Mình viết cuốn sách đầu tay Nằm nghe gió thổi sau hè trong 1 năm, nhưng chỉ mất 1 tháng để hoàn thành cuốn sách với dung lượng tương tự cho khách hàng. Vậy làm thế nào để mình đạt được hiệu suất công việc cao như thế? Dưới đây là một số bí quyết mà mình áp dụng để chấp bút sách cho khách hàng ở một lĩnh vực hoàn toàn mới chỉ với 30 ngày viết liên tục.
Tham vấn chuyên môn từ chuyên gia
Trong bài viết Viết sách thuê cho người khác – Nghề hot dành cho Freelance Writer được đăng tải trên duongstory.com, mình có chia sẻ về nghề chấp bút. Đây là công việc được nhiều cây viết muốn theo đuổi vì thù lao cao, tuy nhiên như mình chia sẻ, bởi vì công việc này đòi hỏi kỹ năng cao.
Thông thường một Ghostwriter sẽ nhận những dự án chấp bút sách với lĩnh vực không nằm trong chuyên môn của họ. Chẳng hạn như một nhà văn mà mình quen từng chấp bút sách cho khách hàng ở lĩnh vực xây dựng; họ sẽ phải dành thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng về lĩnh vực này, bao gồm các thuật ngữ cơ bản, thông số, vật liệu, cấu trúc và hàng trăm những kiến thức quan trọng khác. Quá trình này đôi khi mất từ 2 đến 4 tuần.
Còn mình may mắn có được sự hỗ trợ của một chuyên gia với 7 năm kinh nghiệm trong nghề, vậy nên trong quá trình viết, mình không mất nhiều thời gian phân tích, nghiên cứu tài liệu. Thay vào đó mình được các buổi đào tạo trực tiếp từ chuyên gia, điều này giúp mình rút ngắn thời gian tìm hiểu.
Sau khi trò chuyện với khách hàng trong buổi họp đầu tiên, mình bắt đầu nghĩ về cấu trúc sơ bộ cho sách. Mình bắt tay vào vẽ sơ đồ tư duy để cho mọi thứ hiện hữu rõ hơn. Nếu bạn cũng đang theo đuổi công việc chấp bút sách và gặp khó khăn ở khâu lập dàn ý cho cuốn sách, hãy thử vẽ sơ đồ tư duy bằng các công cụ như Draw.io hay Coggle nhé. Dựa vào sơ đồ tư duy, có thể bạn sẽ biết cuốn sách của mình sẽ đi theo hướng nào, cần nội dung gì. Nhờ sự đánh giá từ chuyên gia, mình nhanh chóng hoàn thiện đề cương cho cuốn sách và gửi cho khách hàng chỉ sau 5 ngày làm việc.
Thông thường khi nhận dự án chấp bút sách, thù lao của người viết sẽ bao gồm tất cả các đầu mục như suy nghĩ tựa sách, đề cương sách, phần nội dung bên trong, biên tập,… Tuy nhiên cách báo giá của mình sẽ có sự khác biệt. Đề cương sơ bộ của mình sẽ có mức phí riêng vì đòi hỏi thời gian dày công nghiên cứu. Ví dụ: Mức giá chấp bút = Chi phí lập dàn ý cho cuốn sách + Chi phí viết sách.
Lên danh sách thông tin cần bổ sung
Mình thường không có thói quen viết ngay khi nhận đề tài, kể cả khi chấp bút sách hoặc là viết content cho khách hàng. Thông thường, mình sẽ đọc và nghiên cứu xem thử cuốn sách của mình cần có những thông tin gì. Sau đó mình sẽ lên danh sách toàn bộ những câu hỏi cần giải đáp và gửi cho khách. Điều này nhằm giúp tối ưu thời gian cho hai bên và khách hàng sẽ dễ dàng chuẩn bị câu trả lời.
Một số mẹo dành cho bạn là khi trò chuyện với khách hàng để lấy tư liệu:
– Thực hành ghi chép nhanh, nghĩa là bạn cần ghi chú lại những thông tin quan trọng: có thể là từ khóa, các con số,…
– Tiến hành ghi âm/quay video lại buổi nói chuyện để có thể thu thập thông tin đầy đủ và chính xác. Bạn đừng quên thông báo với khách hàng trước khi làm điều này nhằm tôn trọng quyền riêng tư nhé.
– Nên đặt những câu hỏi mở “How” (như thế nào) để khách hàng dễ dàng trả lời thay vì câu hỏi Yes/No (Đúng/Sai).
– Luôn bắt nhịp với khách hàng để tìm ra những điểm chạm, những câu chuyện sinh động đưa vào cuốn sách.
Sau khi có đầy đủ thông tin, mình bắt đầu sắp xếp lại tư liệu để đảm bảo các thông tin đưa vào bài đúng logic, đúng với tiến trình của một cuốn sách.
Đọc thêm:
Viết cuốn sách đầu tay, cần lưu ý những gì?
