Đặt tên miền blog, website sao cho ấn tượng và thu hút? Nên đặt tên theo tiếng Anh hay tiếng Việt? Có nên đặt tên miền theo ngách hay không? Nếu bạn cũng đang thắc mắc những câu hỏi tương tự, vậy thì đừng bỏ qua bài viết này. Với hơn 3 năm kinh nghiệm xây dựng nội dung website và hướng dẫn cho nhiều học viên xây dựng blog/web thành công, mình chia sẻ một vài kinh nghiệm hy vọng giúp bạn chọn được tên miền phù hợp, lý tưởng.
Tên miền là gì
Tên miền là tên địa chỉ mà người dùng gõ trên trình duyệt và kết quả sẽ trả về website của bạn. Thông thường tên miền sẽ gồm tên và phần mở rộng. Tên miền của mình là duongstory.com thì tên là duongstory và phần mở rộng là .com.
Một số phần mở rộng phổ biến như:
– .com (viết tắt của “Commercial”) là tên miền thường dùng trong kinh doanh thương mại
– .org (viết tắt của Organization) là tên miền thường dùng cho các tổ chức
– .biz (viết tắt của Business), tên thường dùng cho các trang thương mại
– .info (viết tắt của Information), thường dùng cho các trang web thông tin
– .edu (viết tắt của Education), là tên miền thường sử dụng cho trường học, các đơn vị, tổ chức giáo dục
Trước khi mua tên miền, bạn cần kiểm tra xem tên miền đó đã tồn tại hay có người đăng ký chưa. Ví dụ bạn muốn mua tên miền vietlach.com nhưng đã có người sử dụng rồi, vậy thì bạn cũng có thể chọn phần mở rộng khác như vietlach.net hoặc vietlach.com.vn,… Có rất nhiều cách để bạn có thể sở hữu một tên miền như ý.
Trường hợp bạn đã có một tên miền, bạn cũng có thể sử dụng tên miền phụ như blog.vietlach.com hoặc là support.vietlach.com nếu muốn.
Lưu ý khi đặt tên miền cho blog, web
Mặc dù bạn có thể thoải mái đặt tên blog, website, tuy nhiên luôn có những mẹo, quy tắc giúp cho blog của bạn được biết đến nhiều hơn thông qua cái tên. Dưới đây là 5 mẹo đặt tên miền cho blog mà bạn cần ghi nhớ:
Tên blog dễ đọc, dễ nhớ
Đặt tên blog độc đáo, khác biệt là tốt, nhưng bạn cũng cần chọn tên dễ đọc. Một số tên miền khó đọc, khó phát âm đôi khi sẽ làm độc giả của bạn khó ghi nhớ, thậm chí họ cũng khó để chia sẻ với người khác.
Hãy cẩn thận với một tên miền nhiều thứ tiếng, vì điều này làm cho độc giả khó đọc, khó nhớ. Ví dụ bạn chọn tên miền là ngoctokutei.com (theo biệt danh Ngọc Tokutei), theo mình đây là tên miền khó phát âm.
Tên miền ngắn gọn
Ví dụ như tên đầy đủ của mình là Nguyễn Phạm Hải Dương, vậy nếu đặt tên miền theo kiểu nguyenphamhaiduong.com thì lại quá dài, trong khi đó nếu đặt haiduong.vn thì lại trông giống một website của tỉnh Hải Dương hơn là một blog cá nhân. Mình đã suy nghĩ rất nhiều và rồi quyết định lấy tên duongstory.com – nơi mình kể những câu chuyện về nghề viết.
Không có ký tự đặc biệt
Hơn 3 năm trước, mình từng ấp ủ tạo một blog về sống xanh mang tên doing-3rs.com (3r là viết tắt của Reduce – Reuse – Recycle (Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế). Tuy nhiên sau nhiều lần đắn đo mình đã không chọn tên miền này chỉ vì ký tự dấu gạch ngang (-) gây cản trở quá trình gõ tên miền trên trình duyệt. Hơn nữa ký tự số cũng không phù hợp cho một tên miền.
Bên cạnh đó một số tên miền có chữ oo, ee hay uw cũng sẽ khiến cho người dùng gõ sai (ví dụ oo sẽ thành ô, ee sẽ thành ê hay uw sẽ thành ư). Vậy nên nếu bạn định đặt một tên miền cho blog, thì hãy loại bỏ những ký tự đặc biệt dễ gây hiểu lầm đi nhé.
