Sự khác biệt giữa viết cho chính mình và viết cho độc giả

Đa số những bạn mới bắt đầu tập tành viết lách, đa phần sẽ chọn viết cho chính mình. Thường là những câu chuyện đơn giản như hôm nay bạn trải qua những gì, bạn đọc được cuốn sách nào, có câu chuyện nào trong quá khứ khiến bạn nhớ mãi,… 

Tuy nhiên, kể chuyện cho chính mình sẽ khác với kể câu chuyện của mình cho độc giả. Đó là lý do bạn cần phải lưu ý những điều này để tránh viết lan man mà không đáp ứng được đối tượng độc giả mục tiêu.

Viết cho chính mình

Viết cho chính mình, đơn giản là viết nhằm phục vụ cho chính bản thân, như giải tỏa cảm xúc, bày tỏ tình cảm hoặc đơn giản là thỏa mãn sở thích muốn được viết ra, muốn bày tỏ, ghi chép lại, lưu giữ kỷ niệm.

Một số hình thức viết cho chính mình như viết nhật ký, thực hành Morning pages, Bullet Journal (liệt kê các sự kiện, công việc),… Những bài viết dạng này có thể đăng riêng tư (nhật ký) hoặc đăng công khai ở bất cứ nền tảng nào bạn mong muốn. 

Thực hành storytelling: Viết cho chính mình và viết cho độc giả

Như mình đã chia sẻ ở trên, ở hình thức viết cho chính mình, độc giả là chính bạn. Bạn là tác giả nhưng cũng là độc giả. Đó là lý do khi lựa chọn hình thức này, người viết không cần phải quan trọng bài viết có đúng chính tả, đúng ngữ pháp hay không; cũng chẳng cần bận tâm tiêu đề có thu hút không, kết bài đã đủ ấn tượng hay chưa. Bởi mục đích của người viết chỉ là ghi chép lại và phục vụ cho cá nhân mình.

Thông thường với những người bắt đầu viết lách hoặc đi từ con số 0 để trở thành freelance writer, đa phần đều chọn hình thức viết cho chính mình. Bản thân mình cũng đã trải qua hành trình viết cho chính mình trước khi viết cho người khác (độc giả & khách hàng). Ngay khi đã trở thành một người làm full-time freelance writer, mình vẫn đang thực hành viết cho chính mình bằng cách thực hiện series Dành những ngày cuối năm để biết ở trên trang My whole life for writing.

Mình nhận ra khi viết cho chính mình, mạch viết thường trơn tru, trôi chảy hơn. Cảm xúc trong người cũng dễ dàng tuôn ra mà không gặp bất kỳ cản trở nào, bạn không cần lo lắng về độc giả có thích bài này không, hoặc có ai tương tác với nội dung của bạn không. Bạn chỉ cần viết ra mà thôi. Viết theo cách thức này giúp những cây viết mới thực hành viết hằng ngày dễ dàng hơn bởi chủ đề đơn giản, tự do.

Nếu bạn chưa biết viết gì, tham khảo một số bài viết liên quan trên blog mình nhé:

Làm thế nào để viết khi không biết viết gì?

30 chủ đề luyện viết mỗi ngày giúp bạn viết tốt hơn

Sử dụng kỹ thuật storytelling để viết cho chính mình

Storytelling cho blog: Làm thế nào để kể chuyện hấp dẫn?

Viết cho độc giả

Khác viết cho chính mình, khi viết cho độc giả, bạn phải đáp ứng được nhu cầu đọc hiểu tối thiểu của họ. Bài viết lúc này không thể có nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp nữa mà thay vào đó phải đáp ứng tối thiểu yêu cầu của một bài viết đúng.

Tất nhiên viết cho độc giả, câu chuyện vẫn là của bạn, giọng điệu vẫn là của bạn, chỉ có độc giả lúc này không phải là bạn nữa mà có thể là một bạn nhỏ 15 tuổi, một bà mẹ bỉm sữa hay một vị độc giả 60 tuổi. 

Trong các khóa học viết 1:1, mình luôn nhắc nhở học viên nếu viết cho chính mình thì bạn kể gì cũng được, nhưng nếu viết cho độc giả thì nên tiết chế những gì mang tính cá nhân. Bởi không phải ai cũng muốn nghe (hoặc đủ kiên nhẫn để nghe) những câu chuyện lặt vặt của chính bạn cả.

