn cần nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Nên đôi khi người làm công việc viết lách tự do như chúng ta cũng cần một khoảng nghỉ, bạn nhé.

Trả lời

Viết nội dung bằng AI, nên hay không?

Mình có một bạn học viên đang làm công việc Social Media cho một công ty. Hơn một năm nay, bạn thường dùng các công cụ AI để tìm kiếm ý tưởng, lập dàn ý và viết bài để đăng trên trang cá nhân. Lạm dụng quá nhiều, dẫn đến

Đọc tiếp