Đi tìm phong cách viết mang dấu ấn cá nhân cho riêng bạn

Có những người viết loay hoay cả đời để đi tìm phong cách mang dấu ấn riêng, cũng có người vừa chập chững với viết đã hình thành cá tính viết rõ nét. Vậy phong cách viết là gì, làm thế nào để tạo dấu ấn riêng, mang màu sắc ấn tượng không hòa lẫn với người nào khác? 

* Lưu ý: Bài viết này không đi sâu vào việc phân tích khái niệm học thuật về “phong cách” trong văn chương mà là những trải nghiệm gần một năm trở thành blogger/content writer.

Phong cách viết là gì?

Phong cách chính là giọng điệu, lối viết, cách truyền tải mang đậm dấu ấn cá nhân của người viết. Tựa như khi nhắc đến Hải Dương, mọi người sẽ nghĩ ngay đến mình là một cây viết chia sẻ những bài cung cấp kiến thức hữu ích bằng một giọng văn chân thành, gần gũi.

Mỗi người viết sẽ có một phong cách riêng, tùy thuộc vào từng sự phát triển khác nhau của mỗi cá nhân mà cá tính này sẽ bộc lộ sớm hay không. Như mình chia sẻ, có những người chỉ viết một, hai bài viết đã hình thành được phong cách, nhưng có những người cả đời vẫn loay hoay tìm kiếm phong cách viết cho mình.

Đi tìm phong cách viết mang dấu ấn cá nhân của riêng bạn

Mình cho rằng cách viết của mỗi người sẽ khác nhau, cho dù hai người có cùng suy nghĩ, đồng điệu với nhau về mọi mặt thì khi viết ra sẽ có cách thể hiện khác nhau. Có người thích viết dài, diễn tả tỉ mỉ, cụ thể một vấn đề; có người lại thích viết ngắn với những ví dụ, số liệu chứng minh. Cũng có người chọn cho mình phong cách nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình; lại có người thể hiện sự trưởng thành, chín chắn, từng trải qua từng câu chữ. 

Chẳng hạn như trong một chủ đề của khóa học 1:1 Viết từ số 0, mình đã cho 3 học viên thực hành bài tập: “Suy nghĩ và viết phần tiếp theo cho đoạn mở đầu này:

Cụ bà ngồi bên vệ đường, hai tay giữ chặt chiếc túi đã cũ. Trong đó lẫn lộn những tờ vé số còn sót lại trong ngày và mấy đồng bạc lẻ kiếm được. Đôi bàn tay gầy guộc mò mẫm lôi ra vài tờ tiền nhàu bét. Đằng sau cụ, người thanh niên từ từ tiến lại. Dưới ánh đèn đường, một bên cánh tay lộ ra vô số hình xăm quái dị. Bạn có biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo không?”

Kết quả, mình nhận về 3 bài viết với sự tưởng tượng khác nhau, cách phát triển câu chuyện khác nhau qua một cách viết hoàn toàn khác nhau. Có bạn đã tiếp tục phát triển câu chuyện này và biến nó thành cái kết buồn cùng một cách kể chuyện bi ai. Có bạn lại biến câu chuyện tràn ngập màu sắc tươi vui, hài hước qua phong cách viết dí dỏm. Có bạn lại mang đến một kết thúc có hậu nhẹ nhàng, sâu lắng để lại cho mình nhiều suy nghĩ.

Những tác giả như Thạch Lam, Xuân Quỳnh, Hàn Mặc Tử, Ngô Tất Tố,… đều có một phong cách viết rõ nét hình thành qua những tác phẩm nổi tiếng văn thơ. Hoặc tác giả hiện đại như Nguyễn Nhật Ánh gây ấn tượng bởi cách viết trong sáng, hồn nhiên dành cho tuổi thơ. Đó là trong lĩnh vực sáng tác.

Với viết thương mại hoặc viết cho chính mình, bạn cũng có thể tìm được phong cách cho mình. Điều này sẽ giúp bạn tạo dấu ấn đậm nét hơn, độc giả nhớ về bạn rõ hơn. Khi độ nhận diện cao, bạn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân qua thông qua con chữ của mình, chẳng hạn như trở thành một blogger, nhà thơ, người viết truyện,….

Bài viết liên quan:

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?

10 lời khuyên từ các tác giả nổi tiếng để viết tốt hơn

Quy trình 5 bước viết nội dung hiệu quả dành cho newbie

Sổ tay luyện viết cơ bản – Phần 1: Hãy viết đúng trước khi viết hay

Đi tìm phong cách viết mang đậm dấu ấn cá nhân

Đi tìm phong cách viết mang dấu ấn cá nhân của riêng bạn

Như mình đã chia sẻ, việc tìm ra phong cách viết sẽ có lợi thế nếu bạn muốn trở thành một người làm về viết lách. Nếu bây giờ bạn chưa có một phong cách rõ ràng, nhưng không có nghĩa là 2 năm, 5 năm nữa bạn sẽ không có phong cách viết riêng. Điều quan trọng là bạn cần phải có phương pháp để thực hành và áp dụng.

