Kinh nghiệm tránh lừa đảo khi viết bài online – Bài học vỡ lòng dành cho CTV mới vào nghề

Chứng kiến không ít trường hợp bị lừa đảo khi ứng tuyển làm CTV (cộng tác viên) khi viết bài online thôi thúc mình thực hiện bài viết này. Những cách tránh lừa đảo dưới đây được tổng hợp từ kinh nghiệm của mình và một số người đồng nghiệp cũ. Mong rằng chúng sẽ có ích đối với những bạn theo con đường viết lách online, đặc biệt là CTV mới vào nghề.

Cách gửi bài test/bài mẫu khi viết bài online

– Gửi bài bằng Google Docs

Có một vài đơn vị đăng tin tuyển CTV với yêu cầu gửi bài test để kiểm tra năng lực. Sau khi CTV gửi bài test thì lập tức phía đơn vị kia cũng bốc hơi nhanh như nước. Hoặc đôi khi CTV được thông báo bài test không đạt yêu cầu, tuy nhiên bên tuyển dụng vẫn ngang nhiên sử dụng và đem đăng bài ở những nơi khác.

Thử tưởng tượng 20 CTV gửi bài test và gặp phải tình trạng lừa đảo như trên, có phải đơn vị kia đã ăn cắp tất cả bài viết và biến chúng trở thành sản phẩm của họ?

Thay vì viết bằng word trên máy tính, mình khuyên bạn nên sử dụng Google Docs. Đây là ứng dụng soạn thảo văn bản trực tuyến cho phép người dùng tùy chỉnh chế độ riêng tư. Nếu bài test không đạt, hãy khóa bài viết bằng cách xóa quyền xem/quyền chỉnh sửa mà bạn đã thiết lập trước đó. Như vậy bạn hoàn toàn có thể bảo vệ bài viết của mình tránh bị sử dụng miễn phí.

– Gửi bài mẫu tham khảo

Mình có một người bạn với hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc online trong lĩnh vực SEO content, từ partime cho đến fulltime. Cô ấy chia sẻ rằng rất hiếm khi viết bài mẫu gửi nhà tuyển dụng mỗi khi ứng tuyển.

Nhiều năm làm việc cho cô ấy kha khá kiến thức bổ ích cùng số lượng bài viết khổng lồ. Chỉ cần gửi những bài viết đã từng thực hiện, nhà tuyển dụng có thể đánh giá được năng lực cũng như kiểm tra giọng văn có phù hợp/đáp ứng được yêu cầu công việc đề ra hay không.

Thực tế, một nhà tuyển dụng chuyên nghiệp không đánh giá năng lực của CTV hoàn toàn qua bài test. Mà họ còn dựa vào kinh nghiệm, trình độ cũng như nhiều yếu tố khác. Vậy nên bạn cứ tự tin gửi những sản phẩm mình đã làm trước đó nhé.

– Nên ghi rõ quy định về việc sử dụng bài test

Một lý do khiến nhiều CTV mới vào nghề gặp tình trạng lừa đảo khi làm bài test là thiếu kinh nghiệm “chinh chiến”. Điều này thể hiện rõ nhất trong việc đặt ra những thỏa thuận khi viết và sử dụng bài test.

Mình tin rằng chỉ cần thêm một dòng chữ trong email như “Vui lòng không sử dụng bài test nếu không đạt yêu cầu…” hoặc đại loại như thế, hiệu quả sẽ khác biệt ngay đấy!

Nếu bài test có trả phí, đừng ngần ngại hỏi giá trước khi bắt tay vào viết nhé!

Đọc thêm:

Freelancer tìm công việc viết bài online ở đâu?

Cải thiện những lỗi sai cơ bản sau chắc chắn bạn sẽ viết tốt hơn

Những kiểu CTV “trời ơi đất hỡi” khiến leader nào cũng muốn bỏ chạy

Tiếng Việt giàu đẹp – 3 Fanpage không nên bỏ qua nếu bạn là người thích viết

Tìm hiểu nhà tuyển dụng, nói không với nick clone

Mạng xã hội là một trong những nơi tìm kiếm việc làm online phổ biến nhất hiện nay. Dạo một vòng quanh các group tuyển dụng, không quá khó để tìm thấy tin tức tuyển dụng CTV online, từ viết bài chuẩn SEO cho đến viết content facebook, viết bài review, PR…

Thế nhưng đó cũng là nơi thượng vàng hạ cám khi có quá nhiều tin thật – giả lẫn lộn. Vậy làm sao chúng ta biết nơi nào là uy tín?

– Bỏ qua những tin tức tuyển dụng không rõ ràng

Hãy bỏ qua những mẫu tin không rõ ràng như “Kiếm 5, 6 triệu/tháng, công việc đơn giản, phù hợp với mẹ bỉm sữa”. Thực tế công việc viết lách online đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm rất nhiều, do vậy nếu bạn thấy ai đó đăng tin kiểu mơ hồ chung chung như vậy, khả năng lừa đảo rất cao.

Có những tin tuyển dụng yêu cầu CTV phải đặt cọc tiền. Mình không dám đánh đồng tất cả, nhưng đa phần 99% tin tuyển dụng thế này đều không đáng để tin tưởng. Hãy nhớ rằng, bạn tìm việc online để kiếm tiền chứ không phải bỏ tiền ra để kiếm việc.

