90% cây viết mới thường rơi vào tình trạng writer’s block và bạn không phải ngoại lệ

Bạn đã bao giờ rơi vào tình trạng không có ý tưởng hoặc không biết viết gì vào hôm nay? Hoặc bạn có ý tưởng tuy nhiên lại khó khăn trong việc sắp xếp chúng thành một nội dung mượt mà, hoàn chỉnh,… Trong viết lách có một khái niệm gọi là “writer’s block”, để chỉ về tình trạng người viết mất cảm hứng và không thể tiếp tục hoàn thành nội dung. Cùng mình tìm hiểu xem writer’s block là gì và làm thế nào để cải thiện tình trạng này nhé.

Writer’s block là gì?

90% cây viết mới thường rơi vào tình trạng writer’s block và bạn không phải ngoại lệ

Trước khi tìm hiểu writer’s block, bạn đã từng rơi vào những trường hợp như thế này?

– Bạn cảm thấy những gì mình vừa viết ra khá tệ và tìm cách sửa từng chi tiết một dẫn đến bài viết ngổn ngang, dang dở và không thể hoàn thành?

– Bạn cảm thấy quán cà phê mình ngồi hôm nay quá ồn ào để tập trung viết?

– Bạn không biết viết gì hôm nay mặc dù xung quanh có rất nhiều ý tưởng hay ho, thú vị?

– Bạn cảm thấy chán viết, không muốn viết bất cứ điều gì cả?

– Bạn bí ý tưởng, chẳng biết bắt đầu viết từ đâu, viết như thế nào?

Tất cả những trường hợp trên, có thể gọi chung là writer’s block. Writer’s block là một tình trạng khá phổ biến xảy ra ở người viết, được diễn tả như việc có một điều gì đó cản trở quá trình viết của bạn. Chẳng hạn như người viết rơi vào tình trạng bí ý tưởng, mất cảm hứng trong quá trình viết, không thể tập trung viết trong không gian ồn ào, bị chủ nghĩa hoàn hảo chi phối,…

Writer’s block thường xảy ra ở cây viết mới và đôi khi có cả những cây viết lâu năm. Với cây viết mới, đa phần các bạn thường sẽ gặp tình trạng bí ý tưởng, không biết viết gì, cảm thấy những gì mình viết ra thật tệ. Trong khi những người viết lâu năm, họ có thể mất hàng giờ để vật lộn với nhân vật, cốt truyện hoặc một vấn đề nào khác để giúp câu chuyện trở nên hoàn hảo. 

Để vượt qua tình trạng writer’s block

Là người viết, chắc hẳn ai rồi cũng một lần gặp phải tình trạng writer’s block. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà mỗi cá nhân sẽ có cách khắc phục, xử lý khác nhau. Một số mẹo sau có thể giúp bạn vượt qua writer’s block để tiếp tục hoàn thành tác phẩm của mình, chẳng hạn như:

Viết tự do

Mình từng chia sẻ khá nhiều về cách viết tự do trên blog duongstory.com. Nếu bạn là cây viết mới và đang gặp phải tình trạng bí ý tưởng, không biết nên viết chủ đề nào thì lựa chọn viết tự do dựa theo các chủ đề có sẵn sẽ giúp bạn giải phóng ý tưởng; hoặc bạn cũng có thể viết tự do với bất kỳ điều gì nhìn thấy, nghe thấy ở xung quanh. Đừng quên áp dụng các mẹo mà mình gợi ý dưới đây nhé:

Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?

Nên viết rồi biên tập hay vừa viết vừa chỉnh sửa?

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

45+ ý tưởng viết mỗi ngày giúp bạn thỏa sức sáng tạo nội dung

Từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo

Một trong lý do khiến người viết không bao giờ hoàn thành là vì họ rơi vào chủ nghĩa hoàn hảo. Nó được hiểu như khi bạn viết một nội dung nào đó, tiếng nói bên trong sẽ xuất hiện và bảo rằng “Đoạn này cậu viết chưa được hay!” hoặc “Cậu cần phải sửa lại lỗi chính tả ở câu trước đó!” Và tiếng nói này sẽ lấn át, làm cho bạn không thể nào tập trung hoàn thành bài mà buộc phải quay lại sửa từng lỗi một. Bạn sẽ mất hàng giờ chỉ để biên tập những nội dung đã viết mà quên mất rằng “hoàn thành hơn hoàn hảo”

Gợi ý của mình là hãy bỏ qua nỗi sợ hãi về những điều chưa hoàn hảo để viết bản nháp đầu tiên. Có thể nó không phải là bản nháp xuất sắc, nhưng bạn đừng quá lo lắng, việc biên tập hãy dành thời gian thực hiện sau cùng.

