Hai năm trước khi lựa chọn trở thành freelance writer, mình chưa định hướng sẽ trở thành cây viết ẩm thực. Với mình, ngách là một cái gì đó khó tìm thấy và cũng loay hoay không biết làm thế nào để trở thành một cây viết chuyên về lĩnh vực nào đó như chị A hay anh B.
Mặc dù mình vẫn nhận viết bài cho các thương hiệu đều đặn, với nhiều lĩnh vực khác nhau từ du lịch, ẩm thực, vận chuyển,… Mãi cho đến đầu năm 2023, khi ngồi nhìn lại quãng đường đã đi, mình nhận ra hơn 50% dự án mà mình đang làm liên quan đến ngành hàng ăn uống. Mình nhận ra mình yêu ngách ẩm thực từ lúc nào không hay biết, khi con chữ mình “bay” hơn và phóng khoáng, thoải mái hơn.
Trong chia sẻ lần này, mình sẽ nói nhiều về cách trở thành cây viết ẩm thực. Bạn cũng có thể tìm thấy nội dung tương tự vậy trong bài viết: Hướng dẫn 5 bước viết blog du lịch cho tín đồ đam mê “xê dịch”.
Lưu ý khi chọn ngách viết ẩm thực
F&B là cụm từ viết tắt “Food and Beverage Service”, nghĩa là dịch vụ nhà hàng và thức uống. Viết về ẩm thực hay ngành dịch vụ F&B là chỉ chung những công việc liên quan đến ẩm thực, nhà hàng, ăn uống
Viết về ẩm thực gồm nhiều nội dung khác nhau, như là:
– Viết về món ăn, thức uống: Thông thường là các thương hiệu quán cà phê, nhà hàng,… sẽ thuê người viết nội dung cho các sản phẩm hiện có. Các sản phẩm có thể là mặt hàng tươi sống như hải sản, các loại sashimi,… hoặc các mặt hàng đã qua chế biến như các món nướng, lẩu. Bên cạnh đó sẽ có những mặt hàng đặc thù như nhà hàng chay với các món chay thuần thiên nhiên, cửa hàng cà phê với thức uống đặc trưng hay tiệm bánh ngọt. Nhìn chung, bạn sẽ làm công việc là viết nội dung cho các món ăn hiện có cho thương hiệu đó.
– Văn hóa ẩm thực: Cũng là một dạng viết về ẩm thực, tuy nhiên với định hướng này người viết thường đi sâu vào nghiên cứu lịch sử ra đời, nét văn hóa độc đáo của từng món ăn đó. Các nội dung này thường phù hợp với những món ăn mang trong mình lịch sử vùng miền như mì Quảng, bún bò Huế,…
– Đặc sản vùng miền: Ở mỗi vùng miền sẽ có những loại đặc sản khác nhau, tại Phú Yên hay Gia Lai nổi tiếng với món Bò một nắng – Muối kiến vàng; Đà Nẵng nổi tiếng với các loại mắm; Huế có các loại mè xửng,… Viết về đặc sản vùng miền đòi hỏi bạn phải có sự tìm hiểu nhất định về đặc sản đó. Như là nguyên liệu, hương vị,… tạo nên đặc sản; nguồn gốc ra đời…
– Review món ăn/công thức nấu nướng: Nếu bạn định hướng trở thành food blogger/food writer thì các nội dung như thế này sẽ phù hợp với bạn. Việc của bạn chỉ là thưởng thức món ăn, viết lại cảm nhận về món ăn đó; hoặc chia sẻ với độc giả cách bạn làm ra một món ăn ngon. Định dạng này sẽ phù hợp với website, facebook hoặc instagram.
Lưu ý khi chọn ngách: Ngách viết về ẩm thực khá rộng, do vậy bạn cần cân nhắc khi chọn cách khai thác nội dung. Ngoài ra đừng quên xem bản thân mình thích kiểu nội dung như thế nào để triển khai nhé. Ví dụ bạn thích viết một cách đơn giản, chia sẻ dễ hiểu thì viết bài review, chia sẻ công thức khá phù hợp. Trường hợp bạn thích nghiên cứu, muốn đào sâu tìm hiểu thì cách khai thác về văn hóa, lịch sử, nguồn gốc đặc sản cũng là một gợi ý hay.
Bài viết liên quan:
Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu
10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi
Những sai lầm “chí mạng” khi chọn ngách cho blog mà bạn cần biết
Viết về ẩm thực sao cho hấp dẫn – Cẩm nang hữu ích dành cho food blogger
Thu nhập cây viết ẩm thực
Thực tế không có một con số chính xác về thu nhập của người làm nội dung ngành F&B. Các nguồn thu nhập khi trở thành cây viết ẩm thực có thể là:
– Thù lao viết content cho khách hàng (bao gồm bài mạng xã hội, bài web, kịch bản video,…)
– Thu nhập từ Tiếp thị liên kết (Affiliate) các sản phẩm ẩm thực.