– Tìm hiểu đơn vị tuyển dụng

Cũng có một số trường hợp, người đăng tin sẽ cung cấp tên công ty/doanh nghiệp cũng như địa chỉ, số điện thoại, website. Nó có thể cộng thêm độ uy tín, nhưng chừng đó cũng chưa đủ để nói lên điều gì.

Từ những thông tin có được, hãy tìm hiểu rõ hơn về doanh nghiệp đó. Với công nghệ ngày nay, chỉ cần một cú nhấp chuột là bạn có thể nắm được thông tin mà mình muốn biết.

Bạn có thể tham khảo về lĩnh vực kinh doanh, về quá trình hoạt động của công ty/doanh nghiệp. Nếu có thể hãy tham gia một vài diễn đàn, group, xem xét mức độ tin cậy để cân nhắc đưa ra quyết định.

– Nói không với nick ảo, nick clone

Nguồn ảnh: Unsplash

Sau vài năm làm CTV viết bài chuẩn Seo online, mình rút ra được kinh nghiệm cho bản thân là “nói không với nick ảo, nick clone”.

Khi click vào trang cá nhân của người đăng tuyển, mình phát hiện ra đó là nick ảo. Trang facebook không có ảnh đại diện, không cập nhật hoạt động, thậm chí không để tên thật…, tự dưng lúc ấy mình có một dự cảm chẳng lành. Và thế là dù thích chủ đề đó đến mấy, yêu công việc đó đến mấy mình cũng “say no”.

Vậy nên khi thấy ai đó đăng tuyển, bạn hãy chịu khó vào xem trang cá nhân của họ nhé. Bởi nếu có xảy ra vấn đề trong quá trình làm việc, chỉ cần người kia khóa facebook là bạn chẳng biết đường nào mà lần nữa rồi!

Cách nhận thanh toán khi làm việc online

Vào một ngày đẹp trời, bạn nhắn tin leader báo cáo hoàn thành công việc và yêu cầu được nhận lương. Bùm…, leader khóa máy, block tất cả mạng xã hội. Ngay lúc đó chắc hẳn ai cũng rơi vào trạng thái hoang mang tột độ không hiểu chuyện gì xảy ra.

Một, hai ngày thậm chí đến một tuần sau leader vẫn bặt vô âm tín, tiền cũng chẳng thấy đâu. Những trường hợp như thế này xảy ra không ít. Có người may mắn lấy lại được tiền, nhưng cũng có trường hợp xui xẻo mất thời gian công sức nhưng chẳng đòi lại được.

Nguồn ảnh: Unsplash

Mình đoán khoảng 99% những người làm công việc viết bài online sẽ nhận thanh toán qua chuyển khoản. Do vậy để tránh rủi ro trong quá trình nhận lương, bạn có thể áp dụng những cách sau đây. Nó không hẳn là cách an toàn tuyệt đối 100%, nhưng hy vọng sẽ giúp ích được cho bạn trên con đường freelance writer sau này.

Dành cho writer:

56 website ảnh miễn phí chất lượng cao dành cho các writer – P.1

56 website ảnh miễn phí chất lượng cao dành cho các writer – P.2

– Nhận thanh toán từng đợt

Trước kia khi còn là sinh viên Đại học, mình chập chững bước vào nghề SEO content với mức lương khá thấp. Tiền lương sẽ được thanh toán từ ngày 1 đến ngày 10 của tháng kế tiếp. May mắn khi đó mình và một vài người bạn được đàn anh khóa trên dìu dắt nên không xảy ra trường hợp quỵt lương.

Mãi sau này khi tốt nghiệp, thi thoảng vẫn nhận công việc viết lách tự do, mình thường thỏa thuận với đối tác thanh toán theo từng đợt. Nghĩa là mình sẽ nhận tiền viết bài theo thời gian cố định: 1 tuần/lần, 10 ngày/lần hoặc nhận theo số lượng bài viết: Cứ 10 bài sẽ được thanh toán 1 lần…

Bạn cũng có thể tự đặt ra những thỏa thuận nhận lương phù hợp với khối lượng công việc mà mình đang làm. Cách làm này sẽ tránh được việc bạn cày một tháng gần 30 bài, đến ngày nhận tiền thì leader chẳng thấy đâu.

– Nên làm việc với hợp đồng rõ ràng

Một số đơn vị tuyển dụng nhỏ thường không có hợp đồng CTV. Thông thường chúng ta làm việc online qua thỏa thuận bằng miệng, tức là đôi ba dòng tin nhắn hoặc vài cuộc điện thoại thì mọi thỏa thuận đã xong. Chính điều bất lợi này dẫn đến những rủi ro về tiền bạc.

Nếu có thể, bạn hãy đàm phán với đối tác để thực hiện hợp đồng CTV. Một hợp đồng với những điều khoản minh bạch, rõ ràng cũng giúp bạn yên tâm hơn trong sự nghiệp theo đuổi con chữ của mình.

Đây có lẽ là bài viết dài nhất kể từ khi mình lập blog duongstory.com đến giờ. Mình vẫn muốn viết một cái gì đó thật ngắn gọn, súc tích. Tuy nhiên khi tổng hợp được những kinh nghiệm từ bạn bè và đồng nghiệp cũ, mình phát hiện ra có nhiều thứ để nói về chủ đề này.

Dù vậy, cũng cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc đến dòng chữ này. Hy vọng những cách tránh lừa đảo khi viết bài online sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trên hành trình viết lách của mình!

Một bình luận

Trả lời