Nỗi sợ viết nào khiến bạn không dám sống với giấc mơ của chính mình? 

Năm 2021, mình trở lại với viết lách sau gần 5 năm “đi lạc” (bao gồm 3 năm làm trái ngành và 2 năm thất nghiệp vì Covid) dù từng là được đào tạo về viết lách. Thời điểm đó mình gần như bắt đầu với số 0 tròn trĩnh. Việc đặt bút viết xuống hoặc chia sẻ lên mạng xã hội cũng rất khó khăn với mình. Mình sợ bị phán xét, sợ viết không hay,… 

Và rồi, mình đã có một chiếc blog duongstory.com với gần 140,000 lượt truy cập; một cộng đồng viết lách với hơn 5,000 thành viên; có mặt trên báo/tạp chí và trở thành content writer hợp tác với hơn 10 thương hiệu lớn nhỏ khác nhau. Bên cạnh đó, mình còn là writing mentor (cố vấn/hướng dẫn viết) với các khóa học cho cá nhân.

Vậy mình đã làm gì để vượt qua nỗi sợ viết và sống với giấc mơ của chính mình?

Sợ phán xét, chỉ trích

Hầu như các bạn newbie khi bắt đầu viết, ai cũng mang trong mình nỗi sợ này. Mình cũng vậy, vào khoảng 2 năm trước. Thậm chí sau đó mình phải xóa bài đăng, tắt thông báo facebook để tránh lời lẽ tiêu cực.

Sau này mình dần hiểu ra, dù chúng ta có đặt tâm huyết để nội dung nào đó, có 100 người thích thì cũng sẽ có 100 người không thích. Và trong số người không thích, sẽ có những nhận xét không mấy tích cực. Từ đó mình chấp nhận như lẽ dĩ nhiên. 

Thực tế, thật khó để chúng ta làm mọi thứ hoàn hảo, sẽ luôn có sai sót dù ít hay nhiều. Điều quan trọng là chúng ta thừa nhận nỗi sợ, tập quen dần với nó. Như là cách bình tĩnh trước những bình luận gay gắt. Nếu có những góp ý chân thành mình sẽ tiếp thu, sửa đổi; ngược lại với chỉ trích nặng nề, mình sẽ bỏ qua và không để nó làm lòng mình tiêu cực theo.

Đồng thời mình cũng tích cực học viết tốt hơn bằng cách luyện viết hằng ngày, tham gia vào các dự án viết để có trải nghiệm thực tế. Chẳng hạn như trước khi đăng, mình sẽ đọc lại vài lần xem có sai sót gì không, có thể chỉnh sửa chỗ nào, hoặc từ ngữ nào không phù hợp sẽ bỏ đi. Hoặc bây giờ mình sẽ học thể loại viết mới đa dạng hơn, làm việc với những dự án lớn để thử thách bản thân.

Sợ chưa đủ giỏi

Nỗi sợ viết nào khiến bạn không dám sống với giấc mơ của chính mình? 
Nguồn: Shiona Das, Unsplash

Câu chuyện của mình bắt đầu vào năm lớp 6, mình được chọn vào đội Bồi dưỡng Học sinh giỏi Văn của trường. Khi tất cả đội tuyển đều đã đủ người, và lớp Văn thì thiếu một bạn. Mình được giới thiệu để vào lớp Văn, nhưng cũng phải trải qua kỳ thi đầu vào, làm các bài kiểm tra năng lực. 

Suốt thời gian học, một suy nghĩ thường trực trong đầu là mình chỉ là một mảnh ghép chắp vá cho đủ đội hình. Mình viết không hay, sợ không đủ giỏi như các bạn, sợ cô giáo hối hận vì chọn mình. Nỗi sợ lấn át khiến mình không còn tin vào bản thân. Đó là lý do suốt năm tháng ấy, mình vật vờ và trở thành một học sinh không có gì nổi bật.

Sau này, mình đọc một câu rất hay, đại ý thế này: “Một chú chim đậu trên cành cây sẽ chẳng bao giờ sợ cành cây đó gãy và chú sẽ ngã xuống đất. Không phải vì cành cây kiên cố mà là chú đặt niềm tin vào đôi cánh của mình. Thật ra nếu không tin tưởng chính bản thân, mình sẽ chẳng đi đến được ngày hôm nay.”

Nếu bạn sợ viết chưa đủ tốt, thì 99% học viên từ khóa học Viết từ số 0 của mình đều chi chít lỗi ngay từ bài đầu tiên. Nhưng rồi sau đó các bạn ấy đã thử thách với những chủ đề sáng tạo, thực hành storytelling và có bài được đăng trên báo Thanh Niên, Tuổi trẻ. 

Đọc thêm:

Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?

Bí quyết giúp bạn tạo lập thói quen viết mỗi ngày

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

Chọn ngôn ngữ viết đúng đối tượng, bạn đã biết chưa?

Sợ không ai đọc bài

Thú thật với bạn, mình đã từng nghĩ như vậy khi đi theo nghề viết. Vậy mà bây giờ sau gần 2 năm, mình có gần 400 độc giả đăng ký theo dõi bản tin hằng tuần từ duongstory.com. Thi thoảng nhận được những lời nhắn nhủ hoặc vài ba thắc mắc từ độc giả, mình cảm thấy bản thân được tin tưởng. 

Học viên của mình, cũng nghĩ rằng bạn ấy kể chuyện cỏn con trên blog thuha.co sẽ không có ai xem. Thế nhưng chỉ sau 4 tháng, blog bạn đã có lượt xem tự nhiên từ Organic Search đồng thời có nhiều độc giả ghé thăm, để lại bình luận.

