Mình đã trở thành writing mentor như thế nào?

Bắt đầu trở lại với viết lách từ tháng 3.2021 sau 5 năm lưu lạc, mình đã trở thành writing mentor của cộng đồng OWD Những người viết hằng ngày trong 2 mùa. Đồng thời cũng trở thành mentor cho chính các khóa học viết 1:1 của bản thân. Vậy mình đã làm gì để trở thành mentor và kỹ năng cần thiết nào để trở thành mentor.

Hành trình trở thành writing mentor

Nếu theo dõi trang cá nhân của mình hẳn bạn đã nghe kể rất nhiều về cái cách mình trở thành writing mentor. Thực tế định hướng của mình từ 1 năm trước đây không phải trở thành mentor nhưng mối lương duyên với người học trò đầu tiên (khoá miễn phí kèm 1:1) giúp mình nhận ra bản thân cũng có thế giúp đỡ người khác bằng kiến thức và kinh nghiệm của bản thân.

Hành trình đó được tóm gọn qua biểu đồ đơn giản như sau:

Mình đã trở thành writing mentor như thế nào?
Hành trình trở thành writing mentor của mình

Đây là con đường mà mình đã đi, có thể nó sẽ khác so với hàng chục mentor ngoài kia. Điều này hoàn toàn bình thường vì mỗi người sẽ có lộ trình phát triển khác nhau và tùy thuộc vào sự phù hợp với bản thân.

Nhưng tựu trung lại, đó là các công việc:

– Trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng.

– Giúp đỡ cộng đồng tạo ảnh hưởng.

– Chính thức trở thành writing mentor.

Mình sẽ chia sẻ những kỹ năng cần thiết để trở thành writing mentor trong phần 2 của bài viết. Nếu bạn có định hướng trở thành writing mentor trong tương lai, đừng bỏ qua những chia sẻ này nhé.

Về cơ bản, hành trình của mình gồm:

Giai đoạn chuẩn bị: Trau dồi kiến thức và phát triển kỹ năng

Ở giai đoạn này mình tập trung vào việc học nhằm cải thiện kỹ năng chuyên môn (là viết lách), đồng thời phát triển kỹ năng khác bổ trợ cho công việc như kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng thiết kế hình ảnh, kỹ năng quản lý công việc,… Mình đã hoàn thành khóa học 1:1 về Freelance Business để trang bị kỹ năng cần thiết.

Mình cũng tích cực học và thực hành thông qua một số đầu sách phục vụ cho công việc như Viết đi đừng sợ hay Con đường trở thành freelance writer. Bạn cũng có thể tìm hiểu các đầu sách về content storytelling, Content Marketing hoặc sách phục vụ, hỗ trợ cho nghề viết tại đây:

9 cuốn sách giúp bạn tăng vốn từ, chữa bí từ khi viết

Top 5 cuốn sách “must-have” dành cho dân content

9 cuốn sách về Content và Storytelling dành cho mọi cây viết

10 đầu sách hay về viết lách giúp bạn trở thành freelance writer

Song song với việc học, mình cũng bắt đầu thực hành viết mỗi ngày tại các kênh khác nhau như trang cá nhân, cộng đồng Những người viết hằng ngày – nơi mà sau này mình trở thành writing mentor cho cả hai chương trình về viết gồm Better Writing và Creative Writing. Bên cạnh đó mình chia sẻ nhiều về mẹo, kỹ năng, các bí kíp,… viết lách tại Ngày đẹp trời để viết. Đây là cộng đồng mình sáng lập vào tháng 3.2021 và cán mốc gần 4,000 thành viên chất lượng sau hơn 1 năm thành lập.

Ngoài ra mình còn viết blog với tần suất 1 bài/tuần cũng như xuất hiện trên nhiều cộng đồng khác nhau, từ vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn thành viên. Một số nội dung tạo hiệu ứng cao như các bài viết gần 1,000 lượt tương tác (lượt thích/yêu thích), gần 400 bình luận giúp mình được biết đến nhiều hơn thông qua cái tên blogger hay freelance writer.

Mình đã trở thành writing mentor như thế nào?
Một số nội dung của mình được nhiều độc giả quan tâm

Sự kiên trì bền bỉ và viết bài đều đặn giúp mình được biết đến là một người kỷ luật, chăm chỉ. Điều thú vị là sau này học viên tìm đến mình đa số rơi vào tình trạng thiếu kỷ luật và các bạn tin bởi vì cho rằng mình là mảnh ghép các bạn ấy còn thiếu.

Giai đoạn hai: Giúp đỡ cộng đồng và tạo ảnh hưởng

Nhờ tích cực xuất hiện nhiều trên mạng xã hội và chia sẻ những kiến thức hoàn toàn miễn phí, mình được biết đến nhiều hơn. Tháng 9.2021 (6 tháng sau khi bắt đầu viết trở lại), mình nhận hỗ trợ kèm cặp 1:1 miễn phí cho một bạn học viên. Đó cũng là lần đầu tiên mình hướng dẫn một học viên có nền tảng là một số 0 tròn trĩnh, đó cũng là lý do khoá viết 1:1 của mình mang tên gọi Viết từ số 0

Quá trình hướng dẫn kéo dài 2 tháng, một phần vì mình chưa được đào tạo về kỹ năng mentoring, một phần mình soạn giáo trình hướng dẫn theo kiểu cuốn chiếu nên thời gian kéo dài gấp đôi so với dự kiến ban ngày đầu.