90% cây viết mới thường rơi vào tình trạng writer’s block và bạn không phải ngoại lệ

Đặt thời hạn (deadline) cho bản thân

Trong quá trình viết nội dung blog, mình từng đặt ra thời hạn cho bản thân sẽ chỉ hoàn thành bài blog trong vòng 60 phút. Nếu vượt quá 60 phút, mình sẽ tự động ngừng viết bài để viết nội dung khác. Đó là lý do khiến toàn bộ các bài viết trên duongstory.com đều chỉ cần một tiếng để hoàn thành. Việc đặt ra “deadline” cho bản thân giúp mình tập trung viết và viết được nhiều hơn, thậm chí tránh rơi vào tình trạng sao nhãng. 

Với học viên trong khóa Viết từ số 0, lộ trình học tập sẽ là các chủ đề được cung cấp liên tục trong vòng 30 ngày đi từ cơ bản đến nâng cao, từ đơn giản đến phức tạp để giúp học viên đạt mục tiêu 30 bài viết trong 30 ngày. Kết quả là khi kết thúc khóa học, những bạn học viên ấy đều không tin rằng mình đã có 30 bài viết trong một tháng. Bạn có thể không cần phải đăng ký một khóa học tương tự, thay vào đó bạn tự tạo cho mình một thời hạn, mục tiêu viết, chẳng hạn như mỗi ngày viết 500 từ và tăng lên 700 từ sau 3 tháng.

Biên tập với góc nhìn mới

Hầu hết người viết khi đọc bài viết của bản thân thường đứng trên góc nhìn của một người viết. Tuy nhiên, mình thường áp dụng cách khác, đó là đứng trên góc nhìn của độc giả hoặc một người xa lạ. Mình sẽ đọc lại nội dung và tự hỏi, nếu là newbie, các bạn ấy liệu có hiểu những gì mình viết ra không, nội dung có cần bổ sung điều gì mới lạ hơn không.

Tác giả Neil Gaiman khuyên mọi người viết nên thử đọc lại tác phẩm của mình với một góc nhìn mới, hoặc như một người xa lạ. Bạn chỉ cần quên nội dung mình đã viết, chọn một thời điểm phù hợp để đọc. Lúc này bạn có thể nhận ra một vài lỗi trước đây không phát hiện được, hoặc có những ý tưởng thú vị bổ sung cho bài viết.

Làm việc khác thay vì viết liên tục

Nếu bạn đã ngồi trên ghế hàng giờ chỉ để viết một nội dung 1000 chữ nhưng vẫn không hiệu quả, mình khuyên rằng bạn nên làm một điều gì đó khác thay vì viết. Việc này tương tự như một cách để nghỉ ngơi. Bạn có thể làm vườn, nấu nướng, mở một bản nhạc thật hay hoặc đi dạo phố,… Bất cứ điều gì có thể làm khiến đầu óc bạn thư giãn và đừng nghĩ gì về nội dung dang dở trên bàn làm việc. Tất nhiên, bạn nên quay lại sau đó khi bạn cảm thấy tinh thần tập trung và năng lượng tràn đầy.

Một số nội dung trên blog duongstory.com được mình viết trên giấy, trên ghi chú điện thoại tại một quán cà phê hoặc trong khi ngồi chờ xe trên vỉa hè. Nguyên nhân là vì một số ý tưởng đến bất ngờ và mình thường tận dụng thời gian lý tưởng để viết. 

Mặc dù thực hành viết gần 2 năm, song có những khi mình cũng từng rơi vào tình trạng writer’s block. Nhờ áp dụng những phương pháp đó mình đã không còn gặp phải writer’s block cũng như viết hiệu quả hơn. Viết lách suy cho cùng vẫn là một công việc mang tính sáng tạo, vì vậy bạn cũng có thể tự do thay đổi bất cứ điều gì xung quanh, miễn là để cho quá trình viết của bạn diễn ra suôn sẻ hơn.

Để lại một bình luận