Chấm dứt tình trạng viết lạc đề với 4 bước đơn giản 

Thử tưởng tượng khi bạn nhấp vào một bài viết hướng dẫn cách viết tiêu đề, nhưng trong bài chỉ toàn đề cập đến tầm quan trọng của tiêu đề mà không có một phương pháp, gợi ý nào cụ thể. Lúc đó bạn có thất vọng và hụt hẫng không? Nếu có, độc giả của bạn cũng sẽ có cảm giác tương tự nếu bài viết của bạn không giải quyết được vấn đề đặt ra. Tình trạng viết lạc đề, viết không đúng trọng tâm thường xảy ra  phổ biến ở những cây viết mới.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viết lạc đề

Chấm dứt tình trạng viết lạc đề với 4 bước đơn giản 

Có rất nhiều lý do khiến cho bài viết lạc đề, trong đó có thể kể đến:

– Không hiểu đề, hiểu sai đề: Khi không hiểu đề bài, bạn sẽ có góc nhìn sai và từ đó có xu hướng phân tích lạc đề. Chẳng hạn như một học viên của mình từng viết về chủ đề điểm mạnh của bạn ấy trong viết lách, thế nhưng nội dung bài lại đề cập đến viết lách mang đến những lợi ích gì.

– Không lập dàn ý trước khi viết: Vì không có dàn ý để bám sát theo chủ đề nên bạn dễ rơi vào kiểu viết nhiều, viết dài nhưng không sát sườn bài.

Viết lan man dài dòng không đúng trọng tâm: Điều này có thể do người viết tham chi tiết, chú trọng nhiều hơn đến việc kể chuyện, miêu tả làm sao cho bài viết hay hơn mà quên mất rằng mình đã đi xa khỏi chủ đề viết hằng hà cây số.

Thông thường với những bài viết không đúng trọng tâm, không đáp ứng được nhu cầu đọc hiểu/nhu cầu được giải thích thì độc giả sẽ không mặn mà để quay lại trang blog của bạn. Để cải thiện tình trạng viết lạc đề, người viết cần phải tìm hiểu, nghiên cứu thật kỹ chủ đề; lập dàn ý và biên tập hiệu quả.

Bài viết cùng chủ đề:

9 kỹ năng cơ bản dành cho mọi người viết

Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa?

Hướng dẫn cách tự biên tập bài viết cho người mới

Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie

Khắc phục tình trạng viết lạc đề

Bước 1: Đọc lại đề bài từ 3 – 5 lần, xác định/chọn ra keyword chính

Ví dụ bài viết “Làm thế nào để bài viết blog ấn tượng hơn?”, keyword chính trong chủ đề này là “bài viết blog ấn tượng”, nghĩa là người viết phải tìm ra những yếu tố giúp bài blog trở nên hấp dẫn, thu hút và độc đáo hơn. Ngược lại nếu nội dung trong bài chỉ đề cập đến khái niệm blog/website hay cách viết một bài blog hoàn chỉnh thì đây là một bài viết không đúng trọng tâm. 

Tìm hiểu, nghiên cứu về chủ đề: Bạn phải hiểu đề bài muốn nói cái gì, bạn phải đi tìm cái gì? Hãy nghiên cứu thật sâu về chủ đề, bạn sẽ có nhiều ý tưởng để viết.

Bước 2: Lập dàn ý hoặc vẽ sơ đồ tư duy cho bài viết

Sau khi nắm được nội dung chính, bạn có thể lập dàn ý (outline) hoặc vẽ sơ đồ tư duy (mindmap) để triển khai ý tưởng đã có. Việc lập dàn ý hay sơ đồ sẽ giúp bạn đi đúng hướng, viết đúng chỗ, bám sát sườn đã vạch ra. 

Cũng giống như khi bạn đi lạc đường, một chiếc bản đồ định vị sẽ giúp bạn biết được mình đang đứng ở đâu, điểm đến còn bao xa, thông qua bản đồ, bạn có thể tìm đường về nhà. Dàn ý cũng tương tự như vậy, nó sẽ giúp bạn biết mình đang triển khai ý nào trước, ý nào sau, bạn đang viết đến đâu. Chỉ cần đi theo hướng dẫn trong dàn ý, bám sát vào sườn bài là sẽ đi đúng trọng tâm.

Chấm dứt tình trạng viết lạc đề với 4 bước đơn giản 

Bước 3: Tìm kiếm thông tin, dẫn chứng minh họa

Tiếp đến bạn có thể tìm kiếm những thông tin hỗ trợ, bổ sung, tài liệu tham khảo, dẫn chứng minh họa phục vụ cho bài viết. Bạn không cần quan tâm ví dụ mình đưa ra có phù hợp hay không, hãy tìm kiếm dẫn chứng nhiều nhất có thể. Sau đó lọc ra xem những thông tin nào cần thiết để đưa vào bài bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

– Thông tin này có cần thiết để đưa vào bài viết hay không?

– Thông tin này có nhiệm vụ giải thích, hỗ trợ, làm nổi bật chủ đề đang nói đến hay không?

– Nếu không trích dẫn thông tin này, liệu bài viết có đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu và thuyết phục không?

Bước 4: Viết bài và biên tập, hiệu đính

Ở bước này, bạn cần làm nhiệm vụ đắp nội dung theo dàn ý đã lập, đồng thời sắp xếp, bổ sung những dẫn chứng đã liệt kê. Lưu ý khi viết nhớ bám sát dàn ý đã lập, điều này sẽ giúp bạn không bị lệch đề. Đừng để vừa viết vừa hình thành outline trong đầu, bạn sẽ đi lạc đường.

Trong quá trình viết bài, bạn không nên tham lam đưa quá nhiều dẫn chứng hoặc sa vào kể chuyện. Những câu chuyện hấp dẫn sẽ thu hút độc giả, tuy nhiên nếu nhồi nhét quá nhiều câu chuyện sẽ phản tác dụng, làm cho bài viết lan man không đúng trọng tâm. Độc giả cũng không đủ kiên nhẫn để đọc hết, do đó hãy đưa vào bài viết những chi tiết đắt giá và chất lượng.

Sau khi hoàn thành xong bài viết, bạn thử đọc lại một vài lần để biên tập và hiệu đính. Sau đó, bạn tự hỏi, bài viết này đã giải quyết được vấn đề đưa ra ở đầu bài hay chưa, có câu chuyện chi tiết nào thừa làm cho bài viết dài dòng không,… Bạn cũng có thể thử đưa bài viết cho một người nào đó đọc thử và cho nhận xét, sau đó chỉnh sửa để hoàn thiện.

Viết lạc đề thật sự nguy hiểm, nhưng nguy hiểm hơn là người viết không biết mình đang lạc đề. Như mình chia sẻ trong một bài blog trước đây Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay. Sắp tới mình sẽ cho ra mắt cuốn ebook dành cho những bạn luyện viết cơ bản, đừng quên theo dõi blog duongstory.com để đọc những mẹo, hướng dẫn chi tiết dành cho người mới bắt đầu nhé.

Để lại một bình luận