Hướng dẫn đăng ký khóa học Viết nâng cao của Hải Dương
Chữa bí từ, làm đầy “chiếc túi ngôn từ” với 7 đầu sách cực hay
Gia tài của mình sau 2 năm làm freelance writer là 5 cuốn sách và 3 ebook
Lên kế hoạch viết bài cụ thể
Mình làm việc luôn luôn có kế hoạch, ngay cả khi xây dựng nội dung cho blog duongstory.com hay bất kỳ một sự kiện nào diễn ra. Điều này nhằm giúp mình đảm bảo được công việc diễn ra đúng hướng. Trong kế hoạch chấp bút sách của mình bao gồm thời gian viết và số lượng chữ cần hoàn thành.
Ví dụ, trong 5 ngày mình sẽ hoàn thành khoảng 7.000 từ bao gồm nghiên cứu và tìm ví dụ. Như vậy, KPI mà mình đặt ra cho bản thân là mỗi ngày phải viết ít nhất 1.400 từ. Đồng thời cứ đều đặn sau 5 ngày, mình sẽ báo cáo với khách số lượng từ mà mình đã viết, vừa giúp khách hàng an tâm và mình cũng tự ý thức được công việc bản thân.
Một số bạn làm nghề viết lách tự do chưa rèn sự kỷ luật, nên đôi khi xảy ra tình trạng nước đến chân mới nhảy. Tuy nhiên mình đã theo đuổi công việc này hơn 2 năm và thực hành viết hằng ngày trong 3 năm, nên với mình viết lách như hơi thở. Bất cứ khi nào có dự án cần tập trung, mình đều lập kế hoạch bài bản và bắt đầu ngồi vào bàn viết.
Tập trung và tập trung khi viết
Nếu ngồi vào bàn làm việc, mình rất dễ bắt nhịp và viết rất nhanh, chẳng hạn như 7 giờ sáng mình gõ thì 11 giờ trưa mình có thể hoàn thành được 2.000 từ. Đây là thời gian suy nghĩ, nghiên cứu, kiểm chứng thông tin và viết.
Thông thường, nhiều người có thói quen sao nhãng khi viết, tức là khi đang tìm kiếm thông tin, họ dễ dàng sa đà vào những bài viết trên báo chí hoặc mạng xã hội. Để rồi sau đó một, hai tiếng trôi qua, việc tìm kiếm thông tin chưa kết thúc và bài viết dở dàng.
Đó là lý do mà email làm việc không liên kết với mạng xã hội nào. Nghĩa là khi mình mở trình duyệt tương ứng với email đó lên, mình sẽ hoàn toàn tập trung vào công việc mà không bị sao nhãng bởi âm báo tin nhắn từ Facebook hay là thông báo từ LinkedIn.
Tốc độ đánh máy nhanh
Trước đây, có một lần trong lúc chờ đợi gọi món, mình đã gõ nhanh một bài với độ dài gần 400 từ để đăng trên mạng xã hội. Đó là khi viết trên điện thoại – một thiết bị chậm hơn nhiều so với gõ trên máy tính.
Từ năm 2 Đại học, vì tính chất ngành học Báo chí truyền thông đôi khi phải tốc ký, nên mình đã luyện tập gõ 10 ngón để phục vụ cho công việc. Sau này dù không trở thành phóng viên, nhưng tốc độ gõ nhanh cũng giúp mình hoàn thành các bài content cho khách nhanh chóng.
Bên cạnh gõ phím, bởi vì thời gian dài luyện viết hằng ngày, nên tốc độ suy nghĩ của mình cũng nhanh không kém. Như là khi nhận được một chủ đề, trong đầu mình đã bắt đầu rục rịch nghĩ về ý tưởng, dàn ý sơ bộ và mường tượng đoạn mở hay câu kết sẽ viết như thế nào.
Tựa như khi mình họp bàn với khách về quá trình viết bản thảo sách, khách chỉ cần chia sẻ về nội dung, mình đã có ý tưởng về cấu trúc sách như thế nào, nội dung sẽ viết ra sao,… Đó là lý do mình hoàn thành cuốn sách cho khách chỉ trong vòng một tháng.
Tìm trợ lý biên tập nội dung
Trước khi dự án bắt đầu, mình đăng thông báo tìm trợ lý biên tập. Như bạn biết, công việc của mình chủ yếu là viết lách, bao gồm viết content cho khách hàng, viết sách, viết nội dung blog,… Do vậy một trợ lý biên tập sẽ giúp mình rà soát nội dung lần cuối trước khi xuất bản hoặc gửi đến cho khách hàng.
Tương tự với dự án sách lần này, mình cũng có trợ lý biên tập để giúp mình soát lỗi morat và góp ý về mặt nội dung để mình hoàn thiện bảo thảo. Nhờ có trợ lý biên tập, quá trình viết sách diễn ra suôn sẻ hơn và mình hoàn thành đúng kế hoạch cam kết trong hợp đồng.
Tất nhiên những gì mình chia sẻ trong bài viết này cũng chỉ là một phần. Để hoàn thành công việc chấp bút sách suôn sẻ trong vòng 1 tháng như hôm nay, đó là kết quả của nỗ lực viết hằng ngày suốt nhiều năm trước đây. Trong suốt quá trình viết sách, mình không bị bí ý tưởng, không bị bí từ, câu viết trôi chảy mượt mà. Mình tin bạn cũng sớm có được thành quả giống như mình, miễn là bạn chăm chỉ và đôi khi cần có một mentor đồng hành.