Sau khi chia sẻ câu chuyện hướng dẫn viết miễn phí khác, mình nhận khá nhiều lời mời từ các bạn sinh viên lẫn người đã đi làm. Kết quả là mình tiếp tục mở hai khoá viết miễn phí nữa với tổng số gần 10 học viên và dĩ nhiên tất cả các bạn đều được kèm cặp 1:1. Trong 3 tháng đó, mình đã hỗ trợ 10 bạn và điều hạnh phúc là trong số học viên tham gia học miễn phí ngày ấy, bây giờ quay lại đồng hành cùng mình ở khoá viết có nâng cao hơn.

Giai đoạn ba: Chính thức trở thành mentor

Khi cộng đồng OWD mở chương trình Mentorship – mối chương trình liên kết giữa mentor (người cố vấn) và mentee (người được cố vấn, hướng dẫn), mình quyết định gửi lá thư đến để được ứng tuyển vào vị trí này.

Cũng như bao mentor khác, mình trải qua vòng phỏng vấn, được Ban tổ chức training về kỹ năng, phong cách làm việc,… và chính thức trở thành writing mentor cho chương trình Better Writing (mùa 1) và Better Writing, Creative Writing (mùa 2).

Tại đây mình được học nhiều kỹ năng cần thiết và được đào tạo, hỗ trợ rất nhiều về mặt kiến thức lẫn kỹ năng để phục vụ công việc. Đồng thời mình cũng hiểu được sự khác nhau giữa mentor, coach và trainer

Sau đó mình cũng phát triển dự án riêng với các Khoá học viết 1:1 bao gồm Viết blog và Viết từ số 0. Như vậy ngoài công việc là một Freelance Content Writer, mình sẽ hướng dẫn, cố vấn, định hướng học viên để giúp các bạn đến gần hơn với mục tiêu của mình.

Mình chọn kèm cặp 1:1 thay vì dạy một nhóm hoặc phát triển khóa học online, đơn giản vì mình tin là môi học viên sẽ có những khởi đầu khác nhau. Sẽ có người mạnh ở điểm này và yếu ở điểm kia, việc hỗ trợ kèm cặp riêng sẽ giúp mình hiểu rõ về học viên hơn, hiểu được điểm mạnh yếu đó và đưa ra tư vấn, định hướng phù hợp. Hơn nữa quá trình kèm cặp 1:1 này cũng giúp mình kết nối sâu hơn với học viên, trở thành những người bạn, người chị thân thiết chứ không đơn thuần là mối quan hệ người dạy viết – người học viết. 

Nếu bạn cũng theo đuổi trở thành một mentor nào đó, thì đừng bỏ qua chia sẻ ở phần 2 này nhé: Kỹ năng cần có dành cho một mentor.

Những kỹ năng nào để trở thành mentor?

Dựa trên những kinh nghiệm và trải nghiệm hơn 1 năm làm writing mentor, mình nhận ra để trở thành mentor, cần có những kỹ năng cần thiết như:

Kỹ năng chuyên môn

Điều này vô cùng dễ hiểu bởi bạn cần có chuyên môn để có thể chia sẻ, giúp đỡ những mentee chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Chuyên môn không chỉ là kiến thức tích lũy được mà còn là kinh nghiệm, trải nghiệm thực tế, các câu chuyện cá nhân để lại bài học,…

Nếu bạn muốn trở thành writing mentor, có thể cải thiện kỹ năng viết cùng kỹ năng khác hỗ trợ cho công việc như kỹ năng quản lý, kỹ năng lập kế hoạch,… Hoặc nếu bạn muốn trở thành design mentor, bạn cần có kinh nghiệm về thiết kế,…

Chia sẻ và hoạt động vì cộng đồng

Mình không nói tất cả nhưng một vài mentor mà mình biết đều đã từng tham gia một/một vài dự án phi lợi nhuận trước khi trở thành mentor chính thức. Như tác giả Linh Phan cũng đã từng dạy viết miễn phí trước khi bắt đầu trở thành writing coach. Do đó bạn cũng có thể bắt đầu với lộ trình tương tự này.

Hãy thử tìm kiếm những dự án cộng đồng phù hợp – nơi bạn được học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Hoặc đôi khi bạn chỉ làm đơn thuần vì một lý do muốn giúp đỡ cộng đồng trong lĩnh vực chuyên môn của bạn, và sau đó bạn được nhìn nhận, được trở thành “mentor”. Giống như “hữu xạ tự nhiên hương”, đôi khi bạn không cần phải cố gồng trở thành một mentor, bạn chỉ cần giúp đỡ, định hướng người khác bằng lòng nhiệt thành và bằng chuyên môn vốn có của mình, bằng một cách kỳ diệu nào đó, bạn đã là mentor.

Kỹ năng thấu hiểu và chia sẻ

Thực tế không phải bất kỳ người nào có chuyên môn giỏi đều hoàn toàn có thể trở thành mentor. Để trở thành mentor, bạn còn cần kỹ năng khác quan trọng không kém, đó là sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ. Bạn cần phải hiểu rõ mentee của mình đang gặp vấn đề gì trong quá trình mentoring, bạn cần đưa ra lời khuyên, tư vấn nào phù hợp. Hoặc thậm chí bạn cũng cần hiểu rõ mentee có điểm mạnh/yếu nào để có thể giúp đỡ, định hướng cho các bạn phát triển hơn. 

Chặng đường để trở thành writing mentor với mình vẫn còn rất dài. Và mình tin trên hành trình đó mình sẽ có tích lũy những trải nghiệm hay ho và thú vị để chia sẻ lại trên duongstory.com.

Để lại một bình luận