Nên gắn với thương hiệu cá nhân?
Bạn có thể đặt tên miền thương hiệu nếu bạn chọn đi theo lĩnh vực/ngách đó lâu dài. Chẳng hạn như bạn là Thu và muốn viết về chủ đề làm đồ thủ công, tự chế thì có thể đặt tên miền là thuhandmade.com. Tuy nhiên với điều kiện blog của bạn chỉ chia sẻ những mẹo, cách làm đồ thủ công thay vì chia sẻ bài viết về nấu ăn hay du lịch.
Trường hợp nếu bạn không chắc chắn đó là ngách mình sẽ theo đuổi suốt đời, hãy chọn tên cá nhân của bạn hoặc một biệt danh nào đó. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng mở rộng ngách nếu muốn. Chẳng hạn như bạn là Ngọc Thu, có thể đặt tên miền blog, website là ngocthu.com hoặc là goccuathu.com, như vậy bạn sẽ viết được mọi chủ đề mà mình yêu thích kể cả lĩnh vực chuyên môn hoặc là viết đa lĩnh vực.
Tránh đạo ý tưởng tên miền
Chẳng hạn bạn thích tên miền goccuathu.com (Góc của Thu) và sau đó quyết định đặt tên miền cho website của mình là goccuahan.com (Góc của Hân). Theo mình, tên miền blog, website là nơi thể hiện cá tính và chuyên môn riêng biệt của bạn. Vậy nên thay vì sao chép hoặc đạo một tên miền khác, bạn nên chọn những tên miền độc đáo, khiến người ta nghĩ ngay đến phong cách của bạn.
Đọc thêm:
10 lý do khiến blog không có lượt xem và cách khắc phục
Solopreneur, Freelance Writer nên cần có một website cá nhân
Xây dựng nội dung hiệu quả, tăng lượt truy cập với khóa học viết blog
Bí quyết giúp mình đạt 100,000 lượt truy cập trên blog duongstory.com?
Gợi ý đặt tên miền cho blogger
Một vài gợi ý đặt tên miền mà bạn có thể tham khảo như:
– Đặt tên tiếng Anh về lĩnh vực ngách: Ví dụ thelittlelearners.net của blogger, thạc sĩ Hạnh Vũ – nơi chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục sớm và xây dựng môi trường học tập song ngữ tại nhà cho trẻ.
– Đặt tên cá nhân + lĩnh vực/thể loại muốn viết: Ví dụ duongstory.com, nơi mình chia sẻ những câu chuyện về viết lách và kỹ thuật storytelling (kể chuyện). Bạn cũng sẽ học được kỹ thuật này để kể chuyện thương hiệu hoặc bán hàng trong khóa học sắp tới của mình.
– Đặt tên thật: Ví dụ nhuchan.com, nơi tác giả, blogger Như Chân chia sẻ về viết sáng tác cùng những áng văn chữa lành.
– Đặt tên miền theo ngách: Ví dụ theutayhiendai.com, nơi tác giả Trinh Nguyễn chia sẻ về DIY, handmade túi ví, thiết kế đầm váy, quilting và thêu thùa. Hoặc giaotiepielts.com – một website của travel blogger Rachael chia sẻ về kỹ năng học tiếng Anh giao tiếp.
Tất cả những ví dụ mình kể trên đều là thành quả của học viên trong khóa học Viết blog kèm 1:1 mà mình đã hướng dẫn, và hiện tại các bạn đã đạt được mục tiêu với những thành tựu cho riêng mình.
Trước khi đặt tên miền, bạn đừng quên kiểm tra xem thử tên mình chọn đã tồn tại hay chưa. Nếu bạn thích tên thuha.com nhưng đã có người sử dụng, bạn cũng có thể đổi phần mở rộng thành thuha.co hoặc thuha.net để chọn được tên miền yêu thích.
Nếu bạn đặt tên miền cho blog, website rồi nhưng chưa vừa ý, thì bạn vẫn có thể đổi tên miền khác vẫn được. Tuy nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc của độc giả và đôi khi khiến độc giả cũ bị mất kết nối với bạn. Vậy nên bạn cân nhắc thật kỹ khi đặt tên miền nhé. Hoặc đăng ký tư vấn 1:1 với mình nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về xây dựng nội dung cho blog/website.