– Thu nhập đến từ quảng cáo (Google Ads) nếu bạn có một chiếc blog về ẩm thực và đạt được lượt truy cập tốt.
– Thu nhập thụ động đến từ việc bán sản phẩm liên quan đến nội dung ẩm thực như ebook, sách, bản tin,…
Ngoài ra còn các dạng thu nhập khác tùy vào định hướng của bạn.
Một số mức phí các dạng nội dung mình từng thực hiện trong lĩnh vực ẩm thực gồm:
– Bài social: Thông thường bài content cho các kênh mạng xã hội dao động khoảng từ 200,000 – 300,000/bài từ 150 – 300 chữ (chi phí này không bao gồm thiết kế ảnh cơ bản). Tất nhiên sẽ có mức giá thấp hơn hoặc cao hơn tùy vào năng lực của người viết, tùy vào ngân sách của khách hàng và những yếu tố liên quan khác.
– Bài website: Mức phí bài content cho website về ẩm thực rơi vào khoảng 250,000 – 400,000/bài dao động từ 800 – 1000 chữ (chi phí này bao gồm việc đăng bài và tối ưu).
– Bài PR báo chí: Mức phí bài PR báo chí tối thiểu 500,000/bài và những cây viết chuyên sâu về lĩnh vực này có thể nhận mức phí lên đến 7 con số.
– Bài tản văn cộng tác cho báo: Mình từng cộng tác hơn 10 tờ báo khác nhau như Thanh Niên, Báo Pháp luật,… Thể loại chính mà mình viết là tản văn, chia sẻ về các món ăn truyền thống vào dịp lễ, Tết. Nhuận bút mình từng nhận dao động từ 200,000 – 1,000,000/bài viết, nếu bài viết của bạn có lượt xem cao thì nhuận bút bạn nhận sẽ nhiều hơn.
Thực tế thù lao mà mình nhận được sẽ không cao so với các cây viết chuyên nghiệp (vì dù xuất thân từ nghề viết nhưng mình mất 5 năm không làm công việc liên quan đến viết). Tuy nhiên mình cũng nhận thấy con số mà mình chia sẻ không quá thấp. Và để đạt được con số này, mình đã đi từ những bài viết 25,000/bài dung lượng 600 chữ.
Nếu bạn có ý định trở thành một cây viết về ẩm thực hoặc cây viết lĩnh vực nào đó, thay vì chọn làm những công việc miễn phí hoặc có phí với thù lao ít ỏi, mình nghĩ rằng chúng ta nên tự trau dồi kỹ năng viết cơ bản như làm sao để viết đúng, sau đó học cách viết tốt rồi viết nâng cao các thể loại khác. Điều này sẽ giúp bạn có một nền tảng vững chắc và khách hàng cũng sẽ đánh giá bạn cao hơn. Khi bạn tự tin về những gì mình có, bạn hoàn toàn có thể chủ động đề xuất mức phí hợp lý và làm việc trong vui vẻ, hạnh phúc.
Điều kiện gì để trở thành cây viết ẩm thực?
Kỹ năng viết tốt là điều đầu tiên để trở thành một cây viết, hãy luôn nhớ khách hàng không chọn những bài viết sai chính tả, sai ngữ pháp hoặc câu cú lủng củng, thiếu logic.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần học cách sử dụng ngôn từ điêu luyện và vốn từ vựng phong phú. Chẳng hạn như diễn tả vị ngọt của món bánh cupcake, ta có thể miêu tả “ngọt thanh” (ngọt nhẹ dịu), “ngọt lịm” (ngọt thấm vào người), “ngọt lừ” (ngọt thấm vào trong miệng), “ngọt lự” (như ngọt lừ nhưng độ ngọt mạnh hơn).
Ngoài ra, với ẩm thực, tốt hơn hết là bạn cần nếm thử hương vị trực tiếp thay vì tưởng tượng. Chuyện này làm mình nhớ vào đầu năm 2023, khi mình có cơ hội hợp tác với một thương hiệu đặc sản Phú Yên, vị khách hàng ấy đã gửi cho mình toàn bộ các món ăn có sẵn tại cửa hàng để cảm nhận và có thêm nhiều ý tưởng viết. Nhờ những cảm nhận trực tiếp đó mà content viết ra đều chân thực, gần gũi hơn.
Trở thành cây viết ẩm thực là một hành trình dài, ngay cả bản thân mình chỉ mới chập chững trên ngách viết đầy mới mẻ và thử thách này. Tuy nhiên mình thì luôn nghĩ, chỉ cần còn cố gắng và cứ đi, những thành quả trong ngách viết sẽ đến.