Thực ra điều mà chúng ta từng nghĩ là “Sẽ chẳng có ai đọc bài mình viết đâu”, thực tế thì lại có. Tất nhiên khi mới bắt đầu, sẽ không có nhiều độc giả đọc bài bạn. Tuy nhiên hãy luôn kiên trì nhé, độc giả của bạn đến muộn một chút thôi, sẽ sớm tìm ra bạn.

Sợ viết giáo huấn, khuyên răn

Nỗi sợ viết nào khiến bạn không dám sống với giấc mơ của chính mình? 
Nguồn: Debby Hudson, Unsplash

Những cây viết mới thường tồn tại nỗi sợ, đặc biệt là liệu điều mình viết ra có phải là khuyên răn, giáo huấn một ai đó. Chính bản thân mình cũng đã từng trải qua cảm giác này, đến mức phải nhờ người khác đọc hộ bài viết để điều chỉnh. Nếu bạn cũng sợ rằng mình đang “dạy đời” một ai đó, thử những phương pháp sau nhé

– Hạn chế “hãy”, “cần phải”, “nên” ít nhất có thể.

– Nhờ người khác đó đọc thử.

– Kể câu chuyện của bản thân để độc giả tự rút ra bài học cho mình.

Nội dung này mình từng chia sẻ khá chi tiết trong bài viết: Làm thế nào để tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc?

Sợ viết sai

Mình thì luôn nghĩ, thà viết sai còn hơn là không viết. Chí ít khi viết sai, bạn còn có cơ hội để sửa, để làm lại; nhưng khi không viết bạn sẽ chẳng biết mình sai ở đâu, gặp vấn đề gì để cải thiện.

Một trong những nỗi sợ khi viết của newbie là sợ sai chính tả, sai ngữ pháp, sai đề/lạc đề,… Những nỗi sợ này có thể khắc phục được chỉ cần bạn kiên trì thực hành. Đầu tiên bạn có thể thử những chủ đề tự do hoặc 45+ ý tưởng viết được mình gợi ý trên duongstory.com. Sau đó bạn tự biên tập và ghi chú những lỗi sai bạn thường mắc trong một cuốn sổ tay. Cứ lặp lại như thế, bạn đã có cho mình một Checklist chi tiết và sử dụng nó để đối chiếu và chỉnh sửa bài viết sao cho tốt hơn.

Nếu bạn thường xuyên viết sai chính tả, hãy đọc nhiều, học nhiều từ vựng và sử dụng Từ điển tiếng Việt để tra cứu khi cần. Bên cạnh đó nghe nhạc cũng là cách để bạn có thể cải thiện vốn từ

Nếu bạn mắc lỗi diễn đạt, câu cú lủng củng, khó hiểu, hãy đọc sách hoặc xem các blog về viết lách để học hỏi xem cách viết của người khác.

Nếu bạn sợ viết lạc đề, hãy dành thời gian nghiên cứu chủ đề thật sâu, đồng thời lập dàn ý cho bài viết.

Nếu bạn chưa trang bị kỹ năng viết cơ bản, có thể làm bài tập trong ebook Viết từ số 0 của mình.

Sợ không biết bắt đầu từ đâu

Với những bạn newbie thích viết hoặc đang tìm hiểu về nghề viết, đôi khi bạn sẽ hoang mang khi tìm hiểu về lộ trình cho người mới bắt đầu. Bạn sẽ không hiểu content writing là gì, quy trình viết một bài chuẩn SEO ra sao, nên bắt đầu viết từ chủ đề gì,… 

Thực tế có rất nhiều bài chia sẻ về lộ trình cơ bản cho người viết trên internet, tuy nhiên nếu bạn chưa có sự hiểu biết cơ bản, sẽ rất khó để bạn biết mình cần phải làm gì, nên học gì trước/sau.

Trước khi bắt đầu một khóa học viết lách dù là miễn phí hay có phí, bạn hãy tự hỏi mình:

– Bạn thật sự thích viết hay chọn viết chỉ vì cho rằng đây là công việc có thể làm từ xa (remote), làm tự do (freelancer)?

– Bạn chưa từng viết, chỉ viết nhật ký hay đã có bài viết được đăng báo/tạp chí?

– Kỹ năng viết của bạn đạt mức nào (yếu, trung bình, khá, tốt)?

– Bạn có thường viết sai chính tả hay có ai đó nhận xét câu văn của bạn khó hiểu?

Nếu bạn chưa từng viết hoặc đã viết nhưng chưa bạn cần trau dồi kĩ năng viết cơ bản thay vì tìm kiếm một khóa học về Content Marketing hay Copywriting. Bởi điều này có thể khiến bạn choáng ngợp về lượng kiến thức phải thu nạp.

Khi bạn đã có nền tảng vững chắc, viết ổn thì có thể bắt đầu học thêm về Content, Copywriting, viết bài PR báo chí. Đồng thời đừng quên xuất hiện tại các hội nhóm, cộng đồng về viết để có cơ hội chia sẻ, đôi khi khách hàng tương lai của bạn có ở đấy.

Có một câu nói của nhà diễn thuyết người Mỹ Les Brown mà mình rất thích: “Quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi.” Mình đã từng sợ hãi, đã từng lẩn trốn rồi lại chấp nhận, đương đầu và trở thành cây viết tự do như hôm nay.

Còn bạn, có nỗi sợ viết nào khiến bạn không dám sống với giấc mơ của chính mình? 

Trả lời