Viết đủ lâu, phong cách sẽ tự hình thành

Khi bạn viết đủ lâu, đến một giai đoạn nào đó, bạn sẽ hình thành được phong cách riêng bằng cách độc giả, những người thích đọc bài của bạn sẽ tự gán cho bạn phong cách đó. Chẳng hạn như mình bắt đầu viết chuyên nghiệp vào năm ngoái và thực hành viết hằng ngày trên nhiều cộng đồng lớn nhỏ khác nhau. Sau gần 2 năm tập viết và theo đuổi nghề viết, mình được độc giả gán cho một phong cách tự nhiên, gần gũi, không khoa trương hoa mỹ. Cụ thể trong viết thương mại, mình thường dùng giọng văn rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu và trong viết sáng tác mình mang một giọng văn giàu cảm xúc, đầy chất thơ. 

Nhắm đến độc giả mục tiêu và chọn phong cách

Học viên của mình làm về tài chính và dự định trở thành một cây viết tài chính. Trong quá trình mentoring, mình tư vấn cho bạn rằng, trước hết hãy nhắm đến đối tượng độc giả mình sẽ “phục vụ”, sau đó lựa chọn phong cách phù hợp. Rõ ràng một cây viết về tài chính thì cách viết lãng mạn, bay bổng sẽ không phù hợp, thay vào đó bạn ấy nên sử dụng giọng văn logic, mạch lạc, rõ ràng hơn. Đặc biệt nếu đi kèm theo những con số, dẫn chứng, ví dụ minh họa cụ thể lại càng thuyết phục.

Dựa theo hình mẫu, định hướng phong cách

Phương pháp này sẽ phù hợp với những bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân cho người viết. Ví dụ bạn là một phụ nữ và định hình trở thành một chuyên gia tư vấn cho phụ nữ sau sinh, lúc này bạn cần xác định hình mẫu mình hướng đến, cần sử dụng tông giọng gì, bài viết nên có những lưu ý nào.

Một số lưu ý khi định hình phong cách viết

Trừ trường hợp “viết đủ lâu, phong cách tự hình thành” thì với 2 cách thức còn lại, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

Phong cách nên nhất quán, xuyên suốt để định hình dấu ấn cá nhân

Chẳng hạn trước đây mình từng chịu trách nhiệm sản xuất nội dung cho một nhà hàng về ẩm thực, phong cách của nhà hàng hướng đến là storytelling, có một chút bay bổng lãng mạn, một chút văn chương trong đó. Và phong cách  này xuyên suốt nhiều năm liền, trở thành thương hiệu của nhà hàng đó.

Lưu ý, phong cách nhất quán sẽ phù hợp cho những bạn muốn xây dựng thương hiệu cá nhân qua viết. Nếu bạn là một content creator (người sáng tạo nội dung), bạn hoàn toàn có thể viết nên những bài viết hài hước dí dỏm, những bài sâu sắc hoặc những nội dung châm biếm mỉa mai. Điều này không phải là phong cách không nhất quán, mà chỉ đơn giản là bạn đang làm công việc bạn phải làm.

Phong cách viết phải phù hợp với đối tượng

Mình từng chia sẻ điều này ở trong các bài về kỹ năng viết tại duongstory.com. Bạn không thể dùng giọng hài hước, trẻ trung với nhiều thuật ngữ gen Z để viết bài chia sẻ sức khỏe cho người cao tuổi. Bạn cũng không thể kể chuyện, ví von so sánh cho đối tượng độc giả là người làm về tài chính. Để chọn ra phong cách, bạn cần phải nghiên cứu thật kỹ đối tượng độc giả của mình. Đó cũng là Module quan trọng nhất trong khóa Viết blog 1:1 mình đang hướng dẫn.

Tự nhiên, không sao chép phong cách của người khác

Hãy để những gì bạn viết ra là của chính bạn thay vì cố gắng biến thành một ai đó. Bạn có thể học hỏi phong cách của một cây viết bạn yêu thích, nhưng nó chỉ nên dừng lại ở việc thực hành copyworking. Sau đó bạn vẫn phải chọn cho mình một phong cách hoặc hướng đến một lối viết phù hợp.

Bây giờ thì bạn từng mường tượng mình trở thành cây viết như thế nào, có phong cách viết ra sao chưa? Nếu đã manh nha ý tưởng, đừng quên viết ra những gì bạn mong muốn độc giả nhớ tới mình để đi tìm phong cách phù hợp nhé. Đừng quên đăng ký theo dõi blog duongstory.com để theo dõi bài viết mới nhất hằng tuần cùng những đợt giảm giá khóa học siêu hấp dẫn nhé!

Để lại một bình luận