Thực hành storytelling: Viết cho chính mình và viết cho độc giả

Chẳng hạn bạn muốn kể lại câu chuyện mình chẳng may bị đứt tay khi nấu ăn, bạn có thể viết cho chính mình bằng cách bộc lộ cảm xúc đau đớn, tủi thân, cô đơn,… khi đứt tay. Các câu văn có thể rời rạc, chẳng rõ nghĩa, vì đơn giản bạn cần giải tỏa cảm xúc. Nhưng khi bạn muốn kể lại câu chuyện đó cho độc giả (hoặc người theo dõi bạn), thì nên viết rõ ràng, logic và mạch lạc hơn; đặc biệt đừng nên nói quá nhiều về cảm xúc. Thay vào đó hãy hướng đến những giá trị khác, chẳng hạn như việc đứt tay khiến bạn nhận ra bài học gì, bạn cảm thấy mình cần làm gì, bạn khắc phục ra sao,… Kể với độc giả câu chuyện và cảm xúc của bạn, nhưng đừng quên nói cho họ về bài học, thông điệp, giải pháp. Để biết đâu đó khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, họ sẽ nhận ra được điều gì đó, câu chuyện của bạn sẽ giúp ích được cho ai đó.

Lưu ý khi viết cho độc giả, bạn cũng cần tránh viết khuyên răn giáo huấn độc giả. Bạn có thể tìm hiểu thông qua bài viết trước đây của mình: Làm thế nào để tránh viết khuyên răn giáo huấn người đọc?

Viết cho độc giả, bạn nên  tốt nhất vẫn nên có 3 phần: mở – thân – kết. Tất nhiên sẽ không bắt buộc phải là 3 phần như bài tập làm văn khi thời đi học, tuy nhiên bạn nên có phần gợi mở để độc giả biết bạn đang nói về chủ đề gì.

Khi chọn hình thức storytelling, mình thấy một số bạn vào đề quá dài, tức là kể một câu chuyện nhưng lại chiếm hơn một nửa dung lượng bài viết. Điều này sẽ làm cho bài viết lan man dài dòng. Ngoài ra bạn cũng đừng quên viết lời dẫn vào thân bài và dòng kết để tóm gọn nội dung lại nhé.

Viết cho khách hàng

Viết cho khách hàng hoàn toàn khác với viết cho chính mình hoặc viết cho độc giả. Đây là một kiểu viết thương mại nhằm mục đích phục vụ cho việc cung cấp kiến thức về sản phẩm dịch vụ, mục đích bán hàng, PR hoặc là các mục đích kiếm tiền khác. 

Trong bài viết này, mình chỉ đề cập đến một phần nội dung về viết cho khách hàng để những cây viết mới có thể tìm hiểu trước khi trở thành cây viết thương mại. Đó là trước khi viết, bạn cần tự trả lời những câu hỏi sau:

– Bài viết này nhằm mục đích gì? (bán hàng, cung cấp thông tin, xây dựng thương hiệu,…)

– Bài viết này phục vụ cho đối tượng khách hàng nào (độ tuổi, tầng lớp, thu nhập, sở thích,…)

– Bài viết này cần có giọng điệu thế nào (bắt trend hài hước, gen Z tươi trẻ, chín chắn trưởng thành, logic với số liệu rõ ràng,…)

– Bài viết này đăng tải ở nền tảng nào (Instagram, Facebook, blog/website,…)

Để có được đáp án chính xác, khoanh vùng độc giả, bạn sẽ phải làm nhiều việc không đơn giản chỉ là ngồi tự trả lời. Đó có thể là ngồi trao đổi, làm việc với chủ doanh nghiệp, nghiên cứu, đọc số liệu,… để vẽ ra chân dung khách hàng. Từ đó nội dung bạn cung cấp sẽ thỏa mãn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên để có một bài viết đáp ứng được những điều này, người viết cần trải qua quá trình dài học hỏi và thực hành. Mình sẽ chia sẻ thêm ở các bài viết sau nhé.

Dù cho bạn chọn viết cho chính mình hay viết cho độc giả, thì mình luôn mong rằng, những gì bạn viết ra là những điều bạn mong muốn được thổ lộ, là những gì từ tận đáy lòng của bạn. Vì mình tin rằng khi viết ra bằng một trái tim chân thành, bạn sẽ hạnh phúc hơn.

Trả lời