Thông thường trước khi bắt đầu đồng hành cùng nhau trong các Chương trình viết kèm cặp 1:1, mình sẽ có một buổi nói chuyện để trao đổi, lắng nghe nguyện vọng của các bạn mentee. Tại đây, mình sẽ hỏi các bạn: các bạn học viết với mong muốn gì, muốn viết như thế nào, bài viết gửi gắm đến ai,… Bên cạnh đó, trong quá trình viết, mình cũng thường xuyên hỏi các bạn những câu như là:
– Bài viết này là viết cho chính mình hay là muốn chia sẻ cho mọi người cùng đọc?
– Bài viết này sẽ dùng để đăng lên facebook, website hoặc một nền tảng nào khác?
– Bài viết này có nhắm tới một nhóm đối tượng nào cụ thể hay không?
Những câu hỏi như vậy sẽ giúp mình hiểu hơn về mục đích viết, đồng thời có phương án biên tập bài viết tốt hơn. Vậy nên nếu có ai đó nhờ bạn góp ý về bài viết, đừng quên một vài lưu ý dưới đây nhé.
Đối tượng độc giả quyết định đến ngôn từ
Khi nhắc đến “biên tập”, nhiều bạn thường nghĩ đơn giản là nghĩ sửa lỗi chính tả, ngữ pháp; bắt tay vào chỉnh sửa câu từ; can thiệp vào cấu trúc, nội dung. Hoặc biên tập là thay thế những từ/cụm từ hợp lý đã có bằng một từ/cụm từ khác hấp dẫn hơn, độc đáo hơn. Tuy nhiên điều này chỉ là một phần.
Để biên tập bài viết, trước hết bạn phải hiểu rõ ý đồ của tác giả là gì, đối tượng độc giả mà người viết hướng đến là ai. Từ điển Tiếng Việt (NXB TP. HCM) cũng định nghĩa “Biên tập là biên soạn, góp ý kiến với tác giả, kiểm tra những sai sót của bản thảo tài liệu, đưa đi xuất bản”. Ở đây chúng ta không bàn đến quy mô nội dung xuất bản, mà mình muốn đề cập đến: việc biên tập sẽ hiệu quả hơn khi có sự trao đổi giữa người biên tập (người chỉnh sửa) và tác giả.
Một học viên của mình đang là giáo viên luyện thi tiếng Anh. Bạn ấy chia sẻ về kinh nghiệm học ngoại ngữ, nên thi thoảng bài viết xuất hiện một số từ tiếng Anh. Nếu đối tượng độc giả của bạn là người trung niên hoặc học sinh tiểu học, mình sẽ góp ý về việc sử dụng ngôn từ phù hợp. Tuy nhiên, khi trao đổi với bạn học viên ấy, độc giả (cũng là khách hàng tiềm năng) mà bạn ấy đang hướng đến là nhóm học sinh, sinh viên đang có nhu cầu thi Toeic, Ielts,… Như vậy với đối tượng đã có một kiến thức nền tảng nhất định về ngoại ngữ này, ngôn từ bạn sử dụng trong bài hoàn toàn phù hợp.
Hoặc một học viên khác trong chương trình Viết nâng cao đang là bác sĩ, bạn ấy viết bài về sức khỏe với nhiều thuật ngữ chuyên ngành để chia sẻ lên blog cá nhân. Trường hợp này, nếu bạn là người biên tập, rõ ràng bạn không thể chỉnh sửa những thuật ngữ chuyên ngành đó để trở thành một từ dễ hiểu. Vì điều này rất dễ dẫn đến việc truyền đạt thông tin sai, đặc biệt là với lĩnh vực Y học.
Bài viết liên quan:
Lộ trình viết cơ bản cho người mới bắt đầu
10 công việc viết lách mà bạn có thể theo đuổi
Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày
Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?
Nền tảng quyết định đến dung lượng
Một số nền tảng sẽ có những quy định riêng, ví dụ:
– Độ dài bài đăng của LinkedIn có thể lên tới 700 ký tự đối với các bài trên trang công ty, và 1.300 ký tự đối với các tài khoản cá nhân. Trong khi đó, các bài Article không có giới hạn ký tự tuy nhiên theo báo cáo, các bài dài quá 120.000 ký tự sẽ bị cắt bớt).
– Độ dài giới hạn của mạng xã hội Twitter là 140 ký tự năm 2017 và sau đó đã tăng gấp đôi giới hạn ký tự tweet lên 280.
– Độ dài một chú thích (caption) trên Instagram là 2200 ký tự.
…
Với một nội dung trên website, nếu bài viết ban đầu chỉ có 300 từ, mình sẽ giải thích và gợi ý học viên viết chuyên sâu hơn bởi vì nền tảng web/blog thích hợp với nội dung dài. Hơn nữa bài viết có độ dài cũng dễ dàng tối ưu chuẩn SEO hơn, từ đó giúp cho nội dung của bạn lọt top công cụ tìm kiếm.
Nếu là nội dung đăng trên mạng xã hội, mình sẽ góp ý không nên viết những bài dài 4000 – 5000 chữ mà ưu tiên nội dung ngắn. Tất nhiên chúng ta hoàn toàn có thể đăng những bài dài nhưng hiệu quả sẽ không cao trừ khi bài viết của bạn xuất sắc, hoặc bạn là người nổi tiếng/người có có chuyên môn trong một lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, bài viết gửi cho báo, bài content cho blog/website hoặc bài quảng cáo dịch vụ,… cũng sẽ có những quy chuẩn khác nhau về dung lượng. Do vậy hãy cẩn trọng xem xét nền tảng để dễ dàng hơn trong việc góp ý về bài viết cho người khác nhé.
Mục đích viết quyết định đến cách truyền tải
Kinh nghiệm biên tập bài viết của mình là luôn đặt câu hỏi cho các bạn học viên. Đặc biệt với những từ mà mình muốn thay đổi/chỉnh sửa mình sẽ hỏi các bạn là từ này phù hợp với tâm trạng/hoàn cảnh xảy ra lúc bạn kể hay không. Điều này nhằm tránh trường hợp chủ ý người viết một nơi nhưng người sửa lại theo một nẻo.
Đặc biệt một số trường hợp bạn học viên muốn viết cho chính mình, đa phần mình sẽ không can thiệp vào sâu nội dung. Bởi đó là phần cảm xúc được giải tỏa và mình tôn trọng điều ấy. Có thể ngay giờ phút đó, các bạn viết ra những câu từ lộn xộn, không logic,… nhưng đó chính là cảm xúc thật của các bạn. Như vậy thay vì mổ xẻ từng câu, nội dung từng đoạn, mình chỉ góp ý cho hình thức trình bày, lỗi morat, chính tả,… cơ bản mà thôi.
Một số câu hỏi dành cho bạn
Trước khi chỉnh sửa, góp ý hoặc biên tập một bài viết cho ai đó, bạn nên hỏi tác giả bài viết những câu hỏi sau:
– Bài viết này đơn thuần là viết để chia sẻ cảm xúc, giãi bày tâm sự hay viết để cho một ai đó đọc?
– Bài viết này được giữ kín hay chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội?
Đừng quên tự hỏi bản thân:
– Nếu thay thế, gạch bỏ từ/cụm từ/câu đó có làm sai lệch nội dung mà tác giả muốn truyền tải hay không?
– Nếu thay đổi giọng điệu, câu từ,… vậy bài viết có còn phù hợp với đối tượng độc giả mà tác giả đang nhắm đến hay không?
Những chia sẻ trong bài viết này chỉ phù hợp khi bạn chỉnh sửa, biên tập bài viết cho một ai đó và không áp dụng cho biên tập sách, báo, tạp chí hay các thể loại chuyên sâu khác nhé. Cuối cùng đừng quên nâng cao kĩ thuật viết của mình để có thể đưa ra nhận xét, đánh giá tốt cho bài viết